"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

 

Môn Và Bạc Hà

Trong các loại rau cải xanh tươi mà ta nhai nhai hằng ngày, hầu hết đều có lá nhỏ và rất yếu mềm. Sáng nay, tôi chợt nhớ ra một loại cây màu xanh mà ta cũng thường ăn khi còn ở quê nhà. Loại cây này có lá to lớn nhất trong tầm mắt tôi. Giòng họ cây này có hai loại giống nhau nhưng đặc tính hình như khác nhau về cách ăn.

  • Đó là cây Môn
  • Và cây Bạc Hà.

Tôi không là nhà nghiên cứu về sinh vật học, nên tôi chỉ mạo muội ghi lại vài ý tưởng theo sự nhận xét và hiểu biết của mình.

Cây Môn

"Mỗi một vùng miền thôn quê Việt Nam đều có những món ăn đặc trưng của từng vùng miền đó. Nhưng với món dưa môn thì không có gì xa lạ với bất cứ ai đã từng sinh ra và lớn lên nơi làng quê. Cây môn gần gũi, thân thương đậm tình quê và là nguồn thực phẩm lành tính, mang đặc trưng của vùng nông thôn…"

Tôi mãi nhớ, trong ngôi chợ Nguyễn Tri Phương, ở góc hàng gà gần cạnh đường Triệu Đà, cô bác mang rau cải rất xanh tươi từ miền quê lên đây bán. Tôi thường thấy có thau dưa môn màu vàng nâu sậm. nằm chen chúc cạnh bên các thúng rau xanh khác. Tôi biết ăn dưa môn từ khi còn là bé con. Mẹ tôi là con gái miệt vườn nên biết nhiều về những món ăn dân dã như dưa môn. Bà thường mua về cho chúng tôi nhâm nhi trên mâm cơm. Món mà tôi thích nhất là dưa môn chấm với nước thịt kho. Dưa môn hơi có vị cay nồng chút xíu nếu người muối dưa không khéo tay.

Từ ngày ra xứ người thì món dưa môn này coi như đã quá xa tầm tay với của tôi rồi. Dưa môn chỉ còn là món ăn "tưởng nhớ" mà thôi. Ký ức chưa quên mà vẫn còn ghi khắc hình ảnh món dưa môn bình dị ở miệt vườn. Cái nhớ cái thương góc trời quê Mẹ vẫn luôn âm ỉ trong tôi, để hôm nay tôi viết vài dòng chữ, nhắc nhớ bạn nào biết món dưa môn, rất ngon này.

Cây Bạc Hà

Bạc Hà còn có tên gọi khác là Dọc Mùng. Tên gọi Bạc Hà thì quá quen thuộc vì không ai mà không ăn canh chua Bạc Hà bao giờ. Tuy xa xứ, Bạc Hà vẫn theo chân người Việt tha hương lập nghiệp, và mọc rất khỏe trong sân vườn sau nhà. Nhà hàng Việt Nam lúc nào cũng có món canh chua. Trong tô canh chua không thể nào thiếu vắng mấy lát bạc hà nằm lềnh phềnh trên mặt, và bắt mắt người nào có cái bụng đang rọt rẹt cồn cào.

Bạc hà có màu xanh nhạt rất đẹp và trang nhã. Màu đỏ ửng của mấy khoanh ớt nằm kèn cựa chung quanh, làm tăng thêm màu hiền dịu của bạc hà. Thời gian trước, tôi rất thích ăn canh chua bạc hà và coi như là món ăn ngon miệng nhất trong nhiều món nấu chua. Dạo sau này, tôi đọc nhiều bài bàn tán về bạc hà nên tôi không dám nấu canh bạc hà nhiều nữa.

Bạc Hà và Môn có hình dáng rất giống nhau, lá xòe to rộng từa tựa lá sen với bề bảng bằng phẳng. Lá môn thì xanh đậm đặc hơn lá bạc hà. Cả hai lá môn và lá bạc hà đều có đặc tính là không thấm nước. Tất cả giọt mưa nào xui xẻo rơi rớt trên hai lá này đều không bao giờ được nằm yên để ỏng ẹo, long lanh một giây phút nào. Chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng đong đưa thì hạt nước tội nghiệp này bị ruồng rẫy ngay lập tức.

Bất cứ giọt mưa, giọt nước nào kiêu sa lấp lánh quyến rũ tới đâu, cũng đều bị bề bảng to lớn này đuổi xô không thương tiếc và tủi phận lăn lóc, rơi xuống đất.

Cũng từ đặc tính khác lạ này nên trong dân gian, chúng ta thường nghe "khẩu ngữ" - ví trường hợp những lời dạy bảo, khuyên can đều chỉ là hoài công, không có tác dụng gì.

  • Nước chảy lá môn
  • Nước đổ đầu vịt
  • Nước đổ lá khoai

Bẹ môn làm muối dưa
Ngọt ngọt và chua chua
Bên kia trời một nửa
Tôi bỏ lại quê xưa.

*

Canh chua với bạc hà
Ngò ôm nấu với cà
Có vài khoanh ớt đỏ
Hương nồng cay đậm đà.

*

Canh chua giá với thơm
Chan đầy ắp chén cơm
Chút mắm ngon thêm vị
Nấu cá hay với tôm.

*

Cho dù xa quê hương
Lòng tôi luôn nhớ thương
Món canh chua Mẹ nấu
Trước giờ vượt đại dương.

Bạch Liên