"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Chuồn Chuồn

Chuồn chuồn gợi nhớ tuổi thơ
Dăm ba bạn nhỏ ngồi chờ nắm đuôi
Đậu trên đọt cải êm xuôi
Mát trời thiu thỉu, ngủ vùi, khép râu

*

Khi nghe tiếng gió lao xao
Giật mình vươn cánh, vút cao lẹ làng
Chuồn chuồn xà đáp từng đàn
Lá rau loang lổ, nát tan mảnh vườn

Năm tháng cắp sách bên trời quê mẹ, tháng sáu mưa hoài không dứt. Mưa cho trẻ thơ rong đuổi theo bong bóng nước nhảy múa, nghẹn ngào oà vỡ. Cơn mưa nào cũng đến lúc ngưng tạnh.

Vòng xoay dòng đời đong đưa bao người xa xứ. Những sợi nắng gắt gay cũng bắt đầu tung tăng, tha hồ vẽ vời những tia vàng chói chang. Sợi nắng ẻo lả giăng mắc khắp không gian ở vùng trời California .

Vạt nắng thủy tinh của buổi sáng trong veo tỏa lan cả một góc trời sớm hơn mọi ngày. Chim muông ca hát líu lo chào vui một ngày mới và không bao giờ quên rủ rê sợi nắng yểu điệu cùng đi hoang. Cả hai hòa nhịp hồn nhiên tạo nên một khung trời tuyệt mỹ cho hôm nay. Đàn chim chớp mắt thức dậy sớm, rộn ràng vỗ những đôi cánh mềm đồng loạt bay cao xa rời tổ ấm. Hình như loài vật có đôi tai thính hơn con người nên biết trước thời tiết sẽ ra sao.

Một ngày tháng bảy vàng hây cho tôi mơ về góc trời bên kia bờ đại dương. Tuổi học trò thật vui khi chúng ta học môn địa lý cho ta biết diễn biến chuyển động trong lòng đất. Cơn địa chấn tạo nên những nhăn nhúm của núi tảng, chồng chất lên nhau. Các nhà khảo cứu tìm hiểu cách cấu tạo của vỏ trái đất bao quanh quả địa cầu. Những bí ẩn huyền thoại là kết quả của biết bao điều thú vị trong thiên nhiên. Bây giờ, thế nhân thừa hưởng những kỳ quan vĩ đại mà bàn tay của con người không bao giờ có thể gầy dựng ra được, vì quá to lớn và quá tầm tay bé nhỏ của con người.

Trên cành nhánh ươm lá xanh quanh nhà, có chị chuồn chuồn vừa lao xao vờn cánh. Đôi cánh nhè nhẹ khép lại, nằm im thin thít trông rất hiền lành trong tư thế bất động, yên bình không nhúc nhích. Hình ảnh chuồn chuồn với đôi cánh trong suốt rất đẹp nhưng trong tầm mắt tôi, hai cánh pha lê mỏng manh này chỉ là những đường gân li ti được cấu tạo, đan chặt kết dính vào nhau để cho ta nhìn ngắm vẻ đẹp tuyệt diệu của cánh mỏng dễ vỡ.

Người dân chất phác sinh sống bằng nghề nông ở miệt vườn xa xôi, ngày xưa làm gì họ có đài khí tượng thông báo thời tiết. Họ thường nhìn trời để đoán ngày mưa hay ngày nắng ra sao. Mọi lo toan sẽ thuận lợi hơn nếu mình có thể biết trước mưa nắng, hầu tránh cho mùa màng được tốt tươi. Mức thu hoạch như ý muốn.

Giữa đồng ruộng mênh mông, hoàng hôn buông xuống màu chiều. Nếu hôm nào có từng đàn chuồn chuồn nhởn nha bay lảng vảng trong ánh tà dương, đó là dấu hiệu trời sắp đổ mưa, hay là bão tố sẽ về. Hôm nay, tôi tò mò tìm được một trích đoạn.

Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng, bay vừa thì râm.

Đây là kinh nghiệm đúc kết của ông cha ta dựa vào quan sát từ năm này qua năm khác. Nhưng sau này chúng lại được giải thích hết sức khoa học. Về mặt vật lý, cánh chuồn chuồn được cấu tạo rất mỏng, còn khi trời sắp mưa độ ẩm trong không khí là rất cao. Chính vì vậy, hơi nước ngưng tụ thành những hạt li ti, đậu trên cánh của chuồn chuồn khiến chúng không thể bay cao được. Ngoài ra, tập tính sinh sản của chuồn chuồn cũng có thể dùng để giải thích hiện tượng này. Chuồn chuồn thường đẻ trứng vào mùa mưa và đẻ trên mặt nước. Chính vì vậy, ta thường thấy chúng lượn lờ trên mặt nước mỗi khi mưa sắp đến.

Trong văn học Việt Nam , chúng ta thường được nghe câu ca dao rất hay. Câu nói giản dị hiền hòa như đang phát họa ra trước mắt ta một bức tranh thủy mặc rất linh động. Cho ta thấy hình ảnh của đám chuồn chuồn kéo nhau che lấp một khoảng không gian, và cũng vừa cho ta đoán biết thời tiết trong những ngày sắp tới.

Khi ra xứ người, theo tôi, cơ duyên để được nhìn ngắm anh chị chuồn chuồn bay là đà là điều quí hiếm. Cũng vì cái hiếm hoi này nên mỗi khi trông thấy chuồn chuồn, tôi đều thích thú và thẩn thơ nhớ lại câu ca dao lan truyền trong dân gian - vẫn còn in hằn trong tâm trí của mình:

Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão

Bạch Liên