"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

 

"Biển Champa", Biển Đông, và Văn Minh Champa.

  20Ahvhbch1

Fig 1: Phù điêu tại ngôi đền Bayon (cuối TK 12) mô tả các thủy thủ người Chăm đang lâm trận tấn công vương quốc Khmer.

 

Nhân đọc về lịch sử người Chăm mà càng ngày chúng ta càng thấy rõ là một thành phần rất quan trọng trọng sự thành hình nước Việt Nam và dân tộc Việt bây giờ, tôi tình cờ gặp một từ ngữ làm tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ thấy: "Biển Champa". Từ ngữ xưa này dùng để chỉ vùng biển phía đông của chúng ta, diện tích khoảng 3.447.000 km², mà nay chúng ta muốn gọi là Biển Đông, các nước Đông Nam Á muốn gọi chung là "Biển Đông Nam Á" và Trung Quốc muốn dành riêng cho họ và gọi là ‘Nam Trung Quốc Hải”. Tên quốc tế là South China Sea (biển Nam Trung Quốc).

Đây chỉ là một số ghi chú (ghi chép và chú thích, không có tham vọng là công trình nghiên cứu), để chúng ta cùng tìm hiểu thêm về "bên ngoại" của chúng ta sau khi miền bắc, gốc văn hoá Đông Sơn ở đồng bằng sông Hồng của chúng ta, kết hợp với văn hoá Sa Huỳnh và Chăm từ Quảng Bình trở xuống miền nam. Dù sao, lúc người Việt xưa "Nam Tiến", hai dân tộc đã hoà trộn với nhau, một bên là di dân (hay kẻ chiếm đóng) một bên là dân bản địa. Miền nam của chữ S hiện nay cũng đã có một dân số đông đúc, nền văn minh hàng ngàn năm, và có chữ viết riêng và những người đi biển của họ đã ngang dọc ở Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và có thể đã đến tận một số vùng phía đông Thái Bình Dương hay cả Châu Mỹ.(1)

20Ahvhbch2

Fig 2: Bản đồ cổ chữ Hán, vẽ Việt Nam và Biển Đông, ghi tên biển này là Đông Dương Đại Hải (東洋大海).

Bản đồ được cho là in trong bản in của cuốn Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn soạn năm 1776 (Source : Wikipedia)

Xin trích dịch đoạn sau đây về Văn hoá Chăm từ một bài của Adam Bray, (National Geographic; June 18, 2014). (2)

“Trong nhiều thế kỷ, Biển Đông (Trung quốc gọi là Nam Hải) được các nhà hàng hải khắp châu Á gọi là Biển Champa, được đặt theo tên một đế chế vĩ đại kiểm soát toàn bộ miền trung Việt Nam hiện nay, từ biên giới phía bắc của tỉnh Quảng Bình ngày nay đến gần biên giới phía nam của tỉnh Bình Thuận.

Vào thời kỳ đỉnh cao của đế chế Champa, từ khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ 15, các vương quốc khác nhau, do các gia đình hoàng gia khu vực chủ trì, cũng bao gồm các phần khá lớn của miền đông Campuchia và Lào.

Những cổ vật lâu đời nhất của nền văn minh Chăm, sàn gạch, cột đá sa thạch và đồ gốm được tìm thấy tại Trà Kiều ở tỉnh Quảng Nam có niên đại từ thế kỷ thứ 2 A.D (Công Nguyên).

Một di sản đáng chú ý của Champa là những ngôi đền xây bằng gạch đỏ, hay tháp Chăm, các tháp lâu đời nhất được tìm thấy có nguồn gốc từ ​​thế kỷ thứ bảy và thứ tám. Thành phố đền thờ Mỹ Sơn, gần Hội An, được bảo tồn như một di sản thế giới của UNESCO, có gần 70 cấu trúc riêng lẻ.

Các nhà khảo cổ đã xác định được một số thành trì của người Chăm và khoảng 25 khu đền (mỗi nơi có số lượng tháp khác nhau) vẫn còn tồn tại dọc theo bờ biển của Việt Nam. Các cuộc thám hiểm gần đây cho thấy hàng trăm địa điểm bị hủy hoại có thể ở dọc theo các con sông dẫn vào Tây Nguyên và xa hơn về phía đông Campuchia và Lào.

Nguồn gốc xa xưa

Tổ tiên nói tiếng Malayo-Polynesian của người Chăm được cho là đã đến Việt Nam bằng đường biển từ Borneo. Hầu hết các học giả tin rằng người Chăm là hậu duệ của nền văn hoá Sa Huỳnh, người chiếm cùng một khu vực từ khoảng 1000 B.C. đến thế kỷ thứ hai A.D., là lúc văn hóa Chăm bắt đầu nở hoa.

Các di tích Sa Huỳnh đã được tìm thấy ở tận Đài Loan, Philippines và Malaysia, cho thấy người dân đi thuyền, buôn bán và định cư xung quanh vùng biển mà sau đó được gọi tên là Biển Champa.

Người Sa Huỳnh trang trí cho người chết của họ bằng mã não, carnelian và hạt thủy tinh từ Ấn Độ và Iran, cũng như các hạt chuỗi bằng vàng và thủy tinh quý hiếm từ Địa Trung Hải, tất cả có lẻ được buôn bán qua đường biển, và chôn các thi thể trong các bình đất sét lớn.

Hoa tai cho người chết mang lúc chôn cất được trang trí công phu, trong đó có một kiểu hoa tai gồm một thanh treo với đầu động vật có sừng ở hai đầu. Hoa tai thường được làm bằng thủy tinh, đá quý hoặc ngọc bích từ Đài Loan.

Các cuộc khai quật gần đây đã phát hiện ra bằng chứng về các khu chôn cất Sa Huỳnh (và các di tích của người Chăm) không chỉ trên đất liền Việt Nam và các đảo ngoài khơi như Phú Quý, mà còn trên các đảo Namyit và Trường Sa, là trung tâm điểm của khu vực tranh chấp ngày nay.

Phạm vi của Champa

Người Chăm có một mạng lưới thương mại rộng lớn, với các tuyến đường kéo dài về phía đông bắc đến Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản và phía nam đến Malaysia và Indonesia.

Sự giàu có của họ- vàng và bạc, đá quý, gia vị, trầm hương thơm, động vật từ các vùng xa và nô lệ-đã nổi tiếng trên khắp Ấn Độ, Trung Đông và thậm chí là những nơi xa nhất của Bắc Phi.

Trong thời kỳ hoàng kim của Champa, một nhà địa lý Hồi giáo đã viết rằng các đảo "sản xuất ngà voi, long não, nhục đậu khấu (nutmeg), mace (3) , đinh hương (cloves), trầm hương, thảo quả (cardamom)(4), cubeb (5) và các chất khác."

Một số tàu đắm ​​là bằng chứng thương mại giữa Champa và Philippines thông qua quần đảo Trường Sa. Một con tàu, "xác tàu đắm Pandanan" (6), được tìm thấy ngoài khơi đảo Palawan của Philippines được cho là đã rời khỏi bờ biển Champa vào khoảng giữa năm 1450 và 1470, mang theo đồ gốm tráng men màu xanh lá cây được sản xuất tại vương quốc Chăm Vijaya.

Năm 1997, các nhà chức trách Philippines đã trục vớt một con tàu xưa hàng thế kỷ ngoài khơi đảo Thitu ở Trường Sa có khoảng một nghìn điêu khắc đá granite dường như đã được lấy từ các địa điểm Champa không được xác định.

Nhiều hòn đảo có thể ở được về phía tây của biển Champa cổ đại đã có những cộng đồng người Chăm sinh sống. Di tích đền Chăm, đồ gốm, trang sức và gạch đã được tìm thấy trên Phú Quý chẳng hạn. Người dân trong khu vực ngày nay, mặc dù được coi là người dân tộc Việt Nam, nói một phương ngữ không giống với người trong đất liền, và nghề thủ công và văn hóa của họ giống với người Chăm hơn là người Việt.

Xa hơn về phía bắc, các đảo Lý Sơn và Chàm cũng là những cộng đồng vệ tinh lớn của người Chăm.

Hỗn hợp tôn giáo:

Người Chăm đã tiếp nhận Ấn Độ giáo sớm, có lẽ cải đạo theo các thương nhân Ấn Độ, và pha trộn Ấn độ giáo với tín ngưỡng truyền thống của họ. Người Chăm theo Ấn độ giáo được gọi là Balamon (Bà La Môn).

Trước khi thiên niên kỷ thứ nhất chấm dứt, các thương nhân Hồi giáo đã giới thiệu Hồi giáo, và người Hồi giáo Chăm được gọi là Bani.

Ngay từ năm 986, các ghi chép của Trung Quốc đã đề cập đến các cộng đồng trên đảo Hải Nam được tạo thành từ những người Hồi giáo Chăm, có con cháu ngày nay là Utsuls.(7)

Ngoài các tập tục Hồi giáo và Ấn giáo tương ứng, Balamon và Bani đều thờ cúng tổ tiên, các vị vua và các vị thần Chăm. Người Bani, và một số người Bà La Môn, thực hành làm lễ Ramawan, một biến thể của lễ Ramadan.

20Ahvhbch3

Fig 3: Người Chăm thuộc nhóm Ngữ tộc Mã Lai-Đa Đảo (hay ngữ tộc Malay-Polynesia, hay ngữ tộc Mã Lai-Polynesia) là một phân nhóm của ngữ hệ Nam Đảo (Austronesian). Bản đồ mô tả các hoạt động hàng hải của dân Nam đảo trên biển Ấn Độ Dương trong thời tiền sử và sau đó (lúc Việt Nam còn là "An Nam" ở phía bắc và Chăm (Champa) ở phía nam.(Nguồn Wikipedia)

Proto-historic and historic maritime trade network of the Austronesian peoples in the Indian Ocean per "Austronesian Shipping in the Indian Ocean: From Outrigger Boats to Trading Ships" in (2016) Early Exchange between Africa and the Wider Indian Ocean World, Palgrave Macmillan, pp. 51-76 ISBN: 9783319338224. (Source: Wikipedia)

Chú thích:

1.Tuy điểm này, về sự tiếp xúc giữa miền đông Á Châu (Nhật, Chàm, Trung hoa) và Châu Mỹ (nhất là Mesoamerica) trước thời Christopher Columbus (1493), còn nhiều nghi vấn (Pre-Columbian trans-oceanic contact theories). Có thuyết cho rằng người Chăm tung hoành trên Thái Bình Dương, đến tận châu Mỹ, và có những liên hệ giữa kiến trúc Mỹ Sơn của Chăm vơi kiến trúc người Da Đỏ ở Châu Mỹ trước Christopher Columbus.

20Ahvhbch4

 

 

Fig 4: Tàn tích còn lại của tháp bằng đá tại Mỹ Sơn.

 

Tại Thánh địa Mỹ Sơn có một đền xây dựng bằng đá, nó cũng là đền đá duy nhất của các di tích Chăm. Văn bia tại Mỹ Sơn cho biết, đền này được trùng tu lần cuối cùng bằng đá vào năm 1234. Nhưng rất tiếc là xây dựng chưa hoàn thành. Khi người Pháp khám phá Mỹ Sơn nó có nền như ngày nay, phía trên là đống gạch khổng lồ mà họ phải dọn dẹp 2 tháng mới xong (theo Vòng tròn Mỹ Sơn (Les Monuments du Cirque de Mi-Son), tác giả Parmentier, 1904) Ngày nay, ngôi đền này đã bị sập (có lẽ do bom trong chiến tranh) nhưng hệ móng của nó cho thấy nó cao trên 30m và đây là ngôi đền cao nhất của Thánh địa này. Các tài liệu thu thập được xung quanh khu đền này cho thấy nhiều khả năng đây là vị trí của ngôi đền đầu tiên vào thế kỷ IV. (Source Wikipedia)

 

Có một cuốn sách khá "giật gân" về Đế Quốc Chăm của David Childress là tác giả không phải là sử gia "chính thống" (“rogue historian”) chuyên viết về những nền văn minh bí ẩn nay bị xoá dấu như Atlantis,về dĩa bay, du hành trong thời gian. Cuốn sách "The Lost World of Cham: The TransPacific Voyages of the Champa" (2017") (Thế giới đã mất của người Chăm: Các cuộc du hành vượt Thái Bình Dương của người Chăm). Theo Childress,  “Những người Chăm bí ẩn, hay Champa, những dân tộc ở Đông Nam Á đã hình thành nên một đế chế chuyên xây dựng các công trình lớn bằng đá (megalith building), chuyên đi biển, trải dài đến Indonesia, Fiji, Tonga, Micronesia và xa hơn, là một cường quốc xuyên đại dương lan tận đến Mexico, Tây Nam Mỹ và Nam Mỹ. Champa duy trì nhiều cảng ở Việt Nam, Campuchia và Indonesia ngày nay (đặc biệt là trên các đảo Sulawesi, Sumatra và Java), và các tàu của họ đi theo Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đưa các thương nhân Trung Quốc, châu Phi và Ấn Độ đến vùng đất xa xôi , bao gồm các cảng Olmec* trên bờ biển Thái Bình Dương của Trung Mỹ. Những bức tượng ở Việt Nam của Champa cho thấy đàn ông và phụ nữ có ngoại hình khác biệt và hoàng gia Champa được biết đến bao gồm gần như mọi nhóm chủng tộc. Họ có các công cụ bằng sắt và xây dựng các thành phố cự thạch bằng đá bazan và đá granit được cắt tinh xảo, như thành phố Mỹ Sơn ở miền trung Việt Nam. Cấu trúc của nó giống hệt như tại Tiwanaku ở Nam Mỹ.”

 

(*Chú thích của HVH: điểm này có thể không chính xác về lịch sử, có thể văn minh người Chàm chưa thành hình vào giai đoạn văn minh Olmec. Mesoamerica là một khu vực trong lịch sử gồm các nền văn minh đa dạng có chung đặc điểm văn hóa trong các khu vực địa lý bao gồm các quốc gia hiện đại của phần bắc châu Mỹ: Mexico, Guatemala, Honduras, Belize, El Salvador, Nicaragua và Costa Rica. Người Olmec là nền văn minh lớn được biết đến sớm nhất ở Mesoamerica (khoảng 1500-400 trước CN.  Họ sống ở vùng đất thấp nhiệt đới ở miền trung nam Mexico, ở các bang Veracruz và Tabasco ngày nay. Người ta đã suy đoán rằng người Olmec có nguồn gốc một phần từ người những người nói tiếng Mokaya ("người bắp"/corn people) hoặc Mixe- Zoque. Các di tích Olmec nổi tiếng nhất là những đầu người bằng đá basalt, có đội mũ, cao từ 1,4-3,4 mét.)

 

 

 

 

https://www.amazon.com/Lost-World-Cham-TransPacific-Voyages/dp/193914972X/ref=sr_1_2?dchild=1&keywords=champa&qid=1584193363&s=books&sr=1-2

 

2. Bray, Adam (June 18, 2014). "The Cham: Descendants of Ancient Rulers of South China Sea Watch Maritime Dispute From Sidelines - The ancestors of Vietnam's Cham people built one of the great empires of Southeast Asia". National Geographic.

3. mace là gia vị làm từ vỏ thơm của hạt nutmeg

4.Bạch đậu khấu (cardamom)là một loại gia vị được làm từ hạt của một số cây trong chi Elettaria và Amomum trong họ Zingiberaceae. Cả hai chi đều có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ và Indonesia. Vỏ hạt nhỏ (seed pod) hình tam giác trong mặt cắt ngang và hình trục chính, với vỏ ngoài mỏng như giấy và hạt nhỏ, màu đen; Vỏ quả Elettaria có màu xanh nhạt và nhỏ hơn, trong khi vỏ quả Amomum lớn hơn và màu nâu sẫm.

20Ahvhbch55. Cubeb: Tiêu thất hay hồ tiêu thuốc, trầu thuốc (danh pháp hai phần: Piper cubeba) là cây thuộc chi Hồ tiêu, được trồng để lấy quả và lấy tinh dầu. Loài cây này được trồng phổ biến ở Indonesia. Ngoài ra còn được trồng ở Ấn Độ, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia. Tại Việt Nam, cây tiêu thất có ở Lâm Đồng, Đồng Nai (Wikipedia)

6, Xác tàu đắm Pandanan (Pandanan shipwreck) là một địa điểm khảo cổ được khai quật vào năm 1995 bởi Phòng Khảo cổ học dưới nước của Bảo tàng Quốc gia Philippines tại Đảo Pandanan, ở bờ biển Nam Palawan. Con tàu được cho là tàu chở hàng Đông Nam Á đi từ Việt Nam hoặc Nam Trung Quốc và là một trong những tàu buôn bán tiền Tây Ban Nha được giữ lại trong tình trạng tốt nhất trong phạm vi quyền tài phán của Philippines. Người ta suy đoán rằng con tàu dừng lại ở một số cảng ở Đông Nam Á để tải hàng hóa thương mại. Thời tiết xấu có thể đã dẫn đến vụ chìm tàu. (English ikipedia)
Kích thước thuyền của thuyền dài khoảng 25 đến 30 mét và rộng khoảng sáu đến tám mét. Nó có đáy phẳng phù hợp với nước sông. Vụ đắm tàu Pandanan được coi là một địa điểm hiếm hoi có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ 15 bởi vì, theo Sakuma (1989), triều đình Trung Quốc đã ra lệnh cấm hoàn toàn mọi giao dịch tư nhân trong thời gian này.

7. Người Utsul ( 辉人; pinyin: Huíhuī rén) là một dân tộc nhỏ bé (6000 người) sống ở đảo Hải Nam, Trung Quốc, ở miền nam của đảo Hải Nam, nơi gần thành phố Tam Á (Sanya), và được Cộng hòa nhân dân Trung Hoa liệt vào nhóm dân tộc Hồi. Theo truyền thuyết của người Utsul, tổ tiên của họ là những người Hồi giáo từ Trung Á di chuyển ra về hướng nam tới vị trí ngày nay. Tuy nhiên, theo những nghiên cứu mới nhất thì họ cùng nhóm với người Chăm, người Aceh ở Đông Nam Á. Có thể họ chính là những hậu duệ của những người Chăm gốc miền trung Việt Nam đã di cư sang đây từ nhiều thế kỉ trước. Sau khi vương quốc Chăm Pa bị sáp nhập vào Đại Việt thì nhiều người Chăm đã di cư đến các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, Malaisia... và có thể một nhóm nhỏ người Chăm đã di cư theo hướng bắc đến Hải Nam. Nhưng làm thế nào mà họ đến đây và thu nhận tên Utsul thì không rõ. 

 

Mặc dù họ có khác biệt về văn hóa so với những người xung quanh, nhưng chính phủ Trung Quốc vẫn coi họ là thành viên của nhóm dân tộc Hồi. Tuy nhiên, theo các báo cáo của Hans Stübel - nhà dân tộc học Đức - người đã "phát hiện" ra họ năm 1930, thì ngôn ngữ của họ là hoàn toàn không liên quan đến bất kỳ ngôn ngữ được nói ở Trung Hoa Đại lục. Họ nói tiếng thuộc loại ngôn ngữ Tsat, một trong số ít các ngôn ngữ Mã Lai - Đa đảo. Họ không chia sẻ gì hơn ngoại trừ cùng tôn giáo với những người dân tộc Hồi khác. (Wikipedia Tieng Viet).

Theo English Wikipedia, sau khi người Việt hoàn thành cuộc chinh phạt Chăm năm 1471, cướp phá Vijaya, thủ đô cuối cùng của vương quốc Chăm, một hoàng tử Chăm và khoảng 1.000 tín đồ đã chuyển đến Hải Nam, nơi triều đại nhà Minh cho phép họ thiết lập vương quốc lưu vong. Một số tài liệu Trung Quốc ghi lại người Chăm đến Hải Nam thậm chí sớm hơn, từ năm 986, ngay sau khi người Việt chiếm được thủ đô Indrapura của người Chăm trước đó vào năm 982, trong khi những người tị nạn Chăm khác định cư tại Quảng Châu. Dân số Utsul giảm đáng kể trong Thế Chiến thứ 2 ; người Nhật tàn sát hơn 4.000 người Utsul trong các cuộc tàn sát dân tộc thiểu số ở phía tây Hải Nam và Tam Á khi quân đội Trung Quốc đang ẩn náu trong số họ chống lại quân Nhật xâm lược.

Hồ Văn Hiền

Ngày 14 tháng 3 năm 2020

Mùa dịch Covid-19