"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Chào Ngày Mới Quê Xưa

Chàng gà trống chào hừng đông sáng
Đứng huênh hoang trong dáng thong dong
Uy nghi chói đỏ đầu mồng
Gà con, gà mẹ, đồng lòng im re.

*

Gá gáy sáng ò...e…o...ó…
Ngày qua ngày gióng cổ ra oai
Dân làng vác cuốc lên vai
Ra đồng cầy cấy, nắng mai ươm vàng.

*

Miền thôn dã rộn ràng sôi nổi
Nhờ anh gà siêng thổi còi to
Tò... te... réo rắt phóng loa
Đầu trên xóm dưới nhà nhà... lăng xăng.

*

Đàn gà nhỏ tung tăng theo mẹ
Chân lẹ làng đào xới kiếm mồi
Cục ta cục tác… con ơi…
Miếng ngon thơm phức săm soi chia đều.

Tháng mười một có ngày Lễ Tạ Ơn. Nhắc nhớ đến đàn gà, tôi miên man mường tượng đến khung trời miệt vườn quê ngoại xa xăm. Đã mấy mươi mùa thu thay lá vàng ở quê hương thứ hai, cũng là mấy mươi năm tôi xa rời Sài Gòn, xa luôn hương lúa chín thân quen. Phong cảnh đồng quê hiền hòa vẫn luôn là nỗi nhớ trong chuỗi kỷ niệm ngọt ngào. Sau ngày trôi giạt, định cư ở xứ người, tôi không thể nào ta tìm thấy hình ảnh chân chất như ở miệt vườn quê ngoại. Tôi muốn nhắc nhớ tới bức tranh linh động êm đềm đã in khắc trong ngăn ký ức. Đó là các nhóc mục đồng ngồi trên lưng trâu, anh trâu thì cứ im ỉm làm thinh gù gật ăn cỏ. Chao ơi, sao mà dễ thương với sắc nét mộc mạc đậm tình.

Hàng cau dong dỏng cao ngất nghễu, chót vót trên đỉnh ngọn tỏa vài nhánh xum xoe. Đứng dưới đất, ngước nhìn lên không trung, chùm ngọn cau y hệt như đóa hoa bung xòe tròn trĩnh, trông rất đẹp mắt. Buồng cau dài loằng ngoằng với chùm trái nho nhỏ rất là dễ thương.

Dây trầu. Nhắc tới trái cau thì tôi không thể nào quên người bạn chung tình chung thủy, lúc nào cũng sóng sánh có đôi, cùng đi với trái cau trên con đường hạnh phúc. Những dây trầu mềm yếu, ẻo lả cứ nũng nịu đeo bám thân cây rắn chắc của anh chàng thon thả tên Cau. Trầu cau là dây tơ hồng se kết duyên nợ. Tôi xa quê mẹ lâu quá, nên không biết bây giờ còn phong tục linh đình mâm quả. Đàn trai dâng sính lễ vàng vòng, cũng không thể nào thiếu vắng quả trầu cau. Tục lệ tuy xa xưa nhưng theo tôi, lễ nghĩa vẹn toàn nên giữ gìn cho ngàn đời sau. Trầu cau bắt đầu câu chuyện, cho ông mai bà mối nhâm nhi uống trà, khai màn bữa tiệc trăm năm cho đôi trẻ.

Bụi chuối sau hè xào xạc tàu lá xanh mơ, đan chặt nhiều cội gốc, dính kết san sát vào nhau. Một dãy dài khít khao tạo thành hành rào bao bọc, che chắn gió cho chuồng trâu được ấm cúng. Từ chính giữa thân cây chuối cứ mọc đọt nhánh lá dài màu xanh mạ non. Ngọn gió hương đồng cỏ nội hí hoái đẩy đưa, ru hời bẹ lá bé bỏng lớn dần theo cái nhúc nhích của hơi thở không khí. Vào một ngày đúng tầm cỡ, bẹ lá trổ giò mau lớn. Lá chuối vươn mình thành những phiến to rộng, phát ra âm điệu vi vu, hay phành phạch quạt, mỗi khi luồng gió tươi mát thổi phì phập vào hàng rào chuối. Cũng nhờ lá chuối dài và to rộng, đã cho chúng ta những đòn bánh tét thơm ngon vào ba ngày đầu xuân tết bước sang năm mới.

Mỗi buổi sớm mai chan hòa nắng vàng, không gian êm lắng sau một đêm dài tĩnh mịch. Bỗng dưng góc trời rộn ràng trỗi dậy với nhiều tràng âm thanh hỗn loạn, làm náo động khung cảnh miệt vườn. Tiếng động này không do máy móc, mà phát xuất từ cổ họng trầm bổng của những anh chị hiền lành, yêu mến đồng quê thoáng mát.

- Tiếng anh cẩu tranh nhau sủa... sủa quấu... quấu... Anh cẩu tha hồ ăn hiếp đàn gà vịt loi nhoi dưới bốn cái ống chân toong teo. Bốn cái cẳng toàn là xương thích phóng, thích nhảy, thích vồ chụp, hơn là đi bộ. Đôi khi anh cẩu bực mình chuyện gì không vừa lòng, tánh tình nóng nảy ưa nổi trận lôi đình, giận cá chém thớt. Anh cẩu muốn nhả cơn hậm hực bằng cách rượt, đuổi gà, vịt chạy bán sống bán chết.

- Tiếng anh chị lợn bèo nhèo kêu ột... ột đòi ăn, khi mà cái bụng rỗng tuếch rống giọng rên la ỏm tỏi. Cái bụng phệ là xà trên sàn xi măng, cồn càu... tui đói quá... Nhất là sau giấc ngủ tràn đầy tiếng ngáy ro ro. Chuồng heo là cái rạp hát chộn rộn nhất. Mọi sinh hoạt đều tất bật, vì bao tử anh chị lợn đang cần chất đầy đợt cám mới ngon ngọt, thơm tho đầu ngày.

- Tiếng anh bò, anh ngọ, anh trâu, chú nghé lần lượt vang trời, vì đứng trong chuồng hoài chán quá. Quí chàng nhớ cánh đồng mênh mông thoáng mát ngoài kia nên nằng nặc đòi, muốn được các cậu nhóc mục đồng tình tang dắt ra bãi ruộng trống, um tùm nhấp nhô cỏ hoang. Đàn bò, đàn trâu... tha hồ mà chầm chậm rảo lượn vòng quanh, vừa đi vừa cúi đầu mê man nhai cỏ.

- Gà tây. Nói chuyện gà trống gáy ó... o, tôi chợt nhớ đến bộ dạng oai nghiêm, bệ vệ với màu sắc tuyệt đẹp của anh chị gà tây. Ngoại có nuôi một cặp gà tây. Tôi có kỷ niệm với gà tây khi còn là bé con thơ dại. Nhân ngày lễ Tạ Ơn ở đất nước bao dung, tôi vui vui kể chuyện. Chúng ta cùng mơ về miền quê thương mến vào mấy mươi năm xưa.

- Năm tháng hồn nhiên với mái tóc bum bê che ngang vầng trán trên khuôn mặt tròn bầu bĩnh. Thuở ấy, tôi không hề biết, gà tây là món ăn khoái khẩu và là món ăn chánh cho ngày cám ơn truyền thống. Lễ Tạ Ơn trọng đại của đất nước Hoa Kỳ.

- Năm tháng ngây thơ, mỗi lần đi ngang qua anh chị Gà Tây, tôi run gần chết. Gà tây ăn hiếp mấy bé con ốm gầy như lá cỏ là tôi. Có lần tôi bị gà tây rượt chạy đến xanh mặt mày. Từ dạo ấy, tôi không có cảm tình với gà tây nữa. Ngay cả, hiện tại, tôi trải qua mấy mươi ngày lễ Tạ Ơn, cũng như ngày thường, tôi không bao giờ ăn thịt gà tây. Có lẽ, tôi nhớ hoài cái bọng da màu đỏ chói ngay cái cổ họng, đã sần sùi xấu xí mà còn chảy xệ lắc lư. Tôi sợ lắm!

Kính chúc quí vị ngày Lễ Tạ Ơn An Vui.

https://www.youtube.com/watch?v=erGHEsPMPVY

Bạch Liên