Nhà Thơ Rất Huế Kiêm Thêm Đã Về Quê Hương Vĩnh Cửu

21atkdnt1
                                                                   

Chân dung nhà thơ Kiêm Thêm (1940-2021)


            Kiêm Thêm sinh ra đời là để làm thơ và vay trả nghiệp thơ. Từ những bài thơ đầu đời cho đến cuối đời đắc ý nhất của Kiêm Thêm đều “rặt Huế” hay bàng bạc về Huế nên thường được mệnh danh là “nhà thơ Huế”…

Nhà văn, nhà báo Bùi Bảo Trúc (1944-2016), với tâm hồn gốc gác miền Bắc mà cũng đồng cảm với “nỗi niềm chi rứa Huế ơi” của Kiêm Thêm da diết và nồng nàn thuở Kiêm Thêm Đứng Trước Trường Đồng Khánh (thi phẩm thứ hai của Kiêm Thêm thời 1955). Ông viết thật dễ thương, ý tình đầy tâm cảm:

Những bài thơ năm chữ, lục bát, tám chữ, tự do trong tập thơ của Kiêm Thêm là những “trầm hương dâng đời lữ thứ” của một cọng “cỏ khô mọc trên vùng đất lạ”, là những gửi gắm của ông về một “mái tam quan”, một “hạt nắng bên cồn”, “tiếng guốc khua trong trí nhớ”, một “vai cầu” ngó xuống dòng sông cũ, “ngôi trường xưa còn thơm mùi phượng vĩ”, những “ngọn rêu trong thượng thành”, những “cây thông già trên lăng Thiệu Trị”, những “tối Kim Lăng, những chiều Vĩ Dạ”... Kiêm Thêm cũng nhớ Huế một cách thân mến như Hàn Mặc Tử nhớ về những “nắng hàng cau nắng mới lên”, những vườn “xanh như ngọc”, những “dòng nước buồn thiu hoa bắp lay” và cũng như Nhã Ca nhớ “con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ”, những “cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ”, những “tháp cổ, chuông xưa, sông hiền, sóng mọn” một cách buồn tủi, hối tiếc.

Nhưng những thân mến, hối tiếc, buồn tủi mà người ta đọc ở Kiêm Thêm có lẽ còn ở một mức độ lớn hơn khi đặt cạnh những thân mến, hối tiếc, buồn tủi trong “Đây Thôn Vĩ Dạ” hay “Tiếng Chuông Thiên Mụ” của Hàn Mặc Tử và Nhã Ca, bởi lẽ Huế của Kiêm Thêm đã trở thành một nơi chốn không thể trở về được nữa.

vẫn ngơ ngác trên ngọn buồn năm tháng

vẫn vàng phai từng gót bước đi về

đời xiêu đổ tan tành thảm thiết

dấu chân đời xanh mù tắp chân trời

 

cơn hạnh ngộ tưởng gần trong gang tấc

phút tương phùng ngỡ ở giữa tầm tay

giờ sum họp mộng đời xanh lá biếc

ôi mù sa những mơ nước trong đời

ngày soi mặt thất thần lơ láo

tóc bạc phơ môi ngậm trái u buồn

tôi khâm liệm đời tôi trong dĩ vãng

chết từ khi xa ngọn cỏ quê hương

Tuy trong cùng thẳm tâm hồn, Kiêm Thêm cảm nhận “chết từ khi xa ngọn cỏ quê hương”, nhưng hôm nay mới thật sự đáp chuyến tàu đời lần cuối: Chiều hôm nay 22-1-2021, tôi được báo tin là Kiêm Thêm đã qua đời lúc 1:00 PM tại bệnh viện Huntington ở Pasadena, miền Nam California vì Covid-19.

Nếu viết về tiểu sử Kiêm Thêm có lẽ phải cần cả tập sách cho một chặng đời 80 năm từ đứa bé quê, sớm mồ côi cha ở quê hương làng Liễu Hạ đến giám đốc trung tâm UCV tại Hoa Kỳ. Nhưng thế đứng thăng trầm giữa đời thường chỉ là đua chen cơm áo. Dấu ấn đích thực của Kiêm Thêm để lại cho đời, cho Huế, cho Liễu Hạ và nhân gian là những dòng tâm bút thi ca.

Kiêm Thêm, tên thật là Trần Kiêm Thêm, sinh ngày 6-1-1940 tại làng Liễu Cốc Hạ, Hương Trà, Thừa Thiên Huế. Định cư tại Mỹ năm 1975. Thêm mất đi, để lại vợ (Đoàn Thanh Vân) và hai cháu (đều là bác sĩ) đã trưởng thành.

Kiêm Thêm sinh năm 1940, tuy hơn tôi 6 tuổi nhưng trong vòng hệ tộc Trần Kiêm lại thuộc hàng Cháu gọi tôi bằng Chú. Chúng tôi cùng sinh ra ở làng Liễu Cốc Hạ, Hương Trà, Thừa Thiên và được “du học bên Dinh” (Thành phố Huế cách làng tôi 9 km) nhưng thích sống ở làng để sớm sớm rủ nhau ra tắm bến sông Bồ và chiều chiều đuổi bắt tìm nhau hay lang thang trên đồng ruộng. Rồi cũng như lớp người trẻ cùng thế hệ và cùng hoàn cảnh, Kiêm Thêm xa làng, xa Huế, vào Sài Gòn làm báo dân, báo lính cho đến ngày rời Việt Nam, qua Mỹ.

Rồi như một sự tình cờ của lịch sử, tôi gặp lại Kiêm Thêm tại Mỹ. Thời gian, môi trường sống và mọi sự… đổi thay, nhưng Kiêm Thêm vẫn còn nguyên là bóng dáng một thời; vẫn yêu Huế, thương làng và nhớ từng bụi tre, hình dung từng ngôi miếu cũ ở đầu cồn, cuối xóm.

Rât ngỡ ngàng và xót xa khi tôi nghe tin Kiêm Thêm đã ra đi giữa mùa đại dịch. Mấy tuần trước, Thêm còn rủ tôi về nhà Thêm ở Monterey Hills uống bia và ngắm khu vườn nhỏ Thêm đã chí thú vun trồng trong những ngày sống cách ly ở nhà. Tuy từ nơi tôi ở, xuống nhà Kiêm Thêm chỉ cách khoảng 6 giờ lái xe trên đường cao tốc; nhưng con đường xa lộ bây giờ thành dài vô tận trong mùa dịch bệnh đang phải cách ly.


            Nghĩ đến người thân vừa mất mà không thể tiếp cận, thăm viếng, tôi cảm thấy như đang rẽ sang một khúc ngoặt lạ kỳ chưa từng có. Con người đối mặt nhưng lại không dám gần nhau vì sợ hãi và lẩn tránh sự đe dọa vô hình mà đầy sinh tử của dịch bệnh.

Thương nhớ Kiêm Thêm giữa hiện tại bị ngăn sông cách núi, tôi đành quay về hoài niệm qua những ký ức trên quê mẹ và quê người.

**

            Một thời, khoảng thập niên 55- 65, Kiêm Thêm nổi danh trong đám học trò Huế khi dám khoác thêm trên vai áo học trò của mình chiếc áo phiêu linh của “chàng lãng tử tài hoa” qua những dòng thơ phiêu dật:

Ô hay Xuân ngã trong lòng rượu

Nhân thế nhìn nhau lảo đảo cười

            Có thể nói nghiệp thơ đến với Kiêm Thêm ngang tầm với tuổi đời của mình, nên “Thơ là con đường tình một đời” của chàng.

            Kiêm Thêm đã làm thơ từ khi tôi còn là một chú bé quê học ở trường làng. Thuở ấy, ở những vùng quê như làng Liễu Hạ của chúng tôi được lên “dinh” học đã lá khó khăn lắm rồi. Lại có gã học trò còn được được gọi là “thi sĩ Kiêm Thêm” thì thật là ... điểm nóng đầy thu hút cho bao nhiêu cặp mắt xanh, nhất là của những nàng thôn nữ xinh như lúa mới… liếc về.  Tình yêu một đời đậm nhạt trong thơ Kiêm Thêm đều khởi điểm từ đó.

            Thơ của Kiêm Thêm vốn đã lấp lánh mực xanh, mực tím của tuổi học trò, có bóng dáng của mấy o nữ sinh Đồng Khánh; nay, còn thêm hương vị nồng nàn của tình tự quê hương, đất nước thì có túi thơ nào chở hết!

            Thế nhưng cả một đời, Kiêm Thêm vẫn là con chim nhỏ tha từng cọng rơm xây hoài hạnh phúc.

            Tập thơ mà tôi được đọc đầu tiên cuả Kiêm Thêm là thi phẩm Cọng Rơm Và Giã Biệt; trong đó, có những câu mà hơn chục năm sau; tôi còn nhớ mường tượng như nét phác thảo cánh chim phiêu lãng giữa cuộc đời thường:

             Như con chim nhỏ tha từng cọng rơm

Bấy nhiêu tháng, bấy nhiêu năm xây hoài hạnh phúc

            Hình như hạnh phúc của Kiêm Thêm là được sống chung thủy với thơ như chung thủy với chính mình.  Thật vậy, trên một chặng đường dài nơi quê mẹ đến quê người, số phận con người Việt Nam trong chiến tranh, trong hận thù áp bức; trong chiều tàn của biên kiến, vô minh cũng bập bềnh như bè lau trôi sông thì chiến đấu cho sự sống còn của bản thân và gia đình đã khó, lại còn mang nghiệp dĩ làm thơ – giữ cho thơ mình đừng thành phế liệu chiến tranh sau khi cuộc chiến đã tàn; giữ cho hồn thơ đừng tắt ngúm nơi quê người, trong hoàn cảnh tha hương tỵ nạn – còn muôn vàn lần khó hơn. 

            Nhưng Kiêm Thêm, cũng như tầng lớp nghệ sĩ Việt Nam đồng thời – nói như Phùng Quán –  “sau bao lần gục ngã, vịn thơ mà đứng dậy”. 

            Trên quãng đời dài trên 50 năm; thơ kiêm Thêm như một nhịp thở đều đặn. Thơ Kiêm Thêm có mặt khắp nơi trên báo chí và môi trường truyền thông của miền Nam  trước 1975. Sau năm 1975, thơ kiêm Thêm xuất hiện ở hải ngoại như “tiếng chim gọi đàn”:  Gọi niềm nhớ quê hương, gọi kỷ niệm một thời chia lìa thành quá khứ, gọi ân tình nhìn rõ mặt nhau. 

            Thơ Kiêm Thêm không uốn éo điệu đà, không lập dị cách tân, không biến ảo hình dáng, không nhảy vọt thành những thông điệp nhất thời mà giữ được dòng thơ tiếp nối những bước đi tới vững vàng với tâm thức lắng đọng và cảm xúc chân phương không hề suy suyển. Bởi vậy, những cảm nhận “thuần thơ” viết về Kiêm Thêm như Nguyên Sa, Du Tử Lê… hay đậm màu triết lý như Phạm Công Thiện, Thái Kim Lan… đều đưa thơ Kiêm Thêm tới một vùng trời an nhiên và thoáng đạt.

            Sáng tác không ngừng trong suốt hơn 50 năm, Kiêm Thêm đã để lại cho đời gần cả trăm tác phẩm đủ các thể loại như biên khảo, truyện, hồi ký… nhưng tinh hoa tác phẩm của Kiêm Thêm vẫn là thơ. Thơ in thành tập đã xuất bản của Kiêm Thêm có khoảng 20 tập kể từ Cọng Rơm Và Giã Biệt thuở đầu đời, Hải Đường Say NắngNgôi Nhà Trên đồi Monterey Hills (song ngữ Việt –Anh) chặng cuối đời.

Kiêm Thêm, thi nhân rất Huế đã về quê – Quê hương vĩnh cửu thuở uyên nguyên.

Kiêm Thêm ơi! Cứ thanh thản ra đi an nhiên như chú cháu mình thường tâm sự với nhau qua nhãn quan nhà Phật. Đừng bịn rịn chi nữa, dẫu đó là tình yêu thì cũng thánh hoá thành tình tự quê hương và tình người nhân ái. Chừ nhắc lại mấy câu thơ mà Thêm còn đọc lại trong lần chú cháu mình nói chuyện lần cuối cùng hai tuần trước “Có hề chi đâu chuyện mất hay còn” gởi cho ruộng đồng và ảo ảnh người thương chân đất:

                                           Vậy mà tôi đã bỏ Huế gần 50 năm
                                           Hương sen vẫn ngọt trong cổ họng
                                           Em hái trộm giùm tôi chút lá sen
                                           Che nắng che mưa mỗi khi đi trên trái đất
                                                      (Sen Đã Nở Trên Hồ Echo Park)

                                           Chén rượu đắng anh vừa nốc cạn
                                           Có hề chi đâu chuyện mất hay còn
                                           Miễn được thấy bóng hình em ẩn hiện
                                          Miễn được nhìn em quay mặt sau lưng


                                          Quá khứ ấy anh đã từng nếm trải
                                          Tình yêu kia xin trân trọng cuối đời
                                          Dẫu chấm hết anh vẫn còn bịn rịn
                                          Ôi ta yêu nhau
                                                        (Ngày Sáng Thế: Tình Yêu)

Những nhà thơ, nghệ sĩ thế hệ Chiến tranh Việt Nam lần lượt ra đi. Ai cũng biết lẽ Vô thường như lưới trời lồng lộng trên đầu, chẳng miễn trừ một ai và chẳng có ai lọt ra ngoài kẻ hở. Nhưng sự ra đi vĩnh viễn nào cũng có nỗi ngậm ngùi, tiếc thương riêng của nó.

Thương tiếc tiễn biệt và cầu nguyện vãng sanh cho hương linh Kiêm Thêm:

Vái Paramita – qua bờ bên kia – tiễn nhà thơ về miền An Lạc Vĩnh Cữu nhẹ nhàng và thanh thoát như những vần thơ tung cánh bay giữa đời và mãi mãi.

Sacramento 22-1-2021

Trần Kiêm Đoàn