"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Bạn Gái Trong Ca Dao

 17Cnsdbgv1

Ca dao là một hình thức rất phong phú của văn chương. Ca dao phản ánh rất trung thực nếp sống người dân, nhất là dân quê, cùng những phong tục, tập quán vào thời điểm nào đó, đôi khi ở một địa danh nào đó.

Thân phận, vị trí, ảnh hưởng, sinh hoạt của phụ nữ trong xã hội Việt Nam đã được mô tả khá tuơm tất, tỉ mỉ qua ca dao. Tôi không có một sáng kiến nào cả, chỉ gom nhặt đây đó những câu ca dao.

Trong xã hội Việt Nam thời xưa, người phụ nữ được biết đến với bốn chữ: "chịu đựng, hy sinh". Từ thuở còn để chỏm, con gái cũng đã quần quật suốt ngày đến đỗi thành ngữ " xay lúa khỏi bồng em, bồng em khỏi xay lúa" (để chỉ làm việc này khỏi làm việc khác) đã được nêu ra để gợi lên nhiệm vụ của con gái, trong lúc đám con trai lêu  lổng đánh đáo, bắt dế ngoài đồng.

Làm quần quật và chịu đựng:

Má ơi đừng đánh con đau

Để con bắt ốc hái rau má nhờ

Má ơi đừng đánh con hoài

Để con câu cá hái xoài má ăn.

Phải chịu roi, chịu vọt, nhưng đâu nào dám than oán mà chỉ mong:

Đêm đêm thắp ngọn đèn trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Làm viêc từ sáng tinh sương đến chiều, có rảnh đâu, lại còn lo việc cơm nước:

Chim bay về núi tối rồi

Chị em lo liệu bắt nồi nấu cơm.

Lớn lên một chút:

Gái thời giữ việc trong nhà

Khi vào canh cửa khi ra thêu thùa.

(Gia Huấn Ca)

Với thời gian, cô bé gái để chỏm nay trở thành thiếu nữ với tóc đuôi gà cũng biết yêu, cũng có những mối tình. Nhưng tất cả "sinh hoạt" đều trong vòng kiểm soát của cha mẹ:

Gặp mặt anh đây, em chẳng dám chào

Sợ cha mẹ hỏi đứa nào biết con.

Rung cảm của con tim không khoả lấp lời mẹ dặn:

Ra đi mẹ có dặn rằng

Làm thân con gái chớ ăn trầu người.

Gìn vàng giữ ngọc cho chồng thì xóm làng mới kính nể:

Bắp non mà nướng lửa lò

Đố ai ve được con đò Thủ Thiêm.

Và như một luật định "bất di bất dịch" áo mặc sao qua khỏi đầu, dù tình có mặn nồng tới đâu, thì vẫn do cha mẹ quyết định:

Bông ngâu rụng xuống cội ngâu

Em con phụ mẫu dám đâu tự tình

Phụ mẫu sở sanh để cho phụ mẫu định

Em đâu dám tự tình cãi lịnh mẹ cha.

Nguyễn Du cũng một ý đó thôi:

Dù khi lá thắm chỉ hồng

Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

Có tình, có yêu, nhưng nào biết thân phận "mười hai bến nước trong nhờ đục chịu" mình sẽ ra sao:

Thân em như hạt mưa rào

Hạt sa bãi cát hạt vào vườn hoa.

hoặc

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.

Ngay cả trong duyên nợ người thiếu nữ vững tin vào tình yêu:

Sông dài con cá lội biệt tăm

Phải duyên chồng vợ mấy năm em cũng chờ.

Thuơng nhau tam tứ núi cũng trèo

Thất bát giang cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.

Khi đã đặt tình yêu nơi chàng rồi, thì vững như bàn thạch: "ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng rời"

Lưỡi Truơng Nghi dù bén

Miệng Tô Tấn dù lanh

Bây giờ em đã quyết với anh

Dù hai ông tái thế dỗ dành cũng chẳng xiêu.

(Trương Nghi, Tô Tấn là hai thuyết khách nổi tiếng thời Đồng Châu Liệt Quốc)

Yêu, nhưng không mù quáng, người thiếu nữ luôn luôn sáng suốt khuyên chàng quyết chí lập thân:

Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ

Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu

Anh về học lấy chữ nhu

Mấy trăng em cũng đợi

Mấy thu em cũng chờ

Và quyết răn nhủ minh cũng khuyên chàng:

Tay bưng dĩa muối chén gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng phụ nhau

Văn chương thi phú khó có cách nào bộc lộ tình yêu của nàng hơn:

Cây đa cũ

Cây én rủ

Cây đa tàn

Bao nhiêu lá rụng em thương chàng bấy nhiêu.

Cái trong sáng, cái cao cả của người thiếu nữ Việt Nam là: tuy con tim có rung động, tuy tình với chàng có mặn nồng, nhưng chịu đựng hy sinh vẫn là đức tính căn bản. Yêu chàng thì yêu nhưng còn mẹ già:

Đèo nào cao bằng đèn Châu Đốc

Đất nào dốc bằng đất Nam Vang

Một tiếng anh than đôi hàng lệ nhỏ

Còn chút mẹ già biết tỏ cùng ai.

Có ngậm ngùi nào cho bằng:

Con cá đối nằm trong cối đá

Chim đa đa đậu nhánh đa đa

Chồng gần chẳng lấy

Sao lấy chồng xa

Mai sau cha yếu mẹ già

Bát cơm ai đỡ, kỷ trà ai dâng.

(Không biết sau này, khi sáng tác Lỡ Bước Sang Ngang, Nguyễn Bính có mượn ý thơ và hơi thơ trong mấy câu ca dao trên không?)

Dù sao cũng khuyên chàng bền chí:

Chẻ tre bện sáo cho dầy

Bắc ngang sông Mỹ có ngày gặp em

Một khi duyên thắm chỉ nồng rồi, người thiếu nữ vẫn luôn luôn hy sinh, chịu đựng, làm việc, giúp đỡ, khuyên nhủ chồng lo gầy dựng tuơng lai:

Sáng trăng trải chiếu hai hàng

Bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ

Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ

Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.

Chịu đựng, hy sinh, người thiếu nữ chấp nhận tất cả, chỉ muốn chung sống với chồng:

Đi đâu cho thiếp theo cùng

Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam

Dù vậy, người thiếu nữ vẫn nhớ là chàng còn trách nhiệm với non sông tổ quốc:

Anh ơi phải lính thì đi

Cửa nhà đơn chiếc đã thì có em

Hãy nghe tâm tình của một thiếu phụ cuối đời Gia Long, đầu đời Minh Mạng ẩn nhẫn về nhà quá xuyến:

Con cò lặn lội bờ sông,

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non

Em về nuôi cái cùng con

Anh đi trẩy thú nước non Cao Bằng.

Bạn thông thạo nhiều ngoại ngữ, đọc nhiều sách, bạn có tìm được hy sinh nào bằng hy sinh của người phụ nữ Việt Nam?

Phải chi em vác nổi súng đồng

Để em đi lính thế cho chồng đôi năm.

Hy sinh như thế...rồi đôi khi gặp chàng không chung thuỷ, bắt đầu "so sánh, khen chê" nàng chỉ biết chịu đựng:

Trắng da thì bởi phấn dồi

Đen đá vì bởi em ngồi chợ trưa

hoặc

Trắng da vì bởi mẹ cưng

Đen da vì bởi lội bưng vớt bèo

Chàng chẳng những không suy nghĩ lại, chỉ muốn phũ phàng, người thiếu nữ, lần nữa chỉ biết chịu đựng, hy sinh:

Nào khi gánh nặng chờ

Qua truông em đội, bây giờ phụ em.

Và chỉ biết tin vào lẽ công bằng của Đấng Tối Cao, của Đất Trời:

Ai phụ em có Đất Trời chứng giám

Phận em nghèo không dám trách ai.

Chẳng dám trách chàng, chỉ tiếc mình đặt tin tưởng vào người không chung thuỷ:

Em tưởng cái giếng sâu

Em nối sợi dây dài

Hay đâu giếng cạn

Em tiếc hoài sợi dây.

Chàng có phụ, mẹ vẫn ôm con:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh dài thức đủ năm canh.

Còn cảnh nào não lòng hơn, đêm đêm vòng kẽo kẹt, ru con mà nghe:

Gió đưa bụi chuối sau hè

Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ.

Còn chịu đựng hơn nữa, gặp anh chồng vũ phu, người thiếu phụ chỉ biết than:

Dang tay đánh thiếp sao đành

Tấm (áo) rách ai vá, tấm lành ai may.

Hy sinh cho chồng, hy sinh cho con:

Có con phải khổ vì con

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng

Con thơ tay ẵm tay bồng

Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông.

Ngay cả khi con khôn lớn, ra đời, lòng mẹ đâu đã yên:

Chim quyên xuống núi tha mồi

Thấy con gian khổ đứng ngồi không yên.

Chịu đựng, hy sinh, người phụ nữ Việt Nam lại gặp bất công: cha ghẻ, mẹ ghẻ là chuyện thường, cha ghẻ hành hạ con của vợ, sao chẳng ai rêu rao gì cả, mà chỉ mỉa mai:

Mẹ gà con vịt chắt chiu

Mấy đời mẹ ghẻ thương yêu con chồng

hoặc:

Mấy đời bánh đúc có xương

Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng.

Cái trong sáng, cái cao quý của người phụ nữ Việt Nam thời xưa là: càng hy sinh tận tuy với con, càng nhớ mẹ già (rồi người phụ nữ cũng sẽ thành mẹ già)

Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa

Miệng nhai cơm bún, lưỡi lừa cả xương

và:

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ

Có một năm, trong lúc các hội đoàn thi nhau tổ chức "Ngày của mẹ" (Mother Day), một cụ già từ viện dưỡng lão đã gởi đăng báo một bài thơ..(tôi chỉ nhớ bốn câu đầu)

Năm đầu, mỗi tháng con thăm mẹ

Cũng đỡ cô đơn, cũng ấm lòng

Sáu tháng một lần năm kế tiếp

Để rồi từ đó biệt tăm luôn

Than ôi, còn đâu:

Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con

hay:

Ba tiền một khúc mía buôi

Cũng mua cho đặng mà nuôi mẹ già

Tôm càng lột vỏ bỏ đuôi

Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già

Mong rằng dù vật đổi sao dời, dù tha hương lưu xứ, tinh thần người phụ nữ Việt nam vẫn như ngàn xưa:

Lên chùa thấy Phật muốn tu

Về nhà thấy mẹ đi tu không đành

Để kết thúc, người viết xin chép lại gương bà Nguyễn Thị Tồn, vợ của Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa. Lúc ngồi tri phủ ở Trà Vinh (khoảng năm 1837-1838, dưới thời vua Minh Mạng), ông Thủ Khoa Nghĩa mắc hàm oan. Bà Thủ Khoa Nguyễn Thị Tồn lận lội ra tận Huế, đến tận Tam Pháp Ty khua ba hồi trống để minh oan cho chồng.

Ông Thủ Khoa Nghĩa được Vua giải hàm oan, Bà Thủ Khoa được Đức Từ Dũ cho vào tiếp kiến và ban một tấm biểu chạy bốn chữ vàng "Liệt Phụ Khả gia".

Sau, bà bệnh mất ở Biên Hoà, lúc ông Thủ Khoa Nghĩa đang trấn nhậm ở Châu Đốc, về không kịp để chôn cất. Ông viết đôi liễu thờ Bà Nguyễn Thị Tồn:

Ngã bần, Khanh năng trợ

Ngã oan, Khanh năng minh

Triều dã giai xưng Khanh thị phụ

Khanh bệnh, ngã bất dược

Khanh tử, ngã bất tang

Giang sơn ưng tiếu ngã phi phu

Ta nghèo, mình giúp đỡ

Ta tội, mình minh oan

Trong triều ngoài quận

Đều khen mình thật đáng là vợ

Mình bệnh, ta không thuốc thang

Non sông cùng cười ta

Chẳng xứng gọi là chồng.

BS Nguyễn Sơ Đông

Ngày 29 tháng 9 năm 2017