"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

Đoan Ngọ

Loay hoay nhìn tờ lịch, tôi vô tình thấy, ngày bảy tây tháng sáu, cánh cửa thời gian lặng thầm chào đón cái tết Đoan Ngọ. Ôi thôi, trong tôi lại lao xao quay về chốn xưa. Hình ảnh bánh ú chất đầy trong cái thúng, trên cái mâm nhôm. Nhiều xâu được buộc chặt dính liền nằm kề cận bên nhau, xênh xoang khoe dáng trên các quày hàng trong chợ khiến bé con mê tơi.

Ngày ấy tôi còn nhỏ xíu nên không để ý và càng vô tình không dõi mắt theo tờ lịch. Tháng nào, ngày nào là tết gì, hay lễ gì. Mỗi lần được dịp theo mẹ đi chợ, hễ thấy bánh trái nào được bày bán ì xèo, báo hiệu ngày đặc biệt sắp đến. Vào những ngày lễ lớn, người Việt Nam thường có một loại bánh đặc trưng cho từng ngày lễ theo tục lệ truyền thống. Ngày lễ linh thiêng trang trọng nhất trong một năm dài là Tết Nguyên Đán. Trong ba ngày tết thảnh thơi, người Việt chúng ta thường ăn uống và rong chơi nên ít ăn cơm, mà chỉ ăn bánh. Đó là bánh tét và bánh chưng. Tết Trung Thu thì chắc chắn không người Việt Nam nào mà chưa từng nếm qua hương vị thơm tho bay ngút trời cúa bánh nướng và bánh dẻo.

Thời gian trôi mau như mũi tên phóng lao. Cái tết giữa năm lại thong dong quay về vào ngày mùng năm tháng năm âm lịch. Chúng ta lại có thêm một loại bánh cũng ngon không kém. Tết Đoan Ngọ đánh dấu giữa năm với loại bánh đặc trưng là bánh ú. Chao ơi, nhắc đến bánh ú thì mắt tôi hoa lên vì cái trong trẻo, cái dẻo dai đặc biệt của loại bánh mềm mại, rất ngon. Trước khi chuẩn bị gói bánh, nếp được ngâm trong nước tro một đêm. Màu trắng đục bao quanh hạt nếp hòa quyện, tan loãng vào nước tro. Màu xanh của lá tre thấm dần vào hạt nếp. Sau vài tiếng vật lộn với lò than, bếp củi, nồi bánh âm ỉ sôi trên ngọn lửa láu táu nhảy múa. Hạt nếp ươm đượm màu xanh nhạt trong suốt. Tôi rất thích màu xanh hiền dịu, trang nhã của bánh ú, thật dễ thương!

Bánh ú đơn thuần không có nhân, chỉ có nếp trong suốt, thường được ăn với đường cát trắng cho ngọt lịm lòng người. Tôi đang nhắc nhớ về cái hương vị hiền hòa của miền quê miệt vườn. Một xâu là một chục mười hai cái bánh hình khối tam giác với ba góc nhọn. Bánh được gói bằng lá tre màu xanh, và được cột chặt bằng sợi dây lát mềm mại. Bánh ú còn được gói chung với nhân đậu xanh nhào đường thốt nốt vàng thơm.

Tôi vừa kể đến các loại bánh biểu tượng cho ba ngày tết đáng nhớ trong một năm. Hôm nay, trên nền trời đen tuyền trong vắt không một gợn mây, trăng rằm tròn xoe ẩn hiện chiếu sáng cả một góc trời. Những cái Tết nhỏ, rồi tới tết lớn sẽ lần lượt dung dăng trở về với chúng ta.

Mùi bánh ú thơm ngon trong vắt màu xanh lá dứa, thoáng ửng bên trong là màu nâu vàng đậu xanh ngào đường mật. Mùng năm tháng năm gợi nhớ trong tôi một góc trời quê ngoại, mượt mà với thảm lúa xanh chạy dài ngút trời. Nơi có con sông ngầu đục màu phù sa, hiền hòa lặng chảy ngày cũng như đêm và hình như không bao giờ biết mệt mỏi là gì. Lòng sông từ bi hiền hòa nên thường đèo bồng theo con nước màu phèn biết bao ghe xuồng mộc mạc. Hình ảnh các cô thôn nữ đoan trang thoăn thoắt chống chèo ghe xuồng ba lá, mang rau cải xanh tươi, trái cây chín thơm ra chợ làng vào buổi sáng sớm hừng đông, tạo thành bức tranh thủy mặc trữ tình. Cho dù lưu lạc sống đời tha hương, những đứa con xa xứ đều trĩu nặng tình quê xóm làng. Điều hiển nhiên nhất là, hôm nay, tôi đang lộc cộc gõ nhiều hàng chữ gợi nhớ về cái bánh ú mà tôi ưa thích khi còn là bé con nhỏ tí teo.

Ngày tết nào có bánh ngon thì mẹ kêu tôi lút thút đi theo vào chợ để mua nhiều xâu bánh ú. Trải qua bao sóng gió thời gian, mẹ tôi đã an nghỉ thiên thu. Bây giờ, Sài Gòn thực sự ở lại với cái nôi kỷ niệm trong tôi đã bao mùa thu đi qua. Bóng dáng bánh ú thơm ngon vào năm tháng quấn quít bên mẹ cũng mờ phai nhạt nhòa, bay theo lá vàng úa tàn ở quê hương thứ hai, thứ ba mất rồi. Dù sao đi nữa, tình bánh ú vẫn còn chút nhen nhúm và tôi đành trân quí cất giữ trong ngăn ký ức mà thôi.

Em nhớ chăng mùng năm?
Tết Đoan Ngọ xa xăm
Nhâm nhi miếng bánh ú
No tròn ánh trăng rằm

*

Lúc đó chưa sợ đường
Trưa hè đi mua kẹo
Tỏm tẻm nhai dễ thương
Ăn hàng khi đến trường

*

Lênh đênh vượt đại dương
Bôn ba đời tha hương
Quên dần nhiều bánh trái
Thuở cắp sách hoài vương

*

Thời gian không chảy ngược
Ước gì ta níu được
Giữ hoài thời son trẻ
Để hồn nhiên ăn bánh.

Bạch Liên