"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Bánh Mì Nóng Giòn

 

Ký ức của chúng ta là một cái kho lưu trữ hết sức kỳ diệu, có những việc chỉ mới hôm qua thôi, hôm nay ta đã quên khuâý đi mất, nhưng có những sự việc cho dù đã xãy ra từ lâu lắm rồi chúng ta vẫn không thể quên được. Mỗi khi ký ức quay về, tất cả lại hiện ra rỏ mồn một như "vừa mới hôm qua". Khoảng cách thời gian dường như không hề tồn tại, tất cả dường như mới nguyên khi ta nhớ về nó.

Mẹ tôi mất năm tôi mới lên mười, nên những kỷ niệm về mẹ tôi lưu giữ không nhiều, nhưng với tôi đó là những ký ức không thể phai mờ. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ về mẹ, những ký ức tuổi thơ ấy vẫn luôn sống động trong tôi như một cuộn phim quay lại.

Mẹ tôi là một người giản dị và chịu thương chịu khó, bà chẳng nề hà sự cực khổ, miễn sao có thêm thu nhập cho gia đình. Trong ký ức của tôi, mẹ tôi luôn luôn tất bật với công việc. Cha tôi bảo mẹ con chỉ cần ở không là bà ấy bệnh. Khoảng đầu thập niên bảy mươi, cha tôi tham gia chính quyền sài gòn và giữ chức vụ trưởng ấp. Đồng lương trưởng ấp tuy không cao nhưng vẫn đãm bảo cuộc sống gia đình tôi, mẹ tôi lại là một thợ may, nên gia đình tôi sống không thiếu thốn lắm. Cha tôi bảo mẹ tôi là người biết lo xa, nhiều lần thấy bà vất vả ông bảo bà bớt tham công lại đi để còn giử gìn sức khoẻ. Bà chỉ cười bảo còn khoẻ còn làm được tranh thủ kiếm ít tiền cho con - Cha nói giọng buồn rười rượi - có lẽ mẹ con linh cảm bà ấy không ở được lâu với các con, nên muốn chuẩn bị trước khi ra đi. Những khi ít đồ để may hoặc tới mùa vụ, mẹ tôi làm đủ thứ công việc từ nhận làm cỏ rẩy cho đến cắt lúa thuê.

Hồi đó vùng tứ giác Long Xuyên còn trồng lúa nước, mỗi năm chỉ có một vụ. Tháng ba âm lịch, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu kéo về, củng là lúc mùa gieo sạ bắt đầu. Tháng bảy những cây lúa được mưa tưới mát và cao ngang đầu gối, củng là lúc mùa nước lên hàng năm tràn về mang phú sa lên đồng cho cây lúa. Vậy là bắt đầu một hành trình vượt lũ, những cây lúa tự đấu tranh để sinh tồn. Nước lên đến đâu, lúa lại vượt cao lên đến đó để rồi đến tháng chạp, khi mùa lũ rút đi là lúc lúa chín. Mùa lúa chín cũng là mùa gió bấc. Không biết những năm gần đây do khí hậu ấm dần lên hay do cảm nhận của tôi, dường như mùa đông bây giờ không lạnh hơn ngày xưa! Lũ trẻ chúng tôi hồi ấy mỗi sáng thức giấc lại quây quần bên một đống lửa được đốt từ rạ mới. Cả bọn ngồi quanh hơ đôi tay lạnh cóng. Thỉnh thoảng những hạt lúa nếp còn sót lại nổ tí tách văng ra những hạt gạo đã được nướng chín, nở bung ra. Tôi thích nhặt những hạt gạo ấy bỏ vào miệng, nhấm nháp cái vị vừa béo vừa thơm của gạo đầu mùa.

Bốn giờ sáng mẹ tôi đã dậy nhóm lửa nấu cơm để mang theo. Căn bếp chỉ cách chổ tôi ngủ có một bức vách làm từ lá vàng bạc, hơn nữa nhà lót vạt tre nên khi mẹ bắt nồi cơm lên bếp, tôi cũng thức giấc chui ra lăng xăng với mẹ. Buổi sớm tháng chạp trời lạnh như cắt da khi những cơn gió bấc len lõi vào gian bếp tranh tối tranh sáng. Tôi ngồi trong lòng mẹ chờ nồi cơm sôi. Ánh lửa trên bếp nhảy nhót tinh nghịch như những con sóc lửa đang quấn quýt nô đùa cùng nhau. Hơi ấm từ trong lòng mẹ và hơi ấm toả ra từ ngọn lửa trên bếp hoà vào nhau, tạo nên một không gian ấm áp, tràn ngập yêu thương. Tôi cuộn lại như con mèo trong lòng mẹ, tận hưởng cái ầm áp trong buổi sớm mùa đông đầy gió. Trong khi chờ cơm chín, thường thì mẹ mở chương trình đọc truyện của đài Sài Gòn. Có lẽ từ chính những buổi được nghe đọc truyện, đã hình thành trong tôi lòng yêu thích đọc sách. Đó là lần đầu tiên tôi được biết các nhân vật Tiết Nhơn Quý, La Thông... tuổi thơ tôi xem họ như những thần tượng và mong muốn mình củng có được những chiến công hiển hách giúp ích cho quê hương đất nước. Tuy nhiên tôi lại thích chương trình "Gia đình Bác Tám" hơn. Đây là một chương trình kịch truyền thanh giáo dục cộng đồng rất được thính giả trước 1975 yêu thích. Với tôi một đứa trẻ mới bảy, tám tuổi thì chủ yếu là chương trình rất vui và gần gủi. Mẹ vừa trông chừng nồi cơm trên bếp, vừa dọn dẹp các thứ ngăn nắp. Tôi cũng lăng xăng khi thì cầm cái này, lúc cầm cái khác giúp mẹ. Cho đến giờ tôi vẫn cảm thấy ấm áp mỗi khi nhớ về những buổi sáng mùa đông ấy, trong cái chái bếp ám mùi khói, trong ánh lửa chập chờn nhảy múa, tôi đã có những khoảnh khắc hết sức gần gũi, hạnh phúc bên mẹ. Với người khác có lẽ điều này bình thường, nhưng với tôi một thằng bé mất mẹ năm mười tuổi thì những kỷ niệm về mẹ luôn là những tình cảm thiêng liêng mà tôi cất giữ rất cẩn thận.

Thật ra tôi thức sớm chẳng phải để sẻ chia những khó nhọc với mẹ, một đứa con nít như tôi làm gì có thể nghĩ xa đến thế. Tôi thức sớm chẳng qua là để được ăn một ổ bánh mì nóng giòn của chú Chệt. Như thường lệ, khi hết chương trình "Gia đình Bác Tám" thì chiếc xe đạp cà tàng và tiếng rao bánh mì nóng giòn của chú Chệt củng vừa tới cửa nhà tôi. Ông và cha tôi có chút giao tình, tôi lại là "mối" của ông, nên sáng nào đến cửa nhà tôi ông đều ngừng lại rao lớn: Bánh mì lóng giòn lây! Không đợi rao đến lần thứ hai tôi đã nắm tay mẹ chạy ra cửa, mẹ tôi mĩm cười vì bà biết tôi chỉ chờ đợi phút giây này. Trong cần xé ở phía sau xe đạp của chú Chệt, ổ bánh nào cũng nóng hôi hổi giòn tan như từ lấy trong lò ra. Nhưng tôi vẫn thích tự tay lựa bánh mì cho mình, nên mẹ phải bồng tôi lên mới có thể đưa tay vào trong cần xé. Trời tháng chạp đêm dài, năm giờ sáng vẫn còn rất tối, từng cơn gió bấc len lỏi vào da thịt buốt giá. Chỉ có ngọn đèn dầu của chú chệt treo kế bên cần xé bị gió thổi lúc tối lúc sáng thì thấy đường đâu để lựa, tôi chỉ muốn thọc tay vào cái bao vải tận hưởng cái ấm áp và cái mùi bánh mì nóng, những ổ bánh mì kêu sột soạt dưới đôi tay tôi. Hơi ấm lan cả thân người. Bên trong cái cần xé bánh mì, chú Chệt đặt ở dưới đáy một ngăn chứa cái lò than luôn đủ nóng để những ổ bánh mì lúc nào củng như mới được lấy từ trong lò ra. Vì vậy ông bán bánh mì rất đắt hàng. Từ chợ Cái Dầu chạy lên nhà tôi hơn cây số, giờ này ông đã lấy thêm chuyến bánh thứ hai. Một ổ bánh mì nóng giòn và một ly café sữa nóng, với những người lao động thức sớm thì đó quả là một bửa điểm tâm tuyệt vời. Người ta không chỉ thích bánh mì nóng của chú Chệt mà còn thích luôn cả cái tính vui nhộn với giọng nói luôn bị ngọng bởi chử "n" của chú. Mẹ tôi bảo chú Chệt bán bánh mỳ để nuôi những người con ăn học, tôi chưa biết rõ mọi việc lắm nhưng tôi rất kính trọng chú. Nhiều hôm tranh thủ mẹ tôi nói chuyện với chú, tôi cứ khoắng cả hai tay vào cái bao vải đựng bánh mì tận hưởng cái ấm nóng từ những ổ bánh mì, mẹ tôi phải giục - nhanh lên để chú còn đi bán, còn chú Chệt thì cười xoa đầu tôi.

Cầm bánh mỳ trên tay, tôi nhanh chóng chạy vào bếp lấy cái ly đưa cho mẹ. Tôi thèm thuồng nhìn dòng sửa chảy vào ly từ cái hộp sửa Ông Thọ trên tay mẹ. Một ly sửa nóng, ổ bánh mì giòn, với tôi nó là cả một bữa tiệc. Bẻ một miếng bánh nóng hổi, chấm vào ly sửa rồi đưa vào miệng, cái cảm giác ấy dường như đọng lại đến bây giờ. Trong khi tôi ăn, thì mẹ cũng chuẩn bị cơm để mang theo vào đồng. Trước khi đi mẹ luôn dặn đi dặn lại - ăn xong con dẹp ly vào bếp rồi vào mùng ngủ tiếp đi nhé. Cũng có những hôm cha thức cùng tôi và mẹ, những hôm ấy mẹ pha một bình trà rồi ngồi nhìn hai cha con khề khà ly trà nóng.

Tôi vẫn giữ mãi những hình ảnh đẹp của tháng ngày thơ ấu vào một góc riêng tâm hồn mình. Nó như một thứ bảo vật quý giá, như một ngọn lửa nhỏ để sưởi tâm hồn khi đường đời giá buốt. Bánh mì vẫn ra lò, vẫn nóng vẫn giòn, nhưng đã không còn ai bán bánh mì với cái lò than trong cần xé nữa. Và với tôi những ổ bánh mì cũng không còn thơm giòn kể từ khi mẹ vĩnh viễn ra đi, về nơi chốn xa hư không vô định.

 

Phan Võ Hoàng Nam