"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

Ba Mươi Năm

Ba mươi năm xin trả nợ người, trả nợ một lần em đã bỏ ai
Ba mươi năm xin trả nợ người, trả nợ một thời em đã phụ ai... *

Theo lời năn nỉ của người xưa xin được trả nợ tình tôi thu xếp khăn gói qua với nàng.

Quá tuổi nhi nghĩ thuận mà còn đòi đi cưới vợ, tôi thấy cũng kỳ kỳ nhưng lũ con tôi lại nhiệt liệt hưởng ứng. Chúng còn xúi tôi bỏ chúng lại mà đi cưới vợ. Thời buổi văn minh cũng có khác.

- Ba ơi, sao ba cứ suy nghĩ “goài zậy”, ba “goa” với má Hai, chúng con rất mừng. Ba với má Hai đã xa nhau gần trọn đời rồi. Ba qua với má hai, má hai săn sóc cho ba là chúng con an lòng. Ba sẽ vui vẻ khỏe mạnh, sống lâu và thỉnh thoảng chúng con lại bay qua thăm ba, biết đâu chừng chúng con sẽ có thêm em trai hay em gái để cưng đó ba…

Cô con dâu lớn gốc Cần Thơ thỏ thẻ.

Chúng nó khôn thấy mồ. Tôi đi lấy vợ, tôi vui vẻ, chúng an lòng có người phụng dưỡng bố dùm.

Ok, nhất cử tam tứ tiện, tôi bay qua Cali ở với nàng, tránh cái lạnh giá làm ê ẩm mình mẩy của mùa đông xứ lạnh tình không này.

…Hồi đó chúng tôi đang năm thứ hai đại học dược khoa Sài Gòn. Trường chúng tôi từ dinh Salan góc đường Công Lý-Hiền Vương đã dọn về đây từ lâu. Trường tôi chiếm một trong bốn tòa nhà của thành Cộng- Hòa cũ. Chúng tôi, dược khoa, góc Thống Nhất-Cường Để, đối diện là đại học Văn Khoa còn ngổn ngang gạch đá, bên trái là chàng Nông Lâm Súc thoang thoảng mùi bò heo, và đối diện Nông Lâm Súc là đài truyền hình. Thành Cộng-Hoà, xưa là nơi đóng quân lữ đoàn phòng vệ Tổng thống phủ gần đó.

Tòa nhà chính giữa khu đất hình chữ nhật có ba tầng lầu với nhiều phòng, để làm phòng học và phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm hóa hữu cơ do thầy Tạo trông nom thì nằm ở cuối góc sân bên tay mặt. Phòng này chiếm một chỗ riêng rẽ vì nơi đây sản xuất ra nhiều chất hữu cơ cần có một chỗ thoáng khí để bốc mùi những lúc chúng tôi làm thí nghiệm. Làm thành chữ T với tòa nhà lớn là một giảng đường lớn, nơi đây chúng tôi có cours hóa vô cơ và hóa hữu cơ với thầy Tô Đồng và thầy Chu Phạm Ngọc Sơn. Thầy Sơn là giáo sư bên đại học Khoa Học. Thầy rất bận bên khoa học nên để có thì giờ giảng cho chúng tôi, thầy phải dậy sớm và lũ học trò còn ngáp ngủ phải tỉnh ngủ ngay khi trông thấy chiếc áo sơ mi màu hồng của thầy. Thường màu hồng chỉ dành cho con gái và thầy Sơn có lẽ là người duy nhất được cô cho mặc áo màu hồng đi dạy học. Các thầy dậy năm thứ nhất, thứ hai hầu như toàn là thầy trẻ mới tốt nghiệp ở Mỹ về. Trẻ nhất là thầy Tô Đồng phụ trách hóa vô cơ, thầy trắng như sữa và trẻ như thư sinh chưa ra trường. Không hiểu thầy có run trước đám sinh viên mà nhiều cô đẹp như mơ không, chỉ thấy khi hết giờ là thầy hấp tấp ra về không ngó ngang, liếc dọc. Hệ thống đại học mới tiếp thu từ Pháp chịu ảnh hưởng của Tây nên còn phong kiến, giảng đường lớn bao giờ cũng có một ông planton túc trực, chỉ để xóa bảng trong và sau giờ dậy…

Năm thứ hai chúng tôi có thực tập hóa hữu cơ. Sau khi thi lý thuyết chúng tôi phải thi thực tập để tìm ra ít nhất 3 trong 5 chất của một dung dịch pha sẵn bằng các thử nghiệm đã học qua.

Chỉ còn năm phút là hết giờ là tôi vẫn chưa xác định được 3 corps tối thiểu trong 5 corps chứa trong dung dịch. Hai corps đầu, thử nghiệm chính xác, còn lại ba tôi rất phân vân vì kết quả thử nghiệm không rõ ràng. Nếu viết cả hai tức là bốn nhưng nếu tôi sai 1 thì do có điểm âm (negatif) nên tôi chỉ còn có hai (một đúng trừ một sai là zero), như vậy là không đủ 9 điểm tối thiểu để đậu.

- Lấy cọng đồng!

Tố Miên thi bên cạnh đã xong từ lâu thấy tôi bối rối nên nhắc khẽ. Như người vớ được phao tôi vội vàng nhúng que đồng vào ngay dung dịch. Phản ứng rõ ràng. Tôi đậu thực tập hóa và đậu lên lớp ngay kỳ đầu có đèn măng sông (mention assez- bien tức đậu bình thứ) và từ đó tôi quen Miên.

- Cảm ơn chị nếu không nhờ chị nhắc thì dám tôi phải ở lại một năm, nhiều khi cái đơn giản không tìm mà chỉ tìm cái khó khăn mà đi.

Học dược sở dĩ khó vì có nhiều điều lệ ngặt nghèo. Riêng cái phần lý thuyết đã là gay cấn. Từ năm thứ hai chúng tôi có tới tám cua (cours) Một năm có hai học kỳ, mỗi học kỳ có bốn cua nhưng cuối năm mới thi. Có hai ngày thi viết và thi hai môn trong tám môn đã học. Mỗi ngày thi viết sẽ có một đại diện thí sinh lên bốc thăm, lấy một trong bốn môn đã học, bốc nhằm môn nào thì giáo sư dạy môn đó sẽ ra đề. Vấn đề học tủ ít khi xảy ra vì không biết tủ nào mà khiêng về. Chúng tôi có 8 cours, mỗi cua dài cỡ 300-400 trang quay roneo, nên vị chi là 3000-4000 trang để học và phải học vì sau khi thi đậu hai môn thi viết thì sáu môn còn lại phải vào vấn đáp. Nhiều môn lý thuyết còn có thực hành. Thực hành cũng có phần lý thuyết của thực hành, ngắn dễ học dễ nhớ nhưng phần thực tập thì gay cấn do có điểm âm. Trúng 1, trật 1 thì ăn zero nên phải cẩn thận. Môn hóa hữu cơ của thầy Sơn tuy là lý thuyết nhưng thầy cũng cho điểm âm. Nhiều khi thi xong ra về thơ thới hân hoan đâu biết là thầy trừ tới trừ lui hết cả điểm. Lý do các thầy đưa ra là nghề thuốc không được nhầm lẫn vì nhầm có thể làm chết người. Học hành khó khăn như vậy nên bước vào năm thứ hai là chúng tôi cắm đầu cắm cổ vào gạo bài, học quá xá, học để có gạo mà ăn. Than ôi, ở cái tuổi đáng lẽ được yêu đương lãng mạn, được anh theo Ngọ về, được đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư... thì những vần thơ lại dành cho các ông bạn ở trường đối diện, Đại học Văn khoa. Đôi lúc có thoáng rung động với em đi dịu dàng bờ vai em nhỏ thì chồng cua dầy cộm sẵn sàng đè bẹp con tim chưa kịp thổn thức. Tất nhiên cũng có vài người gồng mình chia động từ yêu mà khi đã bắt đầu chia động từ yêu thì cũng bắt buộc phải chia các động từ khác như tôi nhớ, em giận, anh hờn, chúng ta ghen v...v... Trời sinh ra tôi vốn dĩ không thông minh lắm nên đành chia các động từ cần cù mà bù lại, ác nỗi cái người ơn, người bạn dễ thương của tôi cứ làm tim tôi đập sai nhịp mỗi lần tôi thấy nàng

Tố Miên ơi hỡi Tố Miên
Dáng em thấp thoáng bước tiên dịu dàng
Khiến anh cứ mãi mơ màng
Bài học không thuộc áo choàng rất bươm
(áo rách do vẩy acid vào khi làm thực tập).

Tôi không thực thi nổi tam khoan: khoan yêu, khoan cưới vợ, khoan có con vì cái khoan đầu rất là khó. Khoan yêu? đố ai cấm được tình yêu dù biết yêu là phiền phức. Ừ thì yêu cũng làm cho lòng mình lâng lâng, tim mình thổn thức, hồn mình ngất ngây nhưng đổi lại yêu cũng làm cho mình nhớ, khổ vì nhớ, nhớ thấy mồ, nhớ quên ăn, nhớ quên ngủ, nhớ đờ đẫn, nhớ tới học bài không vô:

Em là dòng chữ viết
Nằm giữa lòng trang cua
Nên anh đành chịu thua
Tìm em mà năn nỉ *

Vì vậy tôi phải tìm nàng. Tôi rất có lý để cầm tay nàng mà nói câu ngộ ái nị vì nếu tôi chậm trễ sẽ có một kẻ thứ ba nào đó xen vào thì ô hô ai tai!

Làm sao mà tôi tỏ tình? Theo nghiên cứu của ai đó thì phải đủ ba điều kiện “đúng” là “right person, right place, right moment”. Wrong một cái thì coi như rớt. Trước hết tôi tìm cách đổi ngày thực tập để được ngồi gần bên nàng, xin phép được vẽ mấy con vi trùng Koch, con Salmonella cho nàng, gỡ lại danh dự của thằng con trai, cộng thêm cái trò mọn là dành ghế giữ chỗ cho nàng, cô nàng này ngủ liên miên nên chỉ đến lớp trước khi giáo sư vào. Tôi rất khôn ngoan dành ghế cho nàng cạnh tôi, gần cửa ra vào và tất nhiên không ở ngay hàng đầu để rì rầm nói chuyện: vậy thì “ right place”. Bạn sẽ nghĩ là tôi tỏ tình trong lớp bằng cách ghép vào vở nàng một lá thư xanh? Cũng được thôi nhưng mà chưa “right moment”, tỏ tình như vậy phải chờ ít nhất đến ngày hôm sau. Eo ôi, 24 giờ hồi hộp chờ kết quả còn hơn đi thi. Thi rớt còn có thể thi kỳ hai, nàng từ chối chỉ còn cách kiếm nàng khác giống như bị “sortie lat” thì phải chọn ngành khác mà học. Tuy rằng viết thơ không phải đào lỗ độn thổ khi bị “Không, không, em không hề yêu anh!”. Thế thì mình phải thủ thắng mới ra quân, nghĩa là bạn phải tấn công từ từ để lúc trái thị chín mõm, chỉ việc mang bị ra mà ới “thị ơi thị rụng bị bà” . Vậy thì tôi đã tỏ tình với nàng danh chánh ngôn thuận trong vườn nhà nàng bên khóm hoa cúc vàng một đêm trung thu… Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá, trăng trải vàng ra khắp lối đi, hai người bên nhau đi chậm chậm, đầu tôi dục khẽ “nói mau đi” * và dưới ánh trăng huyền ảo đó, tôi bắt đầu nắm tay nàng, nhè nhẹ rồi siết chặt (nàng để yên), tôi kéo nàng áp sát vào vai tôi, vuốt tóc nàng, rồi nhẹ nhàng ôm nàng, ôm chặt thêm một tí, rồi khẽ thì thầm vào tai nàng “anh yêu em, anh yêu Miên”. Tỏ tình như vậy là nắm chắc phần thắng. Đêm trăng đủ sáng để thơ mộng, dịu dàng… Cầm tay, bạn chớ dại bỏ qua bước đầu quan trọng này. Nếu bị gỡ tay ra thì mình còn thì giờ trở lại nghiêm trang, lùi ra một bước, giữ được tình bạn trong sáng dù con tim tan nát…Dĩ nhiên, Miên của tôi để yên và tựa đầu vào vai tôi cho tôi nghe nặng nỗi sầu... à không, mùi tóc huyền thơm mùi chùm kết.

…Chiến tranh ngày càng ác liệt khiến bọn con trai chúng tôi bị tổng động viên. Chúng tôi không được rớt. Trường bộ binh Thủ Đức lúc nào cũng chờ đợi chúng tôi nếu thi rớt nên tôi và Miên, chúng tôi hứa với nhau chăm học và ra trường mới làm đám cưới. Chúng tôi cùng ước mơ một mai khi mùa dứt chiến trinh, gió mang khúc đàn thanh bình, ta đi tìm thơ muôn hương và lướt theo muôn trùng sóng* ở Đà Lạt, Vũng Tầu.

…Chúng tôi vừa ra trường. Tất cả nam dược sĩ đều bị trưng dụng. Không thể coi cái chết nhẹ như lông hồng nhưng cũng không thể tỏ ra hèn nhát chúng tôi lên đường nhập ngũ. Miên muốn dùng một năm chờ đợi đó để đi Pháp học về kỹ nghệ dược phẩm vì nhà nàng có ý mở một viện bào chế. Đó là những ngày đen tối nhất đời tôi. Quân trường đổ mồ hôi chiến trường bớt đổ máu. Các cậu công tử lưng dài trán rộng bị quay như dế về cả vật chất lẫn tinh thần. Chẳng còn cơm gà cá gỏi, bánh ngọt ngào, trái cây thơm tho của mẹ hiền. Không còn ly cà rem lạnh ngọt ngào trong nhà hàng Givral mát rượi bên người yêu. Chỉ có chiến hào chiến lũy phải vượt qua. Chúng tôi đói và buồn ngủ. Cơm nhà thầu nấu với số lượng khổng lồ đâu có ngọt ngào tinh khiết như bát canh cải xanh của mẹ ở nhà. Ăn vội ăn vàng cho no nhưng lại đói meo ngay vì bị quần suốt ngày. Miên thường xuyên viết thơ, những lá thơ màu xanh đầy ấp nhớ thương từ kinh thành ánh sáng xa xôi vời vợi đâu có bù đắp nổi vòng tay thương nhớ. Ngày chủ nhật trong khu tiếp tân nhìn bạn bè có người yêu đến thăm tôi đã tìm một gốc cây mà khóc thầm. Miên ơi! em có nhớ ngày nào chúng mình cùng lang thang trong vườn dược thảo nằm cạnh cổng trường. Miên ơi! anh nhớ em hay mặc áo màu tím hoa cà và khi đó anh đã gọi em là nàng Solanaceae, đôi khi em mặc áo màu vàng thì anh lại gọi em là công chúa Chrysanthemum và khi nào em hồi hộp sợ thi rớt thì anh ăn cắp một vài búp Pasiflora trong vườn pha trà cho em uống. Miên! lúc nào em cũng ngoan, rất ít khi hờn dỗi giận hờn để anh tập trung mà học bài cho kỹ. Miên! lúc nào em cũng săn sóc cho anh nhiều hơn là lo lắng cho em… Vậy mà sao em nỡ bỏ anh trong lúc khó khăn này?

Tôi đổi ra làm việc ở miền Trung. Miên đã không trở về như dự tính đã vậy thơ nàng gởi về lại khuyên tôi quên nàng đi và cưới vợ. Tôi đến nhà thì ba má anh chị em nàng cũng giấu quanh và giục tôi lấy vợ. Lấy vợ? Ừ thì lấy! sợ gì mà không lấy, ngu gì mà chờ mãi một người đã bỏ ra đi. Em phụ tôi một thời bé dại thơ dại, em ra đi không nhớ gì tôi. Em phụ tôi một thời trẻ dại, em ra đi quên hết tình tôi...*

Năm 1977 tôi đi học tập về. Gia đình Miên đã ra đi từ 1975 và định cư ở Mỹ. Chúng tôi vượt biên và ghét cái bản mặt mấy thằng phản bội, đâm sau lưng chiến sĩ, chúng tôi đi Canada. Rút kinh nghiệm của mình, hai thằng con có bồ là tôi giục lấy vợ ngay khi ra trường: cưới vợ thì cưới liền tay, chớ để lâu ngày trời cũng tách ra. Như vậy đám cưới chúng đã có đủ mặt cả cha lẫn mẹ nhưng mẹ chúng qua đời khi chưa kịp có cháu nội để bồng.

Qua những lần đại hội Y-nha-dược mà tôi chỉ mới tham dự về sau này tôi biết được Miên đã ly dị chồng. Cháu gái lớn đã lập gia đình nhưng tôi đã cố chấp, từ chối không nói chuyện với nàng lần chạm mặt ở Paris. Tuy vậy Phi Nga, một người bạn thân đã kể lại nguồn cơn và chúng tôi đã trở lại với nhau sau những lời năn nỉ:

Ba mươi năm xin trả nợ người, trả nợ một thời em đã bỏ ai
Ba mươi năm xin trả nợ dài, trả nợ một thời em đã phụ anh*

...Miên một mình đón tôi ở phi trường.

- Em biết anh chưa muốn gặp lại nhiều người lúc này. “Hoa bưởi thơm rồi”.

HoaBuoi SaoKhue

Tôi mỉm cười “đêm đã khuya”. Đó là kỷ niệm riêng của hai chúng tôi. Đó là những lúc sau khi học bài chung, chúng tôi đi dạo ngoài vườn và tôi, bên cạnh giai nhân quên cả ra về thì nàng nhẹ nhắc “Hoa bưởi thơm rồi” trích từ những câu thơ mà tôi đã rót vào tai nàng (thơ Xuân Diệu).

Về đến nhà, sau bữa cơm lãng mạng có nến có hoa, có rượu, có tắm nước nóng, có không khí mát sau cuộc hành trình tôi thực sự cảm thấy thoải mái khi được nằm dài trên chiếc giường rộng thơm mùi hương cũ. Tôi sắp sửa chìm vào giấc ngủ thì có tiếng gõ cửa phòng. Ối giời ơi! ai đây: một bà già tóc bạc trong bộ áo ngủ rộng thùng thình, cặp kính lão xệ xuống mũi:

- Hoa bưởi thơm rồi, anh làm nhiệm vụ chú rể đi chứ!

Tôi ngồi chọc dạy, tỉnh cả ngủ, hai tay dụi mắt rồi phá lên cười. Phóng một bước, tôi chụp lấy mái tóc giả của nàng quăng xuống sàn. Miên ú ớ chỉ vào miệng, há miệng cho tôi rút hàm răng của Dracula. Hai đứa cười sằng sặc, cười chảy cả nước mắt. Còn nữa, Miên dơ tay lên cao cho tôi cởi chiếc áo khoác ngoài lỉnh kỉnh những miếng độn. Bây giờ Miên mới là thực sự là Miên của tôi.

- Em chưa tháo lông mi giả!

Tôi nhắc nàng.

- Ờ há, em quên đeo.

Nàng chớp hàng lông mi không còn dài và rậm rạp như xưa nhưng vẫn xứng đáng che chở mặt cặp mắt to đang nhìn tôi tinh nghịch.

- Em đoán là thế nào anh cũng có đọc truyện tiếu lâm tả anh chàng đẹp trai động phòng phải một bà già giầu rất xấu. Anh ta nhìn bà già từ từ bỏ tóc giả, tháo răng giả, lông mi giả… và cho đến khi bà già hiện nguyên hình thì anh ta sợ quá, xỉu luôn. Em tính mang mặt nạ này ra phi trường đón anh nhưng sợ anh xỉu, hết vía, leo lên máy bay trở về.

- Em thật quá quắt, già đầu mà còn đùa dai.

- Vậy chứ không có mỹ viện căng da, không có thuốc nhuộm tóc thì em cũng đâu có khác bà già vừa bước vào phòng. Tuy vậy anh yên trí đi, em mới chỉ cắt bớt chỗ thừa chữ chưa độn thêm chỗ thiếu, chỉ hơi xấu một tí nhưng chắc không sao anh nhỉ… Hoa bưởi thơm rồi.

Miên cười khúc khích và lăn vào cánh tay tôi đang mở rộng. Tuy vậy tôi vẫn lắc đầu quầy quậy:

- Ba mươi năm em nợ ngọt ngào, trả nợ một lần chưa hết tình đâu. Ba mươi năm em nợ quá dài, trả nợ một thời chưa hết tình đau*.

Miên vòng tay qua cổ, hôn tôi:

- Ba mươi lăm vơi lại được đầy, chờ mãi ngày này, xin chớ dài lâu*…

Tôi dìu nàng theo tiếng nhạc:

- Ba mươi năm em trả nợ tình, trả nợ một lần quên hết tình đau. Ba mươi năm vẫn lại thuở nào, trả nợ đời này và những đời sau*...

Tôi vẫn ư ử ngâm nga: ta đợi em từ ba mươi năm, uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm, đêm nay ân ái vuông tròn mộng, bõ lúc chiêm bao lạnh gối nằm....* thì Tố Miên bịt miệng, không cho ngâm tiếp bằng cái hôn nóng bỏng...

Bà Sao Khuê đòi ngưng câu chuyện “happy ending” ở đây. Tôi tự cho là chưa đủ. Quý vị độc giả chắc hãy còn thắc mắc và vẫn chưa hiểu tại sao Miên lại phụ tôi và quý ông thì biết thừa thằng phải gió nó mê Miên, tìm cách chuốc rượu cho nàng say, tặng nàng một cái bầu khiến nàng phải cắn răng nhận nó làm chồng. Quý ông còn thắc mắc tương lai của cặp vợ chồng già như thế nào, tôi có cần phiền quý ông xin toa thuốc không…

Bà Sao Khuê cấm nói tiếp thì tôi bảo bà ấy rằng:

- Bà có nhớ ngày đi picnic Y-nha-dược, họ họp nhau kể truyện tiếu lâm, bà xía vô kể thì bị bà Tiến chê nhạt như nước ốc, chuyện tiếu lâm phải hơi mặn mặn một tí mới vui.

Sao Khuê trừng mắt:

- Ah! chuyện phòng the nhà nào cũng có nhưng giới hạn trong phòng đóng kín cửa, còn đây là bài viết, năm châu bốn biển ngó vào, cấm...

- Bà cho tôi thêm một dòng thôi nhé!

Chẳng cần Sao Khuê đồng ý, tôi xin cho các bạn hay là từ đó chúng tôi em-em-ét. Lưu ý không phải là MTS ( maladie transmises sexuellement) đâu. Ai muốn hiểu sao thì hiểu. Sao Khuê cũng còn đang ngớ mặt:

- Cái gì vậy?

- Thì em em ét (m-m-s). Quý vị nói tiếng Pháp mà.

Sao Khuê

Chú thích cho bài viết: m, m, s là matin, midi, soir hay mardi, mercredi, samedi hay mars, mai, septembre… Có gì bậy đâu chứ nhưng tôi thích cái nghĩa mà quý vị đang nghĩ trong đầu đấy. Quý vị nghĩ rất đúng.

Chú thích: những dấu * mà quý vị thấy trong bài là thơ, nhạc của các thi sĩ, nhạc sĩ nổi danh được ưa chuộng như Vũ Hoàng Chương, Trịnh Công Sơn, Phạm thiên Thư mà Sao Khuê kính cẩn xin phép các tác giả cho Sao Khuê sửa lời cho phù hợp với bài viết.