Phụ Nữ Việt Ngày Xưa.

 

Chúng ta có rất ít tài liệu cụ thể mô tả phụ nữ Việt hai ba trăm năm trước. Một số ghi nhận của du khách nước ngoài nay đọc lại có thể cho chúng ta một số chi tiết thú vị. Nhất là những nhận xét của người ngoại cuộc từ một nền văn hoá xa lạ (Tây phương) giúp chúng ta so sánh hình ảnh thực tế với hình ảnh "mộng" trong thơ văn của các nhà văn thơ hồi đó còn dùng nhiều khuôn sáo. Ví dụ những đoạn sau đây của một nhân viên ngoại giao Anh cho thấy âm nhạc và múa tại vùng Đà Nẵng khác với Tàu như thế nào. Tương quan giữa đàn ông và phụ nữ cũng khá thú vị, vì theo tác giả nhận xét, xã hội xem thường người phụ nữ đến nổi họ không cần nghĩ đến chuyện phải bảo vệ trinh tiết hay danh dự của người đàn bà, dù là thuộc giai cấp nào. Cũng nhờ vậy mà người phụ nữ muốn làm gì thì làm, không bị bó buộc làm món trang sức, bị bó chân như ở Trung Hoa nhà Thanh.

Chúng ta nên nhớ đây là thời gian cuối thế kỷ thứ 18, trong nước đang loạn lạc liên miên trong cuộc chiến giữa hai miền nam bắc, cùng với triều Tây Sơn mới nổi lên (Quang Trung Nguyễn Huệ mất tháng 9 năm 1792, và lúc này Cảnh Thịnh Hoàng Đế Nguyễn Quang Toản [1783-1802] đang trị vì). Cũng nên nhớ là vùng Đà nẳng ở xa ảnh hưởng lễ giáo của kinh đô Hà Nội cũng như Phú Xuân (Huế). Có lẽ mức sống của dân địa phương còn trong mức tranh đấu để sống còn, chưa đủ cơ sở cho một nếp sống "phú quý sinh lễ nghĩa", điều mà vua Minh Mạng sau này cố thực hiện bằng cách thiết lập nếp sống văn hoá theo khuôn mẫu Khổng Mạnh mấy mươi năm sau, sau khi nhà Nguyễn đã củng cố nước Việt nam thống nhất. Hơn nữa, đây là một cái nhìn của một người từ văn hoá Tây phương, nơi xã hội nặng nề ảnh hưởng của Ki Tô giáo, với những giá trị khắc khe ràng buộc nếp sống giới tính của mọi người. Đây cũng là thời mà bên Châu Âu, người đàn ông còn có thể phải hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ danh dự cho người đẹp trong cuộc đấu súng hay đấu kiếm (duel).

hvhien --- pnv1

Hình 1: Faifo (Hội An), hình vẽ từ sách “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà” của John Barrow. Nguồn: Wikipedia.

John Barrow là một người Anh sinh năm 1764. Ông làm gia sư cho con trai một nhà quý tộc. Năm 1792, nhà quý tộc này đi theo làm thư ký riêng cho Bá tước Macartney được cử làm đại sứ Anh đầu tiên ở Trung quốc. Barrow được đi theo tháp tùng với chức vụ là quản gia cho ông đại sứ. Trong chuyến đi qua Trung Hoa, phái bộ có ghé lại vùng vịnh Đà nẵng của Việt Nam, thời đó được gọi là Nam Hà (Cochinchina) dưới quyền cai trị của nhà Tây Sơn.

Căn cứ trên những ghi chú nhật ký của mình cũng như của phái bộ, cùng một số tài liệu lịch sử đương thời, năm 1806, sau khi Tây sơn đã bị Nguyễn Ánh dẹp, ông cho xuất bản cuốn "A voyage to Cochinchina in the year 1792-1793" (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà năm 1792-1793). Sách này được Nguyễn Thừa Hỷ dịch và nhà Xuất Bản Thế giới xuất bản năm 2011.

Sau đây là một số nhận xét về phụ nữ Việt trích từ sách nói trên.

Đoạn sau đây nói về cuộc viếng thăm Turon (Đà Nẵng). Phái bộ được xem một tuồng lịch sử trên sân khấu lúc họ được đón tiếp trong một nhà xây tạm bằng cột tre, lợp bằng hai lớp thảm dày rẻ tiền bằng bông thô Manchester từ Anh quốc. Quan cảnh phòng tiếp đón rất ốn ào náo nhiệt:

""Phần gây thích thú nhất và cũng là ít ồn ào nhất của vở diễn là một đoạn giữa vở do ba cô đào trẻ biểu diễn để mua vui cho nữ diễn viên chính, vai này ngồi như một khán giả trong trang phục và cung cách của một bà hoàng hậu nào đó xưa kia...Cảnh đối thoại trong đoạn diễn này hoàn toàn khác lối ngâm, vịnh, rất rầu rĩ và gần như đơn điệu của người Trung Hoa, nhẹ nhàng và hài hước, đôi lúc lại xen vào các làn điệu vui tươi, thường được kết thúc bằng một bản đồng ca chung. Những làn điệu đó mới nghe như thô kệt và không trau chuốt, lại tỏ ra được phối hợp rất đều và được hát hoàn toàn đúng nhạc điệu. Một khúc nhạc đặc biệt đã thu hút được sự chú ý của chúng tôi, âm điệu chậm chạp u sầu, rất giống với những làn điệu uỷ mị, não nùng, đặc trưng cho người xứ Scotland. Gịong hát của những người phụ nữ khi cất lên lanh lảnh véo von, nhưng đôi lúc xuống giọng cũng không kém phần du dương uyển chuyển...Mỗi lần chơi lập lại bản đồng ca, ba nàng kiều nữ xứ Nam Hà để lộ ra những thân hình mảnh mai trong những điệu múa lắt léo, tuy nhiên trong đó người ta ít sử dụng đến đôi chân nhất. Bằng những điệu bộ của đầu, thân mình và cánh tay, họ đã giả cách làm ra nhiều nét mặt khác nhau, và mọi động tác của họ đều phù hợp chính xác với nhịp diệu âm nhạc.”

Tác giả cũng ghi rằng khán giả không phải trả tiền vào cửa, nhưng để tỏ lòng ngưỡng mộ và để cho thêm vào tiền thù lao định sẳn, người ta quăng những đồng tiền về sân khấu.

hvhien --- phv2

Hình 2: Hình vẽ từ sách “Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà” của John Barrow về ba người phụ nữ múa hát.

Barrow cũng nhận xét dân Nam Hà ít bị ảnh hường bởi giáo lý Khổng Mạnh. Giống như người Pháp, họ vui vẻ và luôn miệng chuyện trò,chứ không kín đáo và dè dặt như người Tàu. Người Tàu thì coi là nhục nhã nếu họ phải đụng tới chuyện gì mà đàn bà coi trọng. Ngược lại, "theo cách đánh giá của người Nam Hà, phụ nữ thích hợp nhất với gia đình và do đó được giao phó quán xuyến việc nhà.”

“Những luật lệ về lễ giáo ở Trung Hoa cấm đoán người phụ nữ chuyện trò nếu không phải là để trả lời, chỉ được cười mỉm và không được hát trừ phi được yêu cầu. Còn về nhảy múa, sự hạn chế về thể chất khiến họ không thể làm được loại hình vận động này (có lẽ tác giả muốn nói về tục bó chân của Tàu). Trong khi đó, ngừoi phụ nữ ở Nam Hà được vui chơi không hạn chế, cũng như người đàn ông. Và người ta có thể rút ra một kết luận tương đối xác đáng về tình hình xã hội của họ, từ địa vị người phụ nữ trong xã hội, và quan niệm của họ về tính cách phụ nữ".

Tuy nhiên Barrow nhận xét người phụ nữ Nam Hà cũng không cực kém gì bên Tàu, như phài kéo cày, đứng cấy lúa trong ruộng nước từ sáng đến chiều, quản lý công việc trong nhà, trông nom công việc buôn bán. Ngoài ra họ còn phải cất dựng, sửa nhà, đắp bùn, quản lý thuyền bè trên sông, lấy sợi bông ra khỏi vỏ, xe chỉ, dệt vải, may áo quần cho gia đình.

Đa số đàn ông trẻ phải đăng lính và những người được miễn cũng phải lao động đánh cá, ra biển tìm yến sào, hải sâm "làm vật phẩm xa xỉ cho ông lớn của họ", tuy nhiên họ vẫn được giải trí với trò chơi ưa thích trong thì giờ nhàn rỗi. Trái lại, theo Barrow "sự năng nổ và cần cù của người phụ nữ thì không hề giảm sút...và lúc nào họ cũng ở trong trạng mệt mỏi".

Về địa vị người phụ nữ so với nam giới, Barrow nhận xét ở mọi tầng lớp xã hội, "đàn ông đều coi phái nữ được dành cho họ sử dụng, còn những người địa vị cao hơn thì coi họ như là những kẻ hầu hạ mua vui cho mình".

Do bị đánh giá thấp như vậy, khác với người phụ nữ Trung Hoa bị cấm cung, người phụ nữ Nam Hà lại được tự do hơn, muốn làm gì thì làm vì bản thân họ cũng như những người khác đều không thấy nhu cầu phải bảo vệ 'danh giá". "Hệ quả của điều này là ta thể gặp được ở vùng xung quanh vịnh Turon những người đàn bà ít chịu giữ gìn và những đàn ông tính dễ dãi hơn bất cứ nơi nào trên thế giới".

Người cha hay người chồng "không hề tỏ ra áy náy, ngần ngại khi bỏ mặc vợ hay con gái mình cho những người đàn ông khác đến ve vãn họ. Họ "thờ ơ trước danh dự và trinh tiết của người phụ nữ, cũng như dẫn đến hệ quả tất yếu, là tính buông thả, phóng đãng của những người đàn bà, và hoàn toàn không chỉ có trong dân thường, mà thật ra còn được áp dụng một cách mạnh mẽ tới những tầng lớp thượng đỉnh trong xã hội, trong nhiều quan chức chính quyền" (mà theo Barrow, cũng hoàn toàn đồi bại như quan lại Trung Quốc). Barrow còn đưa ra ví dụ một ông quan muốn đem con gái hay vợ mình ra bán cho viên thuỷ thủ người Anh, và trường hợp một người đàn bà đứng tuổi kéo khách thuỷ thủ trong đoàn để giới thiệu với con gái của mình "trong tình trạng lúc mới lọt lòng", và mắt ngời sáng khi thấy đồng Đô la Tây Ban Nha (trang 76- 78).

hvhien --- pnv3

Hình 3: Một nhóm người Nam Hà, từ sách "A Voyage to Cochinchina" (1808).(Tranh của William Alexander (1755-1827), khắc hoạ của Thomas Medland). Phụ nữ mặc áo 3 lớp xanh, vàng, đỏ cũng có mặc quần, trước khi có lệnh của vua Minh Mạng ở Huế cấm mặc váy.

Barrow có vẻ không ngưỡng mộ bề ngoài của người Việt cho lắm. Nhưng ông cũng an ủi là sự thiếu "kiêu sa về sắc đẹp", "nét thô kệt", "da sậm như ngừoi Mã Lai" do mức sống thấp, sức khoẻ không được săn sóc, và làm việc cực nhọc, được bù đắp bởi tính tình hoạt bát, vui vẻ" so với người Tàu "chậm chạp, u sầu và khép kín".

"Quần áo của giới nữ không có gì là hấp dẫn. Nhìn chung một chiếc áo vải bông dài, lụng thụng, màu nâu hoặc xanh, buông rũ xuống tận giữa bắp đùi, một chiếc quần đen bằng vải thô dày, may rất rộng, là y phục thông thường của họ. Họ hoàn toàn không dùng bít tất và đi giày, nhưng tầng lớp trên đi một loại dép hoặc giày vải rộng. Về lễ phục mặc trong những dịp đặc biệt, một quý bà thường mang một lúc ba bốn chiếc áo, màu sắc, dài ngắn khác nhau, chiếc ngắn nhất là nổi bật hơn cả".

hvhien --- pnv4

Hình 4 : Áo quần phụ nữ việt Nam xưa: theo như trong hình này, phụ nữ thời hậu Lê cuối thế kỷ thứ 18 vẫn mặc váy, tương tự như áo Tàu. Đến thời Minh Mạng mới cấm mặc váy, phải mặc quần, và thêm cỗ áo kín lại. Theo sách của Barrow, thì phụ nữ ở vùng Đà nẵng cuối thế kỷ thứ 18 đã mặc áo dài đến đầu gối và quần bằng vải thô.

“Có thể nói thời kỳ nhà Lê là thời kỳ thăng hoa của trang phục phụ nữ Việt Nam khi giai đoạn này xuất hiện rất nhiều kiểu dáng và thiết kế vô cùng đa dạng. Nhưng nhìn chung các trang phục thời nhà Lê đều có thiết kế khá cầu kỳ với nhiều lớp áo choàng, màu sắc bắt mắt. Chịu ảnh hưởng nhiều từ văn hóa Trung Hoa nên các trang phục truyền thống thời kỳ nhà Lê chưa thoát khỏi cái bóng của vùng đất hùng mạnh này. Trang phục của phụ nữ Việt thời Lê có nhiều nét giống với kiểu áo choàng Hanfu của Trung Quốc với phần ống tay rộng, chiếc thắt lưng to ngang eo được dùng để cố định bộ áo choàng này lại. Chính vì ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa mà bộ trang phục này không được nhiều người hưởng ứng.

Nhưng đến thời kỳ nhà Nguyễn các bộ quần áo đã được may thêm phần cổ áo và thắt lưng mang nét đặc trưng rất riêng của người Việt”. (Trang phục của phụ nữ Việt qua các triều đại [us.eva.vn])

Gần một trăm năm sau, năm 1872, Tiến sĩ Morice, một nhà tự nhiên học người Pháp viếng miền nam nước Việt vùng Sài Gòn hiện nay và mô tả người phụ nữ Việt như sau:

Người đàn bà An Nam đẹp nhất là mái tóc của họ, thường dài, đen và khá đẹp, mặc dù hơi thô; với lại các bà săn sóc tóc đặc biệt kỹ, cuốn tóc lại một cách trìu mến, độn thêm một búi tóc giả nếu nghĩ rằng chưa đủ đầy, và thoa tóc- đáng tiếc thay- với dầu dừa. Mùi dầu này toả ra thật ghê, làm chúng ta nhớ đến dầu đốt đèn,và thật đáng tiếc là họ không có dầu thoa tóc nào khác. Tay chân họ rất mãnh mai: những vòng đeo bằng vàng chạy thành chỉ hay bằng bạc thường cho chúng ta một ý niệm về những cỗ tay cỗ chân thon nhỏ của người mang. Miệng của họ được đường nét đẹp; vai họ thì thường quá rộng và vuông...

Nhìn một người phụ nữ An Nam bước qua không thích thú lắm; bà ta bước tới với hai cánh tay đu đưa dọc theo thân mình, lắc qua lắc lại bên phải hay bên trái. Về trang phục, một áo dài, cỗ cao, phía trước may kín, vừa giữ vai trò áo khoác ngoài và áo mặc trong (áo trắng lúc tang chế, và lúc đó đội thêm khăn tang trắng),một cái quần, trắng hoặc đen, làm bằng vải gòn thô hoặc lụa, vài đôi khi kèm theo thắt lưng đỏ hoặc xanh; đi chân đất, hiếm khi đi hài mũi cong và nhiều trang trí.

Đó là cách ăn mặc của "congai" (gốc từ "con gái", chỉ phụ nữ Việt). Về nữ trang, họ đeo bông tai bằng hổ phách vàng hay hoa tai bằng vàng; hình dạng giống như cái đinh, đầu đinh to và xỏ qua trái tai thường xinh và nhỏ nhắn. Cánh tay thì họ đeo vòng vàng, hoặc bằng đá đồng đen (jet), được bọc bằng vàng, bạc hoặc hổ phách hay thuỷ tinh vàng; đôi khi bà ta mang kiềng bạc ở cỗ chân, và thường mang một cái kiềng ở cỗ.

Phụ nữ dân dã đi đầu trần, hay chỉ đội một khăn tay giản dị; phụ nữ thượng lưu đội một nón rơm hình cầu, làm chúng ta nhớ đến nón salaco, nhưng bờ nón rộng thì vểnh lên, đáy nón thì phẳng, một quai nón bằng lụa dày, lũng lẳng một chùm tua nặng ở dưới, ngang tầm thắt lưng.

hvhien --- pnv5

Hình 5: Trích từ sách của Dr Morice: Người phụ nữ thượng lưu Saigon và nữ tỳ.

(Jeune femme notable de Saigon et sa suivante)

hvhien --- pnv6

Hình 6: Phụ nữ mặc áo tứ thân (4 mảnh, 2 trước và 2 sau) với nón quai thao, miền Bắc Việt Nam, có lẽ cuối thế kỷ thứ 19.

(opusmang.org)

Hồ Văn Hiền

Ngày 15 tháng 7, năm 2014