"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

                                                           THỤC OANH

 

Thục Oanh đáp máy bay từ New York đến Phoenix để cùng tôi mừng sinh nhật năm nay. Chúng tôi thường có những buổi mừng sinh nhật chung vì Thục Oanh và tôi có ngày sinh chỉ cách nhau một tuần.

 

Khác với những lần trước, Thục Oanh muốn tổ chức sinh nhật năm nay thật đặc biệt chỉ riêng hai chúng tôi là để tạo niềm vui tinh thần mong muốn giúp tôi có thể dễ dàng vượt qua cơn bệnh mà cô biết điều trị rất khó khăn. Thục Oanh đang làm việc cho một cơ quan y tế quốc tế có trụ sở tại New York, cô cũng định đến thăm tôi trước khi nhận việc mới ở cao nguyên Trung Phần Việt Nam, một việc mà cô mơ ước nhưng đã hơn mười năm từ khi cô ra trường mà cho đến hôm nay mới có cơ hội nên Thục Oanh vui mừng đến rơi lệ. Cô học ngành nhi khoa miền nhiệt đới tại trường Y khoa New Mexico. Trường này đã cấp nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam du học trước năm 1975, và nổi tiếng trên thế giới về môn mà Thục Oanh theo học. Tốt nghiệp chuyên khoa này nên Thục Oanh thường được đề cử đi phục vụ tại các nước Đông Nam Á hoặc Phi Châu. Tâm niệm của cô là muốn chăm sóc cho trẻ em ở những xứ sở còn thiếu thốn mọi phương tiện về y tế xã hội nên tỷ lệ số trẻ em tử vong còn khá cao so với những vùng khác mà trong số đó có Việt Nam là nơi cô được sinh ra.

 

Nhớ lại buổi đầu gặp Thục Oanh, hôm ấy là lễ hội Mừng Xuân do cộng đồng người Việt tại Albuquerque New Mexico tổ chức, Thục Oanh hướng dẫn hội Sinh Viên VN trường New Mexico of University đóng góp vài tiết mục văn nghệ và giúp Ban Tổ Chức phần tiếp tân, còn tôi được BTC giao cho việc kéo màn. Thục Oanh biết tôi qua chương trình xã hội của nhà thờ giúp đỡ đồng hương mới đến định cư, tôi biết cô qua các buổi sinh hoạt văn hóa, từ thiện và thanh niên của hội SV. Cô có tinh thần phục vụ tha nhân khá cao, đặc biệt là cô có tài nói chuyện rất lưu loát trước đám đông nên tôi có nhiều cảm tình với cô nhưng chúng tôi chưa có dịp quen nhau. Cơ hội đứng bên trong hậu trường này là cái duyên gặp gỡ giữa chúng tôi:

-         Chào cô .

Thục Oanh không trả lời chỉ gật đầu chào lại, cô mở to đôi mắt nhìn thẳng vào mắt tôi, trước phản ứng đó làm tôi bối rối. Tôi nói ngay ý nghĩ của mình đang có:

-         Tôi rất cảm mến cô qua đức tính và bản năng và cũng rất quý mến cô bởi tấm lòng thiết tha với dân tộc, gắn bó với quê hương. Tôi có thể gặp lại cô sau buổi lễ ?

Khi nói xong tôi mới thấy mình hơi đường đột, định nói lời xin lỗi. Nhưng tôi ngạc nhiên, thái độ ngổ ngáo của Thục Oanh vừa rồi biến đi đâu mất, cô biểu lộ rõ rệt sự lúng túng chỉ “dạ” một tiếng nhỏ nhẹ. Thế rồi những buổi đi chơi cuối tuần ở Santa Fé, đi Tramway và đi dã ngoại trên Cedar Crest Park. Có lần chúng tôi cùng nhau leo lên Bloon bay qua vùng trời NM, lờ lửng giữa không gian bao la bát ngát đóThục Oanh và tôi cảm thấy gần gủi và thân thiết nhau hơn. Tôi làm ngay một bài thơ để tặng cô:

 

Cánh chim trời lộng gió

Vút trời xanh bao la

Tình yêu ta vẫy gọi

Em chấp cánh tung bay

 

Trong ánh nắng mai hồng

Tiếng thiên thần ca vang

Chúng ta làm gạch nối

Thượng đế với trần gian

 

Bất chợt Thục Oanh nhìn tôi với ánh mắt quyến rủ kỳ lạ. Cô đón nhận trọn vẹn nụ hôn của tôi. Hai ngấn lệ long lanh trong khóe mắt của cô sau khi hôn, đó là món nợ tôi thiếu cô mà tôi không bao giờ trả được.

 

Nhân lúc việc làm khó khăn ở Albuquerque, tôi qua Phoenix tìm việc làm khác và cũng muốn ở gần với những người họ hàng xa gần. Trong khi Thục Oanh đang học những năm cuối của chương trình nên cô miệt mài đèn sách, thỉnh thoảng chúng tôi mới liên lạc thăm hỏi nhau. Tưởng đâu cuộc tình của chúng tôi chỉ là mong manh sương khói thế thôi, nhưng có duyên thì cũng sẽ gặp lại. Thời gian thực tập trước khi tốt nghiệp Thục Oanh làm việc tại Phoenix Children Hopital.

 

Đến Phoenix cô gặp lại tôi và Thục Oanh không tích cực tham gia sinh hoạt cộng đồng như khi còn ở NM vì cô không hứng thú với cách làm việc của quý vị này trong thời gian đó, nhưng cô luôn sát cánh với tôi trong các công tác từ thiện và sinh hoạt thanh niên. Chúng tôi thường hẹn nhau ăn cuối tuần ở quán Trick’s đường 7 Ave và Mill thuộc Tempe, cái quán rất tình tứ dễ thương, thực khách rất lịch sự và những kỷ niệm giữa Thục Oanh và tôi ở đây cũng thật đẹp. Đáng nhớ nhất là buổi đi trại ở Cave Creek trên đỉnh Tonto nằm về phía đông bắc thành phố chừng 60 dậm, trước khi Thục Oanh về trường làm lễ tốt nghiệp và sau đó đi nhận việc ở New York. Tiếng hát của cô dịu dàng ấm áp như lời tâm tình của mình chia sẻ đến với các bạn trại sinh quyện lẩn vào ánh lửa bập bùng vang đi trong rừng khuya:

 

Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người

Gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối

Gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này

Tình yêu thương trao nhau xây đáp nên tình người

Cho dù rừng thay lá xanh đi, cho dù biển cả có phân ly,

Ta vẫn yêu thương nhau mãi mãi ….!

 

Thục Oanh và tôi là hai người ngồi lại sau cùng của buổi lửa trại. rừng càng về khuya càng lạnh, đống lửa tàn dần không đủ sưởi ấm nên chúng tôi ngồi sát vào nhau cho đỡ lạnh. Thay lời từ giã Thục Oanh hát nho nhỏ vừa đủ để tôi nghe:

 

Màn đêm buôn lơi theo ánh lửa dần tàn

Tình anh em ta theo ánh lửa tràn lan

Tim ta đây còn khắc ghi bao nhiêu mối tình mặn nồng

Lửa đêm nay tan nhưng lửa thiêng còn cháy âm thầm ngàn đời

Biệt ly muôn phương ta nguyền đem lửa thiêng rải rác khắp chốn

Mong mai sau ngọn lửa thiêng cháy lên thắp lòng mọi người.

 

Dòng hồi tưởng miên man trở về trong ký ức, đó là những kỷ niệm mà Thục Oanh và tôi đều cho là không thể nào phai nhòa được.

 

***  

 

Thục Oanh đặt bàn sẳn ở T- Cook’s Restaurant, một nhà hàng Pháp nổi tiếng nằm trên đường Camelback, khoảng gần 46 St thuộc thành phố Scottsdale. Có lần Tổng Thống Bush đi kinh lý tiểu bang Arizona buổi ăn tối của ông được tổ chức tại đây. Tôi hiểu được tấm lòng của Thục Oanh đối với tôi nhưng không ngờ cô đặt tiệc tại nhà hàng sang trọng đứng hàng đầu của Arizona này. Sự ưu ái đặc biệt của Thục Oanh dành cho tôi hôm nay làm tôi thật cảm động.

 

Thấy tôi có vẻ mệt mỏi và hơi tiều tụy cô rất ái ngại nhưng cô lúc nào cũng muốn tạo nên bầu không khí ân cần vui tươi vì hôm nay là mừng sinh nhật cho cả hai người. Đúng ra là Thục Oanh muốn an ủi và chăm sóc cho tôi nhiều hơn, sức khỏe của tôi ra sao không thể nào qua mắt được một Bác Sĩ như cô. Tôi biết Thục Oanh lo lắng, liệu phương thuốc trị liệu không có kết quả thì làm sao đây?

-         Anh Uy! Đối với một người rất đặc biệt như anh, sinh nhật hôm nay của anh, em muốn cũng thật đặc biệt như vậy.

-         Cảm ơn Thục Oanh, cảm ơn em.

 

Thục Oanh lấy order tránh những món mà tôi phải kiêng cữ như rượu khai vị, có hàm lượng chất béo quá cao như gan ngổng. Thức ăn toàn là những món danh tiếng được nấu nướng từ cá, món trứng cá hồi theo kiểu Pháp là lần đầu tiên tôi được nếm thử. Chúng tôi chăm chú thưởng thức hương vị đặc biệt của từng món ăn, thỉnh thoảng nhìn nhau mỉm cười hài lòng.

 

Thường khi Thục Oanh trước đám đông thì thao thao bất tuyệt, nhưng những buổi đi chơi với tôi cô lại hay im lặng, và tôi cũng vậy. Chúng tôi nghĩ chỉ cần một ánh mắt nhìn nhau cũng đủ diễn tả cả một trời yêu thương đằm thắm, như thế cũng đủ lắm rồi. Lần này thì khác, cô hỏi tôi nhiều về những chuyện xa xưa:

-         Bài “Con chim Oanh trên đất Mỹ” ký tên Nguyễn Hoàng có phải của anh viết không?

 

Tôi nhìn Thục Oanh dò xét và nói đùa với cô:

-         Bài đó của Nguyễn Hoàng viết mà.

 

Thục Oanh nhíu mày mỉm cười tỏ vẻ không hài lòng câu trả lời của tôi, cô nói:

-         Tác giả đã mượn chim Oanh là tên của em để viết về một cuộc tình, bài viết khá hay. Em muốn biết người viết thật sự là ai? Tác giả khéo léo gởi gắm tâm sự mình trong đó, em nghĩ ở AZ này không có mấy người viết được một bài như vậy. Anh nên nhớ rằng em là một y sĩ chớ không phải là người viết lách như anh suy nghĩ rồi tưởng tượng lung tung, hử?!

 

Tôi cười gật đâu thú nhận và nói:

-         Nhưng em nói “ở AZ này không có mấy người viết được một bài như vậy” mười năm trước thì có thể đúng nhưng bây giờ thì khác, có nhiều cây viết xuất sắc lắm em à. Em đọc trong Bút Tre sẽ thấy.

-         Tờ Bút Tre khá lắm! Cô MT giỏi thật! Em thấy bầy cọp con của anh cô nào cũng xuất sắc hết. Còn các cô khác bây giờ ra sao? Vẫn còn liên lạc với nhau thường?

-         Vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Mấy cọp con bây giờ có con trở thành cọp mẹ hay cũng sắp sửa hết rồi, chỉ có MT còn xách xe không chạy vòng vòng.

-         Em nhớ lúc trước anh nói không phải chỉ có bầy cọp con mà còn có “Cữu Long Công Chúc” và “Thất Hiệp” nữa mà, sao phong trào thanh niên ở AZ bây giờ im lìm quá vậy?

-         Trách nhiệm đó là do những người lãnh đạo Cộng Đồng, không đưa ra được một chương trình hay một kế hoạch khả dĩ có thể lôi cuốn thanh niên để trở thành một phong trào như mười năm trước đây chúng ta đã làm.

 

Thục Oanh trầm ngâm một lúc rồi cô nói:

-         Trại Hè thanh thiếu niên, giải thể thao hàng năm mỗi lần tổ chức có đến hàng trăm thanh niên sinh viên, học sinh tham gia thật là vui mà không duy trì được đáng tiếc thật! Em nghĩ quý vị Cộng Đồng nên có cái nhìn xa hơn, rộng lớn hơn và phải có chương trình đào tạo thế hệ lãnh đạo nối tiếp. Nhìn đi, Gia Đình Phật Tử hay Thiếu Nhi Thánh Thể sở dĩ luôn tồn tại và phát triển là vì bao giờ họ cũng có chương trình thường xuyên huấn luyện cấp trưởng. Một tổ chức mà không có chương trình hay kế hoạch gì để đạt đến mục đích của dự hướng tương lai thì không thể gọi là một tổ chức được! Trên 30 năm rồi, dân số người Việt tại AZ tăng hơn 10 lần, đời sống đã ổn định thì Quý Vị lãnh đạo Cộng Đồng nên bước thêm một bước nữa hội nhập vào cộng đồng các sắc dân Á châu và cộng đồng Hoa Kỳ. Nếu không có ý niệm này ngày hôm nay thì năm năm nữa, cũng có thể là mười năm nữa chúng ta chưa có được tiếng nói ở cấp thành phố như cộng đồng người Hoa hiện nay tại Phoenix!

 

Chúng tôi gặp nhau mà nói chuyện “vác ngà voi” thì chẳng bao giờ chấm dứt, nên tôi nhắc Thục Oanh:

-         Em à, hôm nay là mừng sinh nhật của chúng ta, nói chuyện của mình đi.

Chúng tôi cùng cười, Thục Oanh nói tiếp:

-         Thôi được, em nói chuyện khác. Có một lần lâu lắm rồi sao anh lại ví đôi mắt của em như đôi mắt cọp? Bộ anh thấy mắt em dử lắm hở?

-         Ơ! … Anh nhớ ra rồi cũng hơn mười năm qua, em nhớ dai thật! Hôm đưa em đi chơi ở Santa Fé vào viếng viện bảo tàng nghệ thuật của người Indian, em với anh ngắm bức tranh thiếu nữ Indian đang thổi sáo dưới trăng của họa sĩ nào đó mà anh quên tên đã vẽ vào năm 1975. Điểm độc đáo của họa sĩ này là diễn tả đôi mắt, nếu người xem cho là cô gái nhớ nhung người tình, hoặc nỗi niềm u uất của người thiểu số mà những đồng cỏ của họ bị cường bạo giày xéo, điều nào thấy cũng đúng hết. Em hỏi “Đôi mắt của em có giống như đôi mắt cô gái Indian thổi sáo đó không?”  Anh hiểu em đang suy nghĩ về cuộc tình này và thân phận con người của quốc gia nhược tiểu phải tha hương như em cũng đúng vào thời điểm năm 1975, đôi mắt của em có giống như cô gái trong tranh đó không? Lúc đó anh muốn trêu em đó thôi nên mới trả lời: “Đôi mắt của em là đôi mắt cọp!”

Thục Oanh ngắt ngang câu nói của tôi:

-         Tại sao vậy ?

-         Em có đôi mắt đẹp kỳ lạ, mỗi khi anh nhìn vào đôi mắt em là như anh bị em thôi miên, giống như chúa sơn lâm nhìn con nai con thì chú nai vàng ngơ ngác chỉ còn chờ chết mà thôi!

Thục Oanh chẩu môi nguýt tôi:

-         Em có bao giờ muốn ăn thịt anh đâu ?

Tôi ra dấu cho nhà hàng, anh hầu bàn trịnh trọng đem cái bánh sinh nhật ra và không quên lịch sự ngỏ lời chúc mừng hai chúng tôi.

-         Thôi, hôm nay là sinh nhật của chúng mình mà cứ nói chuyện gì đâu đâu. Trước khi thổi đèn cầy em có ước nguyện gì trong tương lai?

-         Không được, em hỏi anh trước. Ước nguyện gì của anh hôm nay?

-         Anh chỉ ước mong trên bước đường phục vụ tha nhân em gặp nhiều may mắn và toại nguyện, và niềm hạnh phúc thật sự đến với em.

Có lẽ chạm đến niềm trắc ẩn trong lòng cô nên Thục Oanh hơi cúi xuống man mác buồn:

-         Em cảm ơn anh. Em cũng thường xuyên cầu nguyện cho anh sớm bình phục và mọi sự tốt đẹp đến với anh.

-         Cảm ơn em.

 

Trước khi ra về chúng tôi im lặng đứng bên nhau một lúc lâu.

Thục Oanh xa xăm nói với tôi:

-         Khi một người nói cám ơn người khác là họ có mắc nợ người kia, anh nói cám ơn em, em lại nói cám ơn anh bù trừ qua lại vậy ai mắc nợ ai? Nhưng thế nào đi nữa em cũng muốn anh thiếu nợ em để kiếp sau anh phải gặp lại em để trả nợ!

Đó chỉ là câu nói đùa của Thục Oanh thôi, nhưng tôi hiểu được nổi buồn xa vắng trong lòng cô.

-         Cám ơn Thục Oanh, cám ơn ơn trên đã cho Thục Oanh và anh gặp nhau trên bước đường tha hương, trên con đường phục vụ tha nhân chúng ta có những kỷ niệm thật đẹp đáng ghi nhớ trong cuộc đời.

Thục Oanh quay mặt đi không muốn cho tôi thấy những giọt lệ của cô đang lăn dài trên má. Chúng tôi ra xe để về khách sạn, và sáng hôm sau Thục Oanh đi chuyến bay đầu tiên trở về New York.

Tôi bâng khuâng nhìn theo Thục Oanh, hình bóng đó chắc chắn sẽ còn in đậm mãi trong tôi.

 

Lê Hữu Uy