"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Dân Số và  Gia  Đình  Đông Con ở Đông Nam Á

17Chvhiendsv1

Bản đồ Đông Nam Á năm 1818

Đối với thế hệ sinh ra và đi học trước 1975, chúng ta quen thuộc với bài "Nhà Mẹ Lê" của Thạch Lam trong tập truyện ngắn Gió Đầu Mùa (1937). Người đàn bà trong câu chuyện "Nhà Mẹ Lê" có đến 11 đứa con, đứa lớn nhất mới 17 tuổi, đứa nhỏ nhất còn phải bồng trên tay, nằm trong ổ rơm, "giống như ổ chó". Hình ảnh của chúng ta mường tượng là hình ảnh của những gia đình rất đông con.

“Nhà mẹ Lê là một gia đình một người mẹ với mười một người con. Bác Lê là một người đàn bà quê chắc chắn và thấp bé, da mặt và chân tay dăn deo như một quả trám khô. Khi bác mới đến phố, ai ai cũng chú ý đến đám con của bác: Mười một đứa, mà đứa nhớn mới có mười bảy tuổi, đứa bé nhất hãy còn phải bế trên tay.

Mẹ con bác ta ở một căn nhà cuối phố, một căn nhà cũng lụp xụp như những căn nhà khác. Chừng ấy người chen chúc trong một khoảng rộng độ bằng hai chiếc chiếu, có mỗi một chiếc giường nan đã gẫy nát. Mùa rét thì giải ổ rơm đầy nhà, mẹ con cùng nằm ngủ trên đó, trông như một cái ổ chó, chó mẹ và chó con lúc nhúc. “

Chỉ mấy năm sau khi Thạch Lam viết "Nhà Mẹ Lê", do tình hình chiến tranh thế chiến thứ 2, Việt nam vừa bị Pháp đô hộ, vừa bị quân phiệt  Nhật chiếm đóng, vừa bị Đồng Minh phong toả đường tiếp tế lương thực từ Nam ra Bắc, miền Bắc sau một năm lũ lụt, hạn hán và mất mùa phải trải qua nạn đói Át Dậu (10/1944-5/1945) làm từ 500 ngàn đến 2 triệu người chết.

17Chvhdsv2

Bản đồ Việt Nam (1650) với những vùng do Chúa Trinh (tím), Chúa Nguyễn (vàng) , Nhà Mạc (hồng, Cao Bằng) kiểm soát và vương quốc Chàm (xanh lá cây) trong lãnh thổ Nhà Nguyễn. (Gốc: Wikipedia Anh ngữ)

Hiện nay dân số Việt Nam lên đến 95,414,640 , mật độ dân số hiện nay là 308/km2 (theo Worldometers.info). Khoảng năm 1985-1990, số trẻ em ra đời mỗi năm là 2 triệu, cao nhất từ trước đến nay. Gần đây nhất, có  1.472.000 bé sinh ra mỗi năm trong khoảng 2005-2010, nghĩa là giảm xuống chừng 1/4. Hiện nay Việt Nam có chính sách 2 con. Theo Vietnamnet, trong hơn 4 thập kỷ qua, VN đã giảm tổng tỷ suất sinh từ mức mỗi cặp vợ chồng có tới 5 con vào những năm 1970 xuống còn 2.09 con tại thời điểm 2016. Tuy nhiên, ngày càng nhiều khu vực có mức sinh thấp, đặc biệt tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Hiện TP.HCM có tỉ suất sinh thấp nhất cả nước, chỉ đạt 1,45 con/phụ nữ, gần tương đương với Singapore (1,5), Hàn Quốc (1,3).

Nhân đọc “The Cambridge History of South East Asia” (Edited by Nicholas Tarling, Cambridge University Press, Vol. 1, Part 2, pp 116-119) về lịch sử Đông Nam Á, tôi tìm thấy một đoạn khá thú vị về gia đình VN vào thế kỷ thứ 16-17. Điều đáng chú ý  là sự gia tăng dân số đột ngột xảy ra từ giữa thế kỷ thứ 18 đến đầu thế kỷ thứ 19, trùng hợp với giai đoạn Vua Gia Long dẹp xong nhà Tây Sơn và thống nhất Việt Nam (năm 1802), và vua Minh Mạng sau đó củng cố chính quyền và tích cực phát triển kinh tế ở vùng chung quanh Sài Gòn và vùng châu thổ sông Cửu Long. Điều này khá bất ngờ cho những ai thường có thành kiến về tình trạng "kém văn minh" của nước ta nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung trước khi chúng ta bị người Tây phương đô hộ. Những chuyển biến về an ninh xã hội và phát triển dân số xảy ra trước khi các vùng đô thị theo lối tây phương được thành lập và những tiến bộ của y khoa được tây phương đem đến qua chế độ thuộc địa. Sau đó hơn một thế kỷ, dân số Việt nam gia tăng nhanh hơn nữa vào thập kỷ 1930. Từ mức ổn định chừng 17-17,5 triệu dân  lúc Pháp bắt đầu đô hộ cuối thế kỷ thứ 19 cho đến 1930, dân số nhảy vọt lên đến 22,6 triệu năm 1944 (theo populstat). Cung cấp lương thực cho một lượng dân đông như vậy không thể thực hiện được lúc nhiều biến cố dồn dập cùng xảy ra năm Át Dậu (1945) ở miền Bắc và nạn đói giết chết hàng triệu người đã không tránh được.

Nói tóm lại, trước thế kỷ thứ 19, Việt Nam cũng như Đông Nam Á nói chung, do nhu cầu địa lý và xã hội, đặc biệt do cuộc sống bất ổn vì chiến tranh triền miên cũng như do nhu cầu của du canh, mỗi gia đình thường ít con và dân số không thay đổi nhiều, cho đến đầu thế kỷ thứ 19 lúc hoàn cảnh xã hội thuận tiện hơn cho việc gầy dựng gia đình đông con như gần đây. Tác dụng của những tiến bộ về y khoa do Tây phương đem đến có lẽ xảy ra trễ hơn nhiều, phần lớn vào đầu thế kỷ thứ 20.

Về tình hình dân số Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, vào thế kỷ thứ 18-19, sau đây là một số điểm phỏng theo  sách “The Cambridge History of South East Asia” nói trên:

Một trong những đặc điểm của vùng Đông Nam Á trước 1750, tương phản với Trung hoa và Ấn độ, là mật độ dân số thấp. Phần lớn vùng này còn được rừng bao phủ cho đến cả năm 1800, cho nên các vụ cọp tấn công người không phải là hiếm, ngay cả những nơi ngoại biên các trung tâm dân cư. Mặc dù mật độ tổng quát không cao hơn 5 người cho mỗi km vuông (đối nghịch với trên 30 người ở Ấn độ và Trung Hoa), phần lớn của 20-30 triệu dân vùng Đông Nam Ấ tập trung vào chừng mười mấy thành phố buôn bán và trong những trung tâm trồng lúa nước của sông Hồng, vùng Mandalay của Bắc Miến Điện, hạ lưu các sông Irrawady, Pegu, Salween, Chao Praya và Cửu Long (Mekong), Java, Bali và Nam Sulawesi."

Câu hỏi tác giả đặt ra là tại sao là dân số tại đây thấp như vậy so với các vùng lân cận, và so với sự gia tăng đột ngột sau năm 1800. Điều đáng chú ý là dân chúng  Đông Nam Á trước 1750 không bị đói kém, thiếu dinh dưỡng một cách tồi tệ, và sức khoẻ của họ tương đối tốt, họ sống cũng thọ, căn cứ trên những gì các người Châu Âu và người Tàu từng viếng thăm về kể lại. Và tác giả nêu ra những lý do sau đây:

-du canh, canh tác lưu động (shifting cultivation) dùng lao động phụ nữ rất nhiều, khó mà đi kèm theo với một đưa trẻ luôn luôn phải ẳm bồng đi theo (có lẽ theo kiểu du canh, du cư của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam hiện nay, thường xuyên thay đổi nơi ở và nơi canh tác)

-phụ nữ cho con bú mẹ kéo dài 2-3 năm, làm tắt kinh đến 29 tháng là trung bình.(Note: Yếu tố này có lẽ ít quan trọng, theo kiến thức hiện nay ngừa thai bằng cách cho con bú, còn gọi là phương pháp tắt kinh do sản xuất sữa  [lactational amenorrhea method (LAM)] chỉ hiệu nghiệm nhiều nhất trong 6 tháng đầu, và hiệu nghiệm ngang với thuốc viên ngừa thai nếu thực hàng đúng cách , nghĩa  là cho em bé bú vú mẹ trực tiếp ít lắm là cách nhau 4 giờ một lần  ban ngày và cách nhau 6 giờ ban đêm. BS HVH)

-phá thai  được thực hành thông thường ở Philippines trước khi Thiên Chúa Giáo du nhập vào vùng này, cũng như vẫn tiếp tục thực hành trong nhiều vùng khác của Đông Nam Á theo tính ngưỡng thờ cúng các thần linh thiên nhiên (animism).

-các tín ngưỡng trước khi Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo du nhập chấp nhận trai gái ngủ với nhau trước khi cưới hỏi, và do đó bịnh lậu có thể trở nên lan tràn trong một số vùng, làm khả năng sinh sản giảm mạnh.  (Note: bịnh lậu/gonorhea có thể làm nhiễm trùng luôn vùng xương chậu [PID/ pelvic inflammatory disease] ở phụ nữ, viêm dịch hoàn ở nam giới (epididymitis) và gây bịnh hiếm muộn, vô sinh. BS HVH)

-tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất kiềm chế tăng trưởng dân số có lẽ là chỗ ở không ổn định do chiến tranh và những trận đột kích (raiding), di dân tự nguyện hay cưỡng bách, cuộc tìm kiếm những vùng đất mới để trồng trọt và nghĩa vụ lao động (corvees); đây là những yếu tố thay đổi lớn nhất khi bước qua thế kỷ thứ 19 lúc mà chiến tranh ít xảy ra hơn, và những nhà nước hay những chế độ thực dân tạo nên những vùng tương đối ổn định. Trước năm 1750, những  giai đoạn hay vùng an bình chỉ là ngoại lệ, và hầu như chắc chắn những giai đoạn hay những vùng như vậy tạo nên gia tăng dân cư nhờ sanh sản nhiều hơn và nhập cư từ những nơi khác cũng gia tăng.

Chiến tranh ở vùng Đông Nam Á không gây tổn thất nhân mạng nhiều lắm, nhưng lại xáo trộn một cách tàn khốc nếp sống gia đình và nông nghiệp.  

Các vua chúa đi đánh giặc không chú trọng nhiều đến việc chiếm đóng đất đai mà lại muốn bắt được càng nhiều kẻ thù càng tốt để đem về làm dân trong lãnh địa của mình. Mỗi lần ra trận, họ đem theo một lực lượng đông đảo hơn so với những cuộc hành quân tương tự ở Châu Âu. Vua Việt Nam cũng như vua Miến Điện, Xiêm và Java đeo ra trận cả trên chục vạn quân (trên 100,000 người), có khi huy động gần hết lực lượng nam giới trong dân chúng. Đói khát và bịnh tật không thể nào tránh được. Nếu thất trận, thật khó mà được trở về với gia đình. Trong thế kỷ thứ 16, chiến tranh giữa Miến Điện và Thái, đối phương bị thiệt hại vô cùng, quân lính  huỷ hoại, đốt phá mọi thứ trên đường đi, nhưng cuối cùng cũng chỉ một nửa quân số được trở về nơi quê quán của mình. Đối với dân ở nơi bị giặc tấn công bằng đường biển, họ thường phải bỏ đi khỏi nơi mình ở để tản mát vào rừng chung quanh, đợi quân địch đốt phá xong và rơi bến thì mới dám trở về. Do đó họ phải giữ khả năng trang bị nhẹ, không đầu tư gì nhiều vào những cơ sở mình không sơ tán được cũng như chỉ có một số nhỏ con cái có thể tự nó chạy theo mình.

Do đó, dân số Đông Nam Á trước năm 1750 lúc trồi lúc sụt một cách ngoạn mục. Lúc chính quyền mạnh, bảo đảm được an toàn thì sinh sản gia tăng cũng như di dân từ vùng khác đến đông, ví dụ như ở Việt Nam vào thế kỷ thứ 15 (thời Hậu Lê, sau chiến thắng của Lê Lợi), Miến Điện thế kỷ thứ 16, Xiêm và Lào thế kỷ thứ 17.

Năm 1600, dân số Việt Nam (Miền Bắc và Trung hiện nay) chừng 4,7 triệu người, đông nhất vùng, sau đó là Miến Điện 3,1 triệu, Căm bốt và Chàm 1,23 triệu; tất cả Đông Nam Á chừng 23 triệu dân, so với 536 triệu cho toàn thế giới. Sau 1750 đối với Philippines và Java, sau 1820 đối với phần Đông Nam Á còn lại (sau 1820 là thời vua Minh Mạng ở VN), cuộc sống ổn định và an ninh đảm bảo hơn, do đó dân số nói chung  mới tăng đều đặn 1% mỗi năm. Từ 28 triệu dân năm 1800, hiện nay, dân số Đông Nam Á chừng 648 triệu dân.

BS Hồ Văn Hiền

Ngày 14 tháng 7 năm 2017