"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Ký-Ức Về Một Miền Quê

 

   Tôi trở về quê tế hiệp trong cái nắng gay gắt của mùa hè mà dân quê tôi gọi " nắng ve kêu ". Từ đường đã xây dựng đã hơn 10 năm trên nền đất cũ, tuy nhỏ nhưng rất ấm cúng, là nơi để bà con ở xa có dịp về thắp nén nhang tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà.

    Dòng họ tôi qua bao thế hệ đã được sinh ra và lớn lên từ dãi đất này. Theo gia phả, cụ Thủy tổ từ Nghệ An ( Thanh Khai, Thanh Chương ) đến khai khẩn ban đầu từ chân núi Chúa. Sau, các chi nhánh dần tiến ra các vùng lân cận. Đây là vùng đất hiểm trở, bao bọc bỡi đồi núi, sông nước nên việc đi lại khó khăn, kinh tế chậm phát triển. Trong những thập niên 80, mới có đường đất xuyên qua Đại An, Thiết Tràng mà khi xưa bà con phải nương theo bờ ruộng. Và cũng từ lúc cây cầu nối hai bến đò An Vinh - An Thái, con đường làng được cải tạo nên việc đi lại dễ dàng hơn. Anh em tôi về ở với ông nội trong căn nhà rất khiêm tốn cạnh trường Tiểu học, trạm xá, trụ sở xã. Nhà lợp tranh, vách đất. Phía trước là dòng sông Côn uốn khúc. Phía sau, cánh đồng lúa, trên gò đồi có ngôi chùa cùng dãy nhà của bà con.

   Đám giỗ xong, chúng tôi đến thăm ngôi chùa. Sau bao năm chiến tranh, thời gian tàn phá, chùa đã đổ nát, hoang tàn, cây cỏ rậm rạp, chỉ còn lại hai cổng Tam quan đầy lớp rêu phong. Tôi được nghe ông nội kể : "  Trước đây là cái am thờ các nghĩa quân Tây Sơn sau trận thủy chiến ở Bàu Sấu. Tương truyền máu đỏ loan cả ngã ba sông ". Về sau, dòng họ tôi cho lập ngôi chùa Bửu Liên và thầy trụ trì cũng là người trong tộc. Tại chùa này, anh em tôi được ông cho quy y và có pháp danh. Nhìn chung quanh, quang cảnh vắng lặng, im lìm. Chạnh lòng hơn khi thấy cái tháp xây dang dở, bỏ hoang. Nghe đâu, em trai của thầy định cải táng thầy về tháp, nhưng vì vài lý do nào đó chưa thực hiện được. Anh em tôi đi dọc bờ soi đến Bàu Sấu. Đây là bến đò, trên con đường độc đạo về Đập Đá, mùa khô lội qua và thường thì bằng ghe hay sõng. Nơi này, lớp trẻ chúng tôi, thường vào những đêm trăng sáng thường tập trung với đủ các trò chơi dân dã. Nào là u quạ, bịt mắt bắt dê, đá lon v. v...Tôi nhớ nhất trò chơi đánh giặc giả. Vũ khí là cái ná hình chữ Y, đạn dược trang bị cả túi sỏi nhỏ. Đôi khi u đầu, sứt trán,bị thương chảy máu nhưng ai nấy đều âm thầm chịu đựng, đâu dám mách  với gia đình. Còn những buổi chiều hay buổi trưa nóng nực, rảnh rổi, cả đám trẻ chúng tôi tập trung đá banh, chơi cù hay chọi vụ... chạy nhảy, nô đùa trên bãi cát rồi đua nhau xuống đập ngụp lặn, bơi lội thỏa thích. Cũng tại ngã ba này, chúng tôi rủ nhau lội qua sông đến Tân Kiều, Hòa Phong, Thiết Trụ mỗi khi nơi nào có Hát Bộ. Lắm lúc đi xa hơn xem đốt pháo hoa ở Cây Bông. Thật ra, chúng tôi ham vui, ngoài ra ở miền quê chẳng có nhiều môn giải trí, văn nghệ gì khác  ngoài nghệ thuật Tuồng  mà bản thân không hiểu được cái hay, cái đẹp mỗi khi xem. Những danh ca như kép Trọng, Chinh, Cá, đào Cầm v.v. được ngưỡng mộ, đã đi vào huyền thoại quê tôi.

   Bàu Sấu, khi ấy đối với tôi thật thiêng liêng, nước sâu thẳm nên tôi chưa bao giờ bước chân đến. Bàu Sấu khi tôi ở không còn " ...những ngày Tết, lễ, rủ nhau đến Bàu Sấu coi đua sõng, thi bơi, bắt vịt trên sông... Cũng tại bến sông này, cứ sau tiết Đông chí là mùa cá lúi lên, hàng năm - bảy chục chiếc sõng, chài của ngư dân gần xa đến tung chài bắt cá. Dưới sông trên bờ người đông như hội, quên cả cái lạnh cắt da, có mẻ chài bắt gọn bầy cá như tấm chiếu trải, trút đầy sõng... " ( Theo tác giả Chính Đức - Ký ức bên dòng sông - VN An Nhơn - Xuân 2012. )

   Bàu Sấu ngày ấy tấp nập bao nhiêu thì giờ này càng hoang vắng. Hình như chẳng có ai qua lại. Bàu Sấu bây giờ tiêu điều, lạnh lẽo, chỉ còn bước chân của nông dân làm ruộng, thăm soi... hay dấu chân của đàn trâu, bò gặm cỏ, uống nước. Bàu Sấu bây giờ chỉ là con mương thủy lợi thoát nước từ sông Côn về cánh đồng Đại An, Tân Đức.

   Chiều ngã bóng, anh em tôi thăm lại nhà cũ. Nhà đổi chủ, được xây cất to, lớn hơn. Ngậm ngùi, luyến lưu khi cây mít, cái giếng xưa vẫn còn. Bỗng dưng hình ảnh ông hiện về, rồi anh em tôi tiếp tục đi trên con đường xưa, lối cũ.

    Giờ đây đi lại con đường với nhiều thay đổi. Nhà cửa khang trang trong vườn cây trĩu quả, những vườn rau xanh mơn mỡn, những luống hoa tỏa hương thơm ngát.  Khi ấy, dọc theo sông là lũy tre xanh tỏa bóng mát, vài bờ đập nối hai bờ nhưng 4 guồng xe nước không còn nữa  thay vào đó là các trạm bơm máy nổ xoành xoạch cả ngày đêm.

    Tôi đứng thật lâu trên cầu An Thái. Phía xa, về thượng lưu là quê ngoại, bên kia bờ là quê em. Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm, hồn nhiên của tuổi thơ , một chút mộng mơ của tuổi vừa biết yêu. Và trong sâu thẳm trái tim vẫn còn hình bóng của người em gái  của tuổi trăng rằm.

Một chiều nao trở lại nhà xưa 

Liêu xiêu, hoang vắng giậu rào thưa

Cổng rong rêu um tùm cây cỏ

Một thời bom đạn với nắng mưa

Chiều nay về bến cũ thân thương

Bâng khuâng hiu quạnh bước trên đường

Dòng chảy hững hờ theo năm tháng

Có kẻ mong chờ dạ vấn vương

 

Minh Triết