Eve Ensler, Đóa Sen Vươn Lên Từ Bùn

 20Ahkqds1

 

Không phải đợi đến khi phong trào #Metoo ra đời vào năm 2017 người phụ nữ mới mạnh dạn lên tiếng chống lại vô số những bạo hành và lạm dụng thể xác lẫn tinh thần từ trong gia đình ra ngoài xã hội, mà trước đó cả hai thập niên cũng đã có người dám đứng lên vận động chống lại giới mày râu ỷ mạnh hiếp yếu. Trong số những nhân vật tiên phong nổi tiếng nhất thế giới trong phong trào này là nhà văn, kịch tác gia, diễn viên và nhà hoạt động người Mỹ Eve Ensler.

Có thể nói rằng Eve Ensler là một đóa sen vươn lên từ trong bùn lầy ô uế của cuộc đời, từ cuộc đời cá nhân của bà đến cuộc đời chung của xã hội loài người mà bà sống trong đó.

Eve Ensler là một Phật tử tu theo Nhật Liên Tông của Phật Giáo Nhật Bản và thường xuyên niệm “Nam Mô Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.” Bà đến với Phật Giáo để tìm sự giải thoát nỗi đau và sự ám ảnh của những năm tháng bị lạm dụng tình dục và bạo hành thể xác cũng như tinh thần. Trong một lần trả lời phỏng của David Swick được đăng trên trang mạng của Lionsroar.com ngày 1 tháng 5 năm 2009, bà cho biết rằng:

“Tôi có tu tập. Tôi là một Phật tử; Tôi tu tập nhiều năm. Tôi tụng kinh. Tôi tập thể dục rất nhiều. Tôi cố gắng cảm nhận cảm thọ của mình. Tôi thường ở giữa nỗi đau của nhiều người. Nhiều người cảm thấy bị sức ép, trên nền tảng về điều tôi đang chia xẻ, để san sẻ nỗi đau của họ với tôi. Đó là một đặc quyền to lớn, nhưng tôi cảm thấy vinh dự, và nó cũng là cực kỳ đau đớn.”

Bà cũng đến với Phật Giáo Tây Tạng. Tại căn nhà ở miền quê vắng vẻ, Ensler tôn trí tượng đức Phật Mẫu Tara trên cái hồ bình yên nơi vườn nhà. Trong lần trả lời phỏng vấn của Lindsay Kyte vào ngày 16 tháng 8 năm 2019, Ensler kể rằng đức Tara là sức mạnh của sự hướng dẫn và cảm hứng. Đức Phật Mẫu có đầy đủ lòng từ bi, trí tuệ, và sự nối kết.

Nhờ ý tưởng nối kết trong tương quan tương duyên này của Phật Giáo, bà đã sáng lập ra phong trào quốc tế rộng lớn V-Day và về sau là phong trào One Billion Rising để giúp tất cả các phụ nữ và con gái trên toàn thế giới bị lạm dụng tình dục hoặc bị bạo hành thể xác và tinh thần.

Phong trào V-Day tính đến năm 2016 đã quyên góp được trên 100 triệu đô la và giáo dục hàng triệu người về vấn đề bạo hành chống lại phụ nữ và các nỗ lực để chấm dứt nó. Phong trào cũng đã trình làng chương trình Karama tại Trung Đông để tái mở cửa các trại tạm cư, và tài trợ cho 12,000 chương trình chống bạo động tại các cộng đồng và những căn nhà an toàn cho phụ nữ tại Cộng Hòa Congo, Haiti, Kenya, South Dakota, Egypt và Iraq. Những căn nhà an toàn này cung cấp nơi an toàn cho phụ nữ khỏi bị lạm dụng, bị cắt bỏ bộ phận sinh dục phụ nữ và bị giết chết. Chữ V-Day tượng trưng cho sự chiến thắng, tình yêu, bộ phận sinh dục phụ nữ.

Phong trào One Billion Rising [Một Tỉ Đứng Lên] được Eve Ensler thành lập vào năm 2012 để vận động chấm dứt bạo động, và khuyến khích công lý và bình đẳng giới tính cho phụ nữ. Vào ngày 14 tháng 2 năm 2013, kỷ niệm năm thứ 15 của phong trào V-Day, phụ nữ và đàn ông tại nhiều quốc gia trên thế giới đã tổ chức các buổi khiêu vũ để đòi hỏi chấm dứt bạo hành chống lại phụ nữ và con gái.

Những nỗ lực vận động bảo vệ phụ nữ kể trên của Eve Ensler bắt nguồn từ kinh nghiệm đau thương của chính bà như là một nạn nhân của bạo hành tình dục.

Ensler sinh ra đời tại Thành Phố New York, là người con thứ 2 trong gia đình 3 người con. Cha bà, ông Arthur Ensler, là giám đốc một công ty thực phẩm. Bà đã lớn lên tại vùng ngoại ô phía bắc của Scarsdale, New York. Cha bà là người theo Do Thái Giáo và mẹ bà là tín đồ Thiên Chúa Giáo. Bà trưởng thành trong cộng đồng mà người theo Do Thái Giáo chiếm đa số. Tuy nhiên, Ensler xác định bà là một Phật tử theo truyền thống Nhật Liên Tông của Nhật Bản.

Ensler kể rằng từ lúc 5 đến 10 tuổi, bà bị người cha lạm dụng tình dục và thể xác. Lớn lên, bà có lần phát biểu rằng bà “rất buồn, rất giận, rất bướng bỉnh. Tôi là đứa con gái tóc dơ. Tôi không thích hợp bất cứ ở đâu cả.” Đến năm Ensler 10 tuổi, người cha đã bóp cổ cô, đấm vào mặt cô, dọa đâm chết cô và đánh cô bằng dây nịt và mái chèo thuyền trong những hành động bệnh hoạn của đau đớn và sỉ nhục. Mẹ của Ensler đứng đó nhìn thấy mà im lặng không nói lời nào. Gia đình của Ensler chống lại cô. Cha cô đã qua đời lúc 31 tuổi. Cho tới lúc lâm chung ông không bày tỏ bất cứ lời ăn năn nào.

Những năm tháng của thời thơ ấu vào thập niên 1960s lúc đó bà sống ở Scarsdale, New York, Ensler nói với Lindsay Kyte trong cuộc phỏng vấn nói trên rằng, cuộc sống lặng lẽ tại miền đồng quê thật là khó hiểu đối với Eve Ensler tuổi trẻ, là người đã từng xem thế giới này như là kẻ thù của mình. Tôi sợ hãi cây cối,” bà viết như thế trong hồi ký “In the Body of the World.” “Tôi đã không sống trong rừng. Tôi sống trong thành phố bê tông nơi mà tôi không thể nhìn thấy bầu trời hay mặt trời lặn hay các vì sao. Tôi chạy theo tốc độ của máy móc và nó nhanh hơn hơi thở của tôi. Tôi trở thành kẻ xa lạ với chính mình và đối với nhịp điệu của trái đất.”

Hơn thế đó, bà xem chính thân thể mình như là kẻ thù. “Thân thể tôi là gánh nặng,” bà viết thế. “Tôi nhìn nó như cái gì đó không may bị giữ lại. Tôi có rất ít kiên nhẫn đối với những nhu cầu của nó.” Bà đã tìm quên lãng cơ thể trong rượu, ma túy, tình dục, lạm dụng đàn ông, và ngay cả cái chết bằng tự tử. Đó là cách bà tìm cách rời bỏ cơ thể của mình bị người cha dày vò, lạm dụng, bạo hành qua nhiều năm của thời thơ ấu. Bà viết, “Có lúc tôi đã không thể ngừng uống rượu và làm tình.”

Ensler vào học trường Đại Học Middlebury College tại tiểu bang Vermont nơi cô nổi tiếng là một chiến sĩ đấu tranh nữ quyền. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1975, cô đã lao vào thế giới trụy lạc với ma túy và rượu.

Ensler biết rằng bà đã đụng phải tảng đá tận dưới đáy khi bà thức dậy trong một bãi đậu xe sau khi bị đánh gục bởi người bạn trai của mình, và bất ngờ nhìn ra rằng bà đang phung phí tài năng của mình, những món quà, và nhiều cơ hội. “Tôi quỳ gối và thề với Thương Đế mà tôi đã không tin,” bà viết như thế. “nó như thể là tôi đã được trao trả lại tâm hồn của tôi, tôi đã thay đổi.”

Năm 1978, bà lập gia đình với Richard Dylan McDermott, thợ pha rượu 34 tuổi cũng chính là người đã kéo bà ra khỏi vũng bùn và làm lại cuộc đời.

Khi 23 tuổi, Ensler nhận Mark Anthony McDermott, 16 tuổi, con trai riêng của chồng đầu làm con nuôi. Mối quan hệ của họ thật là thân thiết, và Ensler nói rằng điều đó dạy cho bà “làm sao để yêu thương con người.” Sau khi Ensler đau đớn vì bị sẩy thai, Mark lấy tên mà bà đã dự định đặt cho đứa bé xấu số, Dylan, đặt cho con trai ông. Ensler và cha của Dylan đã ly dị vào năm 1988, lý do là vì bà “cần độc lập, tự do.” Theo một bài viết đăng trên báo Sydney Morning Herald, “Sau khi cuộc hôn nhân chấm dứt, bà có mối quan hệ lâu dài với nghệ sĩ và nhà trị liệu tâm lý Ariel Orr Jordan nhưng hiện bà sống độc thân, điều này có vẻ thích hợp với lối sống vô định của bà – bà có nhà tại New York và Paris nhưng thường đi đây đi đó quanh năm.”

Dù không còn truỵ lạc và say sưa, Ensler cũng đã đối diện với sự lo lắng tê liệt, và cần tìm cách để hiểu và trình bày sự chấn thương, bà đã quay sang viết kịch. Trong các vở kịch của mình, Ensler đã chuyển cuộc sống chìm ngập trong ma tuý của bà vào cuộc đời hoạt động và nghệ thuật ở mức độ cao và thấp. Như báo New York Times mô tả bà là “một nhà viết kịch còn lu mờ, nhiều hoài bão nhưng bị trở ngại, bị đau khổ bởi những đánh giá xấu, và bị tra tấn bởi những vết thương cá nhân và toàn cầu.” Tuy nhiên, vở kịch Floating Rhoda và Glue Man của Ensler đã thu hút được sự chú ý của truyền thông, và vở kịch Necessary Targets của bà đã được Meryl Streep, Vanessa Redgrave, và Glenn Close khoe là có rất nhiều người đọc.

Cuộc đời của Ensler đã thay đổi vĩnh viễn năm bà ở tuổi 40 khi bà trao đổi với những phụ nữ khác về cơ thể của họ. “Những câu chuyện của chúng tôi thường là loại riêng tư, bí mật xấu hổ mà chúng tôi giữ cho riêng mình, đặc biệt những người đã bị áp bức hay bị lạm dụng hay bị xâm hại,” bà nói thế. “Khi bạn nói toạt ra câu chuyện của bạn cho cả thế giới, thì điều đó nói với những người khác rằng, ‘Tôi là ai, đây là điều đã xảy ra với tôi,’ và bạn đột nhiên nhận thức ra rằng những người khác cũng đã có kinh nghiệm, những người khác đã cảm thông bạn, và rồi họ bắt đầu chia xẻ những câu chuyện của họ. Sự chia xẻ cho nhau những câu chuyện là sự chuyển đổi năng lượng.”

Lắng nghe các câu chuyện của những phụ nữ khác dẫn đến việc Ensler viết “The Vagina Monologues” [Độc Thoại Âm Đạo], là vở kịch khám phá các chủ đề như những kinh nghiệm tình dục đồng thuận và không đồng thuận, hình ảnh thể xác, sự cắt bỏ bộ phận sinh dục, và buôn bán tình dục. Vở kịch được lên tiếng bởi các phụ hữ của nhiều danh tính khác nhau, gồm, như trang mạng của Ensler mô tả, “một bé gái 6 tuổi, một người sinh trưởng ở New York cở tuổi 70, một người tham dự hội thảo về âm đạo, một phụ nữ làm chứng sự ra đời của đứa cháu gái của bà, một người Bosnia bị hãm hiếp sống sót, và một người ủng hộ nữ quyền vui thú khi tìm ra một người đàn ông ‘thích nhìn nó.’”

Từ lần đầu tiên được trình diễn tại một căn nhà hầm vào cuối thập niên 1990s, hiện nay The Vagina Monologues đã được dịch sang 48 thứ tiếng và được trình diễn tại hơn 140 quốc gia. Những nhân vật đóng vai trong vở kịch này đã thành những người nổi tiếng như Jane Fonda, Susan Sarandon, Whoopi Goldberg, và Oprah Winfrey. Nhờ vở kịch này mà Ensler đã đoạt được giải thưởng Obie Award vào năm 1996 cho “Vở Kịch Mới Hay Nhất” và vào năm 1999 bà được giải Guggenheim Fellowship Award in Playwriting.

Vở kịch The Vagina Monologues ra đời có nhiều phản ứng trái ngược nhau. Nhiều người khi thấy bích chương có chữ “vagina” đã giận dữ và vội vã xé quăng nó đi. Nhưng cũng có người nói rằng họ rất vui vẻ bởi vì theo họ thì ít nhất nhờ đó mà nhiều người hiện nay có thể mạnh dạn nói về thân thể của người phụ nữ một cách công khai. Sự im lặng làm cho câu chuyện ngày càng tồi tệ, như Ensler đã viết trong vỡ kịch The Vagina Monologues rằng, “Tôi đã từng lo sợ. Tôi lo sợ về vaginas. Tôi đã lo sợ về điều chúng ta nghĩ về vaginas, và ngày càng sợ hãi hơn rằng chúng ta không nghĩ về chúng.”

Ensler đã bắt đầu nói một cách ám ảnh về vaginas, và chữ V-Day khởi sinh từ đây. V-Day là phong trào hoạt động toàn cầu mà bà sáng lập để chấm dứt bạo động chống lại phụ nữ và thanh thiếu nữ. Nó miêu tả các sự kiện sáng tạo để gia tăng nhận thức, gây quỹ, và làm hồi sinh tinh thần của các tổ chức chống bạo động đang có mặt. Qua các cuộc vận động của V-Day, hàng ngàn người trên khắp thế giới đã thực hiện các cuộc trình diễn phúc lợi hàng năm về vở kịch The Vagina Monologues và các tác phẩm A Memory, A Monologue, A Rant, và A Prayer, tập hợp các bài viết được Ensler hiệu đính.

Như một phần trong công tác đột phá này, Ensler đã bắt đầu đi chu du khắp thế giới, 60 quốc gia tất cả, trong việc tìm tòi các câu chuyện của những phụ nữ là những người đã từng trải qua bạo động và đau khổ, những người đã trở nên bị lưu đày khỏi cơ thể của họ, và những người đang tìm đường về nhà họ. “Tôi đã nghe về những phụ nữ bị quấy nhiễu trên giường của họ, bị treo lơ lửng trong bộ quần áo dài từ đầu tới chân, bị phỏng acid trong nhà bếp của họ, bị bỏ cho chết trong các bãi đậu xe,” bà viết như thế.

Ensler tới Congo vào năm 2007, nơi bà đã nghe kể nhiều câu chuyện đã làm tiêu tan những câu chuyện khác, những câu chuyện có trong thân xác của bà và làm bà không ngủ được. Bà viết rằng, “Congo là nơi tôi đã chứng kiến sự kết thúc của cơ thể, chấm dứt nhân tính, tận thế.” “Diệt chủng, hãm hiếp có hệ thống, tra tấn dã man, và tiêu diệt phụ nữ và thanh thiếu nữ, được tuyển dụng như chiến thuật doanh nghiệp quân đội để bảo vệ an toàn các mỏ quặng.”

Ensler cho biết rằng chính ngay tại Congo mà hiện thực của sự tương quan tương duyên, một giáo lý chủ chốt của Phật Giáo, đã bắt đầu tác động mạnh mẽ đối với bà. “Sự riêng biệt là ảo tưởng,” bà cho biết. “Điều mà nhiều người trong chúng ta nỗ lực thực hiện hướng tới ngày nay là hiểu biết rằng các cơ thể của chúng ta không phân cách với chính chúng ta, thân thể của chúng ta không tách rời trái đất này, và chúng không phân ly nhau. Đó là cảm nhận về sự tách đôi, chia cách, đổ vỡ. Người ta không hiểu rằng họ là một phần của cùng một gia đình nhân loại.

“Điều mà tôi khám phá trong tác phẩm của mình như một nghệ sĩ là sự nhận thức rằng tất cả chúng ta đều nằm bên trong sự đấu tranh của nhau. Nếu bạn tìm câu chuyện sinh ra đời của tôi, hay sự nghèo đói hay điều gì đang xảy ra cho những người di dân hay điều gì đang xảy ra đối với trái đất, thì tất cả chúng ta đều ở trong trang mạng này. Nó tương tự như vậy trong cơ thể của bạn. Bạn không thể tách lá gan của bạn ra và nói rằng, ‘Ồ, lá gan của tôi thật sự vĩ đại, nhưng tôi không thích trái tim của mình.’”

Nhưng bà Ensler cũng chứng kiến niềm hy vọng khôn nguôi và sức mạnh trong những người kể những câu chuyện mà bà đã nghe tại Congo. Phụ nữ đã nhận thức về một nơi tưởng tượng mà họ gọi là “The City of Joy” [Thành Phố của Niềm Vui] một thánh địa nơi mà họ sẽ được an toàn, có thể chữa lành, cùng đến với nhau, và giải thoát hết đau đớn và chấn thương. “Khi bạn sống trong cộng đồng, bạn bắt đầu không bị tách rời,” Ensler phát biểu. “Bạn bắt đầu đúng kích cỡ của bạn. Bạn không quá nhỏ và không quá lớn. Bạn vừa đúng kích cỡ trong cộng đồng đó. Khi bạn lẻ loi một mình, bạn cực kỳ nhỏ bé hay to lớn quá cỡ, bạn biết mà phải không?”

Ensler đã quyết định biến Thành Phố của Niềm Vui thành hiện thực, và đã thực hiện với nguồn tài chánh của bà từ việc gây quỹ của sự kiện V-Day và với Cơ Quan UNICEF của Liên Hiệp Qốc để xây dựng và duy trì nó. Sau nhiều trì hoãn, nản lòng, và lừa gạt, Thành Phố của Niềm Vui đã lên lịch trình khai trương vào tháng 5 năm 2010. Nhưng đến tháng 3, các bác sĩ khám phá một cục bướu lớn trong tử cung của Ensler. Người phụ nữ tìm kiếm những câu chuyện của nhiều người về thân thể của họ đã phải đối diện với cơ thể của chính bà.

Eve Ensler hiện đang sống trong thế giới của bệnh ung thư -- bệnh viện, bác sĩ, bệnh hoạn, đau khổ. “Cơ thể của tôi không còn trừu tượng nữa,” bà viết như vậy. “Có nhiều người đàn ông cắt xẻ vào nó và những cái ống ra khỏi nó và những cái bao và những cái ống thông dẫn lưu nó và những cây kim đâm nó và làm nó chảy máu. Tôi là máu và phân và nước tiểu và âm đạo. Tôi đang cháy và buồn nôn và sốt và suy yếu. Tôi thuộc về thân xác, trong cơ thể. Tôi là thân thể. Thân thể. Cơ thể. Thể xác. Ung thư, chứng bệnh của những tế bào chia cắt một cách bệnh hoạn, đốt cháy các bức tường của sự chia cách của tôi và hạ cánh tôi trong thân xác của tôi, giống như Congo đã hạ cánh tôi trong thân thể của thế giới.”

Ensler cho biết rằng qua việc điều trị bà cần tìm cách để trở thành ai đó khác hơn là một bệnh nhân ung thư. Một người đã giúp được bà là Mama C, người thông dịch và hướng dẫn của Ensler tại Congo. Bà ấy nói chuyện điện thoại với Ensler và kể cho Ensler nghe về sự thú vị của trái xoài, hay về sự tham nhũng trong lúc sửa soạn tại Thành Phố của Niềm Vui, không giấu điều gì hết. Mama C đã mang năng lực của cuộc sống trở lại cho thế giới nhỏ bé của phòng bệnh viện và máy móc của bà Ensler.

Một cách khác mà bà Ensler tự tìm thấy trong bệnh ung thư để buông xả tự ngã của bà. “Cái tôi của tôi đã chạy khỏi,” bà viết. Để giúp bà ấy điều hướng thế giới mới vô ngã này, Ensler quay về Đạo Phật. Một ngày trước khi bà bắt đầu hóa trị, bà đã lập một bàn thờ với tượng Phật Mẫu Tara, đặt lễ vật cúng bằng một chiếc khăn choàng màu hồng và các đồ nữ trang, và tụng thần chú, “Lạy Đức Phật Mẫu Tara, con cần ngài ngay bây giờ.”

Vào tháng 6 năm 2011, Thành Phố của Niềm Vui đã khai trương, với nhiều lễ ăn mừng. Ensler, với đầu tóc đã cắt, đã có mặt ở đó, 3 tuần sau lần giải phẫu cuối cùng của bà, khiêu vũ khi giấc mơ về một nơi cho cơ thể của phụ nữ để chữa lành được dựng lên trên mặt đất vững chắc.

Được củng cố bởi sự thành công này và công việc của bà được tiếp tục với V-Day, vào năm 2012 Ensler đã giúp sáng lập phong trào One Billion Rising. Nó được mô tả trên trang mạng của phong trào này như là “hành động tập thể lớn nhất để chấm dứt bạo động chống lại phụ nữ trong lịch sử nhân loại. Phong trào này bắt đầu như một lời kêu gọi hành động dựa trên thống kê kinh ngạc rằng 1/3 phụ nữ trên hành tinh sẽ bị đánh đập hay bị hãm hiếp trong cuộc đời của họ. Với dân số 7 tỉ người, con số này lên tới hơn 1 tỉ phụ nữ hay thanh thiếu nữ.”

Phong trào One Billion Rising có nhiều hành động, như kêu gọi phụ nữ trên khắp thế giới tham gia vào các cuộc khiêu vũ tập thể như là cách đi vào cơ thể để thay đổi và yêu thương chúng.

“Khiêu vũ là sự biểu hiện thánh thiện sâu sắc của con người,” Ensler nói như vậy. “Đây là cách chúng ta biểu hiện âm nhạc của nỗi sợ hãi của chúng ta, về một điều gì đó vượt ra ngoài chúng ta, và thể hiện chính chúng ta không phải bằng lời mà qua năng lượng di chuyển qua chúng ta. Bạn thực sư cho mọi người thấy năng lượng đó trông giống cái gì khi nó được biểu hiện qua thân thể của bạn.

Khi người ta cùng nhau khiêu vũ, họ có thể bày tỏ những cảm xúc và cảm giác không tạo ra sự phân đôi. Họ tạo ra sự cởi mở và mời gọi. Mọi người hãy làm điều đó.” Một triệu nhà hoạt động tại 200 quốc gia đã tham gia vào các hoạt động của One Billion Rising, và trang mạng của phong trào này rực rỡ với nhiều videos về nhiều người cùng khiêu vũ vui vẻ trên khắp thế giới.

Hiện nay, ở tuổi 65 và đã chữa lành ung thư, Eve Ensler có quan niệm khác hoàn toàn về “cơ thể.”

Thân thể của chúng ta là thứ kết nối với tất cả các pháp,” bà cho biết. “Chúng ta phải chiếm giữ hoàn toàn thân thể của mình. Tôi lơ lửng ở đây trong đầu và tôi bị cắt đứt quan hệ với thiên nhiên, với cảm giác, với ký ức của tôi. Khi bạn không còn nối kết với cơ thể của bạn, thì bạn không ở trong ý thức cao; bạn không còn ý thức. Bạn bị chia xắt thành mảnh. Trong cuộc hành trình trở lại thân thể của tôi, càng vào sâu tôi càng tới đây một cách bất ngờ. Trong cách tốt. Trong cách mà bạn có thể đạt được kinh nghiệm nhất thể.”

Hiện Ensler vẫn tiếp tục sáng tác và hoạt động. Tác phẩm mới của bà là cuốn “The Apology” [Lới Xin Lỗi], là cách để bà cố gắng hiểu sự lạm dụng của cha bà qua việc viết lách. Bà nói rằng, “thật là quan trọng để chúng ta trở lại với những vết thương và đi qua chúng để chúng ta có thể giải thoát chúng.”

Ngoài ra bà còn tập trung vào việc phục vụ thế giới này, hành tinh này, mẹ thiên nhiên này. Bà nói rằng, “Chúng ta đã phá hủy quá nhiều thứ và quá nhiều thứ mà mẹ thiên nhiên đã cho chúng ta hài lòng.”

Ensler quả thật là đóa sen tỏa ngát hương trong bùn lầy thế gian!

 

Huỳnh Kim Quang

Hình :

Eve Ensler ở tuổi 65.( Photo by Paula Allen – www.lionsroar.com )