"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do." ** Phan Bội Châu **

 

Dâng Sớ Trước Mùa Thi

 

Xin mượn tạm “nhan đề” nầy từ trang Facebook của một người bạn thân vừa trình làng những hình ảnh của các cháu học sinh Trung học ở Việt Nam ồ ạt đến các đền miếu, điện thờ, giáo đường, chùa viện… để dâng cúng, cầu nguyện trước ngày thi. Theo dõi nhiều trang viết và mạng lưới xã hội thì chỉ thấy toàn những lời bình luận gay gắt như: “Đồ ngu”, “ngốc nghếch”, “mê tín dị đoan”, “ngây thơ” và thậm chí là cả… “vô học”!

Hình ảnh “dâng sớ trước mùa thi” càng trở thành đế tài mỉa mai châm chọc nặng nề hơn khi hiện tượng xảy ra ồ ạt trong vòng tổ chức và khống chế của những kẻ buôn thần bán thánh. Lẽ ra, cầu nguyện thuộc về phạm trù tâm linh nên phải được thể hiện trong khung cảnh riêng tư và thanh tịnh thì đằng nầy thực tế diễn ra lại trái ngược.

   21btkddst1                           

 Riêng tôi, năm nay đã 75 tuổi, lại xúc động vì thấy đám cháu chắt hậu sinh của mình ờ quê nhà là hình ảnh của chính mình ngày xưa và bây giờ; cũng giông giống các cháu trong khoa cử và ở trường văn trận bút. Không những chỉ hơi giống trong ý hướng tìm cầu của các cháu mà chính trong dòng tâm cảm và suy nghĩ cẩn trọng, tôi vẫn thấy dòng đời của mình gần gũi và đứng bên cạnh các cháu.

Để có thể cảm thông và chia sẻ với các cháu, tôi ở thế chẳng đặng đừng phải nói đôi điều đến “cái tôi đáng ghét” của mình như một sự minh chứng của bản thân cho “đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”

Tôi sinh ra trong thời Nhật đảo chánh với chiến tranh bốn phía và trường học nay có mai không. Học trường làng mấy tháng thì bị Tây phá, mẹ tôi phải dắt hai anh em tôi lên làng Dương Sơn bên cạnh làng tôi xin vào học “trường Đạo”.  Dương Sơn là một làng thuần theo đạo Công Giáo và chỉ có một ngôi trường tiểu học duy nhất là trường Phan Thiện. Thầy giáo của anh em chúng tôi là mấy “xơ” như chị Ngôn, chị Hường… Mỗi ngày học trò chúng tôi đều vào nhà thờ làm lễ trước khi vào lớp học. Anh em tôi học trường Đạo hai năm thì có trường làng mở lại nên về học. Tâm hồn của một đứa bé học trò trường Đạo và đồng thời là một mầm non Phật tử theo mẹ đến chùa nên trong tôi có cả tiếng chuông nhà thờ giục giã và tiếng chuông chùa đồng vọng ngân nga.

  

Tôi còn nhớ như in ngày thi Tiểu học toàn quận Hương Trà ở Bao Vinh năm 1958 với khung cảnh trường thi rầm rộ, dưới sự canh gác cẩn mật và hình thức tổ chức chuẩn mực. Người đi thi trong trường đủ mọi lứa tuổi và người đứng ngoài hàng hàng lớp lớp chờ đợi. Mẹ tôi dắt tôi từ làng lên chỗ thi từ lúc… gà gáy lại. Gần giờ thi, nghe hồi trống mở đầu, chú học trò nhà quê trong tôi bụng dạ thót lại, run từ đầu đến chân. Sự hồi hộp cộng với nỗi lo sợ làm tôi đau bụng toát mồ hôi cơ hồ đi vào phòng thi không muốn nổi. Ngoài hành lang, mẹ tôi nhìn khuôn mặt nhăn nhó và đầm đìa mồ hôi của tôi nên mắt và miệng mẹ như muốn khóc. Khi có lính đuổi thân nhân ra khỏi hành lang, mẹ tôi gào lên: “Con ơi! Niệm Phật đi con!” Tôi tự nghĩ đến cái phao cứu nguy cuối cùng mà tôi thường kêu cứ mỗi lần nghe tiếng “đề ba” ca nông pháo kích vào làng là cầu nguyện. Tôi đã quen miệng kêu thầm cầu xin khi nguy cấp bằng cách lắng lòng, thành khẩn niệm Phật, Đức Quán Thế Âm và Đức Mẹ Maria. Lễ chùa thường xuyên và hai năm học trường Đạo, niềm tin tâm linh lớn dần trong tôi có cả bóng dáng Đức Mẹ Maria bên cạnh Đức Quán Thế Âm. Đã hơn 60 năm, tôi không còn nhớ cơn đau bụng trong buổi sớm thi Tiểu học thời đó đã hết như thế nào nhưng vẫn nhớ như in hình ảnh mẹ tôi khóc ròng vì sung sướng khi mấy tuần sau đó tôi được đậu tiểu học hàng thứ 9 trong số cả nghìn người.

Từ đó, suốt cả những chặng đường gập ghềnh đi học của tôi, lây lất với thời cuộc kéo dài hơn 40 năm (Đậu Tiểu học Hương Trà năm 1958 – Ph.D USC Mỹ năm 2000)  bao giờ tôi cũng lặng lẽ cúi đầu cầu nguyện mỗi lần đối diện với vấn nạn hay hoàn cảnh mà với bàn tay, khối óc và sức người của mình tuy ở thế chủ động nhưng vẫn cần đến những điều kiện may mắn và sức mạnh tinh thần để giải quyết hay vượt qua.

Sống nửa đời trên quê hương, thường xuyên phải đối mặt với cuộc sống bấp bênh trong chiến tranh, rồi vượt biên băng mình trên đại dương với chiếc thuyền tre nhỏ bé và 40 năm sống trên xứ người, tôi càng khẳng định tích cực hơn niềm tin vào năng lực cầu nguyện. Đã bao lần gục ngã vì hoàn cảnh và kề cận cái chết trong cảnh thuyền chìm hay bão tố, tôi đã nhờ vào sức mạnh của cầu nguyện để vươn lên. Cầu nguyện, tôi không giao khoán số phận của mình cho ai cả mà chỉ cần có năng lượng lành hỗ trợ để giúp mình đứng dậy. Tôn giáo chỉ đóng vai trò xúc tác. Giáo chủ là những sức mạnh nằm sẵn trong góc khuất của mỗi con người mà ai cũng có. Cầu nguyện là vén màn góc khuất để cho cái tiểu ngã tiếp cận với đại ngã. Cho nên, cầu nguyện cũng như mở khóa, vén màn. Mở khóa cần phải biết là mình sẽ làm gì. Cầu nguyện là nương nhờ vào sức mạnh tinh thần hỗ trợ để tự mình đứng vững và bay xa chứ không phải thỏng tay giáo khoán cho thần linh.

Từ tâm tình, tâm cảm đến tâm lý, tâm linh là con đường trực cảm hay xa vời vạn dặm. Bởi vậy, người xưa thường nói “linh tại ngã, bất linh tại ngã”, nghĩa là linh ứng hay không đều do căn cơ và tín lý của từng người. mà phát huy tác dụng.

Khoa học thời hiện đại thường nói đến những phát minh kiệt xuất nhất của ngành Vật lý Lượng tử (Quantum Physics). Trong đó, cấu trúc căn cơ của vũ trụ, thế giới và con người là một tiến trình tròn vẹn của nguyên lý bảo toàn năng lượng. Năng lượng và vật thể là một vòng tròn tương tác “tùy duyên” (Quantum physics states that mass and energy are interchangeable, and consequently that mass is merely a manifestation of energy. This means that everything, including humans, is simply energy stored in mass particle form).

21ctkddst2

                                              Năng lượng tương tác – Hình minh họa

Sự tin tưởng vào sức mạnh tâm linh thời trẻ thơ hầu như hoàn toàn do bắt chước, thói quen và cảm tính. Nhưng càng trưởng thành và trải nghiệm thực tế kết hợp với kiến thức thực tiễn dọc đường gió bụi và hàn lâm, tôi càng thấy rõ gần như nắm bắt được một sự mặc định là vũ trụ cùng thế giới vật lý và tâm linh tương tác và biến hóa trong một suối nguồn huyền diệu của Năng Lượng. Cầu nguyện chí tâm, chí thành là mở khóa mật mã để được tiếp cận với nguồn năng lượng. Những đấng thần linh cao cả như Trời, Phật, Chúa, Quán Thế Âm, Mẹ Maria, Thần, Thánh… là những đỉnh điểm thu phát và biến ứng năng lượng mà có tin thì có linh, có cầu thì có ứng.

Nay đọc báo và theo dõi tin tức ở quê nhà trong mùa thi, nhìn những hình ảnh sĩ tử Việt Nam cầu nguyện trước ngày thi, tôi cảm động và có cảm tưởng như đang nhìn thấy lại hình ảnh của chính mình – ngày xưa và bây giờ vẫn thế – quá thân thương.

Viết những dòng nầy chia sẻ với các cháu – có tôn giáo và không tôn giáo – về những băn khoăn của tuổi trẻ trong mùa thi, tôi chỉ mong có một lời nhắn nhủ nhỏ rằng: Mọi “công thức” thành công xưa nay đếu có nhắc tới yếu tố May Mắn. Tôi xin viết hoa “may mắn” vì quả nhiên đó là một yếu tố rất quan trọng như: sức khỏe, tâm lý, tình cảm, tinh thần, hoàn cảnh, môi trường, người thân… của chính mỗi cá nhân trước khi, trong khi và sau khi vào phòng thi. Cầu nguyện để xin năng lượng lành không đồng nghĩa với với cầu trúng số, cầu phép lạ, cầu người làm thay mình… mà chỉ xin được cung ứng thêm cho có đầy đủ năng lượng lành để chính mình khỏe mạnh, sáng suốt, tự tin trong khi làm bài thi hay để tự mình giải quyết vấn đề cho chính mình.

Thương chúc các cháu thành công tốt đẹp cho dự phóng tương lai qua những kỳ thi trong phòng thi và vượt qua những khó khăn trở ngại giữa cuộc đời.

                                              Sacramento, Cali mủa July 4th - 2021

                                                              Trần Kiêm Đoàn