"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Rằm Tháng Tám

Trăng rằm tháng tám của mấy mươi năm trước, thành phố Sài Gòn tưng bừng rộn ràng với tiếng chí chóe gọi tên nhau ơi ới. Thuở ấy, trong xóm nhà của tôi, tất cả nhóc con đều ăn cơm sớm, rồi chạy ra sân đứng chờ sẵn.

Chúng tôi chờ gì vậy kìa?

À thì ra, những ngọn đèn cầy đã nằm chực chờ sẵn bên trong những khung tre được lắp ráp theo nhiều hình dạng vật thể khác nhau, được bao bọc cẩn thận bởi lớp giấy kiếng trong suốt mà ta gọi là lồng đèn.

Năm tháng của đoạn đời ấu thơ quá là êm đềm, y như dòng sông ngọt ngào luôn được ôm ấp bởi vòng tay mẹ hiền, không bao giờ nổi sóng phong ba. Dòng sông tuổi ngọc hiền hòa nở hoa nước tròn lăn tăn theo bước chân son gót, chảy xuôi theo chiều gió mát rười rười. Không đứa nào biết lo toan và nhất là, bé con hay cậu nhóc tì nào cũng đều chưa hiểu:

Đường đời là vạn ngày sầu
Ý nghĩa từng cơn mưa ngâu
Tương tư năm canh thao thức
Chưa yêu, chưa nếm khổ đau

Mỗi năm Tết Trung Thu lại ung dung quay về. Tiếng cười trẻ thơ cứ hồn nhiên vang dội một góc trời. Không những trong lòng con trẻ mừng vui mà ngay cả trên khắp các nẻo đường, lồng đèn được bày bán rợp trời, chói lòa trong các cửa hàng bán bánh trung thu ở Ngã Sáu Chợ Lớn.

Từ khi thi đậu vào Gia Long, tuổi thơ khép lại từ lúc nào mà tôi cũng không để ý. Bước vào cổng trường trung học, các môn học mới lạ đã giành chiếm hết thời gian, và hình như tôi đã bỏ trôi cái tết trung thu từ lúc ấy. Nếu có chăng chỉ là khoảnh khắc chạy long rong vào con đường Nguyễn Tri Phương kéo dài từ bồn binh Ngã Sáu Chợ Lớn, hướng về Tổng Đốc Phương. Ngộ ghê nơi quí ạ! Tôi bỗng dưng chợt nhớ tới ba chữ Tổng Đốc Phương, mà bấy lâu nay viết bài, tôi thật sự hoàn toàn quên bẵng địa danh này. Đây là lần đầu tiên tôi gõ lộc cộc ba chữ Tổng Đốc Phương. Có lẽ quang cảnh nhộn nhịp xa xưa, thôi thúc tiềm thức tôi thức dậy hay sao vậy kìa?

Xin cám ơn ký ức gợi nhớ đúng lúc nhé!

Dòng xe chật cứng chen lấn nên ai cũng phải chạy rề rề. Hai bên lề đường là những gian hàng trắng toát vỡ trời, lòa mắt với giàn đèn neon rực sáng để mời mọc khách mua bánh trung thu. Những hộp giấy hoa hòe in màu sắc vàng, đỏ rất bắt mắt dòng người nao nức đi qua, đi lại, đang lớ ngớ ngó quanh ngó quẩn, mải mê nhìn ngắm những gương mặt hí hửng cười nói vui vẻ.

Tết trung thu đi qua đời ta như những mây mươi mùa thu thay lá ở quê hương thứ hai, thứ ba. Trong lòng ta không còn rộn ràng như xưa. Nhưng vầng trăng của năm tháng dại khờ ấy cũng vẫn mãi mãi chỉ là một nàng Nguyệt Nga muôn thuở. Khi nhìn lên bầu trời đen tuyền để chiêm ngưỡng vòng tròn mũm mĩm đang tươi cười cùng lũ nhóc bé tí dạo nào, tôi chợt giật mình vì thấy mình trong đó. Tôi mơ tìm lại cô bé ngây thơ dạo ấy, nay đã mờ phai theo dĩ vãng nhạt nhòa. Cô bé lăng xăng cầm lồng đèn của năm tháng xa xửa xa xưa, bây giờ không còn nhí nhảnh lanh chanh nữa.

Màu thời gian tô nét điềm đạm lên tất cả thế nhân, ngay cả dòng suy tư cũng chính chắn hơn. Dòng đời tạo ra chuỗi ngày thăng trầm, vô tình và lạnh lùng xô ta càng ngày càng xa cội nguồn quê mẹ bên kia nửa vòng tròn địa cầu.

Rằm tháng tám trăng tròn gợi nhớ
Đêm trung thu xớ rớ gọi nhau
Đèn cầy gió thổi nghiêng chao
Bé con tủm tỉm… đèn nào đẹp hơn?

*

Đèn con gà chập chờn lấp lánh
Đèn ngôi sao năm cánh ngại ngùng
Đằng kia ngọn lửa ung dung
Thì ra lon sữa lùng tùng chạy quanh.

*

Vài cậu nhóc tung hoành trong xóm
Xúm xít nhau từng nhóm đẩy xe
Bánh tròn lăn chạy tò te
Lung linh giọt sáng qua khe sữa bò.

*

Là con gái tò mò muốn biết
Tôi mải mê nhìn chiếc đèn nhôm
Làm bằng lon sữa om sòm
Giọt vàng như pháo nổ rôm rả trời.

Bạch Liên