KÝ ỨC VỀ MỘT DÒNG SÔNG 

 

  Sông Côn đã gắn liền với quê hương tôi từ bao đời nay. Sâu đậm nhát là lúc tuổi thơ sống cùng gia đình, ông bà nội, ngoại. Mỗi khi có dịp về thăm , đi theo con đường dọc bờ sông từ quê nội dến thượng nguồn ( quê ngoại ) là ký ức khó phai mờ trong tôi.


Rời quê hương ngày ấy tuổi thơ

Ký ức - dòng sông êm đềm chảy

Tan học về cùng nhau chạy nhảy 

Lùa trâu qua khúc cạn, bãi bồi 

  Quê nội tôi được nhiều người biết đến với địa danh Bàu Sấu. Nơi đây có trận thủy chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn do Mai Xuân Thưởng chỉ huy với quân Pháp, tương truyền máu đỏ loang cả ngã ba sông. Bàu Sấu, khi ấy đối với tôi thật thiêng liêng, nước sâu thẳm và khi tôi ở không còn " ... những ngày tết, lễ rủ nhau đến bến đò Bàu Sấu coi đua sõng, thi bơi, bắt vịt trên sông ... Cũng tại bến sông này, cứ theo tiết Đông chí là mùa cá lúi lên, hàng năm - bảy chục chiếc sõng, chài của ngư dân gần xa đến tung chài bắt cá. Dưới sông, trên bờ người đông như hội, quên cả cái lạnh cắt da, kéo mẻ chài bắt gọn bầy cá như tấm chiếu trải, trút đầy sõng ... " ( Theo tác giả Chính Đức - Ký ức bên dòng sông - Văn Nghệ An Nhơn Xuân 2012 ). Cạnh Bàu Sấu là ngã ba, có trường Tiểu học, lớp trẻ chúng tôi, vào những đêm trăng sáng thường tập trung chơi đủ cả trò dân gian, nào là u quạ, bịt mắt bắt dê, đá lon, lừa cù, chọi vụ ... Tôi nhớ nhất trò chơi đánh giặc giả. Nhóm chia phe đánh nhau, vũ khí tạo bỡi cành cây chữ V, đạn dược được trang bị cả túi sỏi nhỏ. Đôi khi bị u đầu, sứt trán nhẹ thì ai nấy đều âm thầm chịu đựng , đâu dám mách với gia đình. Có lần tôi bị đạn trúng nơi đầu, máu chảy nhiều, cuối cùng được ông anh đưa xuống bệnh viện tỉnh đốt cục thịt cứ lồi ra mãi. Vào những buổi chiều hay trưa nóng nực, rảnh rổi vào sân trường đá banh, quả banh nhựa, chân trần, gôn là quần áo hoăc đôi dép,. nhiều lúc về nhà quên. Đám trẻ chúng tôi hồn nhiên, thật thà nên khi ra tìm lại, may mắn vẫn còn chỗ cũ. Chúng tôi thay đổi trò chơi liên tục, có khi tổ chức cút bắt, nô đùa trên bãi cát, thấm mệt đua nhau xuống  sông ngụp lặn, bơi lội thỏa thích. Kỷ niệm đến hôm nay tôi không bao giờ quên là sắp chết đuối. Chả là tôi cùng ông chú ra sông tắm. Mãi say mê bơi lội, bỗng đôi chân tôi bị tụt dần xuống dòng nước . Tôi cảm thấy như mình đã chết, lúc đó linh cảm tôi nghĩ đến một người mình yêu thương nhất, thầm thì nói : Mẹ ơi, cứu con với ... Rồi như có phép màu nào đó nâng tôi lên ... Bàu Sấu ngày ấy tấp nập, là bến đò giao thương, con đường đến các thôn, xã khác, giờ đây trông hoang vắng. Hình như chẳng có ai qua lại, có chăng chỉ còn bước chân của nông dân thi thoảng làm ruộng, thăm soi hay những dấu chân của đàn trâu, bò gặm cỏ, uống nước.

   Dù gia đình chúng tôi ở xa nhưng những ngày tết cổ truyền, tế hiệp, nếu có điều kiện thuận lợi chúng tôi về. Lộ trình tuy có thay đổi theo chuyến đi. Vẫn là thắp nhang mộ ông bà , rảnh rỗi ghé qua hai căn nhà cũ đã từng sinh sống. Hai căn nhà đều lợp tranh, vách đất. Phía trước là dòng sông, sau là cánh đồng lúa , trên gò đồi có ngôi chùa và dãy nhà bà con. Chút ngậm ngùi, xót xa khi cảnh nhà đã tan hoang hay đã có chủ mới. Bỗng hình ảnh nội hiện về khi thấy giếng nước, cây mít vẫn còn.


Nay trở lại cảm thấy bồi hồi 

Cảnh cũ vườn xưa đâu còn nữa 

Túp lều tranh quây quần bếp lửa 

Kể nhau nghe bao chuyện nắng mưa...

   Rời quê nội, tôi đi theo con đường dóc bờ sông về thượng nguồn để đến quê ngoại. Giờ đây đã nhiều thay đổi. Nhà cửa khang trang trong vườn cây trĩu quả. Vần hàng tre xanh che bóng mát nhưng các guồng xe nước không còn nữa. Tôi nhớ như in , khi ấy đến chỗ này tôi thường dừng chân nghỉ mệt, lấy đôi bàn tay hứng từng giọt nước trong lành lên da mặt, nghe âm thanh réo rắt từ các ống tre để tưới cho cánh đồng quê nhà. Thật ngẫu nhiên, đầy thú vị khi quê nội, ngoại tôi đều ở bên tả, hữu sông Côn và nằm cạnh hai làng võ nổi tiếng An Vinh, An Thái. Quê hương tôi là vùng địa linh, sản sinh ra nhiều thủ lĩnh hào kiệt của phong trào Tây Sơn. Ngoài ra có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịc sử. Tiêu biểu là hai ngọn tháp Dương Long, Thủ Thiện. Đây cũng là quê của ông, bà ngoại. Mỗi khi qua đây, tôi chợt nhớ , biết ơn vô hạn với ông bà. Chạnh lòng nghe câu ca : 

" Vững vàng tháp cổ ai xây

Bên kia Thủ Thiện bên này Dương Long

Nước sông trong dò lòng dâu bể 

Tiếng anh hùng tạc để ngàn thu

Xa xa chim én liệng mù 

Tiềm long hỏi chốn vân du đôi ngày  "

  Rời quê ngoại để về phố núi, có lúc tôi không theo Quốc lộ mà theo con đường bê tông phía bên kia đến Phú Lạc. Lối đi dọc theo bờ sông, đôi lúc xen giữa đồi núi chập chùng, bờ đê, đồng lúa, nương dâu xanh mượt. Tôi dừng chân nơi cầu Vân Phong. Cầu mới khánh thành, nối với đập Vân Phong, nơi điều tiết nước, tạo sự thuận lợi cho giao thông, thủy lợi cho đồng lúa quê hương. Mặt trời trên đỉnh đèo chiếu những tia nắng xuống làn nước trong xanh, tạo thành sắc cầu vòng lung linh, mờ ảo. Những cơn gió mát thoảng qua mặt nước lăn tăn, núi non trùng điệp như bức tranh hùng vĩ nhưng cũng đậm chất thơ, trữ tình, lãng mạn. 

   Sông Côn hiền hòa, đã gắn bó tuổi thơ êm đềm của tôi. Cứ tưởng cuộc đời sẽ bình yên, dòng sông sẽ nuôi tôi đến khi khôn lớn ở một vùng quê yêu dấu. Nhưng cuộc đời không như mơ ước ...

    Trở lại nơi này, dòng sông con nước vẫn lững lờ chảy. Nhà xưa, cảnh cũ đã vào xa vắng. Lòng cảm thấy bùi ngùi, xúc động 

Chiều nay về bến cũ thân thương

Bâng khuâng hiu quạnh bước trên đường 

Dòng chảy hững hờ theo năm tháng 

Có kẻ mong chờ dạ vấn vương 

 Minh Triết