"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

 

Thứ Tự Anh Em Trong Gia Đình

17Chvhientta1

Theo thống kê, làm con cả hay con thứ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống của mình. Nói chung, con đầu lòng hay con một dễ trở thành bác sĩ, luật sư, thiên về lý trí hơn; về thể thao chúng tránh những thứ nguy hiểm như football, trượt tuyết có lẽ vì chúng được cha mẹ bảo vệ, lo lắng nhiều hơn. Cha mẹ đầu tư  3000 giờ nhiều hơn cho con cả ở cùng độ tuổi so với các đứa sau, lúc nhiều đứa con thì cha mẹ cũng ít có giờ rãnh rổi hơn nhiều để có "thời gian quý giá" hay "chất lượng" (quality time) vui chơi, dành riêng cho chúng nó. Con cả  có  tinh thần trách nhiệm cao và có khuynh hướng tự gò ép mình vào kỷ luật hơn các em mình, tuy nhiên người con một mới là kẻ tự ghép mình vào "áp lực" hơn cả. Con thứ, con út có khuynh hướng đi về các ngành nghệ thuật, ít ràng buộc hơn, chúng có khuynh hướng chịu chơi các trò nguy hiểm hơn. Lúc có con mấy lần sau, cha mẹ thường thoải mái hơn, bớt kiểm soát chặt chẽ các hoạt động của chúng, ít gọi bác sĩ hơn. Một phần có lẽ vì họ kinh nghiệm hơn trong việc săn sóc trẻ em, nhưng cũng có thể lúc đã có vài đứa con họ thấy bị đe doạ "mất giống"  ít hơn, không còn tâm lý chỉ có một "hũ mắm treo đầu giàng" khi chỉ có một đứa con duy nhất, mất một đứa là mất tất cả.

Trong 23 người Mỹ từng vào không gian, hết 21 người là con đầu lòng. Thủ tướng Anh Winston Churchill, cựu đệ nhất phu nhân và  bộ trưởng ngoại giao Mỹ Bà Hillary Clinton, Oprah Winfrey từ nghèo khổ đi tới vai trò tỷ phú lãnh đạo truyền thông, Tổng thống George W. Bush đều là con đầu lòng. Gần nửa (43%) các CEO Mỹ là con đầu lòng, 33% con giữa và chỉ 23% con út. Tuy nhiên đối với tình cảm gia đình, các bà mẹ càng ngày càng có khuynh hướng gần gũi với đức con út hơn, mặc dù các bà sẽ đi tìm đứa con lớn nếu chính mình bị gặp khó khăn, trắc trở cần phải giải quyết.

Trên đây là những kết quả chung chung do thống kê của Mỹ (1). Riêng về nhân vật thời sự quyền lực nổi tiếng và gây tranh cãi nhất của Mỹ bây giờ,Tổng Thống Donald Trump là con thứ 3. Chị cả Maryanne thành công trong ngành luật và làm thẩm phán toà kháng án (Court of Appeals for the Third Circuit) trước khi về hưu. Theo TT Trump, chị ông có cá tính mạnh, tin rằng phụ nữ có thể rất thông minh, và tranh đấu mạnh mẽ không kém gì nam giới (nên nhớ bà chị này lớn lên cách đây bảy tám mươi năm, lúc bên Mỹ đa số phụ nữ chỉ mong đi học để kiếm chồng và ở nhà nuôi con). Người anh kế, hơn TT Trump 8 tuổi, lại thích hưởng thụ hơn, bỏ cuộc trong việc làm ăn của gia đình để theo đam mê lái máy bay, tìm rượu chè để trốn tránh áp lực của người cha khắc khe, và chết sớm lúc mới 43 tuổi. Em út của Trump, Robert, khá thành công nhưng chỉ trong giới hạn trong doanh nghiệp của gia đình, nay đã về hưu. Chị và anh của TT Trump có lẽ cũng hợp với những "stereotype" của thống kê nêu đoạn trên về con đầu và con thứ, con út. Ngược lại có lẽ TT Trump dung hoà được các đức tính của hai mẫu người trên, vừa "ham vui" mà cũng vừa lo làm ăn, mặc dù bạo dạn đến mức có lúc gần phá sản. Tính bạo dạn, "chịu chơi" đưa ông thành người quyền lực nhất thế giới. (2)

So sánh với Việt nam có thể hơi khác. Gia đình chúng ta thường đông con hơn gia đình Mỹ, có khi cả chục anh em hoặc hơn cho nên khó nghiên cứu ảnh hưởng của vị trí từng người; hơn nữa hình như chúng ta chưa ai nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn đề này. Một phần trong truyền thống chúng ta, trách nhiệm gia đình nặng hơn cho nên có thể vai trò lãnh đạo gia đình đôi khi giới hạn tham vọng  lãnh đạo ngoài xã hội, điển hình là ngày xưa nếu cha mẹ chết, người con phải nghỉ chức vụ của mình về lo ma chay và để tang đến 3 năm. Thời dân miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, không ít người con cả phải ở lại phụng dưỡng cha mẹ già không muốn rời quê cha đất tổ, trong lúc các em thì được rộng đường vào Nam và sau đó thành công hơn.

Chúng ta thử xem xét  ngôi thứ anh em trong gia đình qua một số nhân vật lịch sử .

Trong truyện Tam Quốc Chí của Tàu, Tào Phi  là con cả (sau khi anh một cha khác mẹ qua đời), văn võ song toàn nhưng rất khắc khe với các em. Tào Tháo truyền ngôi lại cho Tào Phi, mặc dù Tào Tháo  rất cưng đứa con thứ ba là Tào Thực, được coi như thi sĩ số một thời Tần Hán, tính tình rất phóng khoáng, nghệ sĩ. Muốn chống lại quyền uy ông anh cả, nhưng bị bắt, Tào Thực làm bài thơ:

Củi đậu đun hột đậu

Đậu trong nồi khóc kêu:

Cùng sinh trong một gốc,

Bức nhau chi đến điều.

Tào Phi tha em, chỉ giáng chức.

Ở Việt Nam ba anh em Tây Sơn đều xưng vương riêng mỗi người một cõi. Hoàn cảnh thì ngược lại với Tào Phi và Tào Thực. Nguyễn Nhạc là anh cả xung đột với em út là Nguyễn Huệ (Vua Quang Trung), yếu thế, phải năn nỉ em:

- Bì oa chữ nhục, đệ tâm hà nhẫn?

Nghĩa là: nồi da nấu thịt, lòng em sao nỡ? (Ở Bình Định, lúc đi săn hươu nai, người ta lấy da con thú làm nối và xào nấu thịt của nó trên đó). Nên Nguyễn Huệ cảm động rồi cả hai hòa nhau.

Đành rằng thời vua chúa ngày xưa, trừ trường hợp ngoại lệ như trường hợp vua Tự Đức (là con thứ nhưng lên nối ngôi vua cha Thiệu Trị, anh cả Hồng Bảo sau này muốn lật đổ em nên chết trong tù, vợ con đều bị sát hại), ngôi báu về tay người con trai trưởng. Những người tự đặt mình lên ngôi hay địa vị độc tôn lại là chuyện khác.  Ví dụ Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm (1901-1963) là con thứ, hai anh của ông là Ngô Đình Khôi làm Tổng Đốc Nam-Ngãi và Ngô Đình Thục làm Tổng Giám Mục là những chức vụ  lãnh đạo cao cấp, tuy không cao bằng chức vụ Tổng Thống của ông Diệm và ít có tính cách chính trị hơn. Ông Nhu du học ở Pháp, không chọn ngành kỹ thuật, y khoa, kinh tế hay chính trị mà học về văn hoá và quản thủ thư viện. Đúng như thông lệ, Ông Ngô Đình Cẩn là con áp út trong gia đình ("Cậu Út Trầu", tuy ông chỉ "áp út', người con út trong gia đình là ông Ngô Đình Luyện làm kỹ sư và thanh tra hoả xa) không có tham vọng và danh vọng lớn như những người anh mình, tuy cũng bị lôi cuốn một cách bi đát vào cơn lốc chính trị của gia đình ông và bị giết. Phụ nữ có thể khác, nhất là ngày xưa, lúc  sự nghiệp của họ được vị thế của ông chồng quyết định phần lớn, mà ông chồng thì có thể là do gia đình của người đàn bà quyết định. Bà Trần thị Lệ Xuân (Bà Ngô Đình Nhu), trẻ hơn chồng 14 tuổi,  thuộc một gia đình thuộc loại quý phái và giàu có nhất Việt Nam, nổi tiếng với cá tính rất mạnh trong vai trò đệ nhất phu nhân. Tuy là con thứ hai nhưng lấn át luôn bà chị Trần Lệ Chi và có lúc xung đột mạnh về tôn giáo và chính trị với cả thân phụ là Luật sư Trần Văn Chương. Tuy vậy, em trai út của bà thì, tuy cũng học luật, làm chính trị, không có khả năng lãnh đạo, sống nhờ theo chị và cha mẹ  và  kết cục bi đát, bị kết tội giết cha mẹ do bịnh tâm thần tại thủ đô Mỹ.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là con út trong 5 người con của một gia đình nông dân ở Phan Rang. Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ thì là con "cầu tự" của Phật cho gia đình ông , sinh sau ba bà chị, và được đối xử như ông hoàng.

Ông Hồ Chí Minh cũng không phải con trưởng, ông có người chị  cả Nguyễn thị Thanh (“Bạch Liên Nữ Sĩ”) lớn hơn 6 tuổi và một người anh Nguyễn Sinh Khiêm lớn hơn 2 tuổi hành nghề thầy thuốc và thầy địa lý, những người này cũng có những hoạt động chính trị chống Pháp nhưng không nổi tiếng như em mình.

Tướng Võ Nguyên Giáp là con trai thứ trong gia đình 7 anh em, xuất thân là giáo sư (trung học) dạy môn sử, say mê và uyên bác về sử học, nhưng không học trường quân sự nào cả; người anh cả và chị lớn chết sớm; em trai ông, Võ Thuần Nho, sau này là thứ trưởng giáo dục.

Về phía văn học, Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam), chính trị gia và là người thành lập Tự Lực văn đoàn và là cây bút chính và chủ bút tờ tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay, không phải con trưởng mà cũng không phải con út trong gia đình. Anh cả của ông, Nguyễn Tường Thuỵ làm Tổng Giám Đốc Bưu Điện, cũng ăn khớp với thông lệ người con cả thường chọn những nghề "bảo thủ" hơn là các người sinh sau theo những nghề hay hoạt động có tính cách mạo hiểm và bấp bên hơn như viết văn hay làm chính trị. Trường hợp anh em của nhạc sĩ Phạm Duy lại điển hình hơn cả. Con cả của nhà văn Phạm Duy Tốn (1884-1821), Phạm Duy Khiêm (1904-1774) thạc sĩ văn phạm, là một học giả, nhà văn, từng làm đại sứ Việt Nam Cọng Hoà tại Pháp, đóng vai trò gia trưởng từ lúc mồ côi cha lúc mới 15 tuổi, tính tình cứng cỏi, khắc khe với chính mình và mọi người, kể cả đối với ông em út là nhạc sĩ Phạm Duy, nhà nghệ sĩ thiên tài của miền Nam nổi tiếng với nếp sống buông thả, “đầy màu sắc”.

Nói tóm lại, vị trí mỗi người trong thứ tự sanh ra trong gia đình ảnh hưởng đáng kể đến tâm tính và nghề nghiệp, sự nghiệp của họ. Nói chung người con đầu có khuynh hướng bảo thủ hơn, các em, nhất là em út thường phóng khoáng và có khả năng sáng tạo hơn. Tuy nhiên, cũng như trong tử vi, Cung Huynh Đệ chỉ là một trong 12 cung của lá số, tuy thú vị, ảnh hưởng này nếu có cũng chỉ là một phần của số phận hay thành tựu do cố gắng và ý chí mỗi con người mà thôi.

Tham khảo:

1)Trang WbMD: Does Birth Order Affect Who You Are?

http://www.webmd.com/parenting/rm-quiz-birth-order

2) Who are Donald Trump’s siblings?

https://www.yahoo.com/news/donald-trump-siblings-121333034.html

J.B. Ho

Ngày 11 tháng 8 năm 2017