"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Tháng Mười Hai, Tháng Chạp 

 

Tháng Mười Hai là tháng cuối năm cũng thường gọi là tháng Chạp.

Tháng Một là tháng đầu năm, cũng thường gọi là tháng Giêng.

Gọi quen thành lệ . Cuối Chạp ra Giêng. Nghe cũng hay hay mà gọn. Ít ai nói là cuối tháng Mười Hai ra tháng Một. Nghe dài thoòng lại không thấy gần gụi hương vị ba ngày Tết là thời điểm chấm dứt một năm, cuối Chạp. Bắt đầu một năm mới, ra Giêng.

( chữ Chạp bắt nguồn từ tập quán chạp( sửa sang) mộ ( mộ phần, mồ mả)  [ sửa sang lại mộ phần của người đã khuất bóng]. Tháng cuối năm, tháng mười hai, là tháng để người sống lo sửa sang cho phần mộ người đã khuất, là cách để người đã khuất cũng được ăn Tết như người sống. Gọi là tháng Chạp Mộ. Gọi tắt là tháng Chạp )

Nói là ra Giêng có ba ngày vui chơi thoải mái là ngày mồng Một, mồng Hai, mồng Ba là hết Tết. Mà thật ra, có hết đâu, vẫn còn tới ngày mồng Mười.

(thật ra mỗi tháng đều có mười ngày được gọi là mồng ( mùng).. Mồng một tháng Hai, mồng Hai tháng Hai v..v…

Riêng tháng Giêng (?!), đặc biệt, là ngày đầu năm có ba ngày vui mừng đón Tết Nguyên Đán mồng 1, mồng 2, mồng 3. Trên thực tế là vui mừng tới hết ngày mồng ( mồng 10)..Sau này, khi nhắc tới chữ mồng, người đời thường nghĩ chữ mồng chỉ dành cho tháng Giêng vì đó là những ngày thật sự( mừng) vui (vui) chơi. Mồng, đọc trại là Mùng, đọc trại là mừng. Chỉ tháng Giêng là có những ngày Mùng, mừng. Các tháng khác tuy có ngày Mồng (mùng, đọc trại) nhưng không là những ngày mừng như tháng Giêng ( nghỉ ngơi, ăn chơi, đón Tết) mà phải làm việc ( tháng Hai trồng đậu tháng ba trồng cà…)

Qua ngày mồng Mười tưởng đã là chấm dứt. Mà cũng chưa, vẫn còn :

Tháng Giêng là tháng ăn chơi

Tháng Hai trồng đậu tháng Ba trồng cà

( tháng Giêng=Riêng(! ) mà không gọi là tháng Một !. Phải chăng đó là một tháng riêng, khác hẳn, trong những tháng phải tất bật làm ăn. Chỉ có tháng Riêng=Giêng(đọc trại) là tháng ăn- chơi-cho-bỏ những tháng phải làm lụng cực khổ ?.( Nghi vấn. Xin được bổ sung thêm ý kiến).

Chuyện dài dòng nói sao cho hết lý.

Thôi thì không gọi là tháng Chạp. Không gọi là tháng mười hai. Gọi là tháng cuối năm cho gọn.

Tháng cuối năm là tháng không còn ( mà cũng không muốn) làm gì khác, chỉ dành thời giờ trang hoàng nhà cửa, rửa mặt mũi tay chân, cạo râu hớt tóc, chuẩn bị chờ tới nôn nóng ngày hẹn tới chú Tấn thợ may lấy quần áo mới để mặc đẹp ba ngày Tết.

Mọi việc thành bại trong năm đã được tổng kết chi thu gia đình ngay từ tháng-mười-chưa-cười-đã-tối. Suốt năm mà ăn nên làm ra thì hứa hẹn một mùa Tết phong lưu nhàn nhã. Làm ăn thua lỗ thì cố mà liệu cơm gắp mắm.

Tháng mười một là lo thanh toán nợ nần của mình và của người cho được thanh thản mà chuẩn bị đón mừng năm mới.

Tháng cuối năm, tùy gia phong kiệm, nhà nhà tất bật lo liệu mọi thứ để chuẩn bị đón mừng năm mới. Cũng là tháng nhàn nhả vui chơi thoải mái…

Thoải mái nhất là quán mụ Nghệ rồi quán thím Lu, o Ngát, chị Cam. Chiều chiều, mấy anh trai Xóm ghé vô hào phóng kêu cả lít rượu gạo, kêu thêm vun dĩa mực, cá khô nướng có kèm thêm chén nước mắm chanh đường dằm ớt chỉ thiên. Mấy anh ngồi, ồn ào quá chừng, ba hoa chuyện trên trời dưới đất.

Mấy thím mấy o mấy chị chủ quán phục vụ tận tình vui vẻ hết mình vì cuộc nhậu cuối năm, theo định lệ là không được ghi sổ mà phải trả tiền mặt. Tiền mặt đó nghen, cho nên chủ quán cố tình vô ra cho có… mặt, để chìu đón khách.

Đôi khi và, thường khi, chủ quán được (ép) mời chia chung ly rượu kèm thêm một miếng mồi đưa cay. Thì cũng tới luôn !.Uống sặc sụa, uống hít hà chảy nước mắt mà cũng phải uống cho mát-trời-mây câu khuyến mải “vui lòng khách đến vừa lòng khách đi “.

Có mụ Nghệ là không cần vui lòng khách vừa lòng khách chi cả !. Mụ ngồi chung bàn luôn, uống tới luôn !.Mụ hò câu Nam Bình, Nam Ai nghe rứt ruột. Mụ gởi lòng thương nhớ cố hương đã ngày tàn tháng tận mà chưa từng chưa có dịp về lại cố hương …cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…anh đi không kịp…

Tàn buổi nhậu cuối năm, mấy anh móc túi trên túi dưới, góp chung trả tiền. Tiền mặt à nghen. Mụ nhận tiền vui vẻ cám ơn, từ tốn, ân cần sớt lại một phần tiền vừa trả để gởi lại quý anh, coi như sòng phẳng góp chung phần của mình. Riêng phần đóng góp văn nghệ câu hò tiếng hát coi như mụ không tính thù lao.

Tình mà !. Cho không biếu không ! Hào phóng quá trời ơi người cố đô !…

Tôi hồi đó, còn nhỏ, biết gì!. Chỉ thấy Mụ, đờn bà mà uống rượu như đờn ông. Nghe anh Tống Hồ, tên Hiền ( đọc trọn gói là Tống Hồ Hiền) kể chuyện mụ uống rượu như Lổ Trí Thâm, tính tình bộc trực ngay thẳng như Lỗ Đạt. Tôi ngây ngô không biết hai ông họ Lổ này có họ hàng gì với nhau không mà anh Tống Hồ tên Hiền đưa ngang bằng khí phách nam nhi chi chí. Sau này nghe chú ( Tiết Nhơn ) Quý, nằm dưới gốc Quỳ vì đang say rượu, diễn nghĩa chuyện ông Lổ Trí Thâm cạo trọc đầu đi tu mà uống rượu như hủ chìm. Chú đâu có phải là nhân vật Tiết Nhơn Quý trong truyện Tàu. Chú chỉ là chú Quý của Xóm quê tôi, tên Quý. Tướng tá chú dềnh dàng to lớn, lại tên Quý, nên mọi người gọi là Tiết Nhơn Quý, vậy thôi.

Chú diễn nghĩa :

Lỗ Trí tên Thâm

thật là Lỗ Đạt,

làm chức Đề Hạt

ở tại Đông Kinh,

là người lực lưỡng

mình cao tám thước

vai rộng đầy ôm

mặt tròn tai lớn

mũi thẳng miệng vuông

hàm râu quai nón

sức khỏe muôn người

vì giết Trịnh Đồ

nên bị truy nã

cắt tóc đi tu

trên núi Ngũ Đài

xin làm môn đệ

trưởng lão Trí Chân…

Câu kệ còn dài nhưng điều mà tôi nhớ nhất là ông Lỗ Trí Thâm cũng chính là ông Lỗ Đạt, uống rượu như uống nước.

Muốn hỏi thêm thì chú Tiết Nhơn Quý đã dựa gốc Quỳ, ngáy vang như sấm !

Tháng Mười Hai của những ngày thơ ấu, nhớ lại, viết lại, thiệt là quặn lòng …

Chân dung tôi hồi đó, tròn vo, đầu trọc, răng sún, đít có đinh không ngồi một chỗ, chưn có lò xo không đứng được lâu, cái đầu mới lớn cứ muốn nhét đầy chuyện kể, trái tim thì chay tịnh vẫn trống trơn, tâm hồn thì đang (bày đặt) vớ vẩn  những câu Thơ.

Riêng phần cái bụng, xin thiệt thà nói, đói quá chừng ! Xóm nghèo tuy là có cơm ăn nhưng không có thức ăn. Chỉ mắm dưa, cá cơm khô, đậu phụng kho queo, nước mắm kho quẹt, cho qua ngày tháng ! Thèm. Thèm đủ thứ !

Mấy anh chơi chi sang cả giống như cao lầu. Chỉ buổi nhậu rượu thơm râu mà thấy ê hề rệu nước miếng mấy dĩa mực khô, cá khô, tôm khô…

Sang cả tới nỗi lớp ăn lớp bỏ .

Những buổi chiều tháng mười hai tôi thường đi rảo quanh Xóm tìm quý anh để chỉ rụt rè đứng bên ngoài nhìn vô ăn-ngó-theo mấy dĩa đưa cay hấp dẫn.. Con mắt cứ láo liêng, miệng thì rệu nước miếng, cái bụng cứ sôi rồn rột, thèm ăn…

Những buổi chiều tháng mười hai chị Bưởi kêu tôi, nói nhỏ : “ Em đi rảo quanh Xóm nếu như mà thấy anh Hiền ngồi quán thì nói với anh về nhà liền không thôi là chị giận. Nhớ nói nghe. Mấy viên kẹo Cau này chị cho em. Cầm đi em, mai mốt chị cho thêm ”.      

Tôi nhanh nhẩu ( không hẳn lắm, theo lời chị mà theo lời mấy viên kẹo Cau ) đi liền. Thấy anh đang cười nói huyên thuyên ở quán mụ Nghệ, tôi len lén đi vô nói nhỏ với anh : “ Chị Bưởi nhắn em là nếu thấy anh ngồi quán là vô nói với anh là chị giận. Giận dai dẳng khủng khiếp. Về đi anh ! ( mấy lời sau cùng, là tôi nói thêm, chị Bưởi không có nói ).

Anh giật mình nhìn quanh tưởng như có chị đang đứng ngoài nhìn vô. Một thoáng lưỡng lự, anh kéo tôi ra sau quán, hỏi nhỏ : “ Chị Bưởi có đi theo em không?”. Tôi lắc đầu, lắc đầu. Anh cười : “ Vậy là không sao. Bây giờ em chạy ngược về nói với chị Bưởi là có thấy bàn nhậu mà không có anh. Nhớ phải nói rõ ràng là không thấy anh, thiệt là không thấy anh. Chạy u đi “.

Thấy tôi còn đang ngần ngừ anh sực nhớ, cười giả lả : “ Quên. Quên. Muốn ăn mực khô, tôm khô hay cá khô đây !”. Tôi mau mắn : “ Cả ba món luôn !. Mỗi món một chút là em chạy u liền”.

Tháng mười hai có bao nhiêu chuyện kể hoài không hết !

Giờ ngồi nhớ lại kể nhín một vài chuyện cho vui.

Vậy thôi!

viết dưới hiên trăng

Trần Huy Sao

(TB. Những ngày chờ Tết quê nhà nơi chốn quê xa, Trời  San Diego mưa dai dẳng không chừng kéo dài ra tới ba ngày Tết, nên viết vài chuyện quê nhà cho đỡ nhớ. Vậy thôi!.)