Thơ Văn Viết Dưới Hiên Trăng 

vietduoihientrang 

 

TỰA

 

Đà lạt những ngày mưa của tuổi thơ tôi là những đêm nằm gối đầu lên tay ba nghe kể chuyện hay đọc truyện. Một lần ba cầm quyển Lục Vân Tiên biểu đọc một đoạn cho ba nghe, tôi đọc một đoạn, ba chê đọc mà không biểu cảm chi hết, phải đọc như vầy nè. Xong ba lên bổng xuống trầm đọc làm mẫu. Tôi gồng mình đọc theo ba, vẫn không đạt yêu cầu nên từ đó ít khi nào có đủ dũng khí đứng trước ba đọc thơ nữa. Cho tới miết sau này…

 

Tôi lớn lên làm quen với những lời thơ giản dị, rất mực đời thường của ba trong những tập “Nhật thi” về sún răng, sổ mũi, về khóc cười cơm áo, về ông đi qua bà đi lại, về buồn vui của xóm nhỏ. Ba đem những khốn khó, lo toan vào ngòi bút, thổi phù một cái ra những vần thơ nhẹ nhàng biết cười.

 

Cái xóm nhỏ đó, tuổi thơ đó, ngày rời đi tôi chỉ mang theo chút xíu kỷ niệm rớt bên này rơi bên kia, cho đến khi ba đem tôivề xóm đình Đa Cát… Nói Ba đem tôi về xóm đình cũng không đúng lắm, là Ba đem tôi về với hoài niệm tuổi thơ của Ba- ở cái xóm tưởng như xa lạ mà thân quen đó. Cũng cùng mảnh đất, con nguời (đã cũ) mà tôi đã trải qua gần hai mươi năm đầu đời của mình, bỗng chốc hóa thành một nơi chốn dung dị mà đầy ắp yêu thương, đầy ắp những tấm chân tình mộc mạc. Tôi đi qua xóm đình, đi qua đồi trọc, mắt thấy hoa quỳgiăng vàng ngõ, gặp chú Tư Sang, bác Ba Cận, ôn Cai Hoành, mệ Miên, chị Hẹ, anh Tấn, “cu trọc răng sún” … những nhân vật thực mà hư, hư mà thực, cảm nhận đâu đó là sợi dây vô hình nối buộc giữa hoài niệm tưởng như không bao giờ vơi của ba và ký ức ít ỏi của tôi về quê hương.

 

Ba viết về Ôn vầy :“Ba tôi nói tôi có tâm hồn nghệ sĩ. Tôi không hiểu một tâm hồn nghệ sĩ là như thế nào.Có hào phóng như Ba tôi không?. Và nhất là có những bài thơ mà Ông thường đọc lên cho bạn bè cùng nghe. Thơ đọc hoài không hết. Lúc nào trên bàn ngủ của Ông cũng có một cây đèn sáp, một cuốn vở trắngvà một cây bút. Ông thường nói với chúng tôi là Ông sẽ ghi những câu thơ bất chợt đến trong giấc ngủ. Bởi thơ chợt về trong giấc ngủ là Thi Thần.” Khi đọc những lời này, tôi bật cười vì ba cũng không khác Ôn là bao. Trong túi áo, túi quần hay trong xe ba, đầy những tờ giấy những lời thơ viết vội. Trong cuộc sống, dù là một cơn gió nhẹ thoảng qua hay cuồng phong càn quét, ba trầm ngâm buổi đêm, rồi hôm sau Cõi Thơ Trần lại thêm tâm tình mới. Có điều có phải là Thi Thần không thì tôi không biết vì “cô Ba nói cũng tại đời dâu bể/thơ bỗng trào dâng câu chữ tiếp vần.”Viết đối với ba, như là lẽ sống. Ba khóc, ba cười bằng thơ, bằng chữ. Bên bữa cơm tối một ngày cuối năm, một người bạn của gia đình nhắc đến câu “chỉ còn thơ ở lại” của Ba, tôi nói anh coi có một ngày ba em sẽ rời xa thế giới này, sẽ có lúc người ta không còn nhớ ba em là ai nữa nhưng có lẽ có người vẫn còn nhắc nhớ câu thơ này của ba em. Tôi nghĩ những người cầm viết, niềm vui lớn nhất là được người đọc cảm nhận được những gì mình viết. Một câu, một đoạn nào đó sẽ gợi nhớ một hình ảnh, một kỷ niệm nào đó, để lại trong lòng ấn tượng không quên. Như tôi, là “con quỳ lạy mẹ con đi/ nước non ngàn dặm biệt lyxót lòng.” Như với người xa quê, có lẽ là “ta đâu phải giang hồ thứ thiệt/bỏ nhà đi nhớ quá lại quay về/vậy là lòng còn vướng víu tình quê/tới một bước lại giựt lùi hai bước.” Hay “tôi đi lâu quá rồi đâu biết/giờ bầy chim sẻ lạc về đâu!” 

 

Về với hiên trăng của Ba, nếm thử tô mì Quảng, món bún bò Huế, con cá he chiên hay dĩa cơm hến của o Bình định của ba nấu, lại mênh mang trở về ngày cũ. Nghe bình yên là vậy, nhưng dông bão thỉnh thoảngvẫn quét qua.

 

Ngày đó tôi ghé qua, thấy ba ngồi rũ người trước hồ cá. Lòng dạ như nuốt vài chén muối. Với ba, buồn còn thêm mấy nỗi: “con ở phương xa buồn tray đời lưu lạc/nôn nóng về mà lực bất tòng tâm/ai hối thời gian cứ tra nần vết nám/ngó lại mình sắp với cổ lai hi.” Rồi ý tưởng “viết dưới hiên trăng” của người đi xa…

 

Từ lúc ba hỏi tôi viết lời tựa cho tập thơ mà ông tâm đắc này, những ý tưởng đứt đoạn cứ đến rồi đi qua nhiều tháng mà tôi vẫn không thể ngồi lại viết một đoạn cho ra hồn. Rốt cuộc cũng vì cái bóng lúc đọc thơ Lục Vân Tiên mà ra. Câu thường xuyên nghe tới gần đây từ tựa đề của một tác giả tôi yêu thích là, “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ,” tôi không cần mua vé vì đã có ba là người lái tàu cần mẫn chở tôi đi miễn phí qua miền ký ức để về với tuổi thơ bất cứ lúc nào, khuyến mãi thêm miền hồi ức và nỗi niềm của ba.

 

Nói là tập thơ cuối đời, nhưng đối với một người “vốn làm thơ suốt đời không nhả’ và với “mái hiên sau làm hiên trăng đặng mỗi sáng mỗi chiều mỗi tối ra ngồi thầm lặng một mình thấy mình soi mình tìm ngó những gì đã qua và sắp tới,” Ba sẽ không dừng lại, sẽ tiếp tục vui, tiếp tục buồn với thơ, với chữ. Vì rốt cuộc thì:

 

Thời gian rồi sẽ qua đi

 

Đời người rồi sẽ xa đi

 

Chỉ còn thơ ở lại…

 

TRẦN THỤC QUYÊN

 

Đêm Trừ Tịch 2017

 

 

Đây là tác-phẩm ấn-hành mới nhất của Trần Huy Sao. Những tác-phẩm khác đã xuất-bản:

 - Hồn Á Đông - Thơ 1964
 - Nhánh Rong Phiêu - Thơ 1999
 - Xóm Đình Đa Cát - Thơ Văn 2000
 - Chỉ Còn Thơ Ở Lại

Liên-lạc: tranhuysao@yahoo.com