"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít"

** Quang-Trung **

 

          Về giáo dục trẻ em: 10 lý do để cho trẻ con học tiếng Việt 

 

Trẻ em Việt nam hải ngoại đương nhiên dùng ngôn ngữ chính là tiếng nước mình đang ở (trong bài này chúng ta sẽ bàn về trường hợp ở Mỹ cho tiện, hoàn cảnh các nơi khác cũng tương tự). Tuy nhiên, người lớn chúng ta thỉnh thoảng vẫn “bắt chẹt” một đứa trẻ gốc Việt đang ngẩn người ra lúc chúng ta nói tiếng Việt với nó:

- Sao người Việt nam mà không biết nói tiếng Việt?

Nếu chúng ta đặt câu hỏi như vậy, thì chúng ta cũng phải trả lời được câu chúng có thể hỏi lại:

- Tại sao chúng con phải biết nói tiếng Việt? Chúng con là người Mỹ gốc Việt, đâu phải người Việt tại Việt nam?

Chúng ta thử tìm cách trả lời câu hỏi trên:
 

1) Con cái chúng ta tuy ở Mỹ nhưng gia đình và một phần quan trọng của cộng đồng chúng ta sống là người Việt, nói tiếng Việt là chính. Theo thống kê của Hoa kỳ năm 1993, 92 % người Việt nói tiếng Việt trong gia đình, và 62% người Việt không nói được tiếng Mỹ lưu loát[1]. Nếu chỉ xét đến người già như ông bà, cha mẹ của các người trưởng thành, khả năng tiếng Mỹ càng thấp hơn.

 

2) Dù người cha mẹ có trình độ khá cao về tiếng Mỹ (ví dụ tốt nghiệp đại học Mỹ), khả năng tiếng Mỹ có thể chỉ giới hạn trong đời sống chuyên môn, xã hội của người đó. Người đó có thể nói chuyện với con cái về những đề tài đơn giản hàng ngày, nhưng khó có sự trao đổi hoặc chia sẻ sâu xa về những lãnh vực tình cảm, thưởng thức nghệ thuật, tôn giáo và tâm linh. Những lãnh vực này đòi hỏi một sự thấm nhuần ngôn ngữ khó thực hiện được bằng tiếng Mỹ giữa người thế hệ thứ nhất (tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ) và người thế hệ thứ hai không có tiếng mẹ đẻ mà chỉ có ngôn ngữ chính là tiếng Anh.

 

3) Ngoài mục đích dạy dỗ con cáí bị giới hạn, trẻ con không nói được tiếng Việt cũng là cho những người không nói được tiếng Anh trong gia đình như ông bà, người lớn tuổi khác cảm thấy bị cô lập, cô đơn hơn. Đứa trẻ không nói được tiếng Việt ít hiểu biết về lễ nghi của người Việt và gây tổn thương tới tự ái của họ. Đôi khi còn nguy hiểm vì trong tình trạng cấp cứu, họ không biết truyền đạt mạch lạc với con cháu không hiểu tiếng Việt.

 

4) Trẻ không biết tiếng Việt và không hiểu những sách báo, dĩa nhạc bằng tiếng Việt có thể không hiểu được giá trị của những biểu hiện tốt của văn hoá gốc của mình, dễ có mặc cảm tự ty về nguồn gốc mình và dễ bị những áp lực không tốt từ bạn bè vì thiếu tự tin.

 

5) Ngôn ngữ là một rào cản vô hình nhưng rất hữu hiệu. Chúng ta nếu có dịp đi dến một xứ mà chúng ta không biết tiếng như nước Nhật chúng ta sẽ hiểu ngay: chúng ta sẽ bị biến thành một người mù, người điếc và người câm ngay trong những hoàn cảnh giản dị nhất: tìm một tên đường, hỏi một số nhà, mua môt ly cà phê. Đứa trẻ không biết tiếng Việt cũng sẽ gặp hoàn cảnh tương tự ngay trong gia đình nó: sách của ba nó đọc là sách gì, món ăn ở Việt nam là món ăn gì, ông nội ở Việt nam bị bịnh gì… nếu không có người dịch lại (mà mấy người có khả năng dịch tất cả các thứ đó?), đứa trẻ hay cậu thanh niên sẽ xem như mình đang ở trong một gia đình xa lạ.

 

6) Trong bộ óc của chúng ta, có những vùng phụ trách về ngôn ngữ. Trước đây người ta tưởng rằng, nếu đứa bé phải học thêm một hoặc nhiều ngôn ngữ khác, vùng óc dành cho ngôn ngữ chính (tiếng Anh) sẽ bị giới hạn lại. Điều này hiện nay đã bị chứng minh là sai. Khả năng của bộ óc có thể phát triển theo nhu cầu những ngôn ngữ khác mà chúng ta học và sử dụng, những ngôn ngữ mới tại nên những vùng phụ trách mới hoặc tạo nên những nối kết mới đa dạng hơn. Do đó bộ óc người đa ngôn ngữ dẽo dai hơn và như một khảo cứu gần đây còn cho thấy người đa ngôn ngữ (theo thống kê) thông minh hơn, lúc già có khuynh hướng bị bịnh lẫn chậm hơn là người chỉ dùng được một thứ tiếng[2].

 

7) Những khảo cứu về ngôn ngữ cho biết nếu trẻ học một ngôn ngữ thứ nhì trong những năm đầu đời thì dễ dàng hơn và nói đúng giọng hơn[3]. Thật vậy, sau khoảng 7 tuổi, đứa trẻ chỉ còn nhận ra số âm giới hạn của ngôn ngữ thứ nhất của nó, những âm ngoài ngôn ngữ đó sẽ rất khó học sau khi đã lớn. Bs Patricia Kuhl ở Washington University chứng minh rằng đưá bé 7 tháng ở Seattle, Mỹ hay đứa bé 7 tháng ở Tokyo đều phân biệt giữa âm “R” và “L” (nghĩa là chúng phản ứng khác nhau khi nghe hai âm khác nhau). Nhưng vì tiếng Nhật không phân biệt hai âm này (đọc ‘rake’ hay ‘lake’ cũng như nhau), đến 11 tháng thì đứa bé ở Nhật không còn phân biệt hai âm này được nữa. Trái lại, các trẻ em dưới 12 tháng được tiếp cận với hai thứ tiếng sẽ phát triển hai hệ thống thần kinh khác nhau (two separate neural circuits) mà không làm tiến trình học nói của nó chậm trể hơn, do tính dẻo dai (flexibility) của bộ óc còn non nớt. Sau tuổi dậy thì, thì sự học ngoại ngữ khó khăn hơn, khó lưu loát như người bản xứ.

 

8) Dân số Việt Nam hiện nay trên 91 triệu người, tiếng Việt là một trong hai mươi thứ tiếng được nói nhiều nhất trên thế giới. Mặc dù những giới hạn của điều kiện lịch sử hiện tại, do những triển vọng văn hóa do hiện tượng toàn cầu hóa đem đến cho mỗi người trên trái đất, vai trò của người Việt nam trong thế giới của thiên niên kỷ mới không phải là nhỏ.

 

9) Qua một lứa tuổi nào đó trong sự trưởng thành, phần đông chúng ta sẽ muốn tìm hiểu về ông bà tổ tiên của mình, về cội nguồn văn hóa, lịch sử, tôn giáo tâm linh của mình. Cái vốn liếng mà chúng ta cho con cái chúng ta trong lúc dạy dỗ chúng bằng tiếng Việt sẽ là những nền móng quí giá sau này lúc chúng lớn lên, bắt đầu ý thức về chiều dài quá khứ và viễn tượng tương lai của chính mình, của gia đình và cộng đồng người Việt.

 

10) Tuy là một nước nhỏ, Việt nam là một nước có lịch sử, có truyền thống văn hoá lâu đời. Tuy chúng ta chỉ mới dùng mẫu tự la tinh (abc) trong vài trăm năm, tiếng Việt của chúng ta đã “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi” hàng mấy ngàn năm. Có người bỏ bao công sức để học ngôn ngữ, nghiên cứu lịch sử người Maya Trung Mỹ, hay người Do Thái đã mất nước, mất tiếng nói từ mấy ngàn năm, thì tại sao chúng ta lại không thể bỏ công sức tìm hiểu về ngôn ngữ và văn hóa, nếu không rực rỡ thì ít lắm cũng có thể gọi là phong phú và đáng bảo tồn của chúng ta?

 

Bs Hồ Văn Hiền

 

7-28-2009 4-13-2013

--------------------------------------------------------------------------------

 

[1] Asian American/Pacific Islander Profile (US Department of Health and Human Services)

http://www.omhrc.gov/templates/browse.aspx?lvl=2&;lvlID=53

[2] Bilingualism Has Protective Effect In Delaying Onset Of Dementia By Four Years, Canadian Study Shows http://www.medicalnewstoday.com/articles/60646.php [3] Unraveling how children become bilingual so easily (Associated Press; July 21, 2009