"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Năm Sửu Nói Chuyện Trâu

 

Nếu căn cứ trên Hán Ngữ hiện nay thì năm Sửu không phải là năm của con trâu, mà là năm của con bò. Người Việt chúng ta gán con trâu cho địa chi sửu có thể là vì chúng ta nghe người Tàu đọc chữ “sửu” (丑) hơi giống cách chúng ta đọc chữ “trâu”, hay vì chúng ta quen thuộc với con trâu nước (chữ Hán gọi là ‘thủy ngưu’) nên chúng ta thích gọi năm sửu là năm của con trâu.

21ahvhns1Có học giả tin rằng chữ "sửu" chỉ con trâu là tiếng Việt được tiếng Tàu mượn cho nên người Tàu phải dùng chữ kép "sửu ngưu" 丑 牛 để chỉ năm sửu. Nhưng cũng có học giả cho rằng trong chữ Hán ngày xưa ngưu (牛) có thể chỉ con trâu hay con bò (1), ví dụ "ta thấy trong các tranh cổ như Lão Tử kỵ ngưu (老子騎牛) và Thập Mục ngưu đồ (十牧牛圖) đều là hình dáng của loài trâu chứ không phải là loài bò"  (2)

Theo truyền thuyết, các thú vật chạy đua, con nào đến trước theo thứ tự sẽ được đặt tên cho 12 năm trong địa chi. Con bò hay con trâu chạy nhanh nhất (nghe cũng lạ vì con bò mộng  tuy chạy rất nhanh đến 20-30 km /giờ trong các cuộc đấu bò nhưng so với con thỏ có thể chạy đến 80 km/giờ hay con cọp trên 60 km một giờ bò thì thua xa) nhưng vì con chuột ăn gian đeo trên mình con bò rồi nhảy tới trước nên đứng đầu bảng tên (Tý).

Dù sao đi nữa, chúng ta ăn Tết Việt Nam chứ không phải ăn tết Tàu, nên sẽ bàn đến con trâu. Qua bao nhiêu năm Sửu trong quá khứ của báo Tết, chúng ta không thiếu những bài viết về con trâu, trong bài này tôi chỉ nêu lên một số  khám phá gần đây về nguồn gốc con trâu trong lịch sử nó được loài người thuần hóa và sự phân phối của nó trên thế giới hiện nay. Một số khía cạnh khá thú vị về con trâu được bàn thêm trong mục tham khảo.

Cùng với Bò, Trâu thuộc họ (family) “Trâu Bò” (Bovidae), trâu tên khoa học là  Bubalus bubalis (chi: bubalus, loài/species: bubalis)  và con bò (Bos taurus; chi/genus: Bos, loài/species: taurus) có nguồn gốc khác nhau.

Bò được thuần hóa lần đầu tiên từ 8.000 đến 10.000 năm trước từ loài bò rừng aurochs (B. taurus primigenius), một loài súc hoang dã nay đã diệt chủng từng sinh sống trên khắp Âu-Á. Các loài bò aurochs hoang dã đã tuyệt chủng vào đầu những năm 1600, kết quả của việc săn bắn quá mức và mất môi trường sống do sự lan rộng của nông nghiệp (và các đàn gia súc). Ngày nay, có hai dạng bò được công nhận rộng rãi: zebu  hoặc bò có bướu từ Đông Á (humped cattle, indicine cattle, B. taurus indicus) thích ứng tốt với nhiệt độ cao và khí hậu nhiệt đới, và bò không bướu (B. taurus taurus) từ Tây Âu, mặc dù hai dạng này dễ dàng lai tạp. Các nghiên cứu di truyền cho thấy rằng cả hai dạng đều có nguồn gốc từ aurochs, nhưng chúng là sản phẩm của các sự kiện thuần hóa độc lập. Những vùng thuần hóa đầu tiên có lẽ ở vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà) ở Trung đông , Pakistan hiện nay và Bắc Phi Châu.(3)

Trâu nước châu Á (Asian water buffalo) được thuần hoá (Bubalus bubalis) là một nguồn tài nguyên động vật quan trọng, cung cấp sức kéo, sữa và / hoặc thịt ở ít nhất 67 quốc gia, và nhiều người phụ thuộc vào loài này để kiếm sống hơn bất kỳ loài vật nuôi nào khác .(4)

Căn cứ trên hình thái và tập tính, có thể phân biệt hai loại trâu nước Châu Á thuần chủng. Trâu sông có nguồn gốc từ tiểu lục địa Ấn Độ và đã lan rộng về phía tây đến tận vùng Balkan, Hy Lạp, Ai Cập và Ý, trong khi trâu đầm lầy được tìm thấy ở khắp Đông Nam Á, từ vùng Assam ở Đông Bắc Ấn Độ  và Bangladesh ở phía tây đến thung lũng sông  Dương Tử của Trung Quốc ở phía đông. Miền đông Ấn Độ (Assam) và Bangladesh là nơi hai loại trâu này đều có mặt, có lẽ chúng được người đem về vùng này sau khi đã được thuần hoá ở hai chỗ khác nhau, một bên là tiểu lục địa Ấn độ về phía tây, bên kia là về phía Miến Điện về phía đông, hai vùng có hai lĩnh vực sinh-địa lý học khác nhau do một dãy núi ngăn cách (hệ thống núi Arakan  nằm phía tây của Myanma / Miến Điện).

Về hình thái (hình 1), trâu sông có thân màu đen và sừng cong, trong khi trâu đầm lầy thường có màu xám đen với các sọc trắng hình chữ V (chevron) (một hoặc hai sọc trắng trên họng), vùng tất (stock) và cuối đuôi, và sừng tương đối thẳng, đôi khi dài (Hình 1c), màu nhạt.

Về di truyền hai loại cũng khác nhau về đặc tính một số gen và về số lượng nhiễm sắc thể. Trâu sông có 25 cặp nhiễm thể (2n = 50) và trâu đầm lầy có 24 cặp (2n = 48) do sự hợp nhất của nhiễm sắc thể 4p và 9. Do đó  trâu sông và trâu đầm lầy, được phân loại thành hai loài phụ riêng biệt, tương ứng là Bubalus bubalis bubalis và Bubalus bubalis carabanesis.(5)

21ahvhns2

Fíg 2: Sự biến đổi hình thái ở các giống trâu nước Châu Á. (a) Thượng Hải, kiểu trâu đầm lầy từ Trung Quốc; (b) Toraja Spotted, kiểu trâu đầm lầy từ Indonesia; (c) Sylhet, kiểu trâu đầm lầy từ Bangladesh; (d) Loại trâu sông Địa Trung Hải; (e) Murrah, kiểu sông từ Ấn Độ; (f) Nili Ravi, loại trâu sông từ Pakistan.

Nguồn các hình ảnh - (a) Shengli Zhang, (b) Eka Meutia Sari, (c) Md. Omar Faruque, (d) Caterina Cambuli, (e) Md. Omar Faruque, (f) Yi Zhang.

(From Y. Zhang  L. Colli  J. S. F. Barker)

 Các tài liệu về khảo cổ và lịch sử cung cấp rất ít bằng chứng liên quan đến sự bành trướng của trâu đầm lầy. Các phân tích  về  gen (mtDNA và microsatellite)  cho thấy trâu đầm lầy được thuần hóa ở khu vực nam Trung Quốc, bắc Thái Lan và Đông Dương. Sau khi được thuần hóa ở khu vực này, trâu đầm lầy lan rộng về phía nam qua bán đảo Malaysia đến các đảo của Indonesia (Sumatra, Java và Sulawesi), bắc / bắc ‐ đông vào miền trung Trung Quốc, và sau đó qua một tuyến đảo phía đông qua Đài Loan đến Philippines và Borneo (Hình 2). Nói tóm lại, có những bằng chứng cho thấy vùng biên giới Trung Quốc / Đông Dương có khả năng nhiều nhất là trung tâm đầu tiên thuần hóa con trâu đầm lầy.

Sự phân tán trên đại lục Đông Nam Á và Trung Quốc:

    • về phía nam qua sông Mekong và xa hơn về phía nam, cả đông và tây sông Mekong,
    • về phía đông và sau đó là phía bắc, qua các vùng ven biển và
    • về phía bắc đến sông Dương Tử và sau đó là thượng nguồn cũng như hạ lưu (Hình 2).

Sau đó, có thể trâu được phân tán từ lục địa về phía nam qua Malaysia, qua Indonesia  đến đảo Sumatra và xa hơn về hướng đông đến Nusa Tenggara, và thông qua một tuyến đường phía bắc từ Trung Quốc đến Philippines. ( Theo Zhang ; 2)

Nói tóm lại, con trâu đầm lầy (swamp water buffalo) của chúng ta khác con trâu sông (river water buffalo) về hình thái cũng như về di truyền, được thuần hóa lần đầu có lẽ ở vùng giữa Việt Nam và nam Trung quốc từ thời đồ đá mới (6000 -4500 năm trước Công Nguyên)  và sau đó được phổ biến qua những vùng khác ở Đông Nam Á, phía bắc của Trung quốc và các đảo Tây Thái Bình Dương.

21ahvhns3

 

 

Fig 2: Bản đồ cho thấy các mô hình phân tán được đề xuất của cả trâu sông (river buffalo) và trâu đầm lầy (swamp buffalo). Mũi tên đứt nét màu đỏ là một con đường di cư sớm và độc lập có thể đã dẫn trâu sông vào châu Âu, theo đề xuất của Colli et al. (2018).

(From: Y. Zhang  L. Colli  J. S. F. Barker)

 21ahvhns4

  

Fig 3; Phân phối toàn cầu của loài Trâu sông gốc Châu Á.

Global distribution of Asian water buffalo. Data of 67 countries/regions from Table S1. Population sizes/country coded as: 1, 1–1000; 2, 1001–10 000; 3, 10 001–100 000; 4, 100 001–1 000 000; 5, 1 000 001–10 000 000; 6, 10 000 001–100 000 000; 7, >100 000 000.

(From:Y. Zhang  L. Colli  J. S. F. Barker)

 

Chú thích:

1) Theo Nguyễn Cung Thông:

“Nghĩa chung của ngưu chỉ trâu bò dẫn đến cách dùng mơ hồ của cụm từ Sửu Ngưu 丑 牛 trong văn hoá Trung Quốc/TQ. Mười hai con giáp (sanh tiêu) của TQ thường là từ ghép như Tý Thử 子鼠 , Sửu Ngưu 丑 牛 , Dần Hổ 寅虎 , Mão Thố 卯兔 ... hầu như để nhắc nhở dân Hán nghĩa nguyên thủy của các loài vật tương ứng - điều này khác hẳn với văn hoá ngôn ngữ dân Việt. Người Việt không bao giờ nói ’Sửu Trâu’ cả (vì Sửu chính là tiếng Hán gốc Việt là Trâu; xem Nguồn gốc Việt Nam của tên con giáp Sửu/tlu/trâu (phụ lục 11A)), ta thường nói tuổi Sửu hay tuổi (con) trâu. Thêm vào đó là người TQ lại có khuynh hướng dùng bò (ox) thay vì trâu (buffalo, water buffalo) trong Sửu Ngưu 丑 牛thay vì trâu (buffalo, water buffalo) của Việt Nam.”

(Ngưu là trâu hay bò ?

https://dongtac.hncity.org/spip.php?article2724)

2) Mười bức tranh chăn trâu ( Thập mục ngưu đồ) là hình thức dạy “thuật luyện tâm” trong Phật giáo, được hình thành từ lúc nào không rõ. Theo Tâm Minh Ngô Tằng Giao:

“Đại thừa lấy việc chăn trâu dụ cho việc điều tâm, luyện tâm. Cái tâm đó, nguyên lai thuần hậu, nhưng đã bị đánh lạc mất, để nó chạy rông, buông lung theo sở thích không biết gì đến những hiểm nguy rình rập, cho nên phải tìm lại, và chế ngự cho thuần tính. Cái tâm vọng động xấu xa lần hồi được gạn lọc khỏi các cấu nhiễm trần gian sẽ sáng dần lên và từ chỗ vô minh sẽ đạt tới cảnh giới vòng tròn viên giác. Đó là tượng trưng cho phép tu “tiệm”. Theo phép tu tiệm thì phải tốn rất nhiều công phu mới tiến đến được từng nấc thang giác ngộ. Nhờ công phu, cái vọng tâm lần hồi gạn lọc được trần cấu mà sáng lần lên, cũng như nhờ được chăn dắt mà con trâu hoang đàng lâu ngày trở nên thuần thục dần dần và lớp da đen dơ dáy trắng lần ra.

 Tâm là con trâu, người chăn là mình. Vì có trâu nên có mục đồng, vì có tâm nên có cảnh. Từ khi tìm được trâu để chăn cho đến khi việc chăn thành tựu phải trải qua mười giai đoạn, được minh họa bằng mười bức tranh liên hoàn. Tranh chăn trâu Đại thừa nhằm vào sự cột trâu, tức là điều tâm, luyện tâm.” (fig4)

https://thuvienhoasen.org/a4120/4-tranh-chan-trau-dai-thua

21ahvhns5

Fig 4:Thập mục ngưu đồ

 

21ahvhns6

3) Bò rừng châu Âu hay Aurochs (Fig 5)

Theo bảo tàng Paleontologisk, Đại học Oslo, bò Tur có nguồn gốc từ Ấn Độ cách đây vài triệu năm, đã di cư đến Trung Đông và đi sâu vào châu Á, và đến châu Âu cách đây 250.000 năm

https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%B2_r%E1%BB%ABng_ch%C3%A2u_%C3%82u

 https://www.britannica.com/animal/cow

4) Asian water buffalo: domestication, history and genetics

Tác giả : Y. Zhang  L. Colli  J. S. F. Barker

https://doi.org/10.1111/age.12911

5) Về từ “ carabao” trong tên  khoa học của trâu nước đầm lầy: Bubalus bubalis carabanesis:

Carabao (tiếng Tây Ban Nha: Carabao; Tagalog: kalabaw) là một loài trâu nước sống ở đầm lầy (Bubalus bubalis) có nguồn gốc từ Philippines. Mặc dù quan niệm phổ biến cho rằng loài bò này đã được công nhận là động vật quốc gia của Philippines,  Ủy ban Quốc gia về Văn hóa và Nghệ thuật Philippines đã tuyên bố rằng điều này không có cơ sở trong luật pháp Philippines.

Carabao được đem vào Guam từ Philippines thuộc Tây Ban Nha vào thế kỷ 17. Chúng có ý nghĩa văn hóa to lớn đối với dân Chamorro bản địa và được coi là động vật quốc gia không chính thức của Guam. Ở Malaysia, carabao (được gọi là kerbau trong tiếng Mã Lai) là động vật chính thức của bang Negeri Sembilan. Trâu Ngố, trâu Gié ở (Việt Nam)(Theo wikipedia).

Hồ Văn Hiền

Ngày 31 tháng 1 năm 2021