"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

SXH 002

Quý vị tưởng Sao Khuê đổi để tài, viết chuyện trinh thám với thám tử SXH 002? Không phải đâu. SXH 002 là biệt hiệu con trai út của Sao Khuê đó. Tên này do cậu họ cháu, tức em họ Sao Khuê, bác sĩ Cường đặt cho cháu đấy. Nay nhân mùa dịch cúm và ngày lễ Mẹ, Sao Khuê kể cho quý vị nghe chuyện mùa dịch năm xưa.

Tại Saigon năm 1984, vào mùa mưa trẻ con bị sốt xuất huyết chết nhiều nhất từ trước đến giờ, tạo thành cơn dịch làm đau lòng đứt ruột bao nhiêu người làm cha mẹ.Thủ phạm gây sốt xuất huyết là vi khuẩn virus Dengue. Virus Dengue không thể lây trực tiếp từ người sang người. Nó được truyền từ người sang người qua vết đốt của muỗi cái Aedes aegypti. Quý vị có biết là chỉ muỗi cái mới chích người không? Theo sự tích, muỗi cái phải chích người ta để lấy cho đủ ba giọt máu thì được trở lại làm người nhưng muôn đời nó không thể nào có ba giọt máu. Muỗi đực cam phận chỉ hút nhựa cây cỏ mà sinh tồn. Bạn túm cổ được con muỗi, con nào râu ria xồm xoàm là muỗi cái đấy. Ngày còn đi học, Sao Khuê thường nhìn con muỗi sốt rét Anophèle qua kính hiển vi mà, đầu nó mang hai hàng râu sum suê như cọng lá dừa.

MuoiSotXuatHuyet

Muỗi gây sốt xuất huyết đốt người nhiều nhất lúc sáng sớm và chiều tối. Ba đứa nhỏ nhà Sao Khuê ngủ trên gác, sàn gỗ, hèn chi nhiều giống muỗi Aedes. Mặc cho Sao Khuê hàng đêm thức giấc soi muỗi hai, ba lần với cây đèn dầu hôi mà kết quả con vẫn mắc bệnh vì bị muỗi vằn chích. Muỗi Aedes aegypti, hay còn gọi là muỗi vằn do có vằn trắng trên cơ thể, sống trong nhà, gần khu vực có nhiều người. Muỗi thường trú đậu nơi có ánh sáng mờ hay chỗ tối trong nhà. Chúng ít khi đậu trên tường. Chúng thường núp ở mặt dưới của đồ gỗ; quần áo treo, rèm treo trong phòng ngủ, nhà vệ sinh, phòng tắm và bếp, tủ, hốc, gậm giường, để tránh gió, mưa và các loài ăn thịt khác, giúp chúng sống lâu hơn và truyền bệnh cũng nhiều hơn. Muỗi gây bệnh sốt xuất huyết đẻ trứng vào những dụng cụ chứa nước trong nhà và khu vực quanh nhà có nước đọng như chai lọ, thùng bỏ không, rác thải, vỏ xe hỏng đọng nước... Trứng nở khi tiếp xúc với nước nên mùa mưa chúng sinh sôi nấy nở rất nhiều nhưng trứng muỗi cũng có thể chịu được điều kiện rất khô và sống trong suốt nhiều tháng mùa khô. Trong suốt vòng đời, muỗi cái đẻ tới 5 lần, mỗi lần hàng chục trứng…

…Sau khi Việt Cộng vào, nhà thuốc tây bị đóng cửa, Sao Khuê chuyển sang nghề dạy học. Từ trường Văn Lang, chuyển về trường Võ trường Toản và sau cùng là trường Bùi thị Xuân. Hiệu trưởng Bùi thị Xuân là đảng viên mặt sắt đen sì, “bôn xê vít” nặng nên theo sát chỉ thị của “trên” để đì giáo viên. Sao Khuê thuộc loại cứng đầu, bất mãn ra mặt nên dù đi thuỷ lợi cũng lấy cớ con nhỏ, đứng ngó chứ không làm, vì thấy vô lý, vô ích quá. Khi trường bắt đầu giảm biên chế (giảm người) thì hắn đổi Sao Khuê về bên Thanh Đa. Thực ra nhà Sao Khuê ở khu Nguyễn bỉnh Khiêm, đầu xa lộ thì sang Thanh Đa gần hơn, nhưng lấy cớ bị đổi Sao Khuê xin nghỉ luôn. Nhà có một công nhân viên chức là ông xã Sao Khuê tạm đủ rồi, Sao Khuê ra ngoài, tính chuyện vượt biên cho dễ. ...Dù là dược sĩ Sao Khuê không thành công khi chạy thuốc Tây nên Sao Khuê về phụ mẹ bán cà phê trên lề đường. Ấy thế mà từ khi Sao Khuê làm sữa đậu nành bán ké thì quán cà phê của bà Giáo rất đông khách. Sáng đó, khoảng 10 giờ sáng thì ông hàng xóm chở con trai lớn của Sao Khuê đến quán (cháu đi theo để chỉ đường):

- Cô ơi, cô về gấp, chở thằng Út nhà cô đị bệnh viện. Nó muốn xỉu rồi đó.

Hồn vía lên mây, Sao Khuê quăng hết, đạp vội về nhà. Cu Út mặt đỏ, nóng như lửa, lừ đừ. Bắt con ngồi sau xe và ôm chặt mẹ, Sao Khuê đạp lấy đạp để mang con đến nhà thương Grall, bấy giờ là bệnh viện nhi đồng 2. Mùa mưa, số trẻ mắc bệnh gia tăng khiến tại hai bênh viện nhi đồng, trẻ và cha mẹ năm la liệt từ trong phòng ra ngoài hành lang. Bệnh viện Grall của Pháp, sau khi Việt Cộng vào được chuyển thành bệnh viện Nhi đồng 2, tuy sạch, thoáng nhưng cũng đông nghẹt…

Sao Khuê chờ đến chiều mới có bác sĩ vào khám. Ông lạnh như tiền, lăn thằng nhỏ như lăn khúc cây, hết sấp lại ngửa, hết kéo quần lại vạch áo, ấn tay vào mu bàn tay, dí mắt vạch tai, soi miệng…Sau cùng ông cho Út vào phòng nằm và cho chút thuốc giảm sốt. Eo ôi! bà con cho biết là đứa trẻ nằm giường này vừa chết trưa nay. Sao Khuê chưa kịp tỉnh hồn thì nghe xôn xao:

- Ui trời! thằng nhỏ xỉu rồi!

Bác sĩ chạy vào nhưng không kịp nữa rồi. Sao nó chết dễ dàng thế nhỉ. Hồi trưa, lúc mang con vào Sao Khuê còn thấy nó, khoảng 10 tuổi, béo tròn, trắng bóc, người Tầu, đi dạo ngoài sân cùng hai người chị, vậy mà bây giờ, chưa chữa trị gì nó đã ra đi, mặc cho người nhà vật vã khóc lóc kêu gào. Trời ơi là Trời!

Quý vị ngạc nhiên là đứa trẻ vào đến nhà thương mà sao không trị để cho cháu bé bị chết?

Bệnh sốt xuất huyết không có thuốc trị và người ta chỉ hỗ trợ sau khi xác nhận bệnh đích thực là sốt xuất huyết và khi tình trạng trở nên xấu bằng cách truyền dịch, nước biển hay plasma.

ManDoSotXuatHuyet

Với triệu chứng sốt cao dễ nhầm với các bệnh khác, khi khám bệnh, bác sĩ tìm những mẩn đỏ trong người. Sốt xuất huyết lại giống như ban đỏ (lên sởi). Đó là cái khó khăn cho bác sĩ để quyết định đúng bệnh mà trị liệu. Đôi khi phải chờ có triệu chứng xuất huyết mới truyền nước biển và truyền dịch là cách duy nhất để điều trị sốt xuất huyết.

Cu Út bắt đầu đau bụng. Trong nước ói ra và phân có mầu đen. Các mẩn đỏ xuất hiện trên người.Vậy đích thực là sốt xuất huyết rồi. Cháu bắt đầu mê sảng. Bác sĩ cho truyền nước biển. Chỉ vài phút sau cháu lên cơn co giựt. Sao Khuê có người em trai mất vì phong đòn gánh lúc 4 tuổi; những giờ cuối cùng em rất đau đớn, người cứ cong lại như cái đòn gánh, thương đứt từng khúc ruột. Cu Út không cong mà chỉ co giựt, chắc không phải phong đòn gánh. Bác sĩ chạy vào, ông cho ngừng nước biển, sau đó cho truyền plasma (huyết tương). Huyết tương là chất lỏng, chiếm 55% - 65% dung tích của máu, là chất có được sau khi lấy hồng huyết cầu, bạch huyết cầu và các tiểu cầu ra khỏi máu.

Trong huyết tương có chứa muối và những diếu tố (enzyme) cùng những kháng thể. Huyết tương được truyền vào trong người để giúp việc điều trị phỏng nặng, bị shock…

Tưởng vậy là yên, ai dè chưa được nửa bình Út lại giựt đùng đùng. Bác sĩ lắc đầu, tuyên bố, không hy vọng, mạng sống như chỉ mành treo chuông: 1/1000. Cần truyền dịch mà Út lại dị ứng cả hai, đâu còn cái gì mà điều trị. Lạ một điều bác sĩ nói gì thì nói, Sao Khuê tuy lên ruột nhưng không buồn. Ừ! hay là huyết tương xã hội chủ nghĩa dổm vì huyết tương được chế từ phòng thí nghiệm Liên Sô?

Cô em dâu, dân Bắc 75 vội chạy đi nhờ chỗ quen tìm huyết tương của quân đội trong tổng tham mưu, may ra còn thứ tốt. Hai cô bạn thân của Sao Khuê cũng ra chợ Trời tìm mua huyết tương từ ngoại quốc gửi về.

Sao Khuê bắt đầu niệm Phật. Hồi nào đến giờ, Sao Khuê chỉ thuộc mỗi bản kinh “Bạch y thần chú” thỉnh được từ trên chùa khi Sao Khuê theo bà ngoại đi chùa. Sao Khuê đọc kinh liên tục và khấn Phật Quán Thế Âm xin cho Út khỏi bệnh thì Sao Khuê sẽ ăn chay một tuần. Khi Út bị shock, Sao Khuê vội khấn Phật, xin ăn chay gấp đôi là 15 ngày. Bây giờ Út mê man. Hai bên cạnh giường Út là mẹ và cậu Cường, bác sĩ mới ra trường 1975. Sau khi đi tù về, Cường khám tư trong Chợ Lớn với người bạn. Cậu bỏ cả phòng mạch và bệnh nhân, túc trực bên cháu. Tối cậu còn được về ngủ, còn mẹ thì ngày đêm, quên cả ăn, không ngủ, ban đêm chỉ chợp mắt ít phút rồi lại giật mình tỉnh dậy vì sợ con chết khi mình ngủ quên. Trên người Út bao nhiêu là dây nhợ mà mỗi lần tỉnh dậy là Út quơ và giựt hết dây ra nên cần người giữ hai tay lại. Cháu rất gầy ốm, lấy ven rất khó.

Ông bà ngoại, các dì, cô và bạn mẹ vào thăm. Từ 1974 Sao Khuê đã mua được một căn nhà nhỏ trên đường Tự Đức, mà ra khỏi hẻm16 căn phố là nhà chú thím chồng, xích xuống cuối đường, đối diện “Nguyễn Chí dược cuộc” là nhà cô chú ruột Sao Khuê, vòng qua hẻm bên Nguyễn bỉnh Khiêm là nhà cô ruột, mẹ bác sĩ LMC và Thu Tâm, em họ, bạn học với Sao Khuê từ nhỏ đến lớn, cũng là dược sĩ. Sao Khuê phải dông dài vì quý vị sẽ ngạc nhiên vì sao con Sao Khuê nằm bệnh viện mà lắm người thăm thế, do họ hàng ở gần nhau. Từ khi bác sĩ tuyên bố sự sống của Út chỉ còn 1/1000 thì mọi người ở gần vào thăm, anh rể họ cho mượn xe honda. Xe của Sao Khuê thì ông xã làm mất ngay tháng tư 1975, công xa thì trả cho sở, hai vợ chồng cọc cạch hai xe đạp. Bà thím chồng vào thăm và tất cả các cô chú con thím cũng vào. Nhà thím có ba bác sĩ, một dược sĩ thành ra quanh Út toàn là bác sĩ và dược sĩ.

Các cô y tá nhận ra thím. Thím là thầy dạy các cô. Từ đó Út được hưởng quy chế đặc biệt. Hai anh họ của Sao Khuê mắc mùng ngủ dưới chân cầu thang, xe honda để ngay bên để hễ Út trở bệnh thì đi mời bác sĩ ngay. Ông bác sĩ khó chịu này, theo các cô y tá là bác sĩ giỏi nhất khoa nhi. Ông rất được trọng vọng và họ đặc cách cho ông không phải trực gác ban đêm nhưng do tình đồng nghiệp với các em họ Sao Khuê, ông ân cần dặn:

- Bất cứ lúc nào, ngày hay đêm, hễ cháu trở bệnh thì cho người đến tìm ngay.

Cô em dâu tìm được huyết tương xịn mang về.Mọi người thở phào. Đến nửa đêm, được nửa bình thì Út lại giựt. Sao Khuê la làng. Ông anh họ ngủ ngoài hành lang vội phóng xe đi tìm bác sĩ.

Sao Khuê vội cầu Quan Thế Âm và hứa ăn chay 30 ngày, tăng gấp đôi rồi đó. Mô Phật.

Ông bác sĩ lắc đầu chán nản. Ông chích mũi thuốc chống dị ứng. Út đau bụng và trong ống thoát phân vẫn thấy mầu đen do bao từ vẫn chảy máu.

Đột nhiên Sao Khuê nhớ ra trong thùng thuốc từ Canada gửi về có hộp thuốc chích Solucortef. Thuốc này Sao Khuê đã chích vài ống sau khi sanh con trai lớn, cháu thứ hai. Sau khi sanh đại tiểu thơ thì nàng khóc dạ đề, cứ 5 giờ chiều là mở máy, khóc quằn quại, khóc rất to như ra dô mở hết cỡ nghe rõ từ trong xóm đến đầu đường. Tiểu thư khóc đúng ba tháng mười ngày đủ để ruột gan mẹ đứt đoạn thì ngưng. Bà nội Sao Khuê rất sót cho Sao Khuê mà không làm gì được. Đến đại công tử, cậu rất rất ngoan, ngủ một mình trong giường nhỏ. Chị người làm rất thương cậu, chui tọt vào gầm giường ngủ, hễ em ọ ẹ là đút ngay ngón tay cái của em vào miệng khiến lên đại học công tử còn bú tay! Sau một tháng công tử bỏ bú đêm và đái đêm nhưng mẹ công tử bị dị ứng hành. Dù rất ăn kiêng theo đúng quy chế bà đẻ, vậy mà không hiểu tại sao cứ đúng 5 giờ chiều, lại 5 giờ chiều, là cả người Sao Khuê ngứa. Mề đay nổi từng dề, ngứa kinh hoàng mà uống thuốc không hết, ngủ không được đến sáng thì mề đay lặn. Sau vài tháng, Sao Khuê đến một bác sĩ khác, vị này chích cho hai, ba mũi Solucortef là hết bệnh luôn. Solucortef là một corticosteroide trị dị ứng rất công hiệu và có nhiều ứng dụng khác nữa…

Sao Khuê bèn hỏi bác sĩ:

- Hiện tôi còn một hộp solucortef mới gửi về, bác sĩ nghĩ sao.

Mặt bác sĩ sáng hẳn lên:

- Tốt quá!

Kể cũng lạ, Sao Khuê bán hết thùng thuốc do chị dâu chồng gửi về hàng tháng, chả hiểu sao lại giữ lại hộp này vì thấy lạ. Bà chị chả biết gì về thuốc mà bà dược sĩ bán thuốc khi sửa soạn thùng thuốc gửi về chỉ căn cứ vào thị trường Việt Nam, thuốc nào lời thì bán. Số Trời và may là sao Khuê biết thuốc.

Với solucortef truyền vào cùng plasma, cơ thể cu Út êm rơ. Coi nè, nước vào, hắn mập tròn quay, trắng bóc ra, trông đẹp trai dễ sợ. Ngày nay, hắn cao và đẹp như… Ả Rập nhờ bộ râu quai nón. Vài ngày không cạo râu mà qua Mỹ chơi dám bị giữ lại vì trông hắn giống khủng bố Ả Rập!

Từ khi sinh ra, tháng 8 năm 1975, mẹ thiếu ăn mà con chỉ bú mẹ, không chịu bú bình, mà mẹ Út ngu, không lấy sữa bột của con mà uống thì làm gì có sữa cho con bú, kết quả là Út gầy như que tre, lọt tõm trong giỏ xe đạp dù 1-2 tuổi.

Bây giờ hắn nằm im, ngủ li bì, nhưng người hắn, sao thế này, cứ trướng lên. Cậu em giật mình:

- Thôi rồi! thận không chịu làm việc.

Cậu vội chích lén cho cháu mũi thuốc lợi tiểu. May quá, người xẹp từ từ, thận chưa hư.

Chẳng hiểu tại sao bác sĩ lại cấm cho Út uống nước nên thỉnh thoảng Sao Khuê chỉ xoa miệng con bằng bông gòn ẩm.

- Con khát nước.

- Không uống được con ạ.

- Cho con một tí thôi.

- Một tí cũng không được con ơi, để mẹ xoa xoa nước thôi. Bác sĩ dặn uống là chết con ạ!

Út nằm im ngù quên nhưng tỉnh dậy là đòi uống:

- Cho con uống đi, con khát quá. Chết cũng được…

Hắn ngủ mê và gọi bà hàng xóm vẫn bán nước đá cục:

- Bà cụ ơi! Bán cho con đồng nước đá.

Sao Khuê giả bộ:

- Hết nước đá rồi, mai mới có.

- Cho con một cục cũng được, cục nhỏ xíu cũng được.

Một bà mẹ bên cạnh thấy vậy đùa:

- Hết nước rồi, chỉ còn xăng thôi.

- Xăng cũng được, cho con một hớp thôi mà.

Các bà mẹ trong phòng thấy Sao Khuê mải lo giành giựt con với thần chết đến quên ăn, quên ngủ, người thì cho ly sữa, kẻ cho mẩu bánh. Cô em họ chồng M Nguyệt, là bạn học chung trường dược mang và bóc bánh giò cho ăn. Sao Khuê sống trong tình thương đầy ắp của họ hàng và người chung phòng. Phòng này trước 1975 chỉ có một người, bấy giờ được đặt 4,5 giường bệnh mà nhiều khi hai trẻ còn phải nằm chung một giường.

Phần Út, không được ăn gì nhưng bắt đầu được nhâm nhi tí nước. Bác sĩ cho uống một muỗng rồi tăng dần, Sao Khuê vẫn chưa tìm hiểu tại sao không cho uống, có lẽ sợ xuất huyết trở lại hay đợi vết lủng bao tử lành chăng?

Cu anh, ở nhà vẫn dợt nhau với em để rồi cả hai đều bị đòn, trong lúc em đau đã tự động thắp nhang, cầu nguyện. Bà chị cả, 14 tuổi cáng đáng mọi việc, đi chợ, giặt giũ nấu ăn, trông và dậy em học trong lúc ông bố sau giờ làm việc là vào nhà thương để ngó.

Máu ngưng chảy, bác sĩ tiếp tục truyền plasma pha solucortef. Một cháu gái gầy còm, khoảng 6, 7 tuổi được bố cõng vào. Trông họ lam lũ vô cùng. Bà mẹ chắc lo buôn bán và chăm lũ nhỏ nên trước sau cũng chỉ có ông bố trông nom. Con bé này nhỏ nhít mà chửi thề kinh hoàng. Mỗi khi mở miệng thì ít nhất một câu chửi tục kèm một câu nói. Cháu gái này cũng được truyền huyết tương và bị shock y như Út. Sao Khuê cho mượn một ống solucortef nhờ vậy cháu này qua cơn nguy hiểm trong khi hầu như một hai ngày lại mất đi một cháu nhỏ, cha mẹ lại vật vã khóc lóc ở phòng bên. Bác sĩ muốn mượn thêm một ống nữa cho chắc nhưng Sao Khuê từ chối, muốn giữ hai ống còn lại phòng xa.

- Xin bác sĩ bảo họ tìm ngoài chợ Trời, tôi không dám cho mượn tiếp vì tình trạng con tôi chưa biết ra sao.

Bác sĩ gật gù đồng ý và cháu gái kia không bị dị ứng nữa.

Cuối cùng sau 10 ngày vật lộn với tử thần, Út tỉnh lại, bác sĩ thấy thiếu máu, truyền cho bịch máu và được cho về.

Hai mẹ con ăn ngủ cho lại sức. Sao Khuê nhớ tới lời hứa ăn chay:

- Chít cha ngộ rồi, mấy nị ơi!

- Chuyện gì?

Hai con bạn thân là Hồng Điệp và Lựu đạn ( tên là Lựu nhưng bị hai đứa này gọi là Lựu đạn) cùng hỏi.

- Ta hứa ăn chay 30 ngày.

- Thì ăn đi!

- Tối đa ta ăn được…3 ngày. Hai đứa ăn phụ ta.

- Không được, mi khấn và hứa thì chính mi phải ăn.

- Huhu… Ah! ta nhớ ra rồi. Ta khấn 30 ngày chứ không phải một tháng.

- Hả, ba mươi ngày không phải là một tháng à?

- Phải mà không phải…Hihi...

- Ấm ớ!

- Ta sẽ ăn ba ngày, nghỉ vài ngày lại ăn tiếp…cứ vậy đến khi đủ ba mươi ngày.

Sao Khuê hý hửng với khám phá kỳ diệu này thì bị cả hai mắng:

- Cà chớn, hết mặc cả với Phật, giờ còn gian lận.

- Không gian, chỉ lận thôi, mập mờ đánh lận con đen. May phước ta khấn ba mươi ngày.

- Có khấn một tháng mi cũng lý sự: Phật ơi, một tháng là ba mươi ngày, chắt chiu từng ba ngày con sẽ đủ ba mươi ngày ăn chay…

- Đâu phải tại ta? Tại cái lưỡi, nó không chịu ăn, nó không thuộc về ta, nó…vô ngã, ta bảo nó không nghe. Nó chỉ ăn cái gì hợp gu nó, nó còn hay phát ngôn bừa bãi làm mích lòng người khác…

Bởi gian lận nên Trời phạt, vài tháng sau. Út lại sốt, có mẩn đỏ. Sao Khuê cõng con vào nhà thương mà hai chân nhũn như bún, lết mãi mới vào được phòng khám. Cháu cũng được nhập phòng theo dõi. May quá, năm ngày sau qua khỏi được bác sĩ cho về. Lần này không phiền ai cả.

Cậu cháu biết chuyện, mỗi lần sang chơi, gọi Út là thằng SXH002 tức là sốt xuất huyết 002 . Nhà Sao Khuê, hai mụ bạn Sao Khuê và cậu em gần nhau, tuần vài lần họ đều đi bộ hay đạp xe qua nhà Sao Khuê nói dóc hay ăn nhậu vì lúc đó Sao Khuê đã có xuất cảnh đi Canada, nghỉ bán cà phê, ở nhà học sinh ngữ và ăn chơi.

Sao Khuê rời quê hương năm 1985, lần lượt đến Lựu đạn đi Pháp, Cường đi Hoà Lan, và mụ lùn đi Mỹ. Dĩ nhiên tình thân vẫn còn và hai mụ là hai người bạn tốt nhất trên đời. Sau 1975 Sao Khuê dùng nhà Hồng Điệp để đổ gạo buôn lậu bằng công xa của ông xã, làm địa điểm xuất phát vượt biên. Ra ngoại quốc, hai đứa là đại sứ của Sao Khuê, lo phụng dưỡng các bà cô của Sao Khuê ở Pháp và Mỹ. Tụi này vẫn mày tao chi tớ. Hồng Điệp sanh một con gái, lấy tên Sao Khuê đặt cho con và dĩ nhiên là con nuôi hờ của Sao Khuê.

Đáng sợ nhất trên đời bà mẹ là con bệnh, kinh khủng nhất trên đời bà mẹ là mất con và buồn nhất trên đời mẹ là con hư…

Ngay khi có đồng lương đầu tiên Sao Khuê gửi quà về cho gia đình, hai mụ bạn, em họ và nhất là ông bác sĩ cùng các cô y tá. Ông bác sĩ hút thuốc nên trên bật lửa gởi tặng khắc chữ “Tri ân bác sĩ” - dĩ nhiên khắc ở Việt Nam. Các cô y tá chỉ xin những cây kim chích đầu ngón tay để lấy máu các bệnh nhân. Tội nghiệp, dưới chế độ ưu việt, cái kim bé tí phải dùng hàng chục lần, mài đi mài lại, cùn mới vất đi...

Sao Khuê bận lăn vào cuộc sống, đi làm đi học nên cũng chỉ thăm hỏi được vài lần rồi thôi nhưng chính ông bác sĩ Giỏi đã lần nữa cứu cháu đích tôn của ba mẹ Sao Khuê thoát chết, cũng sốt xuất huyết khi ở tại căn nhà Sao Khuê để lại cho các em. Cậu đích tôn nay cũng có vợ con và ở Montreal cùng với Sao Khuê.

Năm xưa, virus Dengue hoành hành ở trẻ con, đến bây giờ vẫn đến hẹn lại lên ở Việt Nam, cháu nào khỏe thì khỏi. Có lẽ rồi đây loài người sẽ phải tập quen sống với Corona, ai khỏe thì sống...

Mấy chục năm trôi qua, bây giờ ai cũng già cả rồi. Út ra trường theo đạo Vợ, ở xa, lâu lâu mới về thăm nhà. Lần sau Sao Khuê kể chuyện Út lấy vợ cho quý vị nghe nhe.

Happy mother day!

Ngày lễ Mẹ tháng 5, năm 2020.

Sao Khuê