"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Mẹ

Bong bóng nước chen chân phóng lướt
Mẹ dầm mình, rảo bước cho mau
Một bên đầy thúng cỏ lau
Thúng kia con trẻ che đầu trốn mưa.

*

Không nón lá, mặc mưa buông trút
Mong về nhà trước lúc lên đèn
Toàn thân thấm nước ướt mem
Về nhà hong lửa, sẽ êm ấm liền.

*

Vo lon gạo, bắt lên lò bếp
Nướng miếng khô loang khói ngon thơm
Lẹ làng châm nhẹ bó rơm
Luộc rau, mắm ớt, lùa cơm qua ngày.

*

Đời trôi nổi vàng phai gian khổ
Tóc mẹ hiền chớm trổ hoa tiêu
Mồ hôi tắm dẫm quá nhiều
Mẹ già sức yếu, liêu xiêu bước thầm.

 

   Chúng ta ai cũng có một người mẹ. Mẹ cho ta hơi thở đầu đời, cho ta hé mắt chào thế gian, nuôi ta khôn lớn từng ngày trôi qua. Thuở ấu thơ là năm tháng hồn nhiên giong ruổi. Mỗi khi nghe cái bụng mình kêu rột rẹt, thì ta đòi mẹ cho ăn, lớn lên thì biết tự động, lật đật đi lục cơm nguội. Mẹ lúc nào cũng cặm cụi lo sẵn mâm cơm gia đình vào mỗi buổi chiều tà, cho dù mệt nhoài, ban ngày bận bịu với công việc mưu sinh.

   Thời son trẻ ta chỉ biết cầm bút, mân mê sách vở. Tôi mãi nhớ, khi thi đậu vào trường Trung Học, ba tháng nghỉ hè, tôi đều xin mẹ cho đi học thêm trường ngoài, trao dồi thêm sinh ngữ hoặc Toán Lý Hoá. Năm ấy, ba tôi chỉ là công chức với đồng lương cố định. Chi phí chợ búa, vun vén áo quần cho đàn con được tươm tất, và còn biết bao thứ vặt vãnh khác trong nhà cần chi tiêu. Nhưng mẹ tôi vẫn gật đầu, đồng ý cho tôi tiền đóng học phí. Cũng may, ngôi trường tôi vừa trúng tuyển vào là trường công lập. Mẹ không cần phải nhọc tâm lo đóng tiền hàng tháng.

   Nhiều đêm mẹ ngồi tính toán, vẻ mặt có chút âu lo. Bây giờ, tôi mới thấu hiểu, mẹ nhức đầu khi mà tiền nông cạn kiệt, không đủ trang trải tất cả các phần mục, nhất là khi tới ngày phải nộp tiền. Cho dù chật vật lắm, nhưng mẹ vẫn xoay sở chu toàn. Vài năm sau thì các con lần lượt trổ giò lớn như thổi.

   Anh trai phải nhập vào quân ngũ. Ngày mãn khóa quân trường, anh được điều động về vùng cao nguyên gió núi, với nhiều trận đụng độ ác liệt, trong vùng trời xa xôi hẻo lánh rất hiểm nguy. Rừng âm u với biết bao lằn đạn bay vù vù, sống chết nằm trên đường tơ kẽ tóc. Mẹ ở nhà theo dõi diễn biến trên đài truyền hình, nghe ngóng tin chiến sự mà lòng héo hắt, tím ruột nát gan từng giây phút. Anh trai phiêu lưu ngoài tiền tuyến thì mẹ thấp thỏm từng đêm dài.

   Đường đời gẫy khúc bất chợt, bóng tối đè ập lên đàn con. Tương lai bỗng dưng đi vào ngõ cụt tăm tối mịt mù, không còn một tia sáng dù là một vệt úa nhàu vàng phai.

   Mẹ thúc giục các con phải tìm đường vượt biển, tìm cách thoát thân. Cho dù ai cũng biết, mình phải chấp nhận sinh tử. Đây là chuyện đương nhiên phải xảy ra, mà mình phải chấp nhận đương đầu đối diện với định mệnh. Thà một lần trèo sóng, nếu sống sót, ta sung sướng hít thở tự do.

   Sau nhiều ngày chiếc lá gỗ lênh đênh, lặn hụp theo bọt biển đại dương. Không ai biết mình có được thoát chết, đến bến bờ xứ người bình yên hay chăng. Hoàn toàn không tin tức bay về Sài Gòn. Khoảnh khắc run sợ một mình, mẹ không dám hé môi than thở với ai. Công an mà biết được thì càng bị hạch sách, trăm ngàn cái khổ.

   Một ngày bầu trời tươi hồng, tờ điện tín thơm phức mùi rong rêu biển mặn được cánh chim Hải Âu thương tình đèo bồng, cõng mang về giao tận căn nhà dấu yêu kỷ niệm. Hương thơm tự do vô giá của hòn đảo Pulau Bidong, xuyên mây ngàn, vượt trùng khơi, đậu vào trái tim của mẹ hiền.

   Ôi, còn gì hạnh phúc hơn nữa! Vì giây phút này, không có bất cứ gì trên cõi trần gian có thể mua được nỗi vui mừng trong tâm của mẹ. Niềm hy vọng dâng trào, tuôn tràn đẫm lệ cả trái tim thoi thóp nhiều ngày qua. Có thể nói, lòng mẹ sung sướng nhiều cho đến nỗi, không thể nào đong, đo, đếm bằng lời. Hoặc có thể viết thành hai chữ Tình Mẹ bao la.

Bạch Liên