"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Giàu, Nghèo, Giỏi, Dốt

17Chvhiengig1

(image source: FAVIM.COM)

 

Chẳng ham ruộng cả ao liền,

Chỉ ham cái bút cái nghiên anh đồ.

Theo như câu ca dao, các cô gái ngày xưa  muốn lấy một anh chồng học giỏi hơn là một anh chồng giàu. Nhắc đến với chúng ta một câu hỏi trong ngành xã hội học: Bạn muốn sinh ra là người thông minh học giỏi hay là con nhà giàu? ( Nếu vừa giàu vừa học giỏi  thì lại là chuyện khác)

Một khảo cứu mới đây của The Brookings Institution, một viện nghiên cứu gồm trên 300 chuyên gia khảo cứu về các vấn đề chính sách công, kết luận rằng trí thông minh và ý chí (drive) giúp cho chúng ta thành công trong cuộc đời nhiều hơn là tiền bạc địa vị xã hội của cha mẹ. Và đây là những trường hợp ở Mỹ, một xã hội ổn định hơn nhiều so với những xã hội như Việt nam ngày trước, trong đó chỉ trong một ngày con người có thể  "lên voi, xuống chó" và một cuộc đổi tiền hay đảo chánh đảo lộn tất cả, từ tài sản gia đình, cho đến bằng cấp đại học cũng có thể trở thành tờ giấy lộn.

Chính phủ Mỹ theo dõi một nhóm thiếu niên từ năm 1979 lúc họ thi trắc nghiệm vào quân đội Mỹ (Armed Forces Qualification Test) và xếp hạng họ theo mức thu nhập của gia đình thời bấy giờ, và so sánh với kết quả thành công hiện nay, tất nhiên là theo mức thu nhập, lúc họ trưởng thành.

Kết quả cho thấy những thành phần nhà nghèo nhưng trí thông minh cao (chỉ số IQ cao), có nhiều  ý chí (drive), có nhiều khả năng thực hiện nếp sống trung lưu hay cao hơn ("Con hơn cha, nhà có phúc"). Ngược lại, các em nhà giàu nhưng trí thông minh kém cỏi dễ bị tụt dốc bậc thang xã hội so với cha mẹ của mình. Trong nhóm một phần ba học sinh nghèo giỏi nhất, 40% trở nên khá giả, thuộc 40% 'top' về lợi tức. Trong khi đó, trẻ em tuy nhà giàu nhưng IQ thuộc 30% dưới đáy, đứng"chót' về  trí thông minh, hơn 1/2 sẽ thuộc nhóm 40% dưới đáy, thấp nhất về lợi tức. Nói cách khác, những trẻ thông minh và có chí sẽ "ăn nên làm ra", dù xuất thân gia đình nghèo. Ngược lại, nếu nhà giàu mà kém thông minh và ỷ lại, sẽ "không ai giàu ba họ" và mất chỗ đứng dễ dàng. (Tương tự như chuyện “Lưu Bình và Dương Lễ”, tuy Lưu Bình chỉ ham ăn chơi, chứ đủ trí thông minh để kết cuộc thành công lúc về sau anh ta cố gắng học hành)

Các nhà khảo cứu cũng nhắc rằng, không phải trí thông minh quyết định tất cả. Nếu chỉ về thăng tiến trong xã hội, được thông minh (smart), có chí tiến thân  và con nhà giàu vẫn hơn con nhà nghèo có ý chí và thông minh.  Và tất nhiên, không phải cứ con nhà giàu là ‘ngu’, lười biếng như trong các chuyện cổ tích của ta. Ở Mỹ hiện nay, cha mẹ càng giàu có thì con cái càng có cơ hội đi học trường tốt, có sức khoẻ tốt và do đó có càng nhiều cơ hội để thành công sau này. Ngoài ra, vì chế độ xã hội tưởng thưởng cho những người có khả năng trí thức cao trong một nên văn hoá và kinh tế kiến thức (knowledge economy), bản thân cha mẹ khá giả , giàu có thường cũng là những người có chỉ số thông minh IQ cao, và do di truyền con cái họ sẽ thừa hưởng thêm nét ưu đãi này nữa.

Thống kê cũng cho thấy gia đình lợi tức càng cao, cha mẹ trình độ học vấn càng cao, thì điểm SAT của con cái thi để xin vào đại học Mỹ cũng có khuynh hướng cao hơn. Cha mẹ làm 200,000 đô /năm, SAT con trung bình 1714 (trên điểm tối đa cũ 2400), trong lúc nếu cha mẹ làm 20,000/năm, SAT trung bình là 1326.(Washington Post)

17Chvhiengng2

Điểm SAT trung bình (gồm 3 phần: đọc và hiểu, toán và luận văn) trên trục dọc, so với lợi tức của gia đình trên trục ngang (điểm SAT cũ, gồm 3 phần, tối đa 2400 điểm. SAT hiện nay 2 phần=800 Anh văn +800 Toán)(Source: The Washington Post)

Gần đây nhất, một nghiên cứu công bố (9/2017) cho thấy đối với học sinh tốt nghiệp trung học ở Mỹ, ba yếu tố sau đây  làm giảm khả năng học đại học (‘college readiness’), qua kết quả của kỳ thi ACT (ACT tương tự như SAT, gồm Anh văn, toán, đọc và hiểu, và học tập khoa học):

1) gia đình lợi tức thấp

2) cha mẹ chưa bao giờ học đại học

3) thành phần thiểu số da đen, gốc Mỹ la tinh ('Mễ'hay 'Xì'), hay Da đỏ, hay thuộc các đảo Thái Bình Dương. "Underrepresented minorities" mà thôi, không tính người gốc Á như Nam Á (ví dụ Án độ) hay Đông Á, thường gọi là "Asians" như Nhật, Nam Hàn, Trung Hoa, Việt Nam là những nhóm tuy thiểu số trong xã hội, lại được "đại diện quá nhiều" (overrepresented)trong giới sinh viên hay khoa bảng.

Trong các học sinh có cả 3 đặc điểm  trên, chỉ 9%  có đủ sức để vào college,  so với 54% những học sinh không bị những thiệt thòi trên. Nếu chỉ bị một trong 3 điểm trên, tỷ lệ sẵn sàng cho college là 26% (ví dụ học sinh chỉ nghèo, nhưng cha mẹ từng học đại học và không thuộc nhóm thiểu số thuộc nhóm "ít" đi đại học)

Ở Mỹ, các trường đại học càng khó vào thì lại càng đông học sinh nhà giàu hay khá giả vì các học sinh này được chuẩn bị, khuyến khích và cố vấn kĩ hơn. Trong số sinh viên của các trường khó vào nhất, có tính cạnh tranh nhất, hết 72% sinh viên xuất phát từ gia đình  thuộc 1/4 giàu nhất nước Mỹ. Chỉ có 17% sinh viên các trường "tinh hoa" (elite school) này là cần học bổng Pell Grant của chính phủ dành cho sinh viên túng thiếu. Dù sao, con nhà giàu mà kém cỏi cũng được một cái lưới an toàn nâng đỡ lúc bị tuột giò, không như con nhà nghèo thất bại là ... nghèo luôn.

Mặc dù xã hội Mỹ thuận tiện cho việc thăng tiến xã hội qua học vấn, chúng ta cũng không thể không nhớ đến câu ca dao của Việt Nam:

Con vua thì lại làm vua,

Con sãi ở chùa lại quét lá đa...

Tuy nhiên, người Việt là một ngoại lệ làm nước Mỹ ngạc nhiên. Ở Mỹ, vì tránh các khuynh hướng kỳ thị chủng tộc, người ta thường tránh né bàn về khác biệt trí thông minh do di truyền, do khác yếu tố gene, mà nhấn mạnh nhiều hơn đến các điều kiện xã hội thuận lợi hay bất lợi cho đứa trẻ. Các trẻ em Việt Nam trong mấy chục năm qua thành công rực rỡ trong học đường Mỹ, mặc dù cha mẹ các em lúc mới đến phần lớn lợi tức rất thấp, trình độ học vấn, nhất là tiếng Anh không bằng ai và còn phải xây dựng cuộc sống mới trên một đất nước hoàn toàn xa lạ.

Các nhà xã hội học Mỹ cho rằng những nhóm di dân như Việt Nam hay Ấn Độ có một "vốn liếng xã hội" (social capital). Trẻ em của họ, tuy lắm khi sống trong những hoàn cảnh xã hội khó khăn của những khu nghèo ở Mỹ, vẫn chỉ hội nhập một phần thôi với giới trẻ chung quanh, nghĩa là không Mỹ hoá 100%, do đó họ vẫn hưởng được lợi thế của những tiện nghi văn hoá được thiết lập trước khi cha mẹ họ rời quê hương cũ. Những truyền thống như tôn trọng chữ nghĩa, tri thức, kính nể thầy cô ("nhất tự vi sư, bán tự vi sư), sinh hoạt họ đạo công giáo, chùa chiền Phật giáo, hướng đạo, hội tương tế các địa phương, anh dạy học cho em, bà con hàng xóm giúp nhau tìm trường tốt, cơ hội học hành, học bổng cho con cái ... là những "social capital" mà có thể những đứa trẻ đến rời rạc từ các vùng Trung Mỹ không được hưởng. Người ta cũng nhấn mạnh đến vai trò của Khổng học (Confucianism), không những cho trẻ em Việt ở Mỹ thôi, mà còn đối với sự thành công trong học vấn của các trẻ em ở Việt nam và các nước Á đông khác như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng có phản biện cho rằng, sở dĩ trẻ em Việt học giỏi, không phải vì truyền thống Khổng học và hiếu học đem từ VN sang, mà chỉ vì con đường học giỏi là con đường tiến thân duy nhất cho những gia đình tỵ nạn (S. V. Ho).

Chuyện này nhắc nhở chúng ta là, đối với người tỵ nạn đến từ một xã hội khác, những yếu tố như trí thông minh bẩm sinh, sức mạnh của ý chí tự cường, sự hổ trợ của cộng đồng là những lực đẩy không dễ đo lường bằng trình độ học vấn (số năm cha mẹ ngồi trên ghế nhà trường) hay mức lương, lợi tức cha mẹ mang được về nhà.

1)https://www.theatlantic.com/business/archive/2013/12/would-you-rather-be-born-smart-or-rich/281828/?utm_source=atlfb

2)https://www.insidehighered.com/news/2016/01/12/high-achieving-low-income-students-remain-rare-most-selective-colleges

3)https://www.washingtonpost.com/news/wonk/wp/2014/03/05/these-four-charts-show-how-the-sat-favors-the-rich-educated-families/?utm_term=.703439357db0

4)https://www.washingtonpost.com/local/education/we-didnt-know-it-was-this-bad-new-act-scores-show-huge-achievement-gaps/2017/09/06/c6397f36-9279-11e7-aace-04b862b2b3f3_story.html?utm_term=.2794ae5037d3

5) Stephen V. Ho: The Vietnamese-Americans’ Rapid Adaptation to America, in “Vietnam History, Stories Retold for a New Generation” (Hien V. Ho and Chat Van Dang, Editors, CreateSpace,  2012)

Hồ Văn Hiền

Ngày 23  tháng 9 năm 2017