Ngoại Tôi



Tôi là đứa con so nên sinh ra ở nhà ngoại. Vì quê nội lúc đó đang có chiến tranh ác liệt, không dám ở, nên quê ngoại là nơi tôi lớn lên.
Cha tôi tham gia chiến trường nên một mình mẹ tôi ở nhà rất vất vả. Vì thế ngoại tôi vừa là bà lại vừa là mẹ chăm sóc cho anh em chúng tôi từ lúc mới lọt lòng mẹ từ miếng ăn đến giấc ngủ.Ngoài dòng sữa mẹ, tôi lớn lên từ vòng tay yêu thương tận tụy hết lòng vì cháu của bà.
Lúc còn nhỏ, tôi luôn được bà cho tiền ăn quà khi đến trường và dường như là không thiếu bữa nào. Bà luôn chủ động cho tiền cháu mà không đợi cháu xin. Khi lớn lên, tôi theo học ngành Sư phạm. Đó là thời kỳ bao cấp cực kỳ khó khăn và thiếu thốn, nhất là những người đang đi học như thế hệ của tôi. Bà đã già, bữa đói bữa no, thóc ăn không đợi đến mùa giáp hạt. Nồi cơm mỳ độn nhiều hơn gạo, ấy vậy mà bữa cơm nào cũng chỉ thường lưng chén. Tôi một thằng thanh niên tuổi đang bẻ gãy sừng trâu nên cái ăn càng thêm bức thiết. Những ngày cuối tuần về nhà, bà luôn dành cho tôi những chén cơm thật đầy. Bà đã già, người teo tóp như thân cây khô gầy guộc. Một dáng vẻ nhỏ nhắn duyên dáng và nổi tiếng hát hò rất hay ngày xưa của bà không còn dấu vết. Ngày mùa bà tha thẩn đi mót lúa ngoài đồng, bị mấy ông tổ trưởng hợp tác xã xua đuổi mắng chửi không thương tiếc. Bà bán từng cọng rau bó cải... tằn tiện dành dụm những đồng bạc vụn. Ấy vậy mà một buổi chiều chủ nhật, biết tôi sắp sửa trở lại trường học, bà gọi tôi lại, bàn tay xương xẩu run run mở cái kim băng túi áo trong của bà, lấy ra cuộn bạc lẻ được cột kỹ bằng dây thun đặt vào tay cháu” con cất đi, xuống trường có cái tiêu vặt với bạn bè.” Phải nói lúc đó tôi mừng húm. Tôi đếm được mười lăm đồng. Một số tiền nhỏ nhưng quá vĩ đại đối với ngoại tôi là một bà già mót lúa không ngại bị đuổi xô. Tôi nhớ lúc đó gạo chỉ một đồng rưỡi một ký cân. Giờ này viết lại những dòng hồi tưởng này, tôi tự trách mình ghê gớm, lúc đó tôi cần tiền đến nỗi khi được bà cho, có lẽ vì quá mừng, tôi đã không cảm nhận được tình thương yêu vô bờ của ngoại tôi...
tối hôm ấy,xuống đến trường, tôi gọi ngay mấy thằng bạn thân đến cửa hàng uống cà phê, giai đoạn đó không có quán cà phê như bây giờ. Giá một đồng một ly và năm thằng chúng tôi chỉ uống chung một ly cà phê đó. Ngồi nhìn những giọt cà phê đen nhánh nhỏ xuống, tại sao tôi lại không thể liên tưởng đến đó chính là những giọt mồ hôi của ngoại tôi rơi xuống trên đồng chiều cuống rạ.
Thế đấy
Có những việc tuy rất nhỏ nhưng nó ám ảnh tôi suốt đời mỗi khi nhớ về ngoại, tôi luôn mặc cảm là người vô tâm, dù lúc nào với bà, tôi vẫn là một đứa cháu nhỏ to xác khờ khạo luôn được bà bảo bọc chở che...

d u y p h ạ m