"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do." ** Phan Bội Châu **

Đi Thăm Portugal

Portugal hay Bồ đào Nha là một nước nhỏ xíu nằm tận cực đông nam của Âu Châu, là bao lơn trông biển Đại tây dương của Âu châu, dính vào Âu Châu nhờ biên giới với Tây Ban Nha. Tuy dài có 560km và rộng có 110-220 km nhưng Portugal thật duyên dáng, quyến rũ với những cáng đồng nho xanh ngát, những cao nguyên lồng lộng gió, những triền đồi mầu mỡ và nhất là nhưng bãi biển xanh ngát một màu, chưa kể là quí vị nào tò mò muốn đi ném tuyết vào tháng năm (5) thì Portugal cũng làm vừa lòng quí vị luôn nếu quí vị chịu khó đi đến Da Estrela ở vùng Torre.

DiThamBoDaoNha SaoKhue 1

Ngày xưa, Portugal được coi là đế quốc của biển cả. Nhờ ba mặt giáp biển, Portugal vào thế kỷ 14-15 đã quan hệ thương mãi với nhiều nước trên thế giới và đôi khi chinh phục cả những nước này. Năm 1507 người Bồ (Đào Nha) vào vịnh Ba Tư (Persique), năm 1510 đến Ấn Độ, năm 1511 đến và kiểm soát eo biển Malacca, năm 1513 người Bồ đến Trung Quốc, đặt đại sứ tại Thượng Hải năm 1517 rồi được Trung quốc cho lập thương điếm ở Macao. Năm 1543, người Bồ đến Nhật Bản và sau đó qua Nam Ấn Độ nhưng đến cuối thế kỷ 17 thì có sự cạnh tranh của Hòa Lan và Tây Ban Nha, Bồ chỉ còn giữ được 3 nơi là Goa, Diu, Damão, vì vậy Portugal trở về khám phá vùng đất mầu mỡ Bresil và biến Brésil thành thuộc địa chính của Bồ.

Ngày 11-11 năm 1755 có trận động đất kinh khủng tàn phá thủ đô Lisbonne, gần như toàn thể kiến trúc của Lisbonne chìm dưới biển. Năm 1807-1810 sau hiệp ước Fontainebleau, Portugal bị Pháp và Espagne đô hộ. Pháp gửi cả quân đoàn tới làm nhà vua Portugal hoảng sợ phải chạy sang Brésil tỵ nạn rồi lập hẳn một thủ đô của Portugal ở Brésil. Portugal cầu cứu Anh, và đến lượt Anh đô hộ Portugal. Năm 1890 Anh, Pháp cùng nhau chia đế quốc Portugal (Portugal và các thuộc địa). Năm 1910 Portugal thành lập chế độ cộng hòa ở Lisbonne. Thế chiến thứ nhất Portugal về phe Anh - Pháp chống Đức độc tài. Năm 1917, Đức Mẹ lại hiện ra ở Fatima báo tin thế chiến thứ nhất sắp chấm dứt. Từ 1921-1928 tại Portugal có nhiều biến động chính trị. Năm1926 chấm dứt nền đệ nhất cộng hòa với 45 chính phủ, 8 tổng thống, 5 lần giải tán quốc hội và trên 300 vụ ám sát chính trị trong có 15 năm. Chế độ độc tài thành lập và chế độ này dần dần đưa Portugal vào ổn định !!! Đến đệ nhị thế chiến thì Bồ liên kết với Espagne giữ độc lập nhưng tiên đoán được sự thất bại của Đức, Portugal liên kết với phe Đồng minh. Sau 1945 Portugal hướng về chế độ dân chủ tuy vẫn còn bị độc tài cai trị. Từ 1961 Portugal mất dần các thuộc địa. Năm 1970 nhà độc tài Salazar qua đời, Portugal rơi vào những cơn khủng khoảng chính trị. Ngày 24- 4 - 1974 cách mạng ôn hòa Ouillet đem lại cho Portugal dân chủ và tự do, năm 1986 Portugal gia nhập cộng đồng Âu Châu và từ đó bắt đầu phát triển và đang dần dần đang đuổi kịp các nước ở Â Châu. Trải qua nhiều biến động và hưng phế nên vẻ mặt và ánh mắt của dân Portugais thường có nhiều u uẩn, chịu đựng nhưng thường thị họ rất hiền lành và sùng đạo. So với Espagne láng giềng Portugal không lộng lẫy tráng lệ bằng nhưng bù lại dân chúng lại hiền hòa tuy có hơi quê quê một chút.

Portugal hấp dẫn du khách nhờ những bãi biển cát mịn, những làng chài lưới, những sân chơi golf của vùng Algavre. Có hai con sông chính chảy qua Portugal là Tage và Douro trước khi chảy vào Điạ Trung Hải. Tare là con sông rộng chảy qua thảo nguyên Ribatejo nơi có những cánh đồng cỏ nuôi bò và bò mộng để đấu bò. Douro đã tưới mát cho những cánh đồng nho nổi tiếng của cảng Porto để sản xuất ra thứ rượu nổi tiếng khắp thế giới là rượu Porto. Hai thành phố chính mà chúng ta không thể không viếng thăm là Porto bên bờ sông Douro và Lisbonne bên bờ sông Tare. Con sông Douro bắt nguồn từ Espagne, dài đến 927 km chảy qua Porto trước khi đổ vào biển Địa Trung hải. Cây cầu hai tầng Dom Luis I nối liền Porto và Vila Nova de Gaia ở tả ngạn sông xây cất bởi phụ tá của Gustave Eiffel là Concu năm 1886. Phiá đông thành phố là cây cầu Dona Maria Pia xây bởi chính Eiffel năm 1877(Eiffel là người dựng nên tháp Eiffel ở Paris).

DiThamBoDaoNha SaoKhue 2

Phái đoàn của Sao Khuê đến Porto vào chiều thứ bẩy. Khách sạn nằm ngay trung tâm thành phố. ‘Check in’ xong là kéo nhau đi phố. Xế ngay trước hotel là một nhà thờ của thành phố. Mặt ngoài nhà thờ đập vào mắt là những trang trí bằng cẩm thạch màu xanh dương, màu xanh rất đặc biệt Portugais.

 DiThamBoDaoNha SaoKhue 3

Nhà thờ

 DiThamBoDaoNha SaoKhue 4

Thánh đường - Sé

Đường phố dĩ nhiên rất nhỏ hẹp mà nhằm chiều cuối tuần nên nhiều cửa tiệm đã đóng cửa. Ghé vào mua ít cam, trái cây là món không thể thiếu trong thực đơn hàng ngày. Đi bộ chút xíu thì đến cathédrale mà dân Portugais gọ là Sé. Nhà thờ này rất lớn nằm trên ngọn đồi Penaventosa được coi là biểu tượng của Porto. Một cái sân rất rộng gọi là Terreiro da Sé ở giữa có xây cây cột theo hình trôn ốc thật lạ mắt.

Sé được xây từ thế kỷ XII và XIIII mặt ngoài có cẩm thạch màu xanh dương đặc biệt của Portugal.Từ đây mà nhìn xuống thấy thành phố thật đẹp. Đã quá 6 giờ chiều, Thánh đường đã đóng cửa, không ai tha thiết vào thăm nhà thờ vì đã thăm quá nhiều nhà thờ nổi tiếng hồi đi Đông Âu năm ngoái 2007. Rủ nhau đi về phía bờ sông... Đây rồi! cây cầu sắt nổi tiếng D.Luis I xây hồi 1880-1886 do đệ tử của Gustave Eiffel cùng các kiến trúc sư Portugais và nhà thầu người Bỉ thực hiện. Theo đường đi lên cầu, khi nhìn xuống bên cạnh thấy những dãy nhà tôn xập xệ vá víu giống Việt Nam dễ sợ, mái nhà phủ đầy hoa tím, bên kia là bức tường thành ...

 DiThamBoDaoNha SaoKhue 5

 

DiThamBoDaoNha SaoKhue 6

Leo lên cầu, đây là cây cầu hai tầng có đường đi bộ rộng rãi với đường xe chạy hai chiều, tầng trên nối với những khu phố trên đồi cao, tầng dưới nối các khu phố dưới thấp gần bờ sông. Bên kia cầu trên thì nhà ngói đỏ au, sang trọng đẹp ghê nơi, nhưng coi kìa bên dưới kia cũng hấp dẫn lắm chứ, làm sao xuống dưới bây giờ? Không có cầu thang đi xuống mà cũng không thể lăn tuột xuống cái một cho nhanh nên đành tà tà từ từ theo chỉ dẫn mà vòng trở lại Thánh đường, lần theo những con đường rất dốc cong queo nhỏ hẹp như đường ở khu phố Bàn Cờ ở Sàigòn ngày trước mà xuống dưới. Gần đến bờ sông có nhiều cửa hàng với đủ mặt hàng, nhiều nhất là rượu và bánh ngọt. Bờ sông đây rồi. Ui chao, cả một đám đông đang la hét trước một màn hình khổng lồ lộ thiên. .... Dô... dô! quả banh lọt vào lưới, thế là đội bóng Portugal thắng trận bán kết này rồi...

 DiThamBoDaoNha SaoKhue 7

 

 DiThamBoDaoNha SaoKhue 8

 

DiThamBoDaoNha SaoKhue 9

Trời còn nắng nên dù đã 7 giờ mà các quán ăn còn lác đác. Dân Âu Châu ...phè lắm quí vị à. Họ đi làm từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa thì nghỉ ăn trưa, nghỉ miết tới 3 giờ chiều mới đi làm lại đến 8 giờ tối nên giờ cơm chiều của họ thường là sau 8 giờ. Portugal có cá sardine rất ngon thường được đóng hộp bán khắp thế giới nhưng mà bữa cơm hôm ấy không thể gọi là ngon được dù được ăn ngoài trời ngay bến sông, nơi nhộn nhịp nhất Porto. Eo ôi bụng nặng rồi mà phải leo cả con đường đường dốc cũ để trở về e hổng đặng. Hỏi thăm nơi nào có thang máy mà leo lên coi ... May quá xí xa xí xố một hồi cũng có người mách là gần đấy có téléphérique để đi lên, đường ra ngay trạm cuối của ga xe lửa, đi bộ chút xíu là về đến ‘nhà’.

Sáng hôm sau rời Porto phái đoàn của Sao Khuê đi hành hương vùng Fatima. Nhìn vào bản đồ quí vị thấy vùng Tomar, Fatima gần ngay đó. Tiền lệ phí đường (péage - toll fee ) khi gần đến Fatima rất đắt, một quãng ngắn mà phải trả trên 20 euro.

Người ta kể rằng hồi 13 tháng 5 năm 1917 và cứ ngày 13 trong 5 tháng liên tiếp, Đức Mẹ hiện ra với 3 trẻ chăn cừu Lucia, Jacinta và Francisco 10,9,7 tuổi. Đang chăn cừu thì các trẻ này thấy trời bỗng sáng bừng lên và Đức Mẹ hiện ra, nói cho chúng biết là chiến tranh sẽ sảy ra, Portugal sẽ đứng về phiá Alliés đưa đến cuộc cách mạng vô sản vĩ đại ở Liên Sô ( cánh mạng tháng mười Nga). Đức Hồng Y của Leiria cho phép được loan tin và ngày 13 tháng 10 năm 1917 có 70 ngàn tín đồ đã tụ tập tại Fatima để thấy được Đức Mẹ. Hiện nay hàng năm có khoảng 4 triệu người hành hương ở đây, riêng tháng 6 năm 2008 có thêm 8 người quan trọng nữa là Sao Khuê và đồng bạn. Sao Khuê đến Fatima vào ngày chủ nhật, vừa đúng lúc đang làm lễ nên đã được dự lễ lớn này. Khi xưa,vùng đất Fatima rất hoang vu, nhưng vào những ngày hành hương lại rất đông, người ta phải xếp thành nhiều hàng rồi vừa quỳ vừa cầu nguyện trên quãng đường dài 600 mét. Ngày nay Fatima được xây dựng qui mô, rất khang trang rộng lớn. Xem lễ xong, Sao Khuê cũng bắt chước người ta xin nước Thánh xoa vào đầu gối cho khỏi đau nhức để còn đi chơi và đi cày mà lấy tiền đi chơi!

 DiThamBoDaoNha SaoKhue 10

Fatima

DiThamBoDaoNha SaoKhue 11

Fatima

Ăn uống qua loa, phái đoàn trực chỉ thủ đô Lisbonne. Phái đoàn đã giữ appartement ở hotel Altis.Trời thật đẹp, mà đẹp hơn cả là những chùm hoa tím đong đưa trồng hai bên lề đại lộ.

Lisbone là thủ đô của Portugal, nằm ngay cửa biển nơi con sông Tage chảy ra biển, được mệnh danh là la Reine du Tage. Lisbone chiếm lấy vị trí thủ đô của Coimbra từ thế kỷ thứ 13, có rất nhiều kiến trúc tráng lệ như Monastere de Belém, hoàng cung de Sintra, couvent de Tomar. Đây là nơi mật độ dân số rất cao : 1000 dân/km vuông so với trung bình 110 dân / km vuông ở những vùng khác trong quốc gia. Lisbone có nhiều cảnh để thăm chẳng hạn như cầu Vasco-de-Gama dài nhất Âu châu 18km, xây xong từ 1998 sau 3 năm rưỡi với 3300 người thợ dưới sự chỉ huy của một kiến trúc sư người Pháp Jean Vassord. L’Oceanário (pavillon des Océans ) thực hiện bởi một kiến trúc sư người Mỹ, Peter Charmayeff, ông này đã thực hiện Aquariums de Sydney, Baltimore, Gênes , Osaka. L`Oceanário là aquarium lớn nhất Âu châu, aquarium chính chứa được 7 triệu lít nước và 4 aquariums phụ nuôi những sinh vật đặc biệt của 4 đại dương : Atlantique, Antarctique, Pacifique và océan Indien. Nhà ga của Lisbonne rất tân kỳ vì trong suốt, làm toàn bằng kính và thép v..v..nhưng mà quí vị có biết tại sao Lisbonne lại có nhiều kiến trúc tân kỳ không? Quí vị nhớ trận động đất năm 1755 không, trận động đất vĩ đại đã phá hủy gần như toàn bộ Lisbonne rồi nhờ thủ tướng kiêm bá tước Pombal mà Lisbonne đã được xây dựng lại huy hoàng và tráng lệ hơn xưa.

Lấy ‘nhà’ xong, trời còn sớm và quá đẹp nên cả bọn leo lên xe chạy vòng vòng rồi trực chỉ khu Belém. Không phải hang Bélem lạnh lẽo Chúa sinh ra đời đâu quí vị ạ. Đây là Tour de Belém đã được Unesco nhìn nhận là di sản của thế giới, nhắc nhở cho người ta nhớ rằng Portugal đã từng là đế quốc hàng đầu của thế giới . Năm 1515-1521 Francisco de Arruda xây dựng nên Torre de Belém làm kho khí giới và nhốt tù nhân dồng thời là nơi trú ngụ của giám đốc cảng Lisbonne. Khởi đầu tòa nhà nằm giữa sông nơi sông Tage đổ ra biển nhưng sông cạn dần, bùn đọng lại và ngày nay toà nhà còn sót sau trận động đất 1755 này chỉ còn cách đất liền bằng chiều dài một cây cầu nhỏ. Trận động đất 1755 được mô tả như là biển cả đã ‘ói’ ra những vòi nước thuỷ triều khổng lồ đen thui đặc quánh trong 10 giây và theo Voltaire thì 3 ngày sau đó gió cuốn ào ào gây hỏa hoạn khắp thành phố để Lisbonne chỉ còn lại những bức tường đen sì đổ vỡ loang lổ trừ tháp Belém và khoảng 3000 căn nhà còn tạm ở được trên tổng số 20.000 căn, Chỉ 5 trong 56 nhà thờ tồn tại. Hoàng cung với những thiết bị quí giá thì bị tiêu hủy hoàn toàn. Tháp Belém nay vẫn còn đủ 5 tầng.

DiThamBoDaoNha SaoKhue 12

Tháp Belem

Khi Sao Khuê đến nơi thì hết giờ vào thăm nhưng người ta bảo là khi vào được trong tháp sẽ còn nhìn thấy được trên sàn nhà những lỗ của phòng giam tù, tù sau khi bị đánh đập sẽ bị nhận chìm khi thuỷ triều lên. Lầu 2 và 3 là salle royal mà trần nhà được kiến thiết rất đẹp, nếu lên được đến trên cùng thì thấy được cảnh rất đẹp của sông Tage. Tour de Belém là biểu tượng quan trọng của Lisbonne và cả Portugal vì nơi đây nhắc nhở một thời vàng son dĩ vãng xa xưa.

DiThamBoDaoNha SaoKhue 13

Vì cũng đã muộn nên Sao Khuê không thể vào viếng viện bảo tàng Etnologia hay Palais d’Ajuda của hoàng gia nghe nói giống Palais Caserne ở Naples và Orient ở Madrid, nhưng mà thôi, chả cần, chỉ cần viếng điện Louvre ở Pháp là đã đủ để biết đời sống vương giả của các ông hoàng bà chúa Âu châu lắm rồi. Khu Belém cũng có bảo tàng viện Macao trưng bày về Macao, một thuộc địa của Portugal.

DiThamBoDaoNha SaoKhue 14

- Lên xe qua cầu mau đi.

Cu Út của Sao Khuê muốn qua cầu để xem Tượng Chúa Cristo Rei xây trên đồi cao từa tưạ giống Thánh Giá ở Rio De Janero (một trong bẩy kỳ quan của thế giới). Sau một hồi leo tới xuống lui những con đường thật dốc nhưng nhỏ tẹo tèo teo vì tuy thấy Thánh Giá đó nhưng tìm được đường vào không dễ dù có GPS và gần chục cái miệng để hỏi thăm. Lên được đến nơi thì lại cũng đóng cửa rồi nhưng có lẽ đây là nơi cao nhất thành phố.Tượng Chúa cao tơí 28 mét dựng bởi Francisco Franco từ năm 1949 đến 1959 mới xong. Đường về vừa đói vừa mệt vì phải chờ trả tiền cầu nhưng nhờ có bếp, nấu được cơm nên được ‘xực phàm’ cơm Việt nam và khỏi lần mò đi tìm restaurant lúc trời tối thui.

Sáng hôm sau, tà tà đi bộ… đi chút xíu là ra con đường chính của Lisbonne, Avenue Da Liberdade với một công viên rộng đẹp xanh mướt mầu xanh của một lọai thông có tàn rất lớn mà đi dưới đó mình không nhìn thấy mặt trời. Loại thông đặc biệt này Sao Khuê mới thấy lần đầu và thấy nhiều ở Lisbonne. Đại lộ rộng thênh thang với nhiều cửa hàng lộng lẫy bên lề đường, ngăn cách hai chiều xe là công viên chạy dài thật rộng ngợp bóng thông gìa. Tha hồ mà window shopping. Cuối đại lộ là khu thương mại đông đúc nhộn nhịp Baixa với tòa nhà của Khải hoàn môn và một quảng trường lớn rộng với 250 chuông đồng hồ chắc để nhắc dân Portugais mau mau tiến lên theo kịp thế giới văn minh. Trưa rồi, ghé vào ăn buffet Tàu Gino. Cái chaine buffet Gino có mặt khắp mọi nơi trên những quãng đường mà Sao Khuê đi qua dù là Portugal hay Espagne và tiệm nào cũng bằng ấy món y chang nhau . Ghét nhất là cho ăn mà không cho uống, đã vậy tiền nước thì đắt ghê nơi, 1 chai nhỏ xiú gía 1 Euro nhưng sau này khôn ra , gọi chai lớn uống chung. Ăn xong tính leo Elevador de S. Justa cho biết mùi nhưng tới 40 euro mỗi người nên chỉ leo phần miễn phí mà ra con đường khác rồi tà tà đi ra biển dưới trưa nắng gắt, vừa đi vừa shopping, rồi lại từ biển trở về, quẹo theo đường dốc mà lên Thánh đường- La Sé. Khát thấy mồ, yêu cầu tài vụ chi tiền uống nước, ăn kem. Cô bạn của Sao Khuê tên là Lựu biệt danh là ‘Lựu đạn’ giữ hầu bao. Giao tiền cho Lựu thì bảo đảm không mất, không hao hụt đã đành mà lại còn chi phí rất ít vì nàng kẹo ơi là kẹo! Đứng chờ xe bus lên cổ thành, mấy mợ đàn bà sà vào shop sắm đồ lưu niệm:

- Xe đến rồi, ra mau, Lựu đạn đâu mua vé!

Lựu lên trước mua vé xe, ông xã Sao Khuê còn kẹt ở dưới, quái lạ, lúc nãy vắng hoe mà sao bây giờ đông thế này. Chưa kịp kiếm chỗ thì thấy những người ngồi trên xe hét ầm ĩ rồi chỉ trỏ rồi om sòm, khi chàng leo lên xe được thì mới hay là ăn cắp đã tính móc túi chàng và mặc cho dân bản xứ la hét, bọn ăn cắp có lẽ theo dõi dân du lịch từ hồi ở nhà thờ ra nên chúng kéo ra cả bọn định để phân tán mỏng đoàn du lịch mà móc túi.Quí vị ơi, đi chơi thì thích thật nhưng hầu bao thì phải thủ cho kỹ, giấy tờ với tiền bạc thì Sao Khuê được bà bạn quí là Khanh (tên nàng là Khanh nhưng Sao Khuê cứ gọi yêu là Ái Khanh của Trẫm) may cho hai cái túi để cài vào trong quần, chưa kể là ngày đi Prague Sao Khuê đã ghé Paris mua 2 cái, rồi lại còn may thêm 3 cái để phát cho dâu và con. Lần trước dấu vào quần lót mặc nóng ơi là nóng nên lần này Sao Khuê may cái túi vào sợi thung lớn mà mặc vào người, tuy vậy ôm giấy tờ của hai người vì cái người họ Lơ tên Đãng, bọn móc túi trông mặt mà bắt hình dung hay nắn túi chàng lắm cơ, chàng ta còn bị sờ nắn dài dài sau này và bị cả đoàn trêu là Thích Được Sờ…

Cổ thành hay khu Alfama là lâu đài vua ngự từ thời đại ‘mauve’ (trung cổ - moyen âge) nằm trên đồi cao nhưng xe bus cũng leo lên gần tới nơi dù đường đi rất hẹp,lót đá gồ ghề quanh co khúc khuỷu, chưa kể trên đường còn gài mìn, đó là những cây cột kim loại nhô cao khỏi mặt đường nhưng khi xe bus đi qua thì tự động chui xuống; hay thật, chắc xe bus phải có code thì mìn mới chịu cho qua? Trước cổ thành Castelo de São Jorge có nhiều nhà bán quà lưu niệm, nhưng phải mua vé vào xem trước đã. Có nhiều thắng cảnh ở Âu Châu mà người Âu Châu không phải trả tiền còn khách du lịch trên 65 thì trả một nửa. Trừ những bức tường thành bao quanh và một số súng cà nông còn tồn tại, những dinh thự đã bị phá hủy nên nơi này chỉ là một di tích của một thời xưa huy hoàng. Đầu gối đau nên Sao Khuê không thể leo lên thành cao mà ngắm ra xa, đành chỉ đi quanh quẩn bên dưới nhưng đây là khu vục cao của Lisbonne nên nhìn xa cũng thấy được cảnh bên dưới. Trên đường đi trở ra thấy được chú công xanh đang xoè cánh đi kiếm và gọi bồ. Con công đẹp thế mà tiếng kêu thì the thé khó nghe, vang xa thật to. Ghé mua chút quà cho Ái Khanh chứ nhỉ.

Bàn tới tính lui là đi cách nào về, cuối cùng những kẻ tò mò và… hà tiện đi lần theo đường đá nhỏ lồi lõm mà trở ra đường lớn. Mò mãi cũng lết tới đường lớn trở về. Con đường thật đẹp với những vân đá cẩm thạch hình mosaique nhiều mầu nhiều kiểu, theo những tàn lá thông mát mắt nhưng mà mệt quá mất đi thôi, phải nghỉ mấy chặng mới về đến nhà bằng cách đi tắt, băng qua jardin botanique.

Mà này, quí vị có nhớ ai đã ‘làm’ ra chữ quốc ngữ không nhỉ? Xin mời quí vị đọc tài liệu lấy từ internet để thấy Sao Khuê là người nói có sách mách có chứng và lý do tại sao Sao Khuê lại dẫn quí vị qua Portugal chơi :

Tờ MISSI (do các cha dòng Tên người Pháp điều khiển) nói về công trình khai sinh chữ Quốc ngữ với tựa đề: "Khi cho Việt Nam các mẫu tự La Tinh, cha Alexandre de Rhodes đã đưa Việt Nam đi trước đến 3 thế kỷ". Tiếp đến, tờ MISSI viết:

"... Khi chính thức xác định mẫu tự, bằng cách cho ra đời tại Roma nơi nhà in Vatican, quyển tự điển đầu tiên ‘La tinh- Bồ - Việt Nam’và các sách đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ, cha Alexandre de Rhodes đã ‘giải phóng’ nước Việt Nam.

"... Thật vậy, giống như Nhật Bản và Triều Tiên, người Việt Nam luôn luôn xử dụng chữ viết của người Tàu và bị nô lệ vì chữ viết này. Chỉ mới cách đây không lâu, người Triều Tiên mới chế biến ra một chữ viết riêng của họ. Còn người Nhật thì, sau nhiều lần thử nghiệm, đã phải bó tay và đành trở về với lối viết tượng hình biểu ý như người Tàu.

"... Trong khi đó, người Tàu của Mao Trạch Đông đang tìm cách dùng các mẫu tự La Tinh để chế biến ra chữ viết của mình, nhưng cho đến nay vẫn chưa thành công. Vậy mà dân tộc Việt Nam, nhờ công ơn của cha Alexandre de Rhodes Đắc Lộ, đã tiến bộ trước người Tàu đến 3 thế kỷ.

"... Dĩ nhiên, không phải chỉ riêng mình cha Đắc Lộ khởi xướng ra chữ Quốc ngữ. Trước đó, các cha thừa sai dòng Tên người Bồ Đào Nha ở Ma Cao đã nghĩ ra một số phát âm tiếng Việt, viết bằng các mẫu tự La Tinh rồi. Tuy nhiên, cha Đắc Lộ là người đưa công trình chế biến chữ Quốc ngữ đến chỗ kết thúc vĩnh viễn và thành công, ngay từ năm 1651, là năm mà cuốn tự điển Việt-Bồ-La chào đời. Đây cũng là năm sinh chính thức của chữ Quốc ngữ. Và cuộc khai sinh diễn ra tại Roma, nơi nhà in Vatican. Chính nơi nhà in Vatican mà Việt Nam nhận được chữ viết của mình.

"... Đã từ lâu đời, người Việt Nam viết bằng chữ Tàu, hoặc bằng chữ Nôm, do họ sáng chế ra. Nhưng đa số người Việt Nam không thể đọc và viết được chữ Tàu, vì theo lời cha Đắc Lộ, Tàu có đến 80 ngàn chữ viết khác nhau. Các nhà truyền giáo đầu tiên khi đến Việt Nam, đã bắt đầu dùng mẫu tự La Tinh để viết lại âm giọng mà họ nghe được từ tiếng Việt. Khi cha Đắc Lộ đến Việt Nam, đã có một số phát âm tiếng Việt được viết bằng chữ La Tinh rồi. Vì thế, có thể nói rằng, công trình sáng tạo ra chữ Quốc ngữ trước tiên là một công trình chung của các nhà thừa sai tại Việt Nam. Nhưng khi chính thức in ra công trình khảo cứu chữ viết tiếng Việt của mình, là cùng lúc, cha Đắc Lộ đã khai sinh ra chữ viết này, ban đầu được các nhà truyền giáo sử dụng, sau đó, được toàn thể dân Việt Nam dùng.

Cha Đắc Lộ sinh tại Avignon, miền nam nước Pháp. Ông gia nhập dòng Tên tại Roma ngày 24 tháng 4 năm 1612, thời kỳ công cuộc truyền giáo cho các dân tộc đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, cùng với đà tiến này, Giáo hội Công giáo cũng gặp sức kháng cự vũ bão của chính quyền các dân tộc được rao giảng Tin Mừng. Vì thế, bên cạnh nhiệt tâm truyền giáo, còn phải kể ước muốn được đổ máu đào minh chứng cho Chúa Jesus của các vị thừa sai tiên khởi. Gia đình ông thuộc gốc Do Thái ở thành phố Rhodes (bán đảo Iberia) ), tổ tiên sang tị nạn dưới bóng Giáo Hoàng vì thời ấy Avignon là đất của Giáo Hoàng, nên tên ông là Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ). Người Việt gọi Alexandre de Rhodes là Giáo sĩ Đắc Lộ. Cha Alexandre de Rhodes đã xin và được Bề Trên chỉ định đi truyền giáo tại Nhật Bản. Ngày 4 tháng 4 1619, ông lên đường vào tuổi 26, cùng với kiến thức sâu rộng về thiên văn họctoán học. Cha Alexandre là một người cường tráng, vui vẻ và lạc quan, luôn nhìn khía cạnh tích cực của vấn đề. Ông thích nghi nhanh chóng với mọi môi trường sống và cư xử giản dị trong giao tế với người khác. Đầu tiên, cha Alexandre de Rhodes cập bến tại Goa, đợi chờ cơ hội thuận tiện đặt chân lên đất Nhật Bản. Nhưng tình hình bách hại Kitô Giáo dữ dội tại đây đã khiến các Bề Trên buộc lòng chỉ định ông đi Trung Quốc. Ông lên tàu đi Ma Cao, ở đó ông đã ghi lại những nhận xét về người Trung Hoa:

"Người Trung Hoa rất ngạc nhiên khi nhìn thấy bản đồ chúng tôi vẽ. Trung Quốc vĩ đại của họ chỉ còn là chấm nhỏ trong vũ trụ Trái Đất bao la. Trái lại, nơi bản đồ trái đất hình vuông do họ vẽ, Trung Quốc nằm chính giữa, đúng như tên gọi (Trung Quốc-nước ở giữa). Sau đó, họ vẽ biển nằm bên dưới Trung Quốc, trong đó rải rác mấy đảo nhỏ, và họ đề tên: Châu Âu, Châu PhiNhật Bản..."

Đầu năm 1625, cha Alexandre cùng với bốn cha dòng Tên khác và một tín hữu Nhật Bản, cập bến Hội An, gần Đà Nẵng. Ông bắt đầu học tiếng Việt và chọn tên Việt là Đắc-Lộ. Thầy dạy tiếng Việt cho ông là một cậu bé khoảng 10, 12 tuổi. Ông viết:

"Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ. Cậu không hề có một kiến thức gì về ngôn ngữ Châu Âu, thế mà, cũng trong vòng 3 tuần lễ này, cậu đã có thể hiểu được tất cả những gì tôi muốn diễn tả và muốn nói với cậu. Đồng thời, cậu học đọc, học viết tiếng Latin và đã có thể giúp lễ. Tôi hết sức ngạc nhiên trước trí khôn minh mẫn và trí nhớ dẻo dai của cậu bé. Sau đó, cậu trở thành thày giảng giúp việc các cha truyền giáo và là một dụng cụ tông đồ hữu hiệu trong việc loan báo Tin Mừng nơi quê hương Việt Nam thân yêu của thày và nơi Vương quốc Lào láng giềng."

Từ đó, Việt Nam trở thành quê hương thứ hai của cha Alexandre de Rhodes, nhưng cuộc đời truyền giáo của ông ở đây rất bấp bênh và trôi nổi. Trong vòng 20 năm, ông bị trục xuất đến sáu lần. Nhưng sau cả sáu lần ấy, ông đều tìm cách trở lại Việt Nam khi cơ hội cho phép.

Ông đến truyền giáo ở Đàng Trong vào năm 1625 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên và ở Đàng Ngoài vào năm 1626 dưới thời chúa Trịnh Tráng. Thời gian cha Alexandre de Rhodes giảng đạo tại Việt Nam cũng là thời kỳ các cha thừa sai dòng Tên hoạt động rất hăng say và hữu hiệu. Riêng cha Alexandre de Rhodes, ông đã truyền đạo từ Nam ra Bắc.

Ông kể lại công cuộc truyền giáo tại Bắc Phần:

"Khi chúng tôi vừa đến kinh đô Bắc Kỳ, tức khắc nhà vua truyền lệnh cho tôi phải xây một nhà ở và một nhà thờ thật đẹp. Dân chúng tuôn đến nghe tôi giảng đạo đông đến nỗi, tôi phải giảng đến 4 hoặc 6 lần trong một ngày. Chị vua và 17 người thân trong gia đình vua xin lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Nhiều tướng lãnhbinh sĩ cũng xin theo đạo. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là có các vị cũng đã mau mắn từ bỏ bụt thần để theo đạo Công giáo. Tất cả đều dễ dàng chấp nhận khi tôi giải thích cho họ hiểu giáo lý đạo Công giáo rất phù hợp với lý trílương tâm con người. Các tín hữu Công giáo Việt Nam có Đức Tin vững chắc đến độ, không gì có thể rút Đức Tin ra khỏi lòng họ. Nhiều người phải đi bộ suốt 15 ngày đường để được xưng tội hoặc tham dự thánh lễ. Nhưng phải thành thật mà nói, tôi không thể chu toàn cách tốt đẹp mọi công tác truyền đạo này, nếu không có trợ giúp tuyệt vời của các thầy giảng. Vì nhận thấy mình là linh mục duy nhất giữa một cánh đồng truyền đạo bao la, nên tôi chọn trong số các tín hữu, những thanh niên không lập gia đình và có lòng đạo đức sâu xa cũng như có nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng, để giúp tôi. Những người này công khai thề hứa sẽ dâng hiến cuộc đời để phụng sự Chúa, phục vụ Giáo hội, sẽ không lập gia đình và sẽ vâng lời các cha thừa sai đến Việt Nam truyền đạo. Hiện tại có tất cả 100 thày giảng đang được thụ huấn trong chủng viện và được các tín hữu trang trải mọi phí tổn."

Năm 1645, ông bị Chúa Nguyễn vĩnh viễn trục xuất khỏi Việt Nam. Khi trở lại châu Âu, Alexandre de Rhodes vận dụng mọi khả năng hiểu biết về công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu, đã xin Tòa Thánh gửi các giám mục truyền giáo đến Á Châu, để các ngài có thể truyền chức linh mục cho các thày giảng bản xứ.

Ông mất ngày 5 tháng 11 năm 1660Ispahan, Ba Tư, 15 năm sau lần cuối cùng bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Quan điểm hiện nay cho rằng các giáo sĩ vừa đi truyền đạo vừa làm gián điệp. Nếu nói rằng các nhà truyền đạo là gián điệp thời xưa thì hơi gay gắt. Nhưng trong khi vua chúa Pháp còn mê mải bởi các trận chiến tranh giành đất ,giành người hay vì đam mê tửu sắc, cản trở bởi quần thần trong triều đình, hay lo hưởng thụ, thì Giáo Hoàng đã gởi riêng các giáo sĩ đi khắp nơi để truyền giáo trên thế giới. Chính vì các giáo sĩ đi đó đi đây, biết cảnh biết người, tiếp xúc nhiều, có khả năng phán đoán và nhận xét một cách khoa học, được giáo dân tôn trọng kính nể, họ là những nguồn tin tức sống động và đáng tin cậy, và trên thực chất họ là những người đi khai phá.

Mãi cho đến thế kỷ thứ 16, theo lịch sử chánh thức của triều đình Việt Nam (Khâm Định Việt Sử) thì từ năm 1533 đời vua Lê Trang Tông có chiếu chỉ cấm đạo Công GiáoViệt Nam.

Vào năm 1651, giáo sĩ Đắc Lộ cho in cuốn Từ Điển Việt-Bồ-La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) dựa trên các ký tự tiếng Việt của những giáo sĩ người Bồ Đào NhaÝ trước đó. Có thể coi đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của chữ Quốc ngữ.

Năm 1961, nhân dịp kỷ niệm 300 năm ngày qua đời của cha Alexandre de Rhodes, nguyệt san MISSI, do các cha Dòng Tên người Pháp điều khiển, đã dành trọn số tháng 5 để tưởng niệm và ca tụng Cha Đắc Lộ, một nhàgiáo vĩ đại của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ nói chung và của Giáo hội Công giáo Việt Nam nói riêng.

Bản thân Alexandre de Rhodes đã viết như sau :

"Khi tôi vừa đến Nam Kỳ và nghe người dân bản xứ nói, đặc biệt là phụ nữ, tôi có cảm tưởng mình đang nghe chim hót líu lo, và tôi đâm ra ngã lòng, vì nghĩ rằng, có lẽ không bao giờ mình học nói được một ngôn ngữ như thế. Thêm vào đó, tôi thấy hai cha Emmanuel FernandezBuzomi, khi giảng, phải có người thông dịch lại. Chỉ có cha Francois Pina là hiểu và nói được tiếng Việt, nên các bài giảng của cha Pina thường đem lại nhiều lợi ích hơn là của hai cha Fernandez và Buzomi. Do đó tôi tự ép buộc mình phải dồn mọi khả năng để học cho được tiếng Việt. Mỗi ngày tôi chăm chỉ học tiếng Việt y như ngày xưa tôi học môn thần học ở Roma. Và nhờ ơn Chúa giúp, chỉ trong vòng 4 tháng, tôi học biết đủ tiếng Việt để có thể giải tội và sau 6 tháng, tôi có thể giảng được bằng tiếng Việt. Kết quả các bài giảng bằng tiếng Việt lợi ích nhiều hơn các bài giảng phải có người thông dịch lại."

Nguyệt san MISSI đã ca ngợi vai trò của Alexandre de Rhodes hơi quá, vì chính họ cũng viết rõ là trước Alexandre de Rhodes đã có một số nhà truyền giáo ghi lại tiếng Việt bằng chữ cái La tinh, nhưng tiếp theo đó lại tôn vinh de Rhodes là người khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Tuy nhiên, De Rhodes rõ ràng đã có công lớn trong việc hệ thống hóa việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ cái La tinh một cách đầy đủ. Nhờ cuốn từ điển Việt-Bồ-La của ông, chữ Quốc ngữ mới bắt đầu phổ biến trong cộng đồng Ki-tô giáo Việt Nam, đặt nền móng cho việc sử dụng rộng rãi sau này.

Ngoài cuốn Tự Điển Việt-Bồ-La Dictionarium annamiticum seu tunquinense lusitanum et latinum đã được Kho Tàng trữ của Thư viện Quốc gia Bồ Đào Nha scan và đưa lên mạng Internet, còn có nguyên bộ các tác phẩm khác trong ấn bản đầu tiên ở thập niên 1650 mà Giáo sĩ Đắc-Lộ viết bằng tiếng Latintiếng Pháp có thể tìm thấy tại Thư viện Maurits Sabbe của Đại học Công giáo tại Louvain (Université catholique de Louvain) tại Bỉ. Ngoài ra, có thêm một số ấn bản hoặc tái ấn bản cũng được tìm ra trong cơ sở dữ liệu PORBASE của Liên hiệp các thư viện.

Phần trên đây chỉ là sưu tầm trên mạng, có thể có điều không chính xác, xin quí vị tuỳ nghi thẩm định, riêng Sao Khuê phải đổ xăng cho mấy cái bao tử đã.

Sau khi đi siêu thị mua thức ăn, trái cây, ăn tối và ngủ đêm, sáng hôm sau 10-6-2008 phái đoàn của Sao Khuê rời Portugal để… trở về Espagne, tiếp tục cuộc hành trình ‘ Đi tìm sự thật’… Tuy Portugal không đô hộ chúng ta như người Pháp nhưng giữa Việt nam và Bồ đào Nha cũng có nhiều ``duyên``. Quí vị, nếu để ý sẽ thấy chữ viết Việt và Bồ có nhiều dấu ngã. Portugal tuy là một nước nhỏ nhưng cũng có nhiều cảnh đẹp lắm xứng đáng để đi thăm không phải một mà nhiều lần quí vị ạ.

Sao Khuê
(2008)