"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." ** Nguyễn Bá Học **

 

Ông Vua Tai Lừa

18Ahvhienvtl1

 

Chúng ta vừa qua năm Con Khỉ và bắt đầu năm Con Chó. Rất tiếc chúng ta không có năm con Lừa.

Truyền thông Mỹ cũng như Việt trong hơn một năm nay khui ra không biết bao nhiêu chuyện "thâm cung bí sử" thuộc loại "tai lừa", hay "bộ xương người dấu trong tủ áo" (skeletons in the closet) của người Mỹ, tin thật cũng có mà "tin giả" (fake news, chữ của Tổng Thống Trump) cũng có. Ở Mỹ báo chí đối lập, "liberal", hầu như ngày nào cũng có chuyện nói về vị tổng thống tỷ phú của mình. Riêng Hàn Quốc thì chủ tịch miền Bắc được tôn sùng như thần thánh, vị cựu nữ tổng thống miền Nam, con của nhà lãnh đạo độc tài Phát Chánh Hy, thì đang ngồi tù vì bị buộc tội tham nhũng và để lộ bí mật quốc gia cho bạn gái của mình biết..

Chuyện Vua Tai Lừa từng được phổ biến ở Việt nam, có lẽ cũng xuất phát từ sự tích Hy Lạp về vua Midas, khoảng 2000 năm trước TC (BC). Nhờ thần Dionysus trả ơn Midas cứu cha nuôi của mình, Midas đụng vào bất cứ cái gì thì sẽ biến nó  thành vàng (“the Midas Touch”). Thức ăn của mình thành vàng cứng lại không còn ăn được, hoa hồng thành vàng mất mùi thơm và chính con gái của ông cũng trở thành bức tượng vàng vô tri giác. Do đó Midas phải xin thần Dionysus giải trừ khả năng mầu nhiệm của hai bàn tay mình, từ bỏ sự xa hoa và lòng tham lam. Midas dọn về nơi thiên nhiên, hoang dã, và hâm mộ Thần Pan, thần của các cánh đồng, nơi thôn dã, là kẻ thổi sáo rất hay. Lúc Pan tranh tài với Apollo, thần mặt trời, tuyệt vời với tiếng đàn lyre, Midas không đồng ý với trọng tài là thần núi và cho là tiếng sáo của Pan hay hơn lyre của Apollo. Thần Apollo tức giận, cho Midas là không có khả năng thưởng thức âm nhạc, và tặng ông vua hai cái tai lừa. Midas muốn che dấu sự thật, thủ tiêu tất cả các thợ hớt tóc của mình sau khi họ thấy đôi tai lừa. Cho đến một anh hớt tóc khôn ngoan, làm như không thấy điều gì bất thường trên đầu ông vua. Nhưng về nhà, nhịn không được, anh ta cũng phải ra chỗ vắng người, đào một cái hố, cúi đầu vào la lên "Ông vua Midas mang tai lừa", rồi lấp đất lại. Và sau đó thấy nhẹ nhõm , sung sướng vô cùng. Lau sậy mọc gần đó về sau cứ thì thầm trong gió "Vua Midas có tai lừa". Điều tra , anh hớt tóc phải khai thật. Vua thấy sự thật không thể che dấu mãi, chỉ làm người dấu diếm khổ sở mà thôi. Vua tha anh thợ hớt tóc và không thèm đội mũ để che dấu hai tai lừa nữa, lòng nhẹ nhõm như anh chàng hớt tóc sau khi đổ bấu tâm sự vào cái hố.

Không hẹn mà gặp, Việt Nam chúng ta có câu: "Tai vách, mạch rừng", "Tiếng lành đồn gần tiếng dữ đồn xa" và "Lấy thúng mà úp miệng 18Ahvhienvtl2voi". Thời nay thiên hạ ấm ức với các bí mật mình giữ nên mới có "wikileaks" tung hoành trên mạng. Internet trở thành ngọn gió loan tin về các "tai lừa" của các nhân vật tai to mặt lớn từ chính trường Washington, DC đến Hollywood. Tuy nhiên, không như Midas "có tật giật mình", hay nói lạc quan hơn, tuy tàn sát các ông thợ hớt tóc lúc ban đầu, cuối cùng cũng phải chấp nhận và biết tôn trọng sự thật, các vị tai to mặt lớn ngày nay vẫn đam mê tiền tài ( không chịu từ bỏ "the Midas touch"), "khôn”, lanh hơn Midas, đính chính tin đồn trước rồi kẻ tung "tin xấu" đưa ra toà sau,"hạ hồi phân giải". Tuy nhiên, họ khó đạt được sự bình yên như Midas.

Tình cờ tôi tìm ra một bài báo viết về câu chuyện vua tai lừa ở Hàn Quốc, là Triều Tiên ngày xưa, xin lược dịch để quý vị xem cho vui. Nước này cũng đang mệt mỏi trong giấc mộng làm giàu (the Midas touch) ở miền Nam, và miền Bắc thì vẫn cố tình che dấu đôi tai lừa của những người đóng vai trò vua chúa quyết định sự sống chết của người dân.

 

 

 

Ông Vua Tai Lừa, phiên bản Hàn quốc.

Ngày xưa ở Hàn Quốc,ở nước Silla, có ông vua Gyeongmun (861-875), vua thứ 48 của vương quốc. Đây là một thời kỳ rối ren với nhiều cuộc nổi loạn, đã vậy Vua còn có một vấn đề làm ông khổ sở. Theo truyền thuyết, ông có hai tai lớn một cách đáng sợ. Giống như vua Midas của Phrygia, người từng bị vị thần Hy Lạp Apollo trừng phạt với đôi tai lừa, vua Gyeongmun luôn luôn phải che giấu đôi tai khổng lồ của mình dưới cái vương miệng hay cái mũ. Tuy nhiên, khác với Vua Midas, Vua Gyeongmun không hề được cái cảm giác kỳ diệu là cứ sờ vào vật gì thì biến nó thành vàng. Hơn nữa, tai lừa của ông không phải là kết quả của một lời nguyền rủa của thần linh, chỉ đơn giản là, một hôm không biết tại sao, hai cái tai của ông đột nhiên mọc ra lớn như vậy. Vua Gyeongmun kinh hoàng, chết lặng. Không thể cho ai biết được bí mật này!
Rõ ràng là Vua giữ được bí mật, vì không ai biết ông giống con lừa, thậm chí hoàng hậu của ông cũng không biết nữa. Thật vậy, người duy nhất từng thấy vua không đội mũ hoặc vương miện của ông là người sản xuất vương miện hoàng gia, người này theo nhu cầu nghề nghiệp đôi khi được phép đo đầu của vua. Hoặc do sợ hãi hay vì tôn trọng ông vua, nhà sản xuất vương miện cũng có đủ khôn ngoan để không nói cho ai biết câu chuyện này. Ông ta đáng tin cậy, nhưng không có nghĩa là ông ta không mắc cái bản năng ngồi lê đôi mách. Lúc biết mình sắp chết, dằn vặt bởi điều bí mật không được lộ ra suốt đời và phải đem xuống mồ, ông ta quyết định phải mở miệng một lần trước khi ông ta về trời. Bụng nghĩ: "Mình phải nói cho ai đó biết".

Không thể dồn ép nữa, nhà sản xuất vương miện chạy trốn vào một khu rừng tre gần một ngôi đền linh thiêng và hét vào đám cây, "Vua có tai lừa!" Cuối cùng, anh ta có thể trở về nhà và chết bình yên. Tuy nhiên, cây tre cũng không thể tự liềm chế, và mỗi khi gió thổi qua rừng, chúng đều lặp lại những lời: "Vua có tai lừa ... Vua có tai lừa", âm thanh vang vọng khá xa , thông báo cho cả vương quốc về bí mật hình dạng của vua Gyeongmun. Ngạc nhiên và xấu hổ, vua Gyeongmun ra lệnh chặt phá và tiêu diệt toàn bộ rừng tre. Tuy nhiên, mỗi khi gió thổi, gió mang theo khắp mọi nơi cũng những lời này: "Vua có tai lừa ... Vua có tai lừa ..." Có lẽ cũng những chính cơn gió đó mang câu chuyện này qua rất nhiều thế hệ đến tận chúng ta ngày nay.

Mặc dù Vua Gyeongmun là một nhân vật lịch sử thực sự, câu chuyện này rõ ràng chỉ là văn hoá dân gian. Chi tiết được mô tả trong Samguk Yusa, hay Di chỉ Thời Tam Quốc (Memorabilia of Three Kingdoms), một bộ sưu tập văn học dân gian, truyền thuyết và giai thoại lịch sử từ những năm 1200 về ba vương quốc cổ đại của Goguryeo, Silla và Baekje. Đây là một sự trùng hợp thú vị, vì câu chuyện của vua Gyeongmun cho thấy sự tương đồng đáng kể với vua Midas, theo đó người thợ cắt tóc đã thốt ra bí mật của mình vào một cái lỗ trong lòng đất, từ đó đám sậy cuối cùng mọc lên và thì thầm, "Vua có tai lừa! " Những câu chuyện tương tự tồn tại trong văn hoá dân gian của các nước khác, thường là tai lừa được thay thế bằng tai của một con cừu hoặc con dê. Có ai trả lời câu hỏi: “Tai thú vật có gì đặc biệt khiến chúng ta muốn gắn chúng lên đầu các vị vua bất hạnh của chúng ta?”

(Hồ văn Hiền phỏng dịch Felix Im.
Minh họa : Shim Soo-keun)

Hồ văn Hiền

Ngày 5/2/2018