"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

 Ký Ức Về Một Cây Cầu

 ( Cầu Kiên Mỹ, Phú Phong, Bình Định )

   Vậy là đã 10 năm ngoại mất. Người từng đùm bọc, cưu mang anh em tôi từ lúc thơ ấu khi ba mẹ tôi đi làm ăn xa.Thay vì đi qua cầu mới hiện đại, thông thoáng hơn, chúng tôi l muốn nhìn lại cây cầu cũ. Nhìn dòng nước trôi, ngậm ngùi tưởng nhớ đến ngoại và những ký ức xa xưa bỗng hiện về.

Nhà ngoại ở giữa cánh đồng 

Cây cầu nối nhịp dòng sông hiền hòa 

Mẹ tôi tần tảo nơi xa 

Khi về thăm ngoại cũng qua lối này 

  Khi có cây cầu mới, dù nhiều lần lũ lụt làm bị hư, người ta vẫn tu sửa, giữ nguyên hiện trang cũ như chứng tích cho một giai đoạn lịch sử. Cầu được xây dựng vào khoảng cuối thập niên 50 của thế kỷ trước ( 1958 ). Có lẽ là cầu đầu tiên nối đôi bờ sông Côn. Thuở ấy phương tiện đi lại còn thô sơ, chủ yếu là đi bộ, xe đạp, xe ngựa ... Sau này mới phát thêm xe Honda, xe lam 3, 4 bánh nên cầu hẹp, chỉ đủ một xe qua, xe ngược chiều phải chờ, cầu có thiết kế nhiều chỗ để tránh. Những năm về sau, phương tiện đi lại càng ngày càng phát triển nên mật độ xe đông, nhộn nhịp hơn và quá tải vào ngày tết, lễ hội. Nhất là lễ Đống Đa vào mồng 5 Tết hàng năm. Nhiều người qua cầu chen lấn hay tinh nghich xô đảy xuống sông. Vì thế, cẩn trọng hơn một số người  phải dùng đò để qua bờ bên kia. Mỗi lần về thăm ngoại, khi đi trên con đường nho nhỏ đều qua cây me, giếng nước, bên trong miếu thờ có tượng bán thân bằng đồng đen vua Quang Trung. Lần nào cũng thế, tôi nhìn vào giếng nước , dừng chân ngồi nghỉ dưới bóng mát cây me, chiêm ngưỡng ông Vua. Trông ông gần gũi, thân thiện mà sao anh hùng, hào kiệt đến thế. Có lúc tôi thả bộ xuôi theo bờ sông, đứng thật lâu nơi bến Trường Trầu, tưởng tựong người , thuyền bè mua bán tấp nập, chợt nhớ đến câu ca 

   " Cây me cũ bến trầu xưa / Dẫu không tình nghĩa cũng đón đưa trọn niềm " 

   Nhà ngoại  cách Phú Phong Khoảng 10 cây số. Những năm chiến tranh, vùng quê nhiều bất ổn nên ngoại có mua một căn nhà nhỏ gần sông để tạm lánh. Cậu bé " cu anh " xưa,nhờ sự nuôi dưỡng của cha mẹ , đùm bọc. chỉ bảo của ông bà nội, ngoại  và tinh thần hiếu học, qua nhiều năm lưu lạc cũng đã là học sinh năm cuối một trường trung học công lập ở Qui Nhơn. Do vậy, mỗi cuối tuần tôi đều về thăm ngoại. Vào lúc này, dì Út tôi lấy chồng ở Thuận Nghĩa, khi nào về thăm, ngoại thường dẫn tôi theo cùng. Trong lúc người lớn nói chuyện, tôi lang thang tìm hiểu cảnh quan trong thôn. Thật tình cờ, phát hiện từ đường Thi sĩ Quách Tấn cách nhà dì vài căn. Hồi đi hoc, tôi nghe danh và ngưỡng mộ ông thôi chứ môn văn nào quan tâm, giờ học môn này rất chán bỡi mình dốt. Rồi cầu cũng trở thành quen thuộc, mỗi trưa hè nóng nực, tôi ngâm mình dưới làn nước mát, trong xanh mà cảm thấy yêu dòng sông, quê hương mình quá.

    Sau nhiều lần thăm ngoại, một bóng hồng của đất võ chợt đến như " cái thuở ban đầu lưu luyến ấy / nghìn năm hồ dễ đã ai quên " cuốn hút trái tim tôi và cái cầu  là chứng tích tình yêu đầu. Vào những buổi chiều hay đêm trăng sáng, tôi và nàng dạo nơi bờ sông. Con đường có lũy tre xanh, bên kia là bãi cát trắng mịn, dòng sông thơ mộng đã chứa trong lòng  tôi những kỷ niệm khó phai mờ.

    

   Con đường xưa nho nhỏ

   Nối chiếc cầu xinh xinh

   Sông bên bồi bên lở

   Nơi ta gặp mỗi tuần 

   Hôm nay trở lại cầu với nhiều thay đổi. Bến xe ngựa không còn. Dọc theo bờ sông nhiều nhà cửa mọc lên san sát. Chợ được nới rộng, to lớn, qui mô hơn. Bên kia sông, cây me, giếng nước vẫn giữ lại nhưng ở trong Bảo tàng Quang Trung hoành tráng, trang trọng hơn. Giờ đây, mỗi dịp qua cầu, một hình ảnh khó quên, biết ơn vô hạn đến ngoại và một nỗi buồn mênh mông ... 

   Cây cầu xưa vẫn thế 

   Anh lặng lẻ đi về 

   Bóng hình em xa vắng

   Buồn mỗi lần qua sông ...

 Minh Triết