"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Tình Quê

Chúng ta vừa bước vào năm 2017. Ngày 23 tháng chạp âm lịch là ngày thứ sáu, người Việt mình thường có tục lệ… đưa ông Táo về trời.

Lò than, bếp củi sẽ vắng mặt ông Táo trong thời gian ông bà Táo bay lượn chín tầng mây về diện kiến Ngọc Hoàng. Nhiệm vụ của ông là trình tấu tình hình dân gian đang rầm rộ đấu đá lung tung. Ông Táo cũng không quên ra rả kể chuyện gia chủ, nơi mà ông Táo đang ngày đêm trông chừng giùm ngọn lửa phừng phựt cháy trong cái lò bằng gas với cái mồi bằng điện.

Tôi mãi nhớ ở Sàigòn quê mẹ, trong gian bếp là cái ông lò bằng đất sét nung màu đỏ cam rất đẹp. Năm tháng đó, người dân mình thường nấu nướng bằng củi. Ai khá giả hơn thì mua than chụm cho bớt khói đen bám vách tường. Cái đáy nồi cũng ít bám lọ nghẹ.

Nhắc tới than thì tôi bỗng nhớ tới vài loại than chứ không phải chỉ có một loại than. Năm tháng đó tôi còn nhỏ, chưa biết nấu nướng gì nên không rành rẽ than củi cho lắm. Đây chỉ là ý nghĩ vu vơ, tôi mạo muội nhắc nhớ ra đây, cùng mời quí anh chị, bạn bè mơ về chốn xưa.

· Than củi thường nhẹ bồng nên mau cháy rụi thành tro, có giá rẻ vừa túi tiền.

· Than củi đước thì cứng cáp, chắc nịch hơn nên cháy chậm hơn, cho ta thêm thời gian nấu nướng, ít tốn hao.

· Than củi đước rất đẹp trong mắt tôi vì cái bề mặt láng bóng như tấm gương soi mặt khi ta chặt cây than dài ra làm từng khúc nhỏ, thuận tiện cho vào bếp lò.

Nhiều năm trước ngày tôi rời xa quê hương thì có phong trào dùng bếp dầu hôi. Lò dầu hôi có cái bình tròn nằm phía dưới chứa cả lít dầu hôi nên nấu rất sướng. Ngọn lửa lè xè phun ra chung quanh cái ổ tròn tròn trông đẹp mắt lắm. Vòng lửa ngoan hiền ung dung hâm nóng cái nồi, cái ấm rất nhanh. Các bà mẹ không phải lom khom chụm lửa và bắt mồi với miếng gỗ thông mỏng dính màu vàng trong suốt rất nhạy bén với que diêm.

Đã bao năm lưu lạc xứ người, tất cả hình ảnh trong gian nhà nho nhỏ ở phố góc phố Sàigòn, mái ấm gia đình thuở tôi còn cắp sách đến trường đã hoàn toàn ở lại với trời Việt Nam. Làm sao tôi quên cho được cái khuôn bếp gọn gàng cũng chỉ đủ rộng cho hai người đứng nấu ăn mà thôi.

Kỷ niệm tuy đã mờ phai theo dòng đời trôi quá xa, hơn mấy chục năm qua rồi. Nhưng tôi thiết nghĩ, ký ức trong mỗi con người là cái ốc đảo vô giá, là kho tàng chứa đựng biết bao là dấu yêu và nỗi nhớ. Không một ai lạnh lùng để có thể thốt lên một lời vô cảm:

- Tôi đã quên hết nơi chôn nhau cắt rún.

Không ai đã không gặm nhấm hạt gạo dẻo trắng ngần quê hương, uống nước mắm có mùi thum thủm – nhưng rất thơm ngon đối với tuổi trẻ chúng ta được hé mắt chào đời ở vùng trời yêu dấu. Chúng ta có vóc dáng thon thả, nước da đẹp đẽ mặn mòi nhờ vào hạt muối đậm tình biển xanh của cái nôi chào đời.

Dòng sữa của mẹ nuôi ta khôn lớn. Trong dòng sữa ngọt ngào thiêng liêng đó là tất cả tinh túy mà mẹ mình phải ráng ăn no để tạo sinh ra chất bổ dưỡng, dành riêng cho đứa con mình vừa cho lọt lòng.

Năm mới về gợi chút tình quê trong những đứa con tha hương cũng như bạn bè còn bên trời xưa cũ. Xuân xưa hay xuân nay, chúng ta đều khắc khoải nhớ biết bao kỷ niệm trong từng chặng đường đời ta đi qua. Và nhất là chúng ta cùng tưởng nhớ dòng sữa mẹ chắt chiu từ cây than, khúc củi của một thời nung nấu hạt gạo dẻo thơm ngon cho ta bụ bẫm lớn khôn thành người Việt Nam.

Xuân về nhớ Sàigòn da diết
Kỷ niệm xưa tha thiết quay về
Ngăn tim nhoi nhói tình quê
Mảnh đời xếp lại bên lề đại dương

Xuân năm cũ còn vương ký ức
Giọt lệ khô ấm ức lăn dài
Giọt rơi hoen mắt cay cay
Tay mình thì ngắn, với hoài không qua

Thôi thì tạm hái hoa mai, cúc
Cuộn theo mây bay vút về thăm
Sàigòn Nguyễn Huệ trong tâm
Dấu yêu in đậm nhiều năm lạc loài

Bạch Liên
Xuân 2017