Cơ Duyên Thiền Ca Với Trần Chí Phúc

 

Được nhạc sĩ Trần Chí Phúc chọn 10 bài thơ Thiền để phổ nhạc? Đó là cơ duyên hết sức bất ngờ với tôi.

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc thường kể lại rằng một đêm cần một ca khúc Phật Giáo để hát cho buổi lễ Phật Đản năm 2015 tại Chùa Đạo Tràng Nhân Quả ở Quận Cam mà tìm mãi không thấy có bản nhạc nào, nên gọi điện thoại cho tôi để xin một bài thơ phổ nhạc cho kịp. Và đó là cơ duyên rất bất ngờ, vì 11 giờ đêm hôm đó tôi gửi Trần Chí Phúc bài thơ “Dâng Hoa Cúng Phật.” Nhưng phổ nhạc hoài không được, tới sáng ra sau bếp chùa ngồi, cầm đàn guitar hát tới hát lui… mới thành bài Thiền ca đầu tiên cho CD “Hoa Bay Khắp Trời.”

Nguyên khởi, anh bạn nhạc sĩ Trần Chí Phúc một đêm gọi điện thoại, lúc 10 giờ khuya, nói rằng cần một bài thơ để anh phổ nhạc, để sang hôm sau anh sẽ hát trong Đạo Tràng Nhân Quả của quý thầy phái khất sĩ Quận Cam, còn gọi là hệ phái Minh Đăng Quang, nơi anh thân với một số vị sư.

Tôi nói, tôi không có thơ thiền, thơ đạo nào có sẵn, vì trước giờ mỗi năm chỉ làm thơ một lần cho báo Xuân, và do vậy chỉ có thơ tình, vì muốn bán báo là phải làm thơ tình mới chiều lòng độc giả được.

Bạn Phúc nói, rằng có vào Google, tìm thơ nhà Phật để phổ nhạc, nhưng thấy thơ quý thầy không hợp, mới nghĩ tới bạn, vậy thì làm ngay một bài thơ trong vòng một giờ đồng hồ, giử cho mình để phổ nhạc.

Tôi nói, cúng dường Tam Bảo là phải lẽ, xin chờ một giờ, tôi làm xong sẽ gửi qua email. Sáng hôm sau, nhạc sĩ Trần Chí Phúc gọi lại, nói rằng bài thơ phổ hoài không được, tới trưa, ra nhà bếp chùa, ngồi cầm đàn, dò tới dò lui, mới nghĩ ra nhạc, tới trưa là hát cúng dường trong Đại Lễ Phật Đản.

Đó là nhân duyên của bài đầu tiên. Sau đó, Phúc đề nghị rằng hãy làm cho đủ 10 bài thơ thiền, để Phúc phổ nhạc, rồi in CD, in tập nhạc, cúng dường Tam Bảo. Tôi nghĩ, đó là đề nghị hy hữu, nên hứa là sẽ ráng sức làm thơ. Khi tập nhạc hoàn tất, cũng là một bất ngờ.

Cũng nên ghi một kỷ niệm rằng, trong khi làm thơ cúng dường các bà mẹ, tới câu “tụng kinh mẹ khóc mưa nguồn,” hiện ra trước mắt tôi là hình ảnh nhiều thập niên trước, mẹ của một người bạn thân (bây giờ bạn này dịch kinh, ký tên Thanh Liên) ngồi tụng kinh ở chính điện một ngôi chùa nhỏ trên đường Phan Thanh Giản, Quận 3, đã ràn rụa nước mắt theo từng dòng kinh.

Bài thơ cúng dường các bà mẹ được Trần Chí Phúc phổ nhạc như sau:

Rồi Mẹ Như Sương

Thương con trăm sông ngàn núi

trang kinh mẹ chép cúng dường

bốn thời sớm trưa chiều tối

nhớ ơi nước mắt lăn dòng

.

Thương con mãi xa ngàn dặm

tụng kinh mẹ khóc mưa nguồn

gió đưa tới rừng xa thẳm

lạnh ơi mưa ngấm vào hồn.

.

Rồi mẹ như sương, tan vào nắng trưa

rồi mẹ như hương, ẩn hiện trong mơ

rồi mẹ như mây, tóc trắng cuối trời

rồi mẹ như nắng, bóng khuất sau đồi

.

Nửa khuya trở mình viễn phố

con đọc trang kinh cuối dòng

chữ mẹ ngút ngàn thương nhớ

chép lời Phật dạy qua sông

.

Thương ơi một rừng tóc trắng

bay về che khắp tử sinh

nghe chim kêu ngàn xa vắng

ngẩng đầu rơi tiếng bất sinh.

.

Tôi cũng ưa thích đặc biệt là bài thơ tôi làm để diễn lại Kinh Bahiya, một kinh chỉ thẳng vào thực tướng vô ngã, rằng chỉ cần nhận ra tức tâm tức vật, hay tức tâm tức cảnh là vượt qua mọi dính mắc. Bởi vì hễ nghe chỉ là nghe, hễ thấy chỉ là thấy, có nghĩa là không hề có cái tôi nào nghe, và đó là tức khắc kinh nghiệm vô ngã, đó là kinh nghiệm vô thường chảy xiết.

Bài thơ được Trần Chí Phúc phổ thành Thiền ca như sau:

.

HOA BAY KHẮP TRỜI

Nhìn kia, chỉ hình hiện ra

không người không ta

chỉ hình được thấy, không ai đang thấy

.

Nghe kìa, chỉ tiếng trong lời

không ta không người

chỉ tiếng được nghe, không ai đang nghe

.

Chữ vàng trên giấy, lời Phật năm xưa, khởi từ bi dậy, chỉ qua kia bờ

Thương ơi ba cõi, bè pháp cứu người, qua sông còn gọi, hoa bay khắp trời

.

Ngồi đây, cảm nhận hơi thở

hơi vào hơi ra

chỉ là hơi thở, không ai đang thở

.

Tâm kià, khắp cảnh là tâm

khắp tâm là cảnh

khắp trời gương sáng, khắp trời là tâm.

.

Khi in tập nhạc kèm với CD, nhạc sĩ Trần Chí Phúc viết, trích:

Mùa Phật Đản 2015, Đạo Tràng Nhân Quả ở Quận Cam mời tôi hát. Lên trang mạng không tìm được bài thơ vừa ý để phổ nhạc, tôi gọi cho Phan Tấn Hải nhờ giúp, anh bạn nói xin chờ một tiếng đồng hồ sẽ có.

Mười một giờ đêm, bạn gởi cho bài thơ tựa đề Dâng Hoa Cúng Phật và tôi ôm đàn ghi ta dạo những nốt nhạc dựa trên các dòng chữ. Trưa hôm sau, tôi đến Đạo Tràng Nhân Quả; trong lúc chờ tụng kinh, tôi ra nhà bếp dợt lại mấy lần để câu nhạc ghi dấu trong đầu. Lúc trình diễn ca khúc đầu tiên này, lòng cảm thấy vừa ý. Về nhà thu âm bằng cái máy nhỏ bằng hai ngón tay và gởi cho tác giả bài thơ. Liền nhận lời khen và sự thích thú của thi sĩ.

Tôi cảm thấy hứng khởi, khuyến khích Phan Tấn Hải tiếp tục làm thêm 9 bài thơ nữa để phổ nhạc và thực hiện thành cuốn băng nhạc, là món quà kỷ niệm thơ nhạc giữa hai người sau hơn hai chục năm làm bạn báo chí và văn nghệ.

Thường thì bài thơ vừa viết xong liền gởi vào nữa đêm qua điện thư. Có khi một hai giờ sáng, có khi thức sớm, nhận được bài thơ mới của thi sĩ, tôi ôm đàn hát những chữ trong thơ. Tôi gọi là Hát Thơ thì có vẻ đúng hơn là Phổ Nhạc, vì cố gắng giữ nguyên bài thơ, chỉ có một vài chỗ cắt xén hoặc thêm bớt vài chữ cho hợp với câu nhạc.

Chính vì bám vào từng chữ mà đôi khi câu nhạc không được tự nhiên; nhưng lời thơ được nguyên vẹn. Lời thơ Phan Tấn Hải đượm mùi Thiền và Phật giáo; thay vì đọc thơ thì hát thơ để thính giả nghe được, thấm thía được, ý nghĩa ẩn sau những dòng chữ đó. Các ca khúc hình thành trong vòng một tiếng đồng hồ, rất mau, tôi ôm đàn hát ghi lại; gởi liền cho tác giả bài thơ. Và bài nào cũng đều được Phan Tấn Hải đón nhận hoan hỉ.   Đặc biệt ca khúc Hoa Bay Khắp Trời, nét nhạc trôi chảy hòa vào từng lời thơ. Bạn tôi nói có lẽ do nhân duyên và sự giúp đỡ linh thiêng nào đó. Mười bài thơ của Phan Tấn Hải được tác giả dịch sang Anh Ngữ để giới thiệu cho giới trẻ tại hải ngoại…”

Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã phổ nhạc. Trân trọng cảm ơn thính giả đã nghe các Thiền ca “Hoa Bay Khắp Trời.” Đó là những lời tôi cảm thấy như dường tự mình đã vắt cạn máu tim để ngợi ca Đức Phật, và để dâng hiến cho khắp ba cõi chúng sinh để cùng qua bờ bên kia.

Nguyên Giác