Rạch Ba Se

(Viết tặng tất cả bà con mình quê ở Ba Se, Phường Trường Lạc, huyện Ô Môn, TP. Cần Thơ, cùng quý độc giả)

 

Con đường từ chợ Ba Se vô đến nhà anh Tư khoảng hơn 2 km, cuối thập niên 90 con lộ được tráng nhựa rộng 5 m, qua mấy con rạch nhỏ cầu cống được đúc xi măng chắc chắn rất tiện việc đi lại. Khởi đi từ lộ Vòng Cung tại đầu cầu sắt chợ Ba Se, dọc theo con rạch chạy dài vô đến ngã ba ở cuối ngọn, nơi đó có trường tiểu học Nguyễn Tri Phương. Rẽ trái qua đến quốc lộ 91B đi ra Trà Nóc hoặc xuống Cần Thơ, hai bên hương lộ rợp bóng cây, vườn tược sum suê trĩu trái.

Đường xe làm bên phải con rạch nếu nhìn từ ngoài vàm đi vô, trên nền con đường đất củ cao ráo rộng hơn 2 m đã có từ giửa thập niên 50 thế kỷ trước, nay dùng xáng múc vét lòng rạch đấp lên sau đó cán đá rồi trải nhựa.

Khoảng nửa thế kỷ trước khúc Xẻo Trì là nơi giáp nước, ngọn nước phía ngoài từ sông Cầu Nhiếm đổ vào, rồi vọt nước phía trong hướng Trà Nóc, ngã Tư Ông Huyện đổ ra gặp nhau nơi đó nó lình bình nước lớn, phù sa lắng đọng nên khi nước ròng lòng rạch tại đây cạn xuồng ghe không thể qua lại phải chờ nước lớn. Nhờ lấy đất đấp lộ, bây giờ rạch Ba Se rộng và sâu hơn các ghe lớn lưu thông dễ dàng.

Hồi đó có chiếc ghe hàng “cậu Ba Xì” là tiệm tạp hóa lưu động, mỗi ngày ra vô bóp kèn to te – to te từ xa xa đã nghe thấy để bà con xuống bến sông đón mua đồ. Trên ghe bán đủ thứ nào là thuốc men như ngoại cảm tán hiệu tàu buôn, dầu gió hiệu ông già, dầu cù là hiệu con cọp, Brillantine để mấy anh chãi tóc “Tango” bà con ở quê còn đặt tên là chải tóc kiểu “Ổ quạ”, nhu yếu phẩm các loại, đủ thứ đồ gia dụng. Mỗi ngày chèo ra vô không theo giờ giấc nào mà theo con nước. Nước ròng chèo ra, nước lớn chèo vô, khi chuyến trở về cậu Ba Xì có bán luôn thịt, cá, rau cải lấy từ ngoài chợ. Thiệt là tiện cho bà con trong xóm không phải khó khăn đi ra chợ vì có nơi chưa đấp đường đi, đôi khi qua mấy con rạch cũng chưa bắt cầu khỉ nữa.

Còn nhớ thuở đó nhà ông Bảy Trứ (Phan Văn Trứ) em bà Ngoại mình (bà Phan Thị Kiên) có chiếc xuồng chèo độc mộc duy nhất ở Ba Se mua từ Nam Vang mà dì Tám con Út của ông Bảy hay chèo dưới sông. Sau đó ông Bảy sắm chiếc ca-no, rồi ngoài ông Hai Xuân cũng bắt chước sắm một chiếc ca-no nữa, cả xóm hai bên bờ thích thú coi ca-no chạy đua. Phương tiện duy nhất để ra Cần Thơ là đi tàu đò của cậu Sáu Kiếm con ông Bảy ra Bình Thủy rồi đi xe lôi xuống Cần Thơ. Phải đi theo con nước có khi thức sớm từ 3-4 giờ sáng, muốn đi thì dặn trước hồi chiều để khuya cậu Sáu ghé đón. Tàu lúc đó máy đứng chưa có máy đuôi tôm.

20dlhurbx1

HINH 1, Bông Tra vàng bến nước (Ảnh Internet)

Đúng rồi đó chú Phan Việt Tiến ạ, anh Tư đâu thể nào quên hình ảnh những cây bần đong đưa cành lá, đám dừa nước che bóng bên bờ, buội cây nga, nghễ, lục bình xâm lấn lòng rạch. Nhớ nhất là cây “bông Tra vàng mé nước”. Buổi trưa hè yên ả ngồi dưới bóng dừa che mát bến sông nhìn bông tra vàng êm đềm, thư thả trôi theo dòng nước. Bông Tra đẹp chứ!? Các cô thôn nữ quê mình thích thú ngắt đóa bông Tra cài lên mái tóc, tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng rất duyên dáng dễ thương.

Cây tra là giống cây miền nhiệt đới, có tên khoa học là Thespesia polulnea, nguồn gốc Nam Á và Đông Nam Á, cho bông quanh năm, bông mới nở màu vàng khi già có màu vàng sậm ngã chút đỏ. Trong bài thuốc dân gian nhựa cuống trái Tra giải  độc của rắn, rết, bò cạp, … Ngày nay rất ít khi mới thấy một vài cây tra còn sót lại bên bờ sông.

20dlhurbx2

HINH 2, Bông Me Tây hồng thắm sân trường (Ảnh Internet) 

Nhắc đến loài cây mé nước, mình không thể nào quên cây Còng thường thấy ở bến sông, nhiều nơi công cộng như đình, miếu, trước văn phòng hành chính, có địa phương trồng hai hàng Còng bên lề đường, ... Đặc biệt loài cây mà hầu như trẻ con ở miền quê Tây Nam Bộ đều biết cái cây có tàng rộng cho bóng mát sân trường. Bông chùm màu tím hồng rất đẹp, có trái tương tợ như trái me khi chín màu đen nhánh. Ở Mexico người ta làm nước giãi khát như dân ta làm nước me vậy. Thân cây Còng cho gổ có vân rất đẹp, ngày nay được ưa chuộng trong kỷ nghệ đóng đồ gia dụng, làm đồ mỹ nghệ có lẽ vì vậy bóng dáng cây còng thưa dần, …

Cây Còng tên khoa học là Samanea saman, dân mình còn gọi là “cây me Tây”, có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ. Do đặc tính dễ thích hợp với nhiều loại khí hậu nên được du nhập khắp vùng Nam Á, Đông Nam Á và các quốc gia hải đảo Thái Bình Dương.

Cây Còng cổ thụ sân trường tiểu học Tân Thới ngoài chợ Ba Se có lẽ các trẻ em học sinh thuở trước đều có những kỷ niệm với nó. Bóng mát? Chưa đủ, trái Còng chín rụng ăn chua chua, chát chát, rồi hạt Còng rang là món mà đứa nào cũng thích! Trường tiểu học Tân Thới là trường tiểu học duy nhất trong vùng, ở trên Ô Môn hay ngoài Phong Điền mới có trường tiểu học khác. Học trò học hết lớp sơ cấp tư thục của thầy giáo Tân ở vàm Ngã Cạy muốn học lên hết bậc tiểu học (lớp nhì và lớp nhất ngày nay gọi là lớp 4 và lớp 5) phải ra chợ Ba Se.

Sau chín năm chiến tranh (1945-1954) để lại bao thách thức đầy gian nan cho việc học vấn của trẻ em ở Ba Se, con đường đi khó khăn phải vạch lau sậy theo dấu mòn và gần như không có cầu, mỗi khi qua rạch mấy em cứ tự nhiên cởi truồng (hồi đó đều là học sinh nam đi theo một đoàn), áo quần tập sách gói trong tấm khăn vãi đội lên đầu lội qua mương. Ngáng nhất là khi ngang qua rạch Xẻo Đế sợ đám nhỏ bị ngộp nước nên mấy cậu lớn cõng lên vai đưa qua rạch. Xẻo Đế gần chợ Ba Se, cặp bên phần đất của ông Hương Chủ Đa với cái sân rộng trồng nhiều cây ăn trái lâu năm như măng cụt, sầu riêng, Saboché, …

Anh Ba Quyền kể nhớ ơn cậu Tám Hùm con ông Ba Sao, cậu Ba Rép con ông Sáu Tưng, là học trò lớn tận tình giúp đỡ mấy đứa nhỏ cõng qua mương. Hầu hết mấy đứa con nít này ngày nay nhỏ nhất cũng phải gần 75 cái xuân xanh, đem theo cơm vắt, miếng cá khô gói trong tấm lá chuối hay mo cau, khá lắm thì có cái lon gô để đựng đồ ăn trưa, nếu có cái ga-men là hết sức huy hoàng! Chính vì vượt qua được gian nan khi xưa mà những trẻ em ngày đó sau này có chút địa vị nho nhỏ trong xã hội. Ông bà là những nhà có học, hiểu biết giá trị của sự học vấn thời nào cũng thế nên rất mực khuyến khích con em học hành đỗ đạc.

20dlhurbx3

HINH 03, Hoa Muồng vàng lung linh trong nắng (Ảnh Internet)

Riêng anh Tư thì thuộc thế hệ con nít đàn em, chỉ học ở lớp tư thục của thầy giáo Tân ngoài vàm Ngã Cạy. Trường lợp lá lụp xụp che mưa nắng, hai lớp học có hai dãy bàn bằng những tấm ván lớn và dài, băng ngồi bằng tấm ván nhỏ hơn. Hai cái bảng đen hai bên cho hai lớp dạy chung cùng lúc không có ngăn phòng học. Mùa nước nổi ngày nào ngập nền lớp học thì thầy cho nghĩ, tụi học trò khoái chí ở nhà đi câu cá lòng tong hay đi soi cá, bắt nhái vào ban đêm. Đa số là học trò nghèo con của gia đình nông dân đông con, có lẽ do thiếu quần áo phải mặc lúc còn ẩm ướt nên học trò của thầy hay bị lát, lang beng là bệnh ngoài da tuy không nguy hiểm nhưng dễ lây lang và ngứa ngáy khó chịu! Không biết có phải thầy lo xa nên trồng đám Muồng hoa màu vàng nghệ rực rỡ bên hong lớp học. Thầy kiêm luôn nghề y tá, lấy lá Muồng đâm nát pha chút muối, tí phèn chua trị lát, mùa nước thì trị nước ăn chưn cho mấy đứa học trò của thầy. Đến mùa khô cây trâm bầu trái chín thầy hái đem phơi khô lấy hạt để dành làm thuốc xổ cho mấy đứa bụng ỏng chinh binh! Học phí thì học trò cứ học, đến ra giêng có lúa thì thầy chèo ghe đến nhà đong luôn một năm học phí là 4 gịa lúa, nhà đứa nào quá nghèo thì thầy châm chế còn 3 giạ. Tận tụy dạy chữ nghĩa đó là chức năng của thầy, ngoài ra thầy còn lo chăm sóc vệ sinh cho học trò từng em một, coi chúng nó như là những đứa con thân yêu. Bây giờ nhớ lại thấy thương thầy giáo Tân năm xưa vô cùng!

Ngày nay mỗi ấp (khóm) đều có trường cấp 1, tại xã (phường) thì có trường cấp 2. Mấy cháu nhỏ đi học trên đường trải nhựa, đạp xe đạp ten ten … Các em ấy không thể nào hiểu được cái khốn khó bởi hậu quả điêu tàn do chiến tranh khi ông bà đi học ngày trước! Làm gì chúng nó biết hương vị của hạt Còng rang dòn rụm thơm phưng phứt trong lúc hôm nay bánh kẹo đầy dẫy khắp nơi?!

20dlhurbx4

HINH 4, Bông Chúa Xứ ngát hương - Ngọc Lan Tây (Ảnh Internet)

Hồi anh Tư còn học trường thầy giáo Tân có cái kỷ niệm khó quên, khi đi ngang nhà ông Hai Xuân gần hàng rào ở góc sân có cây bông Chúa Xứ, lúc còn non bông màu xanh lục nhạt, chín màu vàng đến gìa ngã màu vàng sậm. Anh Tư không thể quên mấy vụ chun qua hàng rào trà để lượm bông Chúa Xứ màu vàng rơi rụng dưới gốc ép vào tập mùi thơm rất dịu dàng phãng phất cả ngày, không phải chỉ riêng anh Tư đâu đứa con nít nào cũng thích bông Chúa Xứ hết. Cây bông Chúa Xứ cao lắm không vói tay hái bông trên cành được. Nhưng mà phải coi chừng bầy gà lôi dử dễ sợ, thấy người lạ là mấy con gà trống “bự” lắm phùng lông kêu cà luốt, cà luốt rượt đá chỉ có nước chạy trối chết!

Cây bông Chúa Xứ còn có tên là Ngọc Lan Tây, tên khoa học là Cananga Odorata, xuất xứ từ Philippine, Indonesia, New Guinée, … cây trổ bông vào tháng 11 & 12, bông có nhiều tinh dầu để chế tạo dầu thơm nên được gây giống trồng khắp các quốc gia quanh vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

20dlhurbx5

HINH 5, Bông Ô Môi chung thủy đợi chờ – Hoa Anh Đào xứ Việt (Ảnh Internet) 

Ở dưới bến sông nhà ông Hai Xuân thuở đó có cây Ô Môi cứ khoảng sau Tết là hoa nở đỏ hồng rực rỡ, khi cơn mưa đầu mùa bắt đầu Ô Môi trút lá chỉ còn lại đầy bông và trái Ô Môi trên cành. Cơn gió nhẹ thổi qua là cánh bông màu hồng đỏ rơi rụng lã tã đầy dưới gốc hay cả bờ sông. Mà cũng ngộ, khi trái Ô môi mùa năm trước đã chín thì bông Ô Môi năm sau mới nở rộ nên người ta thi vị hóa nói bông Ô Môi “chung thủy đợi chờ”! Trái chín màu đen, da sần sùi dài chừng 4 – 5 tấc, khi đó bọn con nít có dịp hưởng thụ. Trái Ô Môi có vỏ cứng muốn ăn phải róc hai bên rồi lấy ngón tay ép 2 cái sống mới mở các múi ô được. Từng miếng tròn có mật đen ở giửa là một hạt dẹt màu hun hun vàng. Mật Ô Môi đặc dính như cao, có vị ngọt và thơm nồng đặc trưng. Hạt Ô Môi ngâm nước nóng vài giờ sẽ nở to, khi bóc vỏ còn cái cơm trắng trong ăn giòn giòn. Vùng An Giang, Đồng Tháp trồng nhiều Ô Môi dọc theo bờ sông hay hai bên đường đến mùa bông rực nở đỏ thắm góc trời thu hút nhiều nam thanh nữ tú đến thăm quan và chụp hình kỷ niệm. Ở địa phương có món chè đặc sản Ô Môi, hạt Ô Môi nấu với nước dừa xiêm và đường thốt nốt ngon ngọt, mát lành. Ngày trước đám con nít rất ưa thích trò chơi bún hột Ô Môi, ai biết trò chơi này thì ít ra nay cũng ở tuổi “sáu mươi năm cuộc đời”!

Ô Môi còn là vị thuốc quý, ngâm thuốc rượu trị đau khớp. Lá Ô Môi đâm nát trộn với ít nuối và phèn chua trị nước ăn chưn (lở loét kẻ chưn), các bệnh ngoài da như lang beng, bát biếng, lát đồng tiền hay vô cùng! Đám con nít tụi tôi hay hát bài hát nhưng sửa lời lại: “Ô môi, Ô môi trừ ngứa, ... Ô môi, Ô môi trừ lát …!”

Ô Môi có tên khoa học là Cassia Grandis, nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ (miền nam Mexico, Venezuela chạy dài đến Ecuador).

Người Việt ca ngợi mùa bông Ô Môi ví như mùa hoa Anh Đào của Nhật Bản, gọi là “Anh đào xứ Việt”.

Khi nghe lại câu vọng cổ của soạn giả Viễn Châu về loài hoa Ô Môi ở miền Nam Bộ:

“Ô môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ… Ô môi rụng cánh tơi bời. Chuông tắt lâu rồi, ai còn đứng mong ai! …”

 

Hôm rồi con nhỏ con gái lái xe chở anh Tư về Ba Se ngang qua nhà chú Phan Minh Triết, kế bên nhà, có vài người chỉ quen quen mặt nhưng không nhớ tên, trong hội khuyến học tại xã nữa.

Gặp anh Tư ông em Minh Triết mừng rỡ:

Anh Tư vui vẻ bắt tay chào mọi người, Minh Triết vô đề ngay:

Rạch Ba Se có nhiều màu hoa gợi nguồn cảm hứng: Bông Tra vàng bến nước, bông Me Tây hồng thắm sân trường, bông Muồng vàng lung linh trong nắng, bông Chúa Xứ ngát hương, và mùa bông Ô Môi chung thủy đợi chờ. Có lẽ từ đó Rạch Ba Se có nhiều người yêu thích thơ, văn.

Thuở trước có nhà Nho, nhà thơ Hương Hào Phan Hào Xứng là em rể Bác sĩ, Thủ tướng Nam Kỳ Lê Văn Hoạch; Nhà nho, ông Hương Thân Nguyễn Thành Chương, trong nhóm nhà nho, nhà thơ ở Bà Đồ với các ông Huỳnh Mẫn Đạt, Nguyễn Đại Liêng, … Bà Nguyễn Nguyệt Anh, con ông Hương Thân Chương, thân mẫu tác giả bài viết, là thành viên Hội Thơ các vị cao tuổi trên chín mươi vẫn còn làm thơ, có lần được Hội Thơ ở TP. HCM trao giãi thưởng 1 triệu VN đồng, làm bà cụ vui mừng đến suốt đêm không ngủ. Kế đến hàng nhỏ hơn là nhà thơ Nguyễn Thu Nguyệt con cậu Sáu Kiếm, nhà văn Phan Nguyệt Ảnh con cậu Năm Chuẩn. Nhà văn Minh Nguyệt (Hội nhà văn TP. Cần Thơ), nhà thơ Tư Khôi (Hội nhà thơ TP. HCM) là con cậu Sáu Sum, cháu của cậu Tám Hùm. Còn nhiều con cháu khác cũng có khiếu và yêu thích thơ văn.

Ngoài ra, trong giới sinh hoạt văn học & nghệ thuật gốc gác Ba Se thì còn có vài người cháu của ông Hương Thân Chương như họa sĩ Nguyễn Thụy Tú, và một nhân vật tài hoa nữa cô Nguyễn Thị Ngọc Trâm, đang là một sếp của hãng phim Phương Nam ở Sài Gòn.

(Và những ai nữa xin bà con giới thiệu để bổ túc thêm)

 

Rạch Ba Se là vùng trời đầy ắp những kỷ niệm vô vàn dấu yêu, làm sao quên khi mà nó đã in đậm trong ký ức, sâu sắc trong lòng mọi người cho dù qua bao tháng năm dài, cho dù ở khắp phương trời góc biển nơi đâu sẽ hẹn nhau một ngày trở về thăm chốn củ, phải không thưa quý bà con?!

Lê Hữu Uy

Arizona USA, Dec 01-2020