"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

 

NÉT VĂN HOÁ PHẬT GIÁO THỜI ĐẠI
về đâu sen và sóng?

Hoa sen vốn tĩnh. Sóng đời vốn động. Tĩnh thắng động thì an nhiên. Động thắng tĩnh thì náo nhiệt. Cửa thiền xưa nay vốn cửa không. Tâm người ví như hoa sen. Hoa sen trên mặt hồ phẳng lặng thì thấy được cả trời lẫn bóng nguyên hình. Hoa sen trên sóng thì trời nghiêng, bóng đảo. Văn hóa Phật giáo trước những thách đố thời đại thường được ví với hình ảnh hoa sen trên sóng: Khéo lèo lái thì sóng sẽ yên hồ sẽ lặng; buông tay thì chao đảo trùng trùng và sóng sẽ ngự trên sen…

Đại dịch Covid-19 là một biến cố trời nghiêng, bóng đảo trên đầu nhân loại. Sự tàn phá và hệ quả lâu dài của nó khó lường. Còn quá sớm để đưa ra những tiên đoán hay suy diễn mang tính giả định, nhưng mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống. Tuy nhiên, điều khẳng định là thế hệ “hậu Covid” sẽ có những biến tướng kỳ lạ mà cả hai thế hệ đàn anh đang đi qua và thế hệ đàn em kế thừa đang đến đều cần chuẩn bị dè chừng khi đối mặt với thực tế đang còn là ẩn số.

Trong những lối suy nghĩ truyền thống, sự kế thừa thế hệ thường được ví như những mùa gặt. Giống tốt, đất lành, trời thuận, người hiền… thì kết quả mùa gặt sẽ bội thu hoa thơm, trái ngọt và ngược lại. Thế hệ kế thừa sẽ thu hoạch sản phẩm văn hóa như thế nào tùy theo đó là mùa gặt thiện hay mùa gặt ác. Khi thiện ác còn ẩn hiện dưới muôn vàn hình tướng thì tiến trình kế thừa thế hệ thường bị nghiêng lệnh theo sức mạnh thế quyền, mang theo hệ quả chuyển đổi niềm tin; hay nói một cách khác hơn, đó là sự sát nhập văn hóa vào chính trị mà kết quả sau cùng đều chẳng có lợi cho ai cả. Khi văn hóa tôn giáo dính mắc vào chính trị hay bị chính trị chi phối thì tôn giáo thì sẽ mất đi tinh hoa truyền thống để trở thành cỏ mọn hoa hèn dưới tay người làm chủ. Đồng thời, giới nắm quyền lực sẽ mất đi cơ hội nghe được lời hay, lẽ đạo từ những bậc minh sư một khi tôn giáo đã bị đưa vào kho lẫm của các đoàn thể quần chúng chỉ biết một chiều tuân phục, tung hô.

Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo (TCVHPG) -- một trường hợp tham khảo.

Xin mượn tạm khái niệm Văn Hóa của phương Tây ở vào thời đại chữ số để giới hạn cụ thể về khái niệm văn hóa tương hợp và ứng dụng cho từng lĩnh vực như: Văn hóa tôn giáo, văn hóa thị trường, văn hóa đại gia, văn hóa hè phố, văn hóa online… Văn hóa Phật giáo (sử dụng như một danh từ chung) là hợp thể của nhiều hình thức và phương tiện truyền thống hay tự phát theo hoàn cảnh trong sinh hoạt tinh thần cũng như thể chất của những tín đồ hay thân hữu đạo Phật nói chung và qua từng hoàn cảnh, thời đại nói riêng, huân tập lâu ngày thành nề nếp. Văn hóa Phật giáo linh động như ánh nắng mặt trời xuyên qua trái đất. Mỗi một quốc gia, xã hội, thời đại và thể chế cầm quyền đều có những cách vận dụng và thực hành đạo Phật ứng hợp với hoàn cảnh của mình. Ánh nắng mặt trời không thay đổi nhưng sông núi bốn mùa trên mỗi vùng trái đất lại đổi thay. Hiện tượng những người ngồi ẩn trong hầm kín lại cứ mãi phàn nàn ánh sáng không xuyên suốt đường hầm là không công bằng và thiếu thuyết phục.  

Văn hóa Phật giáo là vấn đề mênh mông trời biển, giới hạn tóm gọn trong những dòng viết sau đây, người viết chỉ xin được nói TCVHPG như một trường hợp để tham khảo về sự biến tướng văn hóa theo hoàn cảnh hơn là nhằm phê bình hay phản biện. TCVHPG xuất bản bằng tiếng Việt từ năm 1985 nhưng tờ báo thực sự trở thành một cơ quan ngôn luận của đạo Phật Việt Nam với sự kết hợp từ những nguồn tư tưởng mang tính hàn lâm kết hợp với kiến thức khoa học và suy niệm nhân văn từ sau năm 2000 cho đến gần đây.

Lớp đàn anh đầu tiên chủ trương thành lập và phát triển  TCVHPG thuộc về thế hệ U-90, thế hệ của các cư sĩ Võ Đình Cường, Trần Tuấn Mẫn hay chư tăng trưởng lão Thích Chơn Thiện, Thích Trung Hậu… đã lần lượt ra đi hay hay gác kiếm! Thế hệ đàn em tiếp nối bước chân người đi trước là sự kế thừa tự nhiên và cần thiết.

TCVHPG vừa chuyển hướng qua một giai đoạn giao thời nhận trách nhiệm kế thừa làm báo Văn Hóa Phật Giáo. So với lớp đàn anh, thế hệ đàn em TCVHPG có khả năng ứng dụng kỹ thuật in ấn báo giấy, phổ biến online khá vững vàng và linh động. Nhưng đặc tính chung của thế hệ trẻ G-4, G-5 và GEN Z… ở trong nước cũng như toàn cầu là nhạy bén và thực dụng. Khả năng nhạy bén trong kỹ thuật, nghệ thuật và báo chí thường rất nổi trội về quảng cáo, phát hành, phát triển bề rộng. Nhưng tính thực dụng là nắm bắt ngay những sản phẩm mới để tung vào thị trường ồ ạt nên thường khi không đủ lắng xuống bề sâu. Đáng tiếc thay, những phẩm chất tuổi trẻ thời đại kinh tế thị trường nầy khi áp dụng vào sáng tác nghệ thuật, nhất là nghệ thuật phổ biến và phát huy văn hóa thì rất dễ bị lạm dụng, biên kiến và máy móc.

TCVHPG bộ mới đang ở đâu?  

Câu hỏi nầy sẽ hiện rõ dần trong ý nghĩ của bất cứ ai khi đọc Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo gần đây và số mới nhất, 368 chủ đề Phật giáo với môi trường được phát tán rộng rãi gấp nhiều lần hơn các số trước. Để có một tầm nhìn khách quan và xây dựng, xin mời người đọc giở ngay tờ báo đang được phát hành luân lưu online trong nước và hải ngoại bằng cách bấm trực tiếp vào dòng chữ xanh “https://www.google.com/url?q=https://www.amazon.pl/L%25C3%2581-Th%25C6%25AF-Huynh-Tr%25C6%25AF%25E1%25BB%259Eng-Nh%25E1%25BB%25AFng/dp/1087808235&source=gmail&ust=1624029963325000&usg=AFQjCNHyDi1uc7aXiNf7-GEt9FV1VP8w6g">Phật giáo với môi trường” hay lần theo địa chỉ sau:


https://www.google.com/url?q=http://dientu.tapchivanhoaphatgiao.vn/books/obmt/%23p%3D1&source=gmail&ust=1624029963325000&usg=AFQjCNGW_mUoKYyAVheYpnn-ffUcjA9ocg">http://dientu.tapchivanhoaphatgiao.vn/books/obmt/#p=1

 

Trần Kiêm Đoàn