"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

            

Tháng 3, Tản-Mạn Về Thị-Xã Phước-Long

   Sau khi dự đám cưới con  người anh họ ở Thủ Đức, tôi theo con trai về thành phố Đồng Xoài sáng sớm hôm sau. Trong lúc chờ xe về Pleiku vào buổi tối, tôi mượn xe, một mình rong ruổi đến Phước Long mà từ lâu tôi chưa có dịp.

  Tỉnh lộ 741, từ Đồng Xoài đến Phước Long khoảng 50 km, thời kỳ chiến tranh được biết có những trận đánh ác liệt, mỗi khi qua ai cũng lo sợ đến tính mạng của mình. Bây gờ là con đường đẹp, yên bình, đang trên đà phát triển. Tỉnh lộ qua các thị trấn nho nhỏ,  mới hồi phục nên nhà cửa, dân cư còn thưa thớt, những cái tên nghe xa lạ mà cũng rất quen. Nay, lần đầu tiên đi trên con đường, phần lớn hai bên đường là những cánh rừng điều, cao su, cà phê, tiêu bạt ngàn, xanh ngát. Thỉnh thoảng có những nhà máy chế biến, trạm thu mua nông lâm sản. Mùa này đang mùa thu hoặch nên những nơi này tấp nập người mua, kẻ bán. Tháng 3  miền đông nam bộ là  " mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước, em lên rừng phát rẫy, làm nương ... ". Tháng 3 có cái nắng vàng óng ả và những cơn mưa rào bất chợt. Miên man dòng suy nghĩ, nhìn cảnh quan mới lạ mà qua khỏi thị xã lúc nào không hay.

    Thị xã Phước Long, nằm giữa một vùng núi đồi thấp, đất đỏ bazan, dưới chân núi Bà Rá. Noi đây khi xưa có địa hình hiểm trở, rừng thiêng nước độc, cây cối mọc um tùm. Ban đầu người dân tộc thiểu số Stiêng sinh sống. Sau khi qua dãy phố dân cư đông đúc, chợ, bến xe , tôi dừng chân nghỉ ở sân bay Phước Bình ( cũ ) trước khi vào tỉnh lỵ  Đây là sân bay dã chiến hay thường gọi sân bay Đất, nơi phi công Nguyễn Thành Trung đáp xuống sau khi ném bom dinh Độc Lập ngày 8 / 4/ 1975. ( nguồn Google ).Hiện giờ là một khu đất mênh mông với những con đường ngang dọc như bàn cờ, hình như đang có dự án thành trung tâm của thị xã. Phía trước sân bay là núi Bà Rá, bên kia đường là TTHC và những công trình lớn đang xây dựng. Tiếp tục, tôi theo con đường với hai hàng cây xanh rợp bóng mát, khá thơ mộng để vào khu du lịch sinh thái Bà Rá - Thác Mơ. Rất tiếc là ngày đầu tuần nên du khách chẳng có ai, vào bãi cáp treo vắng vẻ, chỉ có vài nhân viên trực. Cuối cùng tôi  theo con đường mòn quanh co lên núi. Con đường độc đạo, còn nguyên vẻ hoang sơ, kỳ vĩ , rậm rạp với những cánh rừng lồ ô, trúc, cây cổ thụ vài trăm năm tuổi. Sau khi gửi xe ở đồi Bằng lăng,  lội bộ qua vài trăm bậc tam cấp để đến đỉnh núi.  Đến đỉnh núi, ta sẽ chiêm ngưỡng một thế  giới tâm linh nổi tiếng. Đó là Miếu Thần Bà Rá. Tương truyền, bà là chị em với Bà Đen ở Tây Ninh. Từ trên đỉnh núi , ta có thể thấy một vùng bình nguyên bao la, hồ Thủy điện Thác Mơ. Phía xa xa là con sông Bé uốn khúc, một thị xã Phước Long ẩn hiện mờ ảo qua tầng mây như bức tranh sơn thủy hữu tình.

   Tôi xuống núi vì cảm thấy mệt, lo sợ bỡi cảnh quan vắng vẻ. Trên đường về, nhân tiện ghé thăm nhà thờ Mẹ Vô Nhiễm Thác Mơ. Đây cũng là trung tâm Hành hương linh thiêng của người Công giáo .Phía dưới có đường đốc đẫn đến cầu Thác Mơ. Cây  cầu là ranh giới thị xã Phước Long và  Dak Ơ nổi tiếng điều và hồ tiêu ngon nhất của huyện Bù Gia Mập và cả nước. Tôi đứng nghỉ chân trên cầu,  nhìn con suối khô cạn, trơ những hòn đá,  hoài niệm về một thời xa vắng. Tôi cũng không quên dạo một vòng các đường phố cũ của thị xã . Ấn tượng nhất là Hồ Long Thủy, chụp vài hình lưu niệm. Lòng chẳng biết vui hay buồn, nhưng có lẽ tôi được trải nghiệm, khám phá thêm một nơi tôi cần đến. 

 Phước Long ơi ! Hẹn gặp lại.

Minh-Triết