Niềm Thương Nhớ Ba

                                                                               

         Liên tưởng đến một giòng sông hiền hòa chảy qua thành phố quê tôi, và cũng là lúc tôi nhớ đến bài văn được khen khi tôi đã viết bài luận văn tả về Người Cha ở lớp năm: " Quê tôi có con sông mang tên Hương. Ba tôi là giòng sông đang chảy dưới chiếc cầu trắng bắc ngang, nối liền hai bờ..."

         Đến một khúc khoanh nào đó trong đời người, chúng ta thường hay nhìn lui về miền quá khứ. Nhưng những gì của quá khứ xa xăm đó lại là nhưng khoảnh khắc gần nhất, chỉ chạm nhẹ vào tim ta cũng đủ để ta bồi hồi, chao nghiêng.

         Thật vậy, tôi cũng đã đi qua khúc quanh của tuổi trung tuần và đang bước vào con lộ dài của tuổi lục tuần. Cũng không hẳn là những chao động tâm lý, cũng không hẳn là ngồi im để lắng nghe tiếng vọng của ký ức. Nhưng tôi vẫn nhớ hết khi tự mình hay một ai khác gợi lại. Thỉnh thoảng tôi đã gọi về VN, gọi thăm những người bạn thân thiết thời xa xưa, tiểu học, trung học rồi đại học. Một hôm, một người bạn thân thời tiểu học, lớp năm, gọi trả lời tôi. Thế là chát nhau trên phone như chim hót, vẫn là những giọng chim oanh của Huế không thay đổi. Thật là hữu duyên thiên lý, nói chuyện trong phone như đang tay bắt mặt mừng, rồi lại là những kỷ niệm đáng nhớ, dễ thương khi nhắc đến, giành nhau mà nói, và cảm nhận hai đứa như đang gần nhau trong gang tấc .

     Ngăn kéo ký ức lại được mở rộng. Bạn tôi nhắc về Ba tôi, và tôi bỗng dậy lên nỗi nhớ mãnh liệt về người. Tôi thật thầm phục về trí nhớ của bạn, đã qua hơn nửa thế kỷ thế mà bạn tôi vẫn nhớ những hình ảnh sống cuả Ba tôi như in dấu trong trí. Tôi như đang mơ thấy Ba, dù trời đang vẫn sáng, một giấc mơ ban ngày thật dài và thật đẹp. Thầm cám ơn bạn tôi đã cho tôi sống lại những giây phút cùng Ba. Cuộc sống, công việc, ưu tư, lo lắng, rồi xoay trở trên vai những gánh nặng, thì chuyện bỏ quên quá khứ cũng là chuyện không thể không có .

       Hình ảnh của Ba tôi ngày nào trong bộ đồ thể thao trắng toát, chiếc xe đạp giàn màu đen, chiếc vợt màu sáng bạc cầm tay khi đến đón tôi trước cổng trường màu đỏ sẩm của trường Trung Tiểu học Bồ đề Thành Nội. Những nét chấm sâu đậm ấy đã là một bản vẽ của người hoạ sĩ đã vẽ bức tranh đẹp vào trí nhớ của đứa học sinh lớp năm, bạn tôi. Và bây giờ, bạn tôi đã kể vanh vách cho tôi nghe lại.

       Ba tôi là một danh thủ quần vợt tại thành phố Huế thời đó. Nét đặc thù của người là luôn luôn trong bộ đồ thể thao. Quần short trắng, áo thun tay đùi có cổ trắng, đôi giày Tennis trắng, đôi vớ trắng, ngay cả đôi băng buộc tay cũng cũng trắng. Ngoại trừ cây vợt đắt tiền Dunlop là màu bạc sáng bóng mà một vị tướng nào đó tặng ba tôi, và chiếc xe đạp đua giàn ngang màu đen Pháp cũng do một vị bạn quen nào đó tặng. Những gì ấy đã làm nên những vẻ riêng đã gắn liền con người, tên tuổi và cuộc sống của Ba tôi từng ngày, từng tháng, từng năm của người cầu thủ nổi tiếng của xứ cố đô.      

         Nhữngchiều tan học, tôi cùng bạn đi bộ lang thang lượm hoa phượng, hái trái dại

hai bên những con đường nhỏ có hàng phượng đỏ thắm dẫn về nhà. Những chiều Ba tôi không

theo dự những cuộc thi đấu, ở nhà tập dượt, thì người lại đến đón tôi. Những ngày đó , đối với đứa con nít như tôi thì quả là một diễm phúc tuyệt đỉnh. Hoa, trái dại, bướm vờn vai, chim hót trên nhành lá... đã không còn là một si mê ngây ngất của đứa nữ sinh nho nhỏ sau buổi học. Thế giới trong mắt của tôi lúc đó chỉ là Ba tôi.

         Tựa vào cánh cổng trường chiếc xe đạp đua thời Pháp đã cũ, màu đen, có giàn ngang, không chuông, không thắng, không vành chắn bùn cho hai bánh xe. Ba tôi như ngạo nghễ, bất cần cách biệt với chung quanh. Giữa đám đông cha mẹ lộng lẩy bên những chiếc Vespa kiểu Super màu bạc hay màu ô liu láng bóng, trung lưu nhã nhặn với những chiếc Honda đỏ tươi, hoặc những bà mẹ phu nhân ngồi trên những chiếc Jeep cùng những người cha lấp lánh hoa mai bạc hai bên cổ áo trong vẻ oai nghi nhà binh đến đón con. Ba tôi trông thật cô đơn trong nỗi hạnh phúc riêng mình là cũng được đón con. Khi tiếng trống trường vang lên, thế là tôi chạy nhanh ra khỏi lớp theo tiếng trống dồn dập cùng với tiếng đập như muốn vỡ quả tim non của tôi. Ba đứng đó. Dáng đứng cao thẳng, sạm nắng, rắn chắc, đẹp như một bức tượng lực sĩ, toả sáng cả vùng trời vì bộ đồ thể thao màu trắng. Người chủ nhân thế giới của tôi là đây. Ba tôi tay cầm chiếc vợt, tay kia đỡ lấy cặp sách của tôi, hai cánh tay trơn ướt mồ hôi ôm chặc tôi rồi lấy đà bồng nổi tôi lên ngồi trên cái giàn xe đã được lót chiếc khăn lông trắng còn ươn ướt sau cuộc tập dượt trong ngày. Vắt vẻo trên giàn xe với đôi chân để một bên, tay nắm chặc ghi đông xe, cả thân hình nhỏ nhoi của tôi như được bao phủ bởi hai mảnh sò an toàn sẩm màu nắng của vòng tay người. Mùi nồng mồ hôi của Ba không làm tôi khó chịu mà là một mùi hương quen thuộc đã đánh thức khứu giác của tôi và làm tôi ngây ngất với diễm phúc lớn nhất thế gian này là được bên Ba. Ba tôi nhè nhẹ đạp xe như muốn kéo dài những giây phút bình yên với con. Xe đi qua những con đường nhỏ quen thuộc, dẫm trên đám lá khô, trên xác hoa Phượng đỏ rơi trên đường, tim tôi như reo vui và có những điều muốn chia xẻ cùng ba. Tôi ngoái đầu ra sau, hãnh diện khoe:

       “ Ba, bài luận con viết về Ba, được cô giáo chấm điểm 9, cô lại đọc cho cả lớp nghe, rồi cô nói cô sẽ xin đọc cho cả trường nghe trong ngày phát thưởng cuối năm.”

       “Ừ giỏi, cái đầu của con còn giỏi hơn cái tay cuả Ba. Hương gắng học cho Ba vui.”

       Những chiều tan lớp không có Ba đến đón, chút cay cay ở mắt, mi mắt ươn ướt khi nhìn đám bạn líu ríu bên cha mẹ. Con đường về nhà bỗng dài hơn, trái dại chín mọng không buồn hái, hoa Phượng tươi rơi không muốn lượm. Quả đất này còn gì để gọi là tròn đâu, thế giới này bỗng dưng tê liệt, cây cỏ im lìm rũ lá và con cũng là một cọng cỏ non đã khô héo. Ba ơi. Ba tôi đã có những lần xa nhà lâu vì những cuộc thi đấu lớn với các nước nhỏ bạn như Laos, Cambodia , Thailand... Vì nhớ Ba, và để làm vui lòng Ba, tôi chỉ biết cố gắng học thật giỏi. Giải thưởng danh dự toàn trường cuối năm nào ở tiểu học tôi cũng ôm lấy trong tay với một số quà thưởng thật nhiều. Rồi sau này là trung học, rồi đại học cũng đều thi đổ với điểm cao hơn mức trung bình. Thế là Ba tôi thường khoe với khách bạn mỗi lần họ đến nhà thăm Ba tôi.

     Ngoài cái giỏi của một danh thủ có hạng, ba tôi còn là một nghệ nhân của làng quần vợt.      Chiếc vợt Dunlop nhẹ của Ba, người đã yêu say đắm như một người tình thuỷ chung dù bên cạnh đã có me tôi. Ngày ngày ngắm nghía, lau chùi, nắn lại từng sợi dây đan lưới trên chiếc vợt, dù chiếc vợt vẫn tốt sau những trận đấu cháy sân. Ba tôi có tài phục hồi lại những chiếc vợt gỗ hay những loại vợt bằng kim loại nhẹ đã bị đứt giây hay méo mó cái khung vành trở thành chiếc vợt mới. Bạn chơi thường đến nhà để nhờ ba sửa lại. Thù lao, Ba không lấy, và họ chỉ biết mua tặng hộp thuốc lá đắc tiền danh tiếng vào thời đó, Craven “A’’, gói trà Huế hảo hạng hiệu Tam Hỉ. Đó là hai món thuộc loại khoái nhất của người. Những trưa hè nóng, bên cạnh chiếc máy quạt mở hết tốc độ, tôi ngồi nhìn Ba đang say sưa, để hết tâm trí đan lại những khung vợt bị đứt lưới, hay nắn lại cái vành vợt méo mó hay bị uốn cong. Trông ba như môt nghệ nhân chuyên nghiệp tinh xảo, tài năng. Muốn giúp Ba, tôi chỉ việc rót ly trà đậm, bật chiếc máy lửa Zippo để Ba đốt điếu thuốc Con Mèo, đưa chiếc khăn ướt mát lạnh để ba lau những giọt mồ hôi đọng trên vầng trán nám nắng. Chút giao lưu để gần gũi thêm với Ba như vậy thôi, nhưng tôi đã rất hãnh diện với các anh chị em tôi, vì họ đã không làm được như tôi. Và thế là các anh chị em tôi nói đùa nhau : “ em Hương nịnh Ba “, và tôi cũng không có một chút thương tổn nào khi bị đặt dưới một lăng kính tệ như vậy. Con nít mà! Tôi phục lăn ba và ngắm những động tác của người thợ mê say như ngắm một diễn viên chính trong phim. Thảo nào me tôi đã yêu hết những cái tài tử trong người cuả Ba mà không một lời than van về những ngày đi sớm về muộn của chồng. Thật vậy, sau giờ tan sở, ba tôi lại khoác vào bộ áo cầu thủ, ra sân cùng các vị “ lớn” khi họ cũng đã cởi bỏ lớp áo thượng cấp để ba huấn luyện cho họ. Rồi lại tiệc tùng, thư giãn..., rồi về nhà thật muộn. Và, tôi cũng đã ngồi đợi Ba bên thềm nhà cho đến khi lúc Ba về nhà để khoe cái thành tích biểu hạng nhất của tôi, để nhìn thấy đôi mắt yêu thương pha niềm hãnh diện của Ba dành cho tôi.

     Thời đó, Tennis là môn thể thao dành cho giới thượng lưu, trí thức, thương gia có tiếng tăm. Để là hội viên Cercle Sportif của thành phố thì phải đóng hội phí rất đắt tiền nên đa số hội viên đều là thuộc gíới của tầng lớp cao trong xã hội. Nhưng với Ba tôi, chỉ là một công chức chánh ngạch, “gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung”, thế mà chỉ vì những ngón banh thần tốc lão luyện, những cú đập banh quật ngã đối phương trên sân banh nắng cháy, những chiếc cúp vô địch thắng trận mang về cho thành phố, ba tôi đã dẫm qua lằn ranh biên giới ấy. Ba tôi đã không ao ước hay đua chen, dựa dẩm để thăng tiến, chỉ hưởng cái bổng lộc là những ngày tháng bình yên tại chức để huấn luyện, thi đấu cho thành phố, sống hạnh phúc cùng gia đình và sống với những gì mà ba tôi đã đam mê theo đuổi. Và anh chị em chúng tôi cũng được hưởng cái danh dự con của một hội viên Cercle danh dự tại Huế là : miễn phí cho tất cả những thú giải trí vui chơi của hội. Thế là, tiệc tùng khi lễ Giáng sinh, Tết Tây, Tết ta , Trung thu... , chèo thuyền Périssoire trên sông Hương, hồ bơi, tập luyện Tennis... tất cả đều được free cho chúng tôi. Nhìn thấy dãy cúp thưởng mạ bạc hay đồng đen sáng loáng có khắc tên Ba tôi, được trưng bày ở phòng tiếp tân sang trọng của Cercle, anh chị em chúng tôi đã không còn mặc cảm thua kém bên những chiếc áo đầm kim tuyến óng ánh hay bộ đồ tây mắc tiền của những đứa trẻ con của các hội viên giàu có.

     Ngoài ra, nghe lời bà nội tôi kể, Ba tôi đã từng là một người thân cận để huấn luyện cho một vị quân vương cuối cùng của một triều đại đã qua, trẻ tuổi, tây học, đam mê thể thao, trong đó có môn Tennis. Thảo nào ba tôi vẫn luôn treo tấm hình của ngài ấy ở trên tầng gác lững của nhà tôi. Tấm hình trong khung gỗ viền vàng của một vị, trong bộ veste trắng vẽ mặt thông thái phúc hậu ẫn chứa nét đẹp uy nghi của một vị trên ngôi cao. Dưới là khung hình của Ba tôi trong chíếc áo dài đen đội khăn đóng đen và đeo chiếc thẻ bằng ngà voi trước ngực áo. Ba tôi nói với các con: ” Đây là tấm thẻ bằng ngà voi, Ngài đã ban cho ba để ba ra vào cung vua mà huấn luyện và chơi Tennis cho Ngài.” Thì ra dù là một con người thể thao sinh động, nhưng trong Ba lại ẩn chứa sâu sắc một niềm hoài cổ, trung thành và tôn thờ một chúa. Điều này lại càng làm tôi kính phục ba tôi thêm và càng hãnh diện thêm hơn khi biết đến một điển tích hiếm có và tuyệt đẹp ấy của người.

   Một ngày, Ba tôi đem về cuốn đặc san Thể Thao có hình bià của ba vị Vô địch Quần vợt của ba miền Nam Trung Bắc. Hình ba tôi ngồi giữa, trong bộ short trắng, vẻ mặt tuấn tú, nhưng là những bắp thịt rắn chắc cuồn cuộn của tay và đùi. Cả nhà xúm nhau xem tấm trang bìa ấy mãi mà không biết chán. Thế mà ba vị cứ ai cũng ngồi riêng một chiếu, chơi riêng một sân, lẫy lừng một cõi và vẫn chưa một ai đoạt danh hiệu toàn quốc một khi đất nước đã bị ngăn đôi.

     Miền Trung phần có Ba tôi là vô địch quần vợt, điều này cả Huế trong giới chơi Tennis ai cũng biết, và fans của ba cũng rất nhiều. Những trận đấu lớn trong hai miền Nam, Trung, hoặc các nước thuộc Đông Nam Á trong suốt thời gian dài ba tôi đều đã đoạt được danh vị vô địch.

    Nhưng rồi ba tôi bị nhuốm bệnh. Tôi nhớ, vì ba tôi đã có một cuộc thi đấu mà phải ba lần thắng mới đoạt chức vô địch. Ba tôi đã gắng hết sức lực, và cuối cùng đoạt được chiếc Cúp bạc có khắc 3 hàng tên của người vô địch, chỉ là tên Ba tôi. Ba tôi dưỡng bệnh tại nhà. Căn nhà nhỏ khiêm nhường của gia đình tôi trong dãy cư xá Công chức bỗng chốc tấp nập khách đến thăm. Thượng cấp, doanh nhân, trung lưu, trí thức, các fans trẻ dồn dập ngựa xe đến dãy cư xá. Láng giềng thầm ngạc nhiên. Me tôi khoác vội chiếc áo dài lính quýnh pha trà mời khách. Anh chị em chúng tôi ngơ ngẫn nhìn nhau. Loáng thoáng tôi nghe những câu thăm hỏi bằng tiếng Pháp của một vài vị thượng cấp đã được ba tôi huấn luyện. Họ hứa sẽ giúp đỡ Ba và gia đình tôi. Ba tôi không hỏi xin tiền bạc, nhà, xe, đất hay một vật gì có giá trị kinh tế, mà chỉ hỏi xin sự giúp đỡ cho các con của Ba. Thế là anh trai tôi vưà mới ra trường Thủ đức đã được chiếc ghế ở sở Tài chánh Quân khu I ngay tại Huế. Chị gái tôi chưa tốt nghiệp đại học đã được chân phụ tá quản thủ Thư viện đại học Huế. Phần tôi, lời hứa của vị viện trưởng viện đại học với ba tôi trên sân banh, thì cái học bổng du học Pháp sau khi tốt nghiệp đại học LK về ngành Công pháp quốc tế sẽ không phải là chuyện khó cho tôi. Và me tôi thì vẫn taỏ tần cùng đàn con nhỏ, đàn heo mập ú cùng chị người làm và mẩu đất trồng chuối ở cuối đường do ông nội tôi để lại.

  Và rồi ba tôi đã không còn là vô địch. Tuổi tác, sức khoẻ đã bị chiếc lưới thời gian huỷ hoại vô tình. Ngày đó, nhóm cầu thủ trẻ ở miền Nam ra Trung. Họ đến Huế để tham quan và cũng là dịp để so tài. Ba tôi đã lão làng, kinh nghiệm trên sân banh đầy người, vẫn còn những ngón banh bí hiểm làm choáng váng đối thủ. Nhưng những cơ bắp đã không còn độ giãn lý tưởng cho một vị lão thành bên những chàng trai sung mãn. Ba tôi đã không còn là vị chủ nhân của sân banh Huế ngày nào. Và trong cuộc thi đấu cuối cùng, số điểm thua của ba tôi dù không cách biệt mấy với số thắng nhưng vẫn là một bại trận của người danh thủ. Một chấp nhận nhẹ nhàng trong an vị tự tại của một danh vị mới cho ba tôi : “Vô địch lão tướng”. Đám người tuổi trẻ đã tiếp bước cha ông để làm nên trang sách mới.

       Ba tôi gác vợt thi đấu. Nhưng vẫn là những ngày cùng cây vợt lang thang trên dọc đường dẫn tới Cercle. Vẫn là những ngày ngồi chăm chú trên chiếc ghế cao trọng tài của sân banh. Vẫn là những ngày chậm rãi bước ra sân banh để chia xẻ lại cho lớp đàn em số kinh nghiệm mồ hôi trên chiến trường chơi. Ba vẫn còn yêu say đắm cái sân chơi, chiếc vợt Dunlop vẫn là người tình trong tay dù đã nhạt ánh sơn bạc thanh tân, và vẫn là đôi mắt nâu đen đã nhuộm chút ngầu đục nhìn xa xăm như đang nhìn lại những trận đấu lẫy lừng năm xưa đã làm nên những phút vinh quang trong chiến thắng của một người danh thủ.

    Nhớ về cái ngày xa xưa ấy. Sau những tháng ngày lao lung ở chốn rừng núi, ba tôi được trở về sum họp gia đình. Và vẫn lại là những tháng ngày để ba tôi một mình thả bộ dọc theo những con đường muà hè có hoa phượng đỏ rơi đầy dẫn đến sân banh. Ba mẹ con tôi trên đường về thăm ngoại. Đi ngang qua thư viện đại học Huế, nhìn trái qua sân banh của Cercle, nhìn thấy ba tôi vẫn ngồi trên chiếc ghế cao của vị trọng tài. Tôi đã khoe với hai con tôi về ông ngoại của chúng nó. Hình ảnh vị anh hùng của riêng mình mà tôi đã cất kín trong trái tim tôi. Thế rồi, một cơn đột quỵ đã làm ngã gục một con người tài hoa đức độ như ba tôi. Trận đấu định mệnh cuối cùng của ba tôi để dành lại sự sống chỉ kéo dài trong vài tháng. Những đòn banh trí mạng hiểm hóc đã không còn là những cú đập ngàn cân, thần tốc như ngọn cuồng phong vào góc chéo của đối phương ở cuối sân banh. Trái banh chiến thắng đã không còn vùn vụt lao nhanh và rơi xuống phía bên trong vạch trắng của sân banh ở phút chót cuả trận đấu. Người đã ra đi vào tuổi 80. Để lại cho riêng tôi những nỗi đau xé nát cả cơ thể tôi, trút bỏ lại cho tôi những gì mà giữa Ba và tôi đã có những giòng đồng cảm luân lưu trong hai cha con tôi. Còn ba tôi, người đã an nghỉ bình yên bên cây cỏ cùng chiếc vợt yêu quý của ba mà me tôi đã cho phép chôn theo ba.

     Me tôi yêu ba tôi, vâng, và yêu hết những phong cách tài tử của ba tôi, rồi hãnh diện về người chồng như một người hùng trong những ngày vinh quang. Các anh chị em tôi kiêu hãnh về ba với bạn bè mình. Bạn bè, đồng nghiệp, bạn chơi của ba nhìn ba bằng ánh mắt ngưỡng mộ đầy thán phục. Còn tôi, tôi chỉ muốn được ngày ngày ba đến đón tôi sau buổi tan trường. Để tôi được ngồi vắt vẻo trên giàn ngang của chiếc xe đạp đua độc đáo của Ba tôi. Để tôi có cảm giác được sự che chở an toàn trong vòng tay rắn chắc còn đọng lại những hơi nóng đầy sinh lực sau trận đấu của Ba. Những chiều tan trường, có nắng hạ vàng của Huế, tôi chỉ ao ước là luôn được bên Ba, để ba chở đi khắp những con đường im mát ngập xác lá khô hay hoa phượng rơi trong nắng. Rồi là những cơn mưa giông Huế tháng tám đổ ập bất ngờ sau buổi tan trường đón tôi. Giòng nước mưa xối xả trút xuống làm hai cha con tôi ướt đẩm cùng những tiếng cười trong veo thuỷ tinh của đứa con gái nhỏ. Những ngày tháng hạnh phúc ấy chính là những gì mà tôi đã tự hào và hãnh diện khi biết mình đang có Ba bên cạnh cuộc đời của mình.

     Giòng sông cứ trôi mãi không ngừng. Có những khúc sông trong vắt nhìn thấy tận đáy những đám rong rêu xanh biếc lay động như tôi đang nhìn thấy cả một tâm hồn của Ba tôi, một tâm hồn bình dị, trong sáng, không màng danh lợi phú quý, yêu thương vợ con, và chỉ biết sống hết mình với một niềm đam mê rực sáng. Nghĩ về Ba tôi cùng lúc đang nghĩ về giòng đời cũng trôi như giòng sông. Ba tôi, những bạn bè của Ba, những người thân của Ba nay cũng đã ra đi như những con nước trôi ra biển. Nếu có giòng sông nào êm ả và chảy ngược giòng để tôi được trôi theo và sống cùng mãi mãi với giòng tình yêu của người Cha dành cho tôi nhỉ.

   Ngày nay, nhân loại đang tuyên dương người Cha. Cả thế giới đều có ngày lễ cho người Cha. Triệu triệu người con đã có một ngày riêng để tưởng nhớ, vinh danh, nhớ ơn sinh thành về Cha của mình. Điều này đã làm nên một trang sách đẹp cho những người Cha đang sống hay đã ra đi trên quả đất này.

   Phần con, bài luận văn cho Ba ở lớp Năm ngày xưa được cô giáo khen, nay là một bài viết về niềm thương nhớ Ba cuả con. Ba đọc rồi đem khoe với các cụ bạn của Ba nhé.

   Bàn phím keyboard đã nhoè những giọt lệ, tôi ngồi lặng lẽ bên computer, viết và một mình nhớ đến Ba tôi.

   Võ Hương Phố

Tháng Sáu, Lễ của Cha