"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Viết Về Mẹ

 

Nếu ai hỏi tôi người để lại ấn tượng sâu sắc nhất, mạnh mẽ nhất, lâu dài nhất trong đời tôi, người đó không ai khác hơn là Mẹ của mình. Hơn cả tài tử điện ảnh, thể tháo gia, lãnh tụ thế giới hay một anh hùng, liệt nữ nào. Hình ảnh Mẹ trong tôi lúc nào cũng ngời sáng, sâu đậm thương yêu. Bà tảo tần, lo lắng và hy sinh suốt cả đời mình cho bầy con 10 đứa cho đến ngày nhắm mắt.

Nhà ông bà Ngoại tôi nghèo. Ông Ngoại mất sớm lúc Mẹ mới 15t. Năm sau, bà Ngoại bị Mù mắt. Thương hai người em trai còn nhỏ không người săn sóc. Mẹ là người con gái duy nhất lo hết bổn phận của một người chủ gia đình. Năm 16t Mẹ chịu lấy Cha, chỉ vì nhà ông bà Nội cách nhà bà Ngoại chừng 2 cây số để Mẹ còn về lo lắng cho Bà và 2 em trai. Mẹ không được đi học, không một ngày đến trường, không biết chữ nên khi chúng tôi đi học, được chữ nào về nhà thay phiên nhau "dạy" lại cho Mẹ chữ ấy. Thế là Mẹ biết đọc, biết viết nhờ thầy là những đứa con trẻ của Bà.

Sinh ra 10 người con, có nhiều đứa sinh rớt tại chợ lúc Mẹ bán hàng tạp hóa. Thế mà trời thương, mẹ tròn con vuông, 10 đứa con trưởng thành, khỏe mạnh, học hành đến nơi đến chốn. Vì bầy con đông nên Mẹ tảo tần, vất vả suốt đời lam lũ. Tôi thường nói với mấy con tôi là chưa bao giờ Bố thấy bà Nội của con ngủ. Đêm nào Bà cũng lo mùng mền chiếu gối cho từng đứa con yên giấc, sáng ra bà là đồng hồ báo thức cho lũ con thức dậy học bài, ăn sáng, đến trường. Có nhiều lúc thấy Mẹ vừa sàng gạo, vừa ngủ gục, tôi xót xa không cầm được nước mắt. Bà làm mọi việc, không nhờ đến đứa con nào. Bà chỉ muốn chúng tôi dành hết thì giờ cho việc học, học sao cho thật giỏi. Học khá, thi đậu, là Bà mừng rồi. Bà không được đi học, nên học giỏi là điều gì đó vĩ đại lắm. Trong tâm trí tôi ráng học cho thật giỏi để cho Mẹ vui chứ để thi rớt đi lính, Mẹ rất sợ cảnh những đứa con chết trận. Những năm còn nhỏ, lúc Mẹ sinh các em, bà phải "nằm cữ" cả tháng trong phòng tối om, nóng nực. Tôi thương Mẹ, thường lén vào hỏi thăm. Mẹ la mắng đuổi tôi ra khỏi phòng nói con trai không được vào phòng bà đẻ, sợ sẽ bị ngu, sẽ không học được. Thấy Mẹ nằm đó trong căn phòng ẩm mốc tối om với chiếc đèn dầu phộng leo lét, miếng cơm với cá bống kho tiêu khô khốc. Tôi thường nói với bà mơ ước sau này có tiền sẽ xây cho Mẹ một căn nhà khang trang để Mẹ sống những ngày già cho thoải mái.

Tháng 4, 75 tôi theo tàu Hải Quân qua Mỹ mà gia đình không biết. Mẹ tôi tưởng tôi đã chết lập bàn thờ vì nghe ai đó nói có thấy xác tôi nằm trên đường ra bến Bạch Đằng. Từ Qui Nhơn bà vội vào Sài Gòn tìm xác con đem về chôn. Năm 78, khi thư từ được gởi qua lại, từ Mỹ tôi gởi thư về thăm nhà, kèm theo tấm hình vừa mới tốt nghiệp Đại Học ở Mỹ. Trong thư tôi vui nhắc lại con trai của Mẹ đâu có bị ngu vì lén vào phòng Bà đẻ. Năm 90, về thăm nhà tôi nghe hàng xóm kể chuyện khi nhận được tin bà đem tấm hình tôi cho cả làng xem và khoe là tôi đang tiếp tục được đi học lại ở Mỹ. Với Bà, được đi học là vinh dự một đời người.

Tôi nhớ năm học ở Đại Học, lớp luận Anh Văn, có một kỷ niệm khó quên. Thầy có ra đề tài: "Viết về một người có ảnh hưởng sâu đậm nhất đời mình". Tôi chọn viết về Mẹ mình. Hôm trả lại bài, Thầy đã photo bài luận của tôi cho tất cả các bạn cùng lớp đọc rồi cho Thầy biết cảm tưởng. Không một đứa nào nói một lời, tôi nghe thấy vài cô bạn trong lớp khóc thút thít, rồi có cô khóc to lên. Có cô bạn còn to tiếng nhìn tôi trách móc: "Sao đàn ông Á Châu của các anh tàn nhẫn quá". Cô phẫn nộ vì trong bài luận tôi đã kể lại một kỷ niệm về Mẹ khi lần đầu thấy Mẹ khóc trong đêm tối. Số là năm tôi 7 tuổi, được vụ mùa lúa tốt, thu hoạch nhiều, Cha tôi nói nhà mình phải trả ơn trời đất bằng cách mướn một đoàn Hát Bộ về làng hát cho dân xem. Gần một tuần lễ, đêm nào Cha tôi cũng ngồi đánh trống chầu, trên sân khấu cô đào hát trẻ xinh đẹp vừa hát vừa múa võ theo tiếng trống chầu đánh dồn dập. Trống đánh càng hăng, càng hay, cô đào hát càng múa đẹp. Suốt một tuần Mẹ tôi phải lo cơm nước cho cả đoàn hát, thật vất vả nhưng không than một lời vì thấy Cha tôi vui. Đêm ấy tôi thấy Mẹ chạy vội ra ngòai vườn ôm cây cau khóc ấm ức vì bà vừa thấy cảnh Cha tôi cợt nhả, nhìn say mê đắm đuối cô đào hát trẻ. Tuổi còn nhỏ, tôi không biết nỗi đau xé trong lòng người đàn bà suốt đời lo cho chồng con bị phụ tình như thế nào. Những giọt nước mắt lặng lẽ của Mẹ tôi trong đêm đấy ám ảnh tôi suốt đời. Cô bạn học trách móc và "nguyền rủa" những người đàn ông Á Châu theo cách tôi tả về Cha mình trong bài luận cũng đúng thôi. Sau này, trước khi qua đời Cha tôi vẫn còn ân hận chuyện cũ, viết thư cho tôi bảo mai kia Cha Mẹ qua đời các con phải làm giỗ Mẹ lớn gấp mười lần giỗ Cha.

Không cần Cha phải nhắc, tôi luôn nhớ về tình thương và những hy sinh của Mẹ dành cho các con và luôn hãnh diện về Mẹ mình. Nếu không có những hy sinh ấy, tất cả anh em chúng tôi sinh ra từ vùng quê nghèo khổ nhất miền Trung làm sao có cơ hội đến trường học hành đến nơi đến chốn. Những năm được về Á Châu làm việc, từ Singapore về quê nhà ở Bình Định tôi thường về thăm Mẹ. Lúc này Cha đã qua đời, Mẹ ở với con em gái út. Năm 65, quê tôi bị CS chiếm, chạy loạn về vùng tự do. Vừa nuôi bầy con vất vả nơi xứ người Mẹ tôi lại mang thai đứa em gái út. Tôi thấy Mẹ khổ quá mà thương. Mẹ bảo, bao nhiêu đứa con rồi cũng sẽ cao bay xa chạy hết. Chỉ có đứa này sẽ lo cho Bà khi về già. Tôi thương em gái và nhớ lời hứa khi xưa, xây cho Mẹ một căn nhà khang trang, có chỗ thật trang trọng cho bàn thờ của Cha và phòng ngủ mát mẻ cho Mẹ. Bà sống trong căn nhà mới đó đúng 6 tháng rồi đi. Ngày Mẹ mất, tôi bận công tác ở Nam Mỹ không kịp về chịu tang. Khi về đến nơi mộ mẹ đã bắt đầu xanh cỏ.

Viết sao cho hết những tình cảm dành cho người Mẹ của mình. Mẹ tôi sáng mãi trong lòng mỗi khi đời tôi thấy màn đen bủa vây. Mẹ tôi cười vuốt ve khi tôi thấy đời bạc bẽo nên gượng đứng dậy mà đi tới. Mẹ không cho phép tôi ủy mị, bỏ cuộc. Mẹ lo cho bầy con 10 đứa thật trọn vẹn, tôi chỉ có 2 mà đôi lúc vẫn thấy không làm hết trách nhiệm của mình. Nhưng dù sao tôi cũng hãnh diện đã làm cho Mẹ vui: "Ráng học cho đến nơi đến chốn như lời Mẹ dặn". Tôi cũng đem những lời khuyên này dạy lại hai đứa con. Tôi nói với bọn chúng: "Bà thường nói tài sản kiếm được có thể mất còn, những gì con có trong trí não mình là vĩnh viễn, không ai lấy được" . 

Tôi không biết Mẹ học câu này ở đâu, vì Mẹ chưa bao giờ được đến trường. 

Một bài thơ tôi viết năm 2000 khi nghe tin Mẹ qua đời có câu: 

"Từ ta giòng sông chua xót

Nguồn Đông, nguồn Tây cạn rồi

Trong ta là nguồn nước mắt

Để dành khóc Mẹ ta thôi..."

Và tôi đã khóc âm thầm mỗi lần nhớ về Mẹ của mình.

 

Nguyên Lương