"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

 

Thăm Tháp Bánh Ít, Bình Định

 20Amtttb1

  Tháp Bánh Ít đứng sít cầu Bà Di

   Sông xanh nước cũng xanh rì 
   Vào nam, ra bắc cũng phải đi con đường này ... 

         ( Ca dao Bình Định )

   Du khách vào nam, ra bắc hay đi về Tây nguyên, Campuchia, Lào khi  ngang qua cầu Bà Di cũng đều thấy một quần thể kiến trúc mỹ thuật, lịch sử của người Chăm cổ được xây dựng cuối thế kỷ XI, đầu thế kỷ XII trên một ngọn đồi thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, Bình Định. Tháp nằm giữa hai nhánh sông Côn là Tân An và Cầu Gành trên một không gian quang đãng, gió mát trong lành. Tháp Bánh Ít cũng như hai tháp Dương Long, Thủ Thiện nằm hai bên tả, hữu sông Côn, gắn liền tuổi thơ, quê nội, ngoại tôi mà chưa lần nào đặt chân đến. Lần này, sau khi về chạp mả, hai anh em quyết định thăm tháp Bánh Ít để thỏa mãn sự hiểu biết..

   Con đường đến tháp vào những ngày giáp tết là quang cảnh tấp nập người mua, kẻ bán những chậu mai xuân nổi tiếng khắp cả nước. Qua cầu, chúng tôi đi dưới chân đồi dọc theo bờ sông. Đầu tiên thấy cổng chính mới xây, rồi vòng phía sau, lội bộ trên con dốc cao lên đỉnh đồi hiện lên quần thể tháp.Chung quanh ngọn tháp chính có 3 ngọn tháp phụ nhỏ, bé hơn nhiều. Cũng như bao nhiêu ngọn tháp khác, qua bao nhiêu thế kỷ, chịu sự tác động của thời tiết, trải qua mưa nắng, sương gió giữa một không gian hoang vắng vẫn đứng đó cổ kính, rêu phong.Từ đỉnh đồi ta có thể nhìn khung cảnh bao quát  bốn hướng. Phía xa, thị xã An Nhơn, có dòng sông Côn uốn khúc, vòng qua Trường Thi vang bóng một thời của các sĩ tử, cụ đồ xưa, Chảy qua bến My Lăng đa tình của nhà thơ Yến Lang, cuối cùng đổ về vùng hạ lưu sông Gò Bồi  của thi nhân Xuân Diệu, nhà soạn tuồng Đào Tấn v. v.  Nhìn xung quanh,ta cũng thấy những cánh đồng lúa xanh mơn mỡn, những dãy phố, nhà cửa san sát cùng dòng xe tấp nập ngược xuôi. Nhất là từ khi có cây cầu vượt QL 19. Xa xa về phía tây là những dãy núi chập chùng Trường Sơn, Tây Sơn Thượng, Hạ đạo.

   Chúng tôi ngồi nghỉ chân bên bia di tích. Hình như các cửa đều thông theo hướng đông - tây. Chỉ riêng tháp chính có một tượng thần Silva bằng đá. Tượng này được chú thích do một nghệ nhân phục chế, còn tượng chính được trưng bày ở Bảo tàng Guimet ( Pháp ). Chúng tôi tiếp tục tham quan Tu viện Nguyên Thiều, một qui trình khắp kín trông không gian tĩnh mịch. Chùa, Tu viện được biết  là nơi xuất phát đầu tiên, nơi đào tạo các giáo sĩ Phật giáo cho miền trung, tây nguyên. Chúng tôi dừng lại để chiêm ngưỡng, cung kính Phật đài lộ thiên uy nghi, nhìn xuống làn nước xanh của dòng Tân An thơ mộng.

  Trời đã về chiều, tạm biệt tháp với miên man suy nghĩ, chạnh lòng về một triều đại Chăm đã đi vào quên lãng. Hai anh em chia tay nơi cầu Ba Di, mỗi người một hướng về nhà cho kịp đưa ông Táo.Tạm biệt tháp cổ với bao lưu luyến, ngoái lại nhìn ngọn tháp như cái bánh ít, chợt nhớ đến dặc sản quê hương và câu ca dao mà chưa hiểu hết ý nghĩa :

     " Muốn ăn bánh ít lá gai

       Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi "

Minh Triết