"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

Đường Bay

 

Ở không rảnh mắt nhìn chim
Líu lo ca hát, chuyền cành
Ngày nào mưa giông, gió lớn
Lim dim trong tổ treo mành.

*

Chim đoán thời tiết không sai
Siêng tìm thức ăn từng ngày
Nhờ vào giác quan thứ sáu
Cái đầu nhỏ xíu rất tài.

*

Chim hiền không làm phiền ai
Vui buồn cũng đều vỗ cánh
Sau lưng bỏ lại đường bay
Đố ai tìm được vết tích?

*

Loài người trăm lối sống riêng
Đường bay ngàn khúc kiếm tiền
Giành nhau, tranh đua cấu xé
Xuôi tay, qui về cõi tiên.

Trời đất bao la với mây ngàn quang đãng. Sáng sớm cựa mình thức giấc, thế nhân ai cũng phải nhìn ra bầu trời, tiên đoán hôm nay thời tiết ra sao. Mưa hay nắng, lạnh hay nóng. Đây là mấu chốt giúp cho ta lựa chọn loại quần áo nào thích hợp khi đi ra đường, hầu bảo vệ sức khỏe.

Mỗi khi ra sân vườn chăm sóc, dòm ngó cây cảnh, tiếng chim lúc nào cũng chào vui cùng tôi. Sau một tràng dài âm thanh nhộn nhịp... chíp chíp chíp hỏi thăm sức khoẻ, anh chị chim rủ nhau vỗ cánh sành sạch bay cao. Chim có đôi chân gầy gò, tương xứng với thân hình nhẹ te. Vậy mà, khi năm ngón chân xương xẩu bấu víu vào cành, buông nhả mấy lóng chân ốm nhách như cây tăm xỉa răng, vội vàng vút phóng lên không trung, cái sức mạnh không phải là yếu ớt. Tiếng động... xoẹt... xoẹt... cũng đủ sức mạnh làm rung chuyển cành dừa dễ dàng.

Dư âm lao vút khiến tôi ngước nhìn lên không trung, thì hai anh chị biến hút, mất tiêu. Bâng quơ nhìn mông lung để tìm xem, anh chị này đã đậu nơi nào. Chịu thua quí vị ạ! Hoàn toàn chim không để lại một vết tích gì cho mắt trần thấy đường bay mình vừa vẽ ra. Hai anh chị bay hướng nào, hay ngược xuôi bôn ba nơi đâu, chỉ còn là khoảng không khí trống vắng. Đường bay của chim thường nhỏ một dấu chấm hết to lớn, khó lòng cho ai đó tìm ra tông tích. Diễn biến này cũng giống y hệt như đường nước uốn lượn của cá. Chỉ là hư không.

Tôi tò mò mang phương cách di chuyển thần kỳ bí quyết của loài chim, đem so sánh với sự di động của con người. Cả hai đều trái ngược nhau. Người đi hướng nào thường để lại dấu chân, hay làm rơi rớt vài vật lỉnh kỉnh nhỏ nhặt, hoặc cái bóng lờ mờ còn lảng vảng phớt qua.

Khi một sự kiện xảy ra, điều gì sai trái, ai đó cần tìm người gây ra chuyện không hay, muốn mọi chi tiết phơi bày rành mạch. Chuyện trắng đen, đen trắng cũng được lần lượt điều tra, mang ra ánh sáng, cho dù thời gian là bao lâu. Nhờ dấu tay, dấu giày, sợi tóc, giọt máu... giúp ích phần nào mau chóng hơn.

Nếu người giống như loài chim, loài cá, không bao giờ vẽ vời đường bay, không để lại dấu tích tuyến đường mình đã đi qua thì, đây là điều nan giải.

Bạch Liên