Thi SAT, ACT vào đại học,

chỉ số thông minh (IQ),

và chứng trì trệ tâm trí.

BS Hồ Văn Hiền

 

"Thiên hạ thường hay nói dại khôn,

Biết ai là dại biết ai khôn..."

Khôn cũng chết, dại cũng chết, chỉ biết mới sống.

(Trang tử)

Đọc báo tiếng Việt về một nhân vật nào đó đã già và thành danh, chúng ta thỉnh thoảng cũng ngạc nhiên được nhắc nhở là vị đó từng đổ đầu kỳ thi nào đó, hay đổ ưu hạng tú tài cách đây 40, 50 năm, xem như một chỉ dấu, qua bao năm tháng vẫn bền vững, về mức độ thông minh của người đó.Tuy nhiên, gần đây một bài báo đăng trong Wall Street Journal còn đáng ngạc nhiên hơn. Lúc một kỹ sư, chuyên gia đi xin việc tại một công ty, một hãng nào đó, người ta có thể bắt mình phải khai điểm SAT (Scholastic Aptitude Test), và đấy là chuyện thường xảy ra.

Mặt khác, gần đây người ta lại càng ý thức hơn là thông minh thuần tuý không đủ để làm việc có kết quả tốt chung với người khác. Ý niệm về "chỉ số cảm xúc" (viết tắc là EQ), nhấm mạnh về vai trò của cảm xúc trong tương quan xã hội để đi đến thành công. Nhà lý thuyết Howard Gardner của Đại Học Harvard định nghĩa EQ như sau: "Chỉ số EQ của bạn đo mức khả năng bạn hiểu người khác, hiểu những động cơ thúc đẩy họ, và làm thế nào bạn làm việc để hợp tác với họ" ( “Your EQ is the level of your ability to understand other people, what motivates them and how to work cooperatively with them").

Học sinh ở Mỹ thi SAT lúc chừng 17 tuổi, lúc còn ở lớp 11, để chuẩn bị thi vào đại học. Thi hai môn: toán và Anh ngữ. Trước đây phần Anh ngữ tối đa là 800 điểm, toán 800; điểm trung bình là 1000. Hiện nay, Anh văn chia gồm 2 phần khác nhau,("đọc và phê phán" ["critical reading"], và viết), điểm trung bình cho 3 phần là 1498, điểm tối đa cho 3 phần là 2400. Tuy nhiên, năm 2016, SAT sẽ trở về lại format cũ, bỏ phần 3 ( 25 phút) viết tiểu luận, thi gồm 2 phần và điểm tối đa là 1600. Một kỳ thi khác cạnh tranh với SAT mà học sinh Mỹ có thể chọn là ACT (American College Testing), từ 1-36 điểm, điểm trung bình cho 4 phần là 21. Thi ACT gồm 4 mục: Anh văn,Toán, Đọc (Reading) và Lý luận khoa học (Science reasoning test).

Điểm SAT đang có khuynh hướng tụt dần trong những năm vừa qua trong mọi sắc dân ở Hoa Kỳ. Ngoại lệ duy nhất là dân "Asians" nhưng đúng hơn là Đông Á, như gốc Hoa, Nhật, Đại Hàn, Việt Nam, thuộc vùng văn hoá gọi là "Khổng học". Nhóm này điểm SAT cao hơn 41 điểm so với mức trung bình cả nước.

Hiện nay sinh viên Á châu chiếm trên dưới một phần ba số sinh viên các đại học hàng đầu Mỹ. Riêng ở hệ thống đại học công California, sinh viên Á châu đã thành đa số. Riêng tại Đ. H. Berkeley, Á châu chiếm 43% số sinh viên được nhận vào năm 2013, gần gấp đôi dân da trắng.

Một dự luật gọi là Senate Constitution Amendment No 5 (SCA5) được một nghị sĩ gốc Hispanic đề xướng đang gây sôi nổi ở bang California và liên hệ đến điểm SAT. Theo những người gốc Á châu chống đối, hiện nay hiến pháp tiểu bang cấm kỳ thị lúc nhận sinh viên vào đại học công của California căn cứ trên chủng tộc, màu da, ngưồn gốc (Prop. 209, November 1996). Dự luật SCA5 đang tìm cách bãi bỏ điều cấm này đối với khu giái dục công (public education), và hợp pháp hoá chế độ ưu tiên cho một số sắc dân tương đối chưa được đại diện đúng theo tỷ lệ dân số (underrepresented) lúc những sinh viên mới được xét vào đại học. Do đó SAT người Asian sẽ bị trừ bớt đi 140 điểm và người gốc Châu Phi hay Hispanics coi như được kênh lên 360 điểm. Dự luật này còn phải qua quốc hội khoáng đại (General Assembly, và nếu được lọt phải đưa ra trưng cầu dân ý).

Có một số khảo cứu cho rằng điểm SAT tương ứng với chỉ số thông minh và tiên đoán thành công sau này trong đường đới của người thiếu niên đó. Cơ quan tổ chức thi The College Board, thì cho biết rằng đây chỉ là một cách đo lường khả năng học hành cho sinh viên khi vào năm đầu đại học mà thôi. Tuy nhiên, dù muốn dù không ảnh hưởng của SAT cũng như thứ hạng trong kỳ thi Tú tài ngày xưa của chúng ta như là một dấu tích của trí thông minh không ít thì nhiều sẽ vẫn còn "vương vấn " mãi, có khi mấy chục năm sau. Cũng vậy, những thước đo khác có tham vọng đo lường trí thông minh có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài hơn là những năm mài đũng quẩn trên ghế nhà trường. Chúng ta sẽ tìm hiểu sau đây nguồn gốc và giá trị, ý nghĩa của những việc đo lường như thế, nhất là chỉ số thông minh, thường gọi là IQ.

Vài nét lịch sử phát triển trắc nghiệm trí thông minh

Cuối thế kỷ thứ 19, các nhà khảo cứu về tâm lý bắt đầu nghiên cứu những phương pháp đo đạt khả năng trí tuệ của con người, trong môn học gọi là anthropometry, tạm dịch là nhân trắc học. Ví dụ:

Độ khó khăn của bài toán được giải đúng tương ứng với một mức tuổi nào đó của đa số trẻ tìm được câu trả lời đúng cho câu hỏi đó.Từ đó người ta lập nên những nấc thang gọi là "mental age" (viết tắc là MA, tiếng Pháp là âge mental), tạm dịch là "tuổi tâm trí". Ví dụ một đứa bé 10 tuổi đời mà giải được các câu hỏi dành cho đứa bé 12 tuổi (trung bình), thì tuổi tâm trí (MA) của nó là 12.

IQ viết tắc từ chữ Intelligence Quotient trong tiếng Anh. Nguồn gốc của nó là tiếng Đức vì Wlliam Stern, người Đức , năm 1912 đề ra phương pháp tính trí thông minh bằng một thương số (quotient) như sau: IQ=100 xMA/CA, áp dụng suốt đời, không lệ thuộc vào tuổi tác.

MA là “mental age”, “tuổi tâm trí”, là tuổi của mức trưởng thành tâm trí, CA là chronological age, tuổi đời tính theo năm sanh. Ví dụ, đứa bé 10 tuổi lúc test thì đạt mức phát triển tâm trí MA là 12 tuổi, IQ của trẻ đó tính ra là IQ=100x12/10=120. Trong lý thuyết, thì người trung bình sẽ có IQ là 100, nghĩa là theo định nghĩa, đứa trẻ trung bình đạt được MA ngang với tuổi đời của nó. Lewis Terman, một nhà tâm lý Mỹ ở Đại học Stanford, áp dụng ý tưởng này và cải tiến những phương pháp đo trí thông minh từ thời Binet. Một trong những test loại này là Stanford-Binet Intelligence Scales, được gọi tên như vậy do phương pháp của Binet (Pháp) được dịch qua tiếng Anh, bổ túc và ứng dụng ở Đại học Stanford (California , Mỹ)

Hiên nay thì người ta không dùng công thức trên để tính IQ nữa vì những giới hạn của phương pháp này: khó áp dụng cho người đã trưởng thành, vì sau một tuổi nào đó , chúng ta không thể giả định là mức phát triển của tâm trí có tăng với thời gian hay không (ví dụ cùng một người, lúc 30 tuổi người đó có “khôn “ hơn lúc mình   25 tuổi hay không, hoặc là lúc 60 tuổi mình có khôn hơn lúc mình 40 tuổi hay không). Ngoài ra, phương pháp cũ cũng cho quá nhiều những kết quả IQ cao quá đáng có thể không hợp với thực tế.

Những phương pháp trắc nghiệm mới (ví dụ Wechsler Adult Intelligence Scale or Wechsler-Bellevue Intelligence Test [1939] ; Wechsler Intelligence Scale for Children [WISC, 1949]) có lối tính phức tạp hơn và cho một chỉ số tuy vẫn gọi là IQ nhưng không dùng thương số (quotient) tuổi tâm trí chia cho tuổi đời (MA/CA) như vừa nói mà dùng chỉ số đo độ lệch (deviation score) của một thí sinh so với trị số trung bình và độ lệch chuẩn cho mỗi nấc tuổi (“a method that calculated IQ by converting the sum of subtest scores into a standard score, using the mean and standard deviation at each age level” (Boake)).

David “Wex” Wechsler (1896-1981) là một nhà tâm lý Mỹ phụ trách về các trắc nghiệm tâm trí được thực hiện rộng rãi trong quân đội Mỹ trong thế chiến thứ nhất, sau này trở thành trưởng khoa tâm lý của bịnh viện Bellevue ở New York. Ông có công thiết kế loại test mới thay thế cho những test của Binet, hầu áp dụng thích hợp hơn cho người lớn, và ít trông cậy hơn vào khả năng ngôn ngữ của thí sinh. Những “performance test” ("trắc nghiệm thực hành") cho phép đo khả năng của thí sinh không nói tiếng Anh (hoặc Pháp) và đo những khả năng ngoài khả năng về ngôn ngữ.[1]

Chỉ số IQ hiện nay

Hiện nay , IQ là một chỉ số có tính cách so sánh thành quả test của một cá nhân với điểm trung bình (median score) của những cá nhân khác với những đặc điểm tương tự, và xếp hạng xem cá nhân đó ở phần trăm nào (percentile) hoặc ở bao nhiêu độ lệch chuẩn [standard deviation] (SD) (thường là 15) trên hay dưới điểm trung bình đó. Ví dụ nếu IQ mình là 100, thì số người có IQ cao hơn IQ mình bằng số người IQ thấp hơn mình. Nếu IQ 120, thì trong 100 người IQ mình cao hơn chừng 90 người (chừng 90 percentile). Trong 100 người có một người có IQ 137, và IQ 150 thì hiếm hoi (1/000), và cở IQ 190 thì 75-100 triệu người mới có một người (ví dụ cả nước VN hy vọng có một người IQ cở 190)). Trên một biểu đồ phân phối tỷ lệ số người theo IQ từ thấp đến cao thì cho đường biểu diễn giống hình cái chuông, với có chóp, đỉnh ở giữa, bè ra hai bên. Do đó trong tiếng Anh “The Bell Curve” thường dùng để chỉ biểu đồ của IQ trong một tập thể nào đó.

Ở Mỹ , lúc gần xong trung học, các học sinh thường phải thi trắc nghiệm tên là Scholastic Aptitude Test (SAT, "trắc nghiệm khả năng học đường"), gồm phần toán và ngôn ngữ. Kết quả SAT quyết định một phần quan trọng tương lai học vấn lúc học trò xin vào các trường đại học. Trong quá khứ, SAT được phát triển từ các test thông minh cho quân đội Mỹ, và hiện nay có những dấu hiệu cho thấy SAT có tác dụng tương tự như các test đo IQ. [2]

Trong y khoa thường IQ được dùng để đánh giá các trẻ gặp vấn đề về học vấn cũng như những trẻ chậm phát triển về tâm trí. Ví dụ một trẻ học kém ở lớp, ngày xưa thầy cô than phiền là “học dốt’. Môt số trường hợp học kém , nếu cháu test có IQ mức trung bình hoặc đôi lúc cao hơn trung bình, nhưng cháu khọc kém trong lớp vì cháu không đọc được các mặt chữ một cách bình thường (dyslexia, ví dụ đọc ngược “top” thành “pot”, “left” thành “felt”, “lawn mower” thành “mawn lower”), hoặc cháu bị bịnh thiếu chú ý (attention deficit), hay quá năng động (hyperactivity), hoặc bị chứng trầm cảm (depression), thì sẽ cần những biện pháp đặc biệt để chữa trị những bịnh đó.

Trẻ có thể học dốt vì khả năng tâm trí (cognitive abilities) về tính toán, về ngôn ngữ (verbal skills), về trí nhớ (memory), về suy luận (reasoning). Trường hợp này trẻ có thể có IQ thấp, các chuyên gia tâm lý phụ trách về trắc nghiệm tâm lý test sẽ cho thấy những vùng yếu kém (như toán, hoặc ngôn ngữ) của đứa trẻ và người ta sẽ cho cháu học những lớp đặc biệt để nâng đở cháu về những mặt khiếm khuyết.
sat - act 1

(Credit: Charles Stangor, in “Introduction to Psychology”)

http://catalog.flatworldknowledge.com/bookhub/reader/127?e=stangor-ch09_s02

Những đứa trẻ trì trệ tâm trí (mental retardation) được xếp loại như sau:

IQ 70-80 “Vùng ranh giới” (Borderline), có thể học đến lớp 6, sống tự lập được, đi làm việc được, có lúc cần giúp đỡ

IQ 50-69 Nhẹ, MA 9-11(tuổi tâm trí 9-11lúc đã trưởng thành, học đến lớp 4-5, nếu huấn luyện, có thể tương đối sống độc lập, đi làm

IQ 35-49 Vừa (moderate), MA 5-8, chừng lớp 1-2, tự mặc áo, đi toilet, soạn thức ăn

IQ 20-34, Nặng (severe), MA 3-5 tuổi, tập biết tiêu tiểu, cần nâng đỡ rất nhiều.

IQ dưới 20: Sâu đậm (profound), MA dưới 3 tuổi. Không nói được, cần phụ để tiêu tiểu. Không học được.

(MA: Mental age)

Nguyên nhân:

1.Di truyền: như Hội chứng Down,[Down syndrome; trước đây gọi là "hội chứng Mông Cổ", mongolism], Hội chứng nhiễm thể X tổn thương [gồm trì trệ tâm trí, tai to, dịch hoàn lớn, chứng tự kỷ, tánh bạo hành] ( fragile X syndrome)

2. Bịnh lúc còn trong bụng mẹ (mẹ dùng thuốc xì ke ma túy,uống rượu (fetal alcohol syndrome), bị nhiễm trùng),

3. Sinh non,

4. Bịnh nội tiết nhất là bịnh suy tuyến giáp (hypothyroidism), bịnh biến dưỡng (được ngăn chặn rất nhiều nhờ những chương trình neonatal screening thử máu tất cả các trẻ sơ sinh ở Mỹ).

5. Ở VN có lẽ nên để ý các trường hợp ngộ độc chì (lead poisoning).
sat - act 2

Hội chứng Down ( Image credit Thinkstock)

Chữa trị:

Hiện nay không có thuốc trị bịnh tâm trí trì trệ. Những biện pháp huấn luyện, dạy dỗ giúp bịnh nhân có một cuộc sống ít nhiều độc lập và có ích cho xã hội tùy theo mức độ phát triển của mình. Có thể cần thuốc để kiểm soát các triệu chứng liên hệ như làm kinh (epilepsy), thiếu chú ý, quá năng động…

Những yếu tố có thể giúp IQ cao hơn:

1. Cho con bú sữa mẹ. Trong 90 % các trường hợp, sữa mẹ có một chất enzyme giúp tạo ra chất DHA và AA cần thiết cho não bộ (long-chain polyunsaturated fatty acids (LC-PUFAs): docosahexaenoic acid (DHA) and arachidonic acid (AA or ARA). Do đó bé nhờ bú sữa mẹ có thể có IQ cao hơn chừng 7 điểm [3]. Gần đây, một số formula có cho thêm chất DHA và AA với hy vọng lấy được lợi thế này của sữa mẹ.

Năm nay (2013)một khảo cứu của Bịnh Viện Trẻ em Boston công bố mới đây cho thấy các trẻ em được cho bú sữa mẹ có IQ cao hơn các trẻ khác 4 điểm, và sự khác biệt nảy độc lập với trí thông minh (IQ) của người mẹ. Điều này cũng hổ trợ cho khuyến cáo của American Academy of Pediatrics khuyên các bà mẹ cho em bé bú sữa mẹ thôi (exclusive breastfeeding) cho đến 6 tháng và sau đó tiếp tục cho bú mẹ cọng với các thức ăn khác ít lắm là lúc bé 12 tháng tuổi; sau đó tiếp tục cho bú đến lúc mẹ con muốn ngưng. [4]

2. Cải thiện môi trường gia đình và xã hội: môi trường phong phú thuận lợi cho phát triển tâm trí của em bé.

3. Môi trường càng nghèo nàn thì tiềm năng di truyền trên IQ càng khó bộc lộ ra. Cho nên , đối với trẻ nhỏ ảnh hưởng của môi trường trên IQ rất lớn, nhất là ở các xứ đang phát triển, ở đó môi trường sống của các em còn rất nhiều mặt chưa đạt tiêu chuẩn thế giới, sau đó khi đến tuổi trưởng thành thì yếu tố di truyền quan trọng hơn cả.

4. Như cách ngôn xưa : “ Một trí óc minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”. Điều này đã được khoa học chứng minh. Những vận đông cơ thể loại aerobic exercise (chạy nhảy, chạy bộ, chạy trên máy chạy tại chỗ treadmill) làm tăng IQ của các em cũng như tăng khả năng giải quyết bài toán của các thú vật thí nghiệm.[5] Các thú vật này có bộ óc to hơn và khi thi test thử trí thông minh của chúng, chúng giỏi hơn các con thú “ăn không ngồi rồi”. Trong một công bố của Đại học Illinois ở Urbana- Champaign, [6] người ta cho trẻ em 9-10 tuổi chạy treadmill và theo dõi óc của chúng bằng MRI và test khả năng trí óc của chúng. Kết quả cho thấy một số bộ phận ở đáy não (basal ganglia) lớn hơn và khả năng về thần kinh và tâm trí các trẻ này gia tăng, các em chú ý giỏi hơn, phối hợp tư tưởng và hành động tốt hơn (executive control). Đây là một trong những khám phá quan trọng , nhấn mạnh đến vai trò của vận động để giữ cho cơ thể khỏe, tráng kiện (fitness) đối với sức khỏe tâm trí của các em. Hiện nay, điều này lại khẩn thiết hơn, vì càng ngày các em càng ăn uống quá nhiều, quá mập, ít vận động cơ thể mà phụ huynh thì có thể muốn nhồi nhét mọi thứ vào đầu các em , không dành thì giờ cho các em chạy nhảy, vui đùa và giữ cho cơ thể các em khỏe (tráng kiện).

5. Liên hệ IQ trẻ em và IQ lúc già, bề dày võ não và bịnh lẫn người già.

Một khảo cứu gần đây do Sherif Kamara tại đại học McGill , Canada được công bố trên báo Molecular Psychiatry (6/4/20130, nghiên cứu 588 người Tô Cách Lan (Scots) sinh năm 1936, được đo IQ lúc 11 tuổi và lúc 70 tuổi, và scan MRI não bộ để đo bề dày võ não lúc họ 73 tuổi. Người ta thấy những người có IQ cao lúc còn trẻ , nay thấy những người đó có vùng chất xám (võ não) dày hơn và chỉ số thông minh IQ cao hơn những người khác. Hai khà năng có thể xảy ra: hoặc những người này do di truyền có võ não dày hơn người khác, và nhờ có võ não dày hơn, họ có trí thông minh , và chỉ số thông minh IQ cao hơn. Hoặc, từ căn bản, họ có những gien thúc dục họ học hỏi, hoạt động trí thức nhiều hơn người khác, do đó sự tăng hoạt động trí thức này suốt một cuộc đời làm cho võ não (cerebral cortex, gray matter) họ dày hơn trên kết quả scan của não bộ, làm cho IQ cao hơn .

Khảo cứu này cho thấy những người IQ cao từ nhỏ ít bị bịnh lẫn (dementia) của tuổi già hơn, nếu bị bịnh bịnh bắt đầu trể hơn, và nếu bị bịnh cũng bị nhẹ hơn những người IQ thấp.(7)

6.     Cuối cùng , vài điều về song ngữ và IQ.

·         Một số trẻ em tiếng mẹ đẻ không phải là Anh ngữ , nếu thi test IQ, phần về ngôn ngữ của chúng có thể rất thấp và chúng có thể bị dán lên cái nhãn “ mentally retarded” một cách sai lầm.

·         Vì vậy một số nơi, người gốc Mỹ la tinh đòi hỏi con cái họ được test IQ bằng tiếng Spanish (tuy nhiên dù có dịch ra tiếng mẹ đẻ của thi sinh, như tiếng Việt chẳng hạn, còn nhiều vấn đề khác, ví dụ test bằng tiếng Việt, thì bản dịch tiếng Việt có chuẩn hay không, dùng tiếng Việt nào, tiếng Việt ở VN, hay tiếng Việt ở Mỹ..)

·         Điểm thứ hai, các giáo viên của một số em có IQ thấp có thể không cho em học them tiếng nước ngoài vì sợ nhiều quá, em kham không nổi, tuy nhiên, thực tế cho thấy không có gì trở ngại mà còn giúp các em mở rộng chân trời hiểu biết, ngôn ngữ của mình.

·         Có những nghiên cứu cho thấy những người song ngữ (bilingual) (được học hành đàng hoàng) thi test IQ có điểm cao hơn (có thể do họ có hai, ba từ cho mỗi đồ vật hoặc ý niệm , và do đó có khả năng suy nghĩ đa dạng hơn (heterogenous set of abilities), sáng tạo hơn, uyển chuyển (flexibility) hơn là người ràng buộc trong một thứ tiếng). Trẻ chưa biết nói nhưng tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ có vẻ “lanh lợi” (executive control, khả năng kiểm soát động thái) hơn các bé khác.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

[Hien V. Ho, MD]

Fellow, American Academy of Pediatrics

Ngày 15 tháng 9, 2010-

Ngày 7 tháng 3, 2014

 

[1] Boake C. From the Binet-Simon to the Wechsler-Bellevue:

Tracing the History of Intelligence Testing.Journal of Clinical and Experimental Neuropsychology.2002, Vol. 24, No. 3, pp. 383±405

http://www.peekassociates.com/SMU/Projects/binetsimontowechslerbellevue.pdf

[2]http://www.pbs.org/wgbh/pages/frontline/shows
sats/interviews/lemann.html

[3] Caspi A. Moderation of breastfeeding effects on the IQ by genetic variation in fatty acid metabolism (http://www.pnas.org/content/104/47/18860.long)

[4] Mandy B. Belfort et al., Infant Feeding and Childhood Cognition at Ages 3 and 7 YearsEffects of Breastfeeding Duration and Exclusivity. JAMA Pediatrics 2013.

[5]http://well.blogs.nytimes.com/2010/09/15/phys-ed-can-exercise-make-kids-smarter/?scp=1&sq=aerobic%20xercise%20IQ&st=cse

[6] Basal ganglia volume is associated with aerob VanPatter Mic fitness in preadolescent children.

Chaddock L, Erickson KI, Prakash RS,, Voss MW, Pontifex MB, Raine LB, Hillman CH, Kramer AF.

Department of Psychology, Beckman Institute for Advanced Science and Technology, University of Illinois at Urbana-Champaign, Urbana, IL 61801, USA.\

[7] Kamara S. Childhood cognitive ability accounts for associations between cognitive ability and brain cortical thickness in old age.

http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23732878

[8] Job Hunting? Dig Up Those Old SAT Scores.Employers Still Want Candidates' Test Results—Sometimes Decades Later

http://online.wsj.com/news/article_email/SB10001424052702303636404579395220334268350-lMyQjAxMTA0MDIwNzEyNDcyWj

[9] Andrew Lam. SAT scores and Asian American Academic Achievement

http://www.huffingtonpost.com/andrew-lam/sat-scores-and-asian-amer_b_3902725.html