"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

Rạch Voi

 

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp đã hết sức chính xác khi viết "quê tôi ai cũng có, một dòng sông bên nhà… con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi..". Miền Tây là một vùng đất kinh rạch chằng chịt, để tiện cho sinh hoạt cũng như nhu cầu đi lại, cư dân miền tây chủ yếu cất nhà hai bên bờ các kênh rạch. Có thể nói có người dân miền tây nào mà không có những kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với con sông quê. Những con sông quê mang bao phù sa cho đồng ruộng, mang bao gắn bó cho những đời người. Những con sông thầm lặng chảy khắp vùng đồng bằng châu thổ, và cũng thầm lặng chảy trong ký ức của những đứa con lớn lên trên vùng sông nước Cửu long. Tôi cũng có một dòng sông thơ ấu. Ở đó, trong dòng nước lặng lờ của con sông, những ký ức tuổi thơ tôi luôn cuồn cuộn chảy. Con sông của tôi không lớn, nó chỉ là một con rạch nhỏ có cái tên dân gian Rạch Voi, chiều rộng lúc nước lớn nhất chưa đến 10 mét, nhưng nó chứa đựng cả một trời tuổi thơ tôi với biết bao nhiêu buồn vui, hạnh phúc.

Tôi sinh ra là lớn lên bên bờ con rạch Voi, tôi không biết nó có tự bao giờ, nhưng nó vẫn luôn ở đó mỗi khi tôi mở cửa nhà sau ra, thân thiết và gần gũi như một người bạn. Tôi cũng chẳng có thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng, chỉ biết rằng ngày xưa khi vùng đất này chưa được khai phá, khi mùa khô hạn đến, những đàn thú hoang trong đó có những con voi to lớn kéo nhau ra sông Hậu uống nước, lâu dần lối mòn của chúng đi ngày một rộng thêm, sâu thêm rồi trở thành con rạch qua bao mùa mưa nắng. Vì vậy dân gian gọi là rạch Voi. Rạch Voi dài khoảng sáu bảy km, bắt nguồn từ kinh 7 nằm giữa đồng của xã Vĩnh thạnh trung (Châu phú-An Giang) tiến ra sông Hậu, đến cầu chữ S nó bắt đầu chảy dọc theo quốc lộ 91 rồi đổ vào rạch Phù Vật khi vừa qua khỏi chợ Cái Dầu. Chỉ là một con rạch nhỏ và bây giờ cũng đã bị lấp đi để quy hoạch làm tuyến dân cư, nhưng với tôi nó không đơn giản chỉ là một con sông mà nó chính là những ký ức gắn liền với một trời tuổi thơ tôi. Bên bờ con rạch ấy, tôi đã được nghe những tiếng ầu ơ đầu đời từ tình yêu của mẹ. Tôi, với những vui buồn của những rong chơi đều dường như gắn liền với ngày hai buổi lớn ròng của con rạch. Cũng có những nuối tiếc khi vào một ngày thơ bé, ta đã lơ đễnh để dòng sông trôi xa về biển rộng. Nhưng con rạch vẫn ở đó với bao mùa mưa nắng đi qua, cho dù giờ đây nó đã biến mất vào trong sự phát triển xã hội, nhưng dòng nước của nó vẫn lặng lờ chảy trong ký ức những con người đã từng uống nước, từng tắm mát trên con sông ấy.

Rạch Voi không rộng lắm, khi nước lớn muốn đi qua chỉ cần ngồi lên xuồng xô mạnh một cái là đã qua bờ bên kia con rạch. Phía bên bờ tôi ở, con rạch chạy dọc theo quốc lộ 91 nên nhà cửa đông đúc, còn bên bờ đối diện là một cánh đồng nhỏ trồng rẫy, cũng là nơi bọn trẻ con trong xóm chơi trò "vượt sông trinh sát'' khi những đám sắn, đám mía đến hồi thu hoạch. Mùa nước nổi thì khỏi nói rồi, cánh đồng và xung quanh đó trở thành nơi rong chơi khám phá. Bọn nhóc chúng tôi đứa nào cũng lăm lăm trên tay những cây ná tự tạo, len lỏi trong các vườn cây giờ đã ngập nước, lùng săn những chú rắn mối, rắn nước, những chú chuột cống nhum mập ú làm tổ trên ngọn cây tránh lũ. Phía bờ rạch bên ấy (đoạn chảy qua sau nhà tôi) không có đường nên chỉ có mấy gia đình có đất trên cánh đồng ấy sinh sống. Hồi đó không có nước máy, nên mọi sinh hoạt từ giặt giũ, ăn uống đều chủ yếu dựa vào nước của con rạch. Dưới bến sông mỗi nhà đều có một chiếc cầu theo kiểu cầu ao, làm nơi tắm giặt. Những chiều khi nước lớn, cả xóm ra sông, kẻ tắm, người giặt, còn lũ con nít thì phấn khích nô đùa vang cả một đoạn sông. Bên cạnh nhà tôi là cái bến sông nơi bác Tư Máy Cày đậu chiếc "chẹt" mỗi khi đưa máy cày từ trong ruộng về. Ngay mép nước có một cây gáo vàng to, cành vươn dài ra đến giữa con rạch, bọn nhóc chúng tôi leo ra ngoài nhánh cây rồi làm một cú nhảy "dừa khô" xuống mặt sông làm nước bắn lên tung toé. Cả xóm hầu như đều thuộc lòng chu kỳ nước lớn ròng, thuộc lòng thuỷ triều của con rạch. Cũng có khi nước "kiệt", lòng rạch cạn khô, nếu không dự trữ trước thì phải chờ đến nửa đêm khi trăng lên, nước lớn mới có nước tắm. Lúc này cả xóm lại vang lên tiếng cót két của những cái rỏ rẻ trượt trên những sợi dây thép có treo chiếc thùng để kéo nước lên nhà. Những khi gặp nước kém, phải đào một cái hố sâu ngay dưới bến để chứa nước.

Vào mùa nước nổi thì lại khác, nước dâng lên tràn bờ, ngập ra tận quốc lộ 91, có những năm ngập trên cả sàn nhà tôi. Lúc này thì sướng rồi, khắp xung quanh nhà ở đâu cũng là nước, bọn nhóc chúng tôi tha hồ tắm vào bất cứ lúc nào. Tôi rất thích lội qua bên kia con rạch chỗ có mấy cây cà na của chú hai Chuông để hái cà na chín. Cà na trổ bông vào tháng năm tháng sáu và chín khi nước đã tràn đủ lên đồng. Những trái cà na chín mềm, thơm lừng vừa chua vừa ngọt, không phải là đặc sản quý giá gì, nhưng nó vẫn là một hương vị khó quên của chốn quê thơ ấu.

Miền Tây trong những năm thập niên 70 còn khá nhiều tôm cá, con rạch Voi tuy nhỏ nhưng cũng là nơi có thể khai thác cá cho bà con xung quanh. Từ cầu chữ S đến nhà tôi chỉ khoảng ba bốn trăm mét, thế mà đã có đến ba gọng vó to kềnh càng bắt cá hầu như quanh năm (tháng giêng, tháng hai đôi khi những gọng vó ấy cũng phải treo lên trời vì lòng sông cạn khô). Nếu không muốn đi chợ, chỉ cần qua chỗ vó của chú ba Tông hay vó của vợ chồng hai Mạnh là đã có những con cá tươi ngon roi rói rồi. Không nhiều nhỏi gì cho lắm, nhưng tiền bán cá hàng ngày cũng đủ nuôi sống cả gia đình chú ba Tông gần cả chục đứa con. Từ mùa khô cho đến mùa lũ, lúc nào cũng có thể kiếm cá trên con rạch ấy. Tháng tám, khi nước tràn ngập ra tận quốc lộ 91 cũng là mùa cá, những chiếc vó mỗi lần cất lên đều trĩu nặng đủ loại cá. Bọn trẻ chúng tôi thì tha hồ câu, chỗ nào cũng đầy nước, ngồi câu cá ngay ngoài hiên nhà mình. Những năm mới giải phóng tôi chỉ mới học cấp hai, hồi ấy cuộc sống thật nhiều những khó khăn. Tôi cũng có một chiếc xuồng nhỏ, một cái chài dây ny lon. Mùa nước, ngoài giờ đi học tôi lại chèo chiếc xuồng nhỏ của mình khắp các bến để chài cá, chủ yếu là để cải thiện bữa ăn. Tuy vậy ở lúc "cá ra" sông, tôi cũng kiếm đủ cá để ủ nước mắm dự trữ cho cả năm cuối tháng 9 âl nước bắt đầu rút xuống, những con cá sinh ra và lớn lên trên đồng giờ kéo nhau ra sông. Đặc biệt là chúng không đi riêng lẻ, mà tập họp lại thành đàn và chỉ ào ạt ra sông trong khoảng ba bốn ngày, lúc này bà con nông dân gọi là cá ra ). Những hôm đi chài buổi tối về ướt mem, lạnh cóng, làm cá xong nấu một tô canh chua cá thơm lừng mùi rau ngò cho bữa tối, húp một muỗng nóng hổi vừa chua vừa ngọt, ấm áp biết bao. Những buổi cơm gia đình đạm bạc với cái món canh chua dân dã ấy, thật sự ngon và có một hương vị riêng tư, đọng lại mãi trong tôi dù đã nhiều năm trôi qua. Khi chúng tôi câu được những con cá rô biển to tướng cũng là lúc mùa gió bấc về, con rạch lại ngày hai buổi nước lớn ròng. Mỗi ngày khi nước rút xuống khoảng trên đầu gối, ở khắp các bến bãi của con rạch, chỗ nào cũng có người bắt cá. Kẻ sử dụng lưới kéo, người dùng chài, người dùng nôm, thậm chí có cả những người bắt cá bằng tay không rất giỏi. Chỉ cần đi qua một vòng quậy nước cho xao động mạnh, những chú cá he, cá rô biển hoảng sợ trốn vào các gốc cây ven sông hoặc các dấu chân, lúc này chỉ cần nhẹ nhàng mò tay vào chộp lấy. Miền Tây của một thời đúng là lắm tôm nhiều cá, chuyện tìm cá cải thiện cho một bữa gia đình là điều quá dễ dàng trên con rạch Voi ngày ấy. Thậm chí cả khi nước kiệt, lòng sông thu nhỏ chỉ còn hơn một mét vẫn có thể kiếm cá ăn. Hai cha con của bác hai Chuông là người nổi tiếng bắt cá chạch trong xóm. Bắt cá chạch bằng tay không đâu phải dễ, những con cá chạch trơn lùi lại sống vùi trong bùn, lủi rất nhanh khi bị động. Thọc sâu hai tay xuống bùn rồi moi lên, nhanh chóng chộp những chú cá chạch trước khi chúng lủi sâu. Những năm sau người ta chế ra một dụng cụ như một cái bàn cào cỏ nhưng răng nhỏ và dầy, thọc sâu xuống bùn rồi kéo lên, những con cá chạch nằm dưới bùn sẽ bị vướng vào răng của bàn cào. Món đặc biệt mà tôi thích khi mẹ tôi mua của bác hai Chuông là những con lịch, một loại như lươn nhưng thịt mềm và ngon vô cùng. Những con lịch đem um với lá cách cho thêm một ít nước cốt dừa và đậu phộng vào thì còn gì bằng. Bọn nhóc chúng tôi thì khoái chơi trò "tát đìa" khi lòng sông cạn khô nước. Chọn một đoạn rạch khoảng chục mét rồi đắp chận ở hai đầu, tát khô nước để bắt cá. Đứa nào cũng đầy sình từ đầu xuống tới chân, chủ yếu là vui vẻ, vậy mà cũng kiếm được bữa ăn cho gia đình. Con rạch Voi không rộng lắm, nguồn lợi từ thuỷ sản cũng không nhiều lắm nhưng nó cũng đã giúp nuôi sống, cũng như cải thiện bữa ăn cho bao gia đình nghèo sống bên bờ của nó. Tuy nhiên, do khai thác quá mức, cùng với việc nước không lên đồng được do đê bao để làm vụ ba vì thế không có chỗ cho cá sinh sản, nguồn lợi thuỷ sản trên con rạch Voi cũng dần dần bị cạn kiệt. Những năm trước khi nó bị lấp đi vào khoảng cuối thập niên 90, thì việc bắt cá để cải thiện bữa ăn thôi đã là điều khó khăn. Điều này cũng dễ hiểu thôi, bằng nhiều hình thức, chúng ta đã vắt cạn những tài nguyên mà thiên nhiên đã hào phóng mang lại cho vùng đất Miền Tây hiền hoà màu mỡ này.
        Mặc dù không phải là con đường thuỷ quan trọng trong khu vực, nhưng trước khi có con kinh 10 nối liền từ sông Hậu đến Hà Tiên, rạch Voi đã đóng góp rất nhiều cho giao thông đường thuỷ trong khu vực. Các sản vật nông nghiệp của cánh đồng Vĩnh Thạnh Trung được chuyển ra sông Hậu phần nhiều bằng đường rạch Voi. Từ trên các bến bãi của con rạch Voi, Những chiếc ghe chất đầy lúa, đậu, bắp hoặc các loại rau củ quả như dưa hấu, dưa hoàng kim, khổ hoa... toả đi khắp mọi nơi. Đồng thời những thứ trái cây, sản vật của "miệt dưới" cũng được đưa về cho cư dân ở hai bên rạch Voi và vùng phụ cận. Hồi ấy khi nước lũ lên cao, những buổi cơm chiều, gia đình tôi thường dọn ra phía sau nhà, vừa mát mẻ vừa có thể ngắm ghe xuồng qua lại. Mùa nước, mua hàng từ các xuồng ghe dưới sông thật dễ dàng, chỉ cần cặp sát xuồng vào "sàn nước" là có thể ngồi trên nhà chọn lựa thoải mái. Tôi thích nhất là những tiếng rao ngọt ngào vang động mặt sông, hoà vào tiếng mái chèo khua nước của những cô gái bán hàng. Hết sức gần gũi, hết sức mộc mạc nhưng cũng lung linh như một bức tranh thuỷ mặc được vẽ với một bút pháp tinh tế. Những khi nước lớn bơi xuồng trên rạch thú vị vô cùng. Cả xóm tôi hồi ấy nhà nào cũng có chí ít là một chiếc xuồng để làm phương tiện di chuyển trên con rạch. Nhẹ nhàng buông chèo xuôi dòng con nước, cuộc sống thanh bình êm ả biết bao. Khói bếp lãng đãng bay lên từ những mái nhà ven bờ con rạch, tiếng cười đùa vô tư của những cô gái quê tắm giặt dưới bến sông... cái khung cảnh quê thanh bình bên bờ con rạch Voi ngày ấy vẫn còn mãi mãi đọng lại trong tâm trí tôi.

Chiều nay tôi đi ra phía sau nhà, ngồi ở nơi mà trước kia là cái bến nước có chiếc cầu nhỏ tôi thường xuống tắm giặt. Mọi thứ giờ đây đã không còn nhận ra, con rạch đã chim sâu dưới lòng cát của tuyến dân cư. Cuộc sống luôn là một sự vận động tất yếu, trong dòng chảy áo ạt của sự phát triển kinh tế xã hội, dòng sông tuổi thơ của tôi đã bị cuốn trôi nhưng không phải ra biển rộng mà về một nơi khuất xa của quá khứ. Nhưng với tôi, ký ức của một thời tuổi thơ ấy làm sao quên được, tôi vẫn còn như nghe đâu đây tiếng kẽo kẹt mái chèo khua nước đêm trăng.Tôi đi dọc theo bờ cát, dưới chân tôi dường như con rạch vẫn lặng lờ chảy, vẫn lặng lờ chuyên chở bao tấm lòng với quê hương của những người con đã từng tắm mát trên con rạch Voi ngày ấy.

Phan Võ Hoàng Nam