"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

Giòng Sông Quê Tôi

 

Chuyến về thăm Cần Thơ lần này Oct-2010, Viet Lifestyles đề nghị tôi và Nai Vàng viết một bài về sông Cần Thơ, ghi lại cuộc hành trình tham quan giòng sông quan trọng bậc nhất tại Đồng Bằng Sông Cữu Long, nơi đây là chứng nhân cho bao biến cố lịch sử của miền Tây Nam Bộ. Vì khuôn khổ của bài viết nên tôi chỉ có thể trình bày giới hạn với vài mẫu chuyện qua các địa danh dọc dài theo sông trong câu ca dao mà người dân Cần Thơ ai cũng biết:  

“Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Phong Điền.
Anh thương em cho bạc cho tiền, đừng cho lúa gạo xóm riềng cười chê”. 

Chương trình tham quan giòng sông Cần Thơ chia làm hai phần, chiều thứ bảy tham quan Cần Thơ và bến Ninh Kiều, chúa nhật hôm sau sẽ ngược giòng sông đến cuối ngọn; Sau đó theo rạch Trà Nóc đổ ra sông Hậu Giang, rồi xuôi giòng trở về bến Ninh Kiều. Để bài viết được súc tích, có cái nhìn ở nhiều khía cạnh tôi yêu cầu công ty du lịch Mekong Delta giới thiệu cho tôi một nữ hướng dẫn viên hiểu biết nhiều về Cần Thơ, và cũng để có bạn gái đồng hành giúp đỡ Nai Vàng khi cần thiết. Anh Triết, Giám Đốc công ty Mekong Delta đích thân làm tài công lái tàu, như vậy đoàn chúng tôi gồm bốn người mà trong đó có đến ba người đều tốt nghiệp ngành du lịch, còn tôi là một nhà báo. 

Trưa thứ bảy, 23 Oct 2010, theo lời mời của tôi “Nai Vàng” từ Sài Gòn xuống Cần Thơ để tháp tùng chuyến đi tham quan.

Chúng tôi thuê bao một ca-nô, điểm đầu tiên chúng tôi đến là khu du lịch Phù Sa ngoài cồn Ấu đối diện với bến Ninh Kiều. Khung cảnh làng quê hiền hòa trong khu du lịch thật quyến rủ, tình tứ cho những đôi trai tài gái sắc. Trời đã xế bóng nên khách thưa dần, chỉ còn vài đôi bạn đang đi dạo hoặc ngồi chờ đò để trở qua thành phố. Tôi chọn quán ăn bên bờ sông Hậu để ngắm giòng sông, và nơi đây là địa điểm thuận tiện để thu hình cầu Cần Thơ vừa mới khánh thành vài tuần trước đó. Tôi mời Nai Vàng thưởng thức vài món đặc sản của Miền Tây như tôm càng nướng, lươn um rau ngổ, cá kèo nấu canh chua với rau nhút, cù nèo, cá rô kho tộ, hay cá diêu hồng chiên xù … tất cả còn tươi sống trong hồ. Nai Vàng đều từ chối, chỉ chọn món bầu non luộc chấm chao, trứng luộc và đậu hủ chiên. Tôi lấy làm lạ hỏi:

-       Hôm nay Nai Vàng ăn chay à?

-       Không Chú ạ, lươn và cá kèo Nai Vàng thấy sợ lắm! Còn mấy con kia đừng bắt giết nó nghe chú, tội nghiệp nó lắm!

Tôi nhìn trong đôi mắt đen nhánh, trong vắt mà người ta thường gọi là “đôi mắt hồ thu”, nét hiền lành của cô hiện rỏ qua sự chân thành thương xót các sinh vật, và cô cũng đang thành khẩn xin tôi đừng cho nhà hàng bắt chúng đang tung tăng bơi lội trong hồ mà giết chết nó đi. Làn gió thu sang dịu dàng, mát mẻ từ bờ sông thổi qua làm tôi nhớ đến câu thơ “Con nai vàng ngơ ngác, đạp trên lá vàng khô”, tôi mường tượng cô giống con Nai Vàng trong lời thơ nên tôi gọi cô là Nai Vàng.

Chúng tôi băng qua rừng bần, rồi đi dọc theo con đường thắm đượm tình quê. Một bầy mười mấy chú khỉ con leo lên nhánh bần rồi xúm nhau nhảy tõm xuống nước giống như đám con nít chúng tôi thuở xưa đi tắm sông vui đùa thật hồn nhiên, qua đó những kỷ niệm thời thơ ấu trở về làm xao xuyến lòng tôi.

Trước khi trở vào bờ, chúng tôi dạo một vòng trên sông Hậu, ngắm bến Ninh Kiều, ngắm cầu Cần Thơ. Ca-nô lướt nhanh trên sóng nước … có lẽ buổi du ngoạn ngắm hoàng hôn trên sông mênh mông trời gió lộng đã cho Nai Vàng một ấn tượng sâu đậm nhất trong chuyến đi.

Buổi tối, chúng tôi có đặt một cái bàn trước mủi du thuyền để ngắm trăng. Ánh trăng thu vành vạnh soi bóng nước như mong đợi, không có, mặc dù hôm nay là mùa trăng Trung Thu, vì bầu trời đêm nay có nhiều mây. Tôi yêu cầu ban nhạc hát hai bản để tặng Nai Vàng, bản “Người Em Sầu Mộng”, Nai Vàng thích, và bản “Biển Nhớ”, tôi thích. Nhưng bản Người Em Sầu Mộng thì ban nhạc cho biết là không có ca sĩ hát được. Đến 10 giờ du thuyền trở vào bờ, tôi đề nghị mời Nai Vàng uống café trên sân thượng Golf Hotel để ngắm bến Ninh Kiều và thành phố Cần Thơ về đêm, nhưng cô hơi mệt và còn chuẩn bị cho cuộc hành trình ngày hôm sau dài khoảng 50- 60 Km vất vả đi trên sông, phải mất từ 5 đến 6 tiếng đồng hồ. Đây là mục đính chính của việc tham quan miền sông nước phù sa: Sông Cần Thơ.

Sáng sớm hôm sau, chúa nhật 24 Oct 2010, chúng tôi rời bến Ninh Kiều ngược dòng sông Cần Thơ.

Buổi sớm mai trên bến Ninh Kiều tấp nập ghe xuồng ngược xuôi, tiếng máy ghe tàu rộn rã khắp nơi, mấy chuyến tàu đầy ắp hàng hóa nhộn nhịp đi khắp nẻo đường. Những chiếc đò máy chở khách du lịch đi tham quan chợ nổi Cái Răng, Phong Điền cũng lần lượt rời bến. Cần Thơ là thủ phủ của Miền Tây nên còn có tên là Tây Đô.

Ngang qua rạch Tham Tướng, thời chúa Nguyễn vùng đất Cần Thơ được giao cho con cháu Mạc Cữu khai khẩn và trấn giữ, gọi là Trấn Giang Thành doTham Tướng Mạc Tử Sanh trấn thủ, đồn binh của Ông đóng tại vàm rạch gần cầu Quang Trung nên rạch này mới có tên là rạch Tham Tướng.

Khoảng giữa đường Cần Thơ - Cái Răng có thêm cây cầu bắt ngang sông là cầu Hưng Lợi, thuộc phường Hưng Lợi thành phố Cần Thơ.

Rạch Đầu Sấu, tàu chạy thêm một đoạn gần đến Cái Răng chúng ta thấy có cây cầu bắt qua con rạch Đầu Sấu, còn cây cầu bắt ngang con rạch cũng cùng tên. Khi xưa, người Pháp xây cầu, hai bên đầu cầu có đúc tượng đầu cá sấu nên mới có tên là cầu Đầu Sấu.

Chợ nổi Cái Răng, địa danh Cái Răng chúng tôi chưa tìm được xuất xứ một cách xác đáng. Có phải như các từ của các địa danh bắt đầu bằng chữ: Cái, Cần hay Trà là của người Thủy Chân Lạp? Cái Chanh, Cái Muồng, Cái Da, Cái Nai, Cái Côn, … Cái Răng? Cần Chong (Tiểu Cần), Cần Giuột, Cần Đước, Cần Giờ, … Cần Thơ? Hay Trà Mơn, Trà Bang, Trà Bét, Trà Nóc, Trà Cú, Trà Ôn, Trà Luộc, Trà Ếch, …Trà Niềng? Cái Răng là quê của học giả Hồ Hữu Tường, Giáo sư Lâm Lễ Trinh, Bác sĩ, nhà văn Huỳnh Hữu Cữu, nhà cách mạng Huỳnh Mẫn Đạt … Đến chợ nổi Cái Răng không nhằm vào mùa trái cây như gần Tết hay mùng năm tháng năm thì chợ nổi không mấy nhộn nhịp.

Sông Ba Láng, ngang qua chợ nổi Cái Răng chúng tôi đến vàm sông Ba Láng. Sở dĩ có tên gọi Ba Láng là vì con sông chảy ngang qua ba địa danh: Láng Hầm, Láng Sen và Láng Tượng. Thời kỳ chống Pháp (1868) anh hùng Đinh Sâm đã lập nên chiến công vang dội tại vàm sông Ba Láng, làm người Pháp phải kinh sợ: Chém lấy mất cái đầu Cai Tổng tổng Định Bảo là ông Nguyễn Văn Vĩnh. Khi anh hùng Đinh Sâm đền nợ nước, cụ Phan Văn Trị có làm hai câu đối:

“Võ kiếm xung thiên, Ba Láng giang đầu lưu huyết hận,
Văn tinh lạc địa, Trà Niềng thôn lý đoái sầu nhan!” 

Tạm dịch nôm:
“Võ kiếm lòa trời, Ba Láng vàm kia còn máu hận,
Văn tinh rơi đất, Trà Niềng thôn ấy đượm màu sầu!” 

Ngang vàm Ba Láng có chiếc đò ngang, một hình ảnh không được đẹp và thơ mộng. Cô lái đò cao tuổi gầy yếu, làn da sạm đi theo tháng ngày sương gió. Chiếc tam bản củ rích, mủi và be ghe chấp vá như từng mảnh đời nghèo khó của cô. Bên cạnh đó là những chiếc ca-nô hay tàu máy Cantho Tourist chở đầy những khách du lịch ngược xuôi tạo nên bức tranh thiếu cân đối.

Chúng ta sẽ gặp khu du lịch Mỹ Khánh trước khi đến Vàm Xáng. Dọc theo sông tấp nập ghe thuyền, những giề lục bình đây đó lững lờ trôi theo dòng nước. Có hàng chục xà lan trọng tải 400 - 500 tấn chở cát từ Cần Thơ vào để lấp mặt bằng làm một đại lộ chạy thẳng từ Cần Thơ đến Phong Điền. Khu vực này theo qui hoạch sẽ là thành phố mới, các công ty ngoại quốc như Mã Lai, Singapore, Hàn Quốc đầu tư xây dựng những Cao Ốc và khu chung cư cao cấp.

Năm 1946 Ủy Ban Hành Chánh Kháng Chiến Nam Bộ phong tỏa lúa gạo không cho qua vùng Pháp chiếm đóng nên có khoảng 60-70 chiếc ghe chài chở đầy lúa bị nhận chìm tại khúc sông này, chạy dài từ Mỹ Khánh đến Trà Niềng. Người ta ước lượng có khoảng một triệu gịa lúa bị nhận chìm làm thúi nước sông cả tháng trời cá chịu không nổi phải phình bụng mà chết. Dân làng bắt được con cá hô khoảng 40 kí bị ngộp trườn lên mương vườn.

Vàm Xáng, là tên gọi nơi kinh Xáng Xà No giáp với sông Cần Thơ. Danh từ Xà No do tiếng Miên “Sóc Snor”, Sóc = Xóm, snor = cây điên điển. Kinh xáng Xà No chạy thẳng qua đến ngọn sông Cái Bé rồi đổ ra vịnh Rạch Giá tạo nên cánh đồng mênh mông bát ngát “thẳng cánh cò bay”, “chó chạy vẹo sườn”. Kinh xáng Xà No là một công trình khai thác thuộc địa lớn lao nhất sau gần trăm năm đô hộ nước ta của người Pháp.

Cách vàm kinh Xáng một đổi là rạch Mương Khai, quê của ông bầu gánh hát cải lương, vì nơi đây là lung bàu không cày cấy được Ông cho trồng toàn là ấu (trái ấu) nên người ta đặt cho Ông một cái tên ngộ nghĩnh: Ông Bầu Ấu. Đó là ông Chín Điều họ Phạm, bút hiệu là Điêu Huyền, tác giả của các tuồng cải lương nổi tiếng: Tiếng hò sông Hậu, Khách sạn hào hoa, Làm lại cuộc đời, Tiếng trống Mê Linh …

Rạch Trà Niềng, trước khi đến chợ Phong Điền phía hữu ngạn sông Cần Thơ, chúng ta gặp rạch Trà Niềng, nơi an nghĩ của nhà thơ yêu nước Phan Văn Trị. Khi pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông, Ông Tôn Thọ Tường ra hợp tác với Pháp, Ông làm thơ kêu gọi sĩ phu ra làm việc với tân trào:  

TỰ THUẬT 

Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây
Trời đất xui chi đến nỗi này
Chớp nhoáng thẳng bon đường thép kéo
Mây tuôn đen kịt khói tàu bay.
Xăng văng chậm tính thương đòi chổ
Khấp khởi riêng lo biết những ngày.
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay!  

Ông Phan Phan Văn Trị họa lại bài thơ trên, mở đầu cho cuộc bút chiến lôi kéo nhiều sĩ phu tham gia, Ông Phan được nhiều người tán thưởng nể phục: 

TỰ THUẬT 

Hơn thua chưa quyết đó cùng đây
Chẳng đã nên ta phải thế này
Bến Nghé quản bao cơn lửa cháy,
Cồn Rồng dù mặc bụi tro bay.
Nuôi muông, giết thỏ còn chờ thuở,
Bủa lưới săn nai cũng có ngày.
Đừng mượn hơi hùm rung nhát khỉ,
Lòng ta sắt đá há lung lay!

 Ở rạch Phong Điền có Ông Lê Quang Chiểu, một nhà nho cũng có lập trường giống như Ông Phan Văn Trị, hưởng ứng cuộc bút chiến:  

TỰ THUẬT 

Rèn lòng đinh sắt hãy còn đây,
Nín mẫm cho qua cái hội này.
Hạc lộn bầy gà thương nỗi kẻ
Chồn mang lớp cọp gớm cho bây,
Lỡ duyên cả nước đang chờ vận
Gặp lúc rồng mây há chẳng ngày.
Sớm tính che phên ngừa gió cả,
Cột rường chống chỏi sẽ lung lay! 

Nơi đây cũng là quê hương của anh hùng Đinh Sâm, một phú nông, tinh thông võ nghệ đứng lên qui tụ dân làng đánh giặc Pháp.

Chợ nổi Phong Điền, địa danh Phong Điền là do những người đầu tiên khai phá vùng đất này, di cư từ huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên vào đây lập nghiệp.

Tàu chạy gần 2 tiếng đồng hồ dọc theo sông Cần Thơ, hai bên bờ sông là vườn tược cây trái sum suê. Tôi và Nai Vàng mải mê chụp hình nên đến gần 9 giờ chúng tôi mới đến chợ Phong Điền. Đã quá trưa nên chợ nổi tan từ sớm, hiện nay chợ nổi ít ghe xuồng hơn trước, một phần nhà vườn không còn thức khuya dậy sớm để chở trái cây trên các chiếc xuồng hay chiếc ghe tam bản ra chợ nổi nữa, họ bây giờ nhiều người đã trở thành tỉ phú (tiền Việt Nam) cả rồi do tiền bồi thường qui hoạch thành phố. Cuối chợ là ngã ba sông Phong Điền có cây cầu Tây Đô bắt ngang, con sông Cần Thơ đến đây là chấm dứt. Rẻ trái là sông Phong Điền đi Cai Cẫm, Trà Ếch, Vàm bi, Ông Hào. Đi thẳng là sông Cầu Nhiếm đi Ba Se, Vạn Lịch, Ô Môn. Sông Phong Điền khi xưa còn có tên là sông Cà Ròn. Người Miên gọi cây bàng, cây lác là cây Cà Ròn, có lẽ vì nơi đây có nhiều cây bàng, cây lác mọc theo các bải bùn nên họ mới gọi là sông Cà Ròn. Cũng vậy, bao đựng muối đan bằng cây lác nên được gọi là bao cà ròn.

Đất Phong Điền là địa linh nhân kiệt, có nhiều nhân vật nổi tiếng:

-       Thời Pháp thuộc: Ông Phạm Tân là người Việt đầu tiên giữ chức vụ cao cấp trong chính quyền thuộc địa của Tây, làm tới chức Lảnh Sự của Pháp tại Vân Nam, Trung Hoa. Thủ Tướng Lê Văn Hoạch. Ông Trương Duy Toản, là chủ bút tờ báo Trung Lập. Ông là nhà văn, nhà báo tiền phong, ông cũng còn là một soạn giả sớm nhất, có công soạn nhiều bài ca ra bộ. Suốt thời gian lưu ngụ tại đây Ông chú tâm phát triển phong trào đờn ca ra bộ, tiền thân của ngành ca kịch cải lương miền Nam nên được xem là ông tổ của ngành cải lương…

-       Thời Việt Nam Cộng Hòa: Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Quang Hộ. Tổng Trưởng Tài Chánh Lê Quang Trường. Chuẩn Tướng Lý Bá Hỷ, hàng chục sĩ quan cấp Trung Tá, Đại Tá... Ông Liêu Quốc Nhỉ, nhà dịch thuật nổi tiếng, ông dịch nhiều tác phẩm của Quỳnh Giao ra tiếng Việt…

-       Sau năm 1975, chính quyền Cộng Sản: Ông Trần Ngọc Đăng, Thứ trưởng bộ Y Tế. Ông Lê Vũ Hùng, Thứ trưởng bộ Giáo Dục và Đào Tạo… Tướng Huỳnh Thủ, Tư lệnh Quân Khu 9, hàng chục sĩ quan cấp Thượng Tá, Đại Tá …

Đi thẳng theo sông, qua cầu Tây Đô thì giòng sông đổi tên là Cầu Nhiếm. Danh từ Cầu Nhiếm chúng tôi chưa tìm được xuất xứ của nó. Từ chợ Phong Điền vô khoảng gần cây số có một địa danh mang tính lịch sử của vùng đất Cần Thơ: Cảng Gạch. Năm 1947, Ủy Ban Kháng Chiến Hành Chánh Nam Bộ dùng chín chiếc ghe chài chở đầy gạch lấy từ những ngôi nhà đồ sộ gần đó nhận chìm xuống dòng sông làm cái cảng để ngăn tàu Tây đánh thọc sâu vô vùng kháng chiến. Đến năm 1954, thanh bình trở lại sau chín năm khói lửa ngút trời, cảng gạch được phá đi, từ đó địa danh này dần dà bị lãng quên. Cảng gạch là chứng nhân cho biến cố trong một gia đoạn lịch sử thương đau, đẫm máu mà giòng sông âm thầm chịu đựng, cho dù dòng nước vẫn chảy qua nhưng không thể tẩy xóa được, cho dù theo bao năm tháng nổi oan khuất của hàng trăm vong linh vẫn còn lẩn khuất đâu đó dưới đáy sông?!

Chợ Phong Điền trước đây ở bên kia sông đối diện chợ ngày nay. Cầu tàu của “ Marché de Phong Dien” (Bến chợ thời Pháp thuộc) là một kiến trúc duy nhất còn xót lại của cái làng giàu có nhất Nam Kỳ, là nơi mà người Pháp hành quyết hàng trăm dân làng theo Việt Minh kháng chiến đánh Tây, tuy nhiên trong số này cũng có người bị chết oan!

“… Có hôm Tây bắt đàn ông trói thúc ké (trói hai khuỷu tay ra sau lưng) rồi cột xâu dài dẩn đi, có đến 20 người. Dân làng đều biết tối hôm đó họ đều bị giết thả trôi sông! Từ tờ mờ sáng có hàng chục chiếc xuồng bơi lại gần bến đồn. Những người đàn bà thống khổ đi trên mấy chiếc xuồng này không ai khác hơn là mẹ, là vợ của các nạn nhân bị giết tối hôm qua. Trong nước mắt, họ lấy dầm khều những cái đầu trôi lờ đờ để lật mặt lên coi có phải đầu người thân của họ mà vớt đem về. Một bà cụ kể lại dân làng có kinh nghiệm: Đầu người thả trôi sông bao giờ cũng úp mặt xuống nước và nổi lên trước, còn thân mình hôm sau mới nổi lên…!” (Trích Làng Nhơn Ái 200 năm khai khẩn, trang 124)

Tổng kết vụ thảm sát dân làng cuối năm 1946 đến đầu năm 1947 theo chính quyền Pháp là khoảng 130 - 140 người! Về phía dân làng cho biết thì có đến gấp đôi, khoảng 270 người bị giết thả trôi sông hay rải rác khắp ruộng đồng!

“ …Chủ trương “giết lầm hơn thả lầm”  ... làm ban đêm chó không dám sủa. Rồi thì sáng hôm sau có cái xác trong bao bố trôi tấp vào cảng gạch, đó gọi là “bịt miệng bao”. Còn cái xác cột vào cục đá chìm xuống đáy sông thì gọi là “đi mò tôm”. Đôi khi trôi tấp vào cảng gạch không phải một hai xác mà cả chục xác bị xỏ xâu! Ở nhượng nơi gót chân bị cọng dây chì gài xỏ qua rồi cột vào cây tre, đó gọi là “khất nhượng xỏ xâu”! Ai mà biết được những xác đó là những ai? Nước lớn trôi vô, nước ròng trôi ra! Cá tôm rỉa tưa tải hết đâu còn nhận diện được. Nhưng có điều chắc chắn họ đều là người Việt Nam: Đảng phái Quốc Gia? Đảng viên Cộng Sản? Hào Hảo? Cao Đài? Việt Gian? Hay họ chỉ là những nông dân chất phác không can dự gì đến chính trị? Có trời mà biết! …” (Trích Làng Nhơn Ái 200 năm khai khẩn, trang 129)

Dưới ánh trăng bàng bạc, sương khuya tỏa mờ trên mặt nước sông, người qua đây có thấy những oan hồn ẩn hiện lẩn khuất trong đó? Hay âm vang thở than vọng về từ đáy sông của hàng trăm sanh linh bị chết oan uổng năm xưa tại khúc sông này?!

Tôi chợt nghĩ ra một điều, nếu có điều kiện thuận tiện tôi sẽ xây một cái miếu để thờ, làm buổi lể cầu siêu và thả đèn trên sông nguyện cầu cho những oan hồn nơi đây trút bỏ oán hờn để sớm được siêu thoát.

Theo dự định tôi sẽ mời Nai Vàng ghé thăm chợ Phong Điền, quê hương tôi, nhưng anh Triết cho biết đi qua rạch Trà Niềng thì hành trình còn dài khoảng 20 đến 25 Km nữa mới đến vàm Trà Nóc, đi rạch nhỏ hẹp tàu phải chạy chậm ít nhất phải mất 3- 4 tiếng đồng hồ, rồi từ đó xuôi dòng Hậu Giang 10 Km nữa mới về đến bến Ninh Kiều. Để kịp chuyến xe trở về Sài Gòn của Nai Vàng, nên chúng tôi cắt bớt một vài nơi dự định sẽ tham quan như: Chợ Phong Điền, thăm mộ cụ Phan Văn Trị.

Rạch Trà Niềng càng đi sâu vào từ từ nhỏ hẹp lại. Từng giề lục bình trôi trên giòng nước đục ngầu phù sa, đó là chất phân bón thiên nhiên, màu mỡ làm cho ruộng vườn xanh tươi. Tuy nhiên miền quê bao giờ cũng nghèo khó, thiếu thốn mọi tiện nghi. Anh Triết cho biết:

-       Ở đây (ngọn rạch Trà Niềng) mình không thấy người dân quê quá nghèo, nhưng ở trong kinh người ta nghèo lắm! Giửa đồng mà có một ngôi nhà gạch mới xây thì có thể ngôi nhà đó có con gái lấy chồng Hàn Quốc hay Đài Loan.

Nghe anh Triết nói, tôi và Nai Vàng nhìn nhau ngậm ngùi, nghe niềm xót xa dâng lên trong lòng, thương quá người dân quê tôi!

Sau mấy giờ đi trong rạch nhỏ, có đoạn chỉ vừa đủ hai chiếc ghe đi qua, cuối cùng tàu cũng ra đến vàm Trà Nóc. Dân chúng bên bờ sông thấy chúng tôi người nào cũng mang theo máy ảnh với ông kính dài và bấm máy lia lịa nên họ lầm tưởng là đoàn làm phim phóng sự từ Sài Gòn xuống. Chúng tôi xuôi giòng sông Hậu khoảng gần một tiếng là về đến bến Ninh Kiều.

Cảng Trà Nóc có một số tàu biển đến lấy hàng, phần lớn là nông sản chế biến.

Từ bến Ninh Kiều nhìn xuống khoảng 5 Km là cảng Phú Thứ đang xây dựng, sẽ là một giang cảng quan trọng nhất Miền Tây, có thể đón nhận các tàu có trọng tải lớn 10.000 tấn, các tàu biển trao đổi hàng hóa ra Miền Trung hay Miền Bắc hoặc đến các quốc gia lân cận như Úc Đại Lợi, Mã Lai, Thái Lan, Singapore…

Cầu Cần Thơ từ xa có thể nhìn thấy hai tháp treo dây cáp cao 120 m, và thân cầu cao 60 m cách mặt nước sông để các tàu biển có thể dễ dàng lưu thông qua lại. Công trình xây dựng cầu dài 15 Km, từ thị trấn Cái Vồn, Vĩnh Long nối đôi bờ sông Hậu, chạy dài đến Cái Răng.

Chúng tôi về đến bến Ninh Kiều lúc 1 giờ trưa, sau 6 tiếng đi tham quan Miền Sông Nước Phù Sa.

Mọi người đều biết Cần Thơ nổi tiếng với bến Ninh Kiều, nhưng ít người biết danh từ Ninh Kiều xuất xứ từ đâu? Ninh Kiều là chữ ghép của hai xóm Phù Ninh và Đồng Kiều, nơi xảy ra trận đánh giửa nghĩa quân Lê Lợi với giặc Minh. Trận đánh này là chiến thắng khởi đầu cho trận đánh quyết định tiêu diệt 6 vạn quân Minh ở Tụy Động, giải phóng đất nước khỏi vòng nô lệ của anh hùng áo vãi đất Lam Sơn Lê Lợi.

“Tụy Động thây phơi đầy đất, Ninh Kiều máu chảy thành sông”

Thời Pháp bến Ninh Kiều gọi là Le Quai de Commerce, dọc theo con đường có trồng hàng cây dương, dưới bờ sông có nhiều ghe xuồng đậu nên còn gọi là bến Hàng Dương. Năm 1954, Ông Ngô Đình Diệm cho đổi tên con đường dọc theo bờ sông là đường Lê Lợi. Sau đó bến sông xây một bờ kè bằng đá, có trồng cây kiểng làm thành công viên đặt tên là Ninh Kiều được khánh thành vào ngày 04 tháng 8 năm 1958, ý nghĩa là kỷ niệm chiến thắng oanh liệt tại xóm Phù Ninh và Đồng Kiều của vua Lê Lợi (Bến Ninh Kiều là đường Lê Lợi nối dài).

Sau buổi ăn trưa vội vã tại nhà hàng Hương Cau ở bến Ninh Kiều, chúng tôi chia tay nhau để Nai Vàng còn kịp chuyến xe trở về Sài Gòn. Còn tôi chuẩn bị cho cuộc hẹn với Sơ Ngô Thanh Vân và các nữ tu tại tu viện “Dòng Con Đức Mẹ” ở Bình Thủy lúc 3 giờ chiều, các vị nữ tu này tôi có dịp gặp gỡ trên chuyến xe mà các Sơ đi tĩnh tâm ở Vũng Tàu trở về. Tôi dự định sẽ viết một bài về tu viện ấy.

Trước khi chia tay nhau ở bến xe Phương Trang để Nai Vàng trở về Sài Gòn, tôi nói:

-       Hy vọng chuyến đi tham quan giòng sông Cần Thơ sẽ là một kỷ niệm đáng ghi nhớ hở Nai Vàng?

-       Dạ, cám ơn Chú rất chu đáo những gì dành cho Nai Vàng suốt chuyến đi.

-       Chuyến đi này điều gì làm Nai Vàng ấn tượng nhất?

-       Đi chơi ca-nô trên sông, còn Chú thì suy nghĩ gì về chuyến đi này?

-       Có hai điều, thứ nhất là thăm lại dòng sông nơi Chú được sinh ra, từng cọng rau, hạt lúa nơi đây nuôi Chú lớn lên, niềm mơ ước sau cùng là trả lại đó nắm cát bụi mà Chú đã nhận từ giòng sông. Thứ hai, là cây cầu Cần Thơ, Chú nghĩ đó là niềm tự hào của người dân Cần Thơ, là niềm hy vọng, là biểu tượng cho sự vươn mình trỗi dậy của Miền Tây Nam Bộ.

Nai Vàng à, nhận lời cộng tác với Viet Lifestyles nghe?

Một thoáng do dự, Nai Vàng nói:

-       Không được đâu Chú ạ, Nai Vàng sợ viết lắm, đừng bắt Nai Vàng viết nghe…!

Thấy thái độ của Nai Vàng tôi chợt nhớ đến hôm đi tham quan Đại Nam Văn Hiến ở Bình Dương hôm tuần rồi, Nai Vàng e ấp, thẹn thùng từ chối lời đề nghị của tôi hãy cùng đi tham quan “Cầu Tình Yêu”. Lúc đó tôi không biết ý nghĩa của “cầu tình yêu” là gì, họ cho rằng những đôi trai gái đi ngang qua cầu thì sẽ yêu nhau và nên đôi vợ chồng hạnh phúc trăm năm. Tôi mỉm cười với câu chuyện này và nhìn vào đôi mắt Nai Vàng, cô hơi cúi xuống dáng vẻ lại e ấp thẹn thùng giống như hôm trước, tôi nói lãng sang chuyện khác:

-       Ồ! Nai Vàng rất hiền lành và thật dễ thương, thôi để Chú viết một bài bút ký về chuyến đi này “Giòng Sông Quê Tôi” tặng Nai Vàng nghe?

Nai Vàng ngẩn lên nhìn tôi ánh mắt long lanh reo vui:

-       Bye Chú!

-       Bye Nai Vàng!

 

Lê Hữu Uy