"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Phở

Sài Gòn dọc ngang đường hẻm nhỏ
Đêm thở dài ngọn tỏ ngọn lu
Đèn vàng leo lét lù mù
Gật gù soi lối từng khu phố buồn.

*

Nhiều ngả rẽ thẳng suông, dài ngắn
Khúc quanh co như rắn với rồng
Bề ngang eo hẹp cong cong
Đủ cho xe đạp lòng vòng chạy qua.

*

Cuối con hẻm là nhà nấu Phở
Tủy xương bò loang mỡ tan nhòa
Vài giờ hầm rục mềm ra
Quế, hồi, thảo quả, bay xa ngút trời.

*

Bác bán phở là người miền Bắc
Đời di cư chân chất làm ăn
Vượt qua bao nỗi thăng trầm
Mang theo bí quyết nhiều năm sinh tồn.

Lâu lâu ngồi thả hồn bơi về góc trời dấu yêu bên kia bờ đại dương. Thuở xa xưa ấy, tôi là bé con dại khờ. Nhưng trong tâm tưởng vẫn luôn lắng đọng biết bao kỷ niệm chưa quên. Có thể nói, trí óc của con người có nhiều ngăn, nhiều ốc đảo, ngăn chia cho từng cảm xúc do trái tim vận hành. Niềm vui thì chứa trong ngăn nào? Nỗi buồn thì ẩn kín trong góc nào?

Bỗng dưng hôm nay, khi nhìn tấm hình con hẻm nhỏ xíu buồn thiu, lưa thưa giọt đèn vàng mờ ảo. Không gian thanh vắng của vùng trời êm đềm nơi tôi đang sinh sống, hình như thôi thúc tôi bơi về chốn xưa. Hình ảnh xa xăm của lứa tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, bỗng dưng rộn ràng quay về. Từng động tác ngây thơ thuở nào lăn tăn trong hoài niệm. Tiềm thức tưởng chừng đã ngủ yên, chợt lao xao gợn sóng, khiến tôi lồm cồm bật dậy, trăn trở theo nỗi nhớ đong đầy.

Thước phim dấu yêu trải dài ra trước mặt. Cảnh cũ người xưa êm đềm quây quần trong con xóm hiền hòa của tuổi dại khờ. Góc phố, nơi tôi đã lặng lẽ rời xa sau mấy mươi mùa thu thay lá, sống đời tha hương. Tôi chầm chậm mở cửa, đi bộ ra đầu con hẻm lớn phía bên tay phải. Vì nhà tôi nằm trên mặt tiền đường Trần Quốc Toản. Trong bộ dạng khoan thai, tôi tình tang tản bộ đến cuối con hẻm chánh này.

Thật vui khi tầm mắt bắt gặp ngay cái giếng cho dân trong xóm gánh nước. Có lẽ, thời gian năm nẳm ấy, lúc tôi chưa có mặt nơi đây. Tôi lớn dần theo hơi thở của Sài Gòn an lành. Nhưng, muộn màng thay, tôi hoàn toàn không thấy‎ cảnh người chen chân thả thùng xách nước giếng bao giờ. Tất cả đã lùi tàn vào quá khứ sau lưng rồi. Thời gian mà tôi cùng đám bạn ngây thơ rong chơi, biết nhận thức dòng đời trôi, thì cả dãy phố đều đã có đường ống nước máy chạy thẳng vào nhà.

Cái giếng lộ thiên của thời xưa cũ đã bị phủ lấp trước khi tôi tung tăng in dấu chân non. Vành ống xi măng cao khoảng nửa thước làm cái bệ an toàn cho miệng giếng. Mặt bằng chắc nịch nay là lớp đất sét láng lẩy, tự nhiên thành cái bàn tròn. Bàn tròn lộ thiên mát mẻ an tọa giữa không gian thoáng mát, trở thành địa điểm giải trí cho vài anh trai đến ngồi chùm nhum, chuyện trò khuây khỏa khi rảnh rỗi.

Những buổi trưa hè, Sài Gòn thường hâm hấp hơi nóng. Ai cũng muốn tìm nơi trốn nóng, nhờ vào làn gió hanh hao vi vu thổi qua. Đây là khoảnh khắc thinh lặng mời mọc tâm hồn lắng đọng. Tầm mắt bâng quơ trườn dài, vài anh trong xóm ngồi xí xô tán hươu tán vượn, nhìn ra đại lộ Trần Quốc Toản. Hội bàn tròn công cộng này tọa lạc ngay ngã ba giếng nước. Ai có điều gì vui, buồn cùng nhau chí chóe xôm tụ.

Quẹo sang tay trái là trường tư thục Tiểu Học Lạc Hồng với ông thầy người Bắc di cư. Ông cao lớn, có một đặc điểm mà tôi nhớ hoài. Đó là cái hàm răng hô, nhô vẩu ra, nhìn vào y hệt như cái bàn nạo dừa khô. Nhất là mỗi khi ông cười, tôi thấy ngồ ngộ. Nếu len lỏi đi lần mò dài… dài… nữa sẽ gặp ngôi chùa nho nhỏ được xây chính giữa khoảng đất trống. Thẳng tiến con hẻm phía trước, tiếp giáp đường Nguyễn Kim. Phía bên kia lề trực chỉ dẫn tới chợ Nguyễn Tri Phương.

Quẹo sang tay phải, chân người lại tiếp nối theo khúc quanh co khác, dẫn dắt vào ngả quẹo nhỏ hơn. Vài con hẻm nhỏ xíu xìu xiu phía bên trong góc xóm chật hẹp, tối om. Bề ngang lối đi này chỉ vừa đủ cho hai người đi bộ ngược chiều. Cũng như rộng vừa đủ cho một chiếc xe đạp ì ạch, lạch cạch lăn bánh, ra vô.

Một buổi chiều êm đềm buông màu mực tím xẫm, bọn nhóc vài đứa liến khỉ rủ nhau chơi trò năm mười trốn kiếm. Đứa nào xui lắm mới bị là đứa thua cuộc trong lần tay trắng tay đen. Làm người bị úp mặt vào vách tường thì coi như đêm đó mệt đừ. Không cách nào được thoát ra cái vỏ xui xẻo này. Đêm không may đó đã đến với con nhỏ ốm còi như lá cỏ là tôi.

Thế là, tôi ngoan hiền đứng úp mặt cho mấy bạn tha hồ chạy tán loạn. Trong bóng đêm mù mờ, tôi ngờ nghệch lần mò, cố mở mắt to. Tôi rất sợ ma nhưng đành bạo gan đi tìm. Nhưng thật ra trong bụng, tôi biết mình chấp nhận thua cuộc rồi. Tôi không xăng xái kiếm nữa, mà đi chầm chậm cho bớt run sợ. Vô tình tôi đi ngang qua căn nhà khép nép cuối cùng, nằm ngay góc con hẻm mà tôi vừa trờ tới.

Ái dà da, mùi quế phở bay ra, tràn ngập lồng ngực bé nhỏ. Tôi không quan tâm, tìm kiếm mấy đứa bạn. Tôi rón rén bước chậm, len lén nhìn vô cửa hông thấp lè tè của căn nhà này. Tôi thấy một cái nồi cao. Vòng tay ngắn ngủn của tôi không thể nào ôm hết chu vi cái vòng nồi. Dưới đáy nồi lá cái lò than đang phừng phực nhảy múa ngọn lửa vàng cam.

À thì ra, nhà này là của bác bán Phở. Bác lom khom đẩy chiếc xe ba bánh đạp ngang nhà tôi mỗi khi bóng xế hoàng hôn phủ màu chiều tím khoai môn, rồi loang dần vào màn đêm khuya khoắc. Ngày nào cũng như ngày nấy, cứ đúng giờ thì Bác thong dong đẩy xe ba bánh đạp ra phố. Đây là phương cách sinh nhai duy nhất nuôi sống gia đình của Bác. Hình như góc phố chân chất này đã ghiền nghiện mùi Phở thơm phưng phức của bác từ mười mấy năm nay rồi. Đôi khi, bác đậu xe ba bánh ngay sát đường viền xi măng lề đường, bên trên là cái lò than và cái nồi phở to tướng, Nếu có tiếng ai đó réo rắt kêu: Phở… Phở… Phở…

Anh lớn của tôi rất thích xí quách. Anh thường căn dặn:

- Bác nhớ để dành xí quách cho tôi nghe bác.

- Được rồi cậu, bây giờ có xí quách rồi nhưng chưa mềm và đậm đà. Cậu chịu khó chờ, trên đường về, xí quách nhũng mềm và thấm đẫm, ngon hơn rất nhiều. Tôi sẽ ghé đưa cho cậu.

Dư âm tiếng rao Phở… Phở… rất đơn giản và bình dị vẫn còn văng vẳng bên tai tôi ngay giờ phút này.

Thời gian êm đềm trôi. Tết Mậu Thân 1968, súng đạn nổ vang trời. Góc phố hiền hòa của tôi nằm ngay trung tâm giao chiến. Dân chúng tưởng chừng tan xác dưới lằn đạn oan khiên giữa đêm khuya mồng một Tết, rạng sáng qua mồng hai Tết. Súng đạn bay vèo vèo như rải gạo. Đạn tránh người chứ người không tránh đạn bao giờ.

Nhà cháy tan hoang thành tro than. Những con hẻm chằng chịt kỷ niệm này không còn nữa. Khói lửa mịt mù đốt cháy tất cả hàng ngàn căn nhà ra tro bụi. Góc phố an lành nay là bãi chiến trường hỗn loạn. Quang cảnh ngổn ngang, buồn tang thương. Khu phố sầm uất bỗng dưng trở thành vùng đất hoang sơ bình địa. Không gian điêu tàn, trống vắng sụt sùi mùi tử khí. Vạn vật đắm chìm, âm ỉ củi than hồng đốt cháy nhà cửa rất nhiều ngày mà vẫn chưa tàn đóm lửa.

Cũng từ trận giao tranh ác liệt trong biến động Mậu Thân, tôi đã không còn thấy bóng dáng bác Bán Phở này nữa. Đôi khi tôi tự hỏi:

Không biết bác bán Phở ra sao, còn sống hay đã ra người thiên cổ? Cũng có thể bác đã dời sang thành phố khác và đang an bình xây lại cuộc đời mới với tiệm bán Phở khang trang. Bác âm thầm từ giã căn nhà nhỏ hẹp theo phiến đá thời gian. Hẻm vắng xa xưa, nay đã chôn vùi trong đống tro than in khắc theo dòng lịch sử.

Vài năm sau biến động kinh hoàng, khoảng đất trống tiêu điều thảm sầu này đã được được thay bộ mặt mới. Công trình xây cất đồ sộ dựng lên khu chung cư Nguyễn Kim - Nguyễn Văn Thoại, trước sân Vận Động Cộng Hòa. Nếu ai đã có một thời sinh sống ở nơi đây, chắc chắc phải nhớ đêm mồng một rạng sáng mồng hai Tết Mậu Thân, năm 1968.

 

 

Và có lẽ, cũng sẽ có vài phút giây đi hoang, mơ tìm hoài niệm hình bóng bác bán Phở. Trí óc chầm chậm lục lọi, cố hình dung ra nhân dáng người đàn ông trung bình, thường mặc bộ quần áo màu nâu đen, lui cui đẩy chiếc xe ba bánh thuở nào. Cho dù, đó là ngày khô ráo hay mưa dầm tầm tã.

Bạch Liên