"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Trăng Ly Biệt

Giờ ăn trưa, Tố Miên dở tờ báo mang theo ra đọc, và như mọi lần Miên mở mục “Chuyện cười” đọc trước và cũng như mọi lần, đôi khi Miên lỡ cười thành tiếng vì câu chuyện quá tức cười. Vô tình Miên làm rơi chiếc muỗng nhỏ trong ly cà phê. Miên chưa kịp nhặt thì ai đó đi ngang đã cúi xuống và để chiếc muỗng lên bàn. Vẫn say mê đọc nên Miên nói theo phản xạ mà không ngừng lên:

- Thank you!

- Dạ, thưa chị, không có chi.

Ủa, tiếng Việt! ai nói vậy, sở này đâu có ai người Việt. Miên ngửng phắt đầu lên. Trước mặt nàng là một ông da vàng tóc đen trông lại có vẻ quen quen. Miên chỉ kịp:

- Ủa… Ông là… người Việt? - Cái đó thì chưa chắc, nhưng tôi là người biết nói tiếng Việt.

Hừ, chưa gì mà đã dở cái giọng ởm ờ. Miên nghiêm mặt:

- Cảm ơn ông.

Rồi Tố Miên cúi xuống làm ra vẻ chăm chú đọc.

- Có những người dở báo ra là đọc ngay chuyện vui cười, tôi thì trái lại, khi dở tờ báo mới ra thì xem…

Ông ta ngần ngừ, chờ cho Miên tò mò mà đặt câu hỏi nhưng Miên đâu có ngu mà mắc lừa, Miên vẫn giả bộ chăm chú đọc và còn giả bộ cười hinh hích như là đang thú vị với mẩu chuyện tiếu lâm.

- Tôi cũng thích đọc chuyện tiếu lâm nhưng chỉ đọc sau khi đọc…

Ông ta lại giả bộ ngừng, chờ xem Miên có bắt chuyện không.

Còn lâu, ba cái mánh tán tỉnh của đàn ông, Miên đâu có lạ gì và Miên vẫn làm ra vẻ không biết đến ông ta đang đứng bên cạnh. Biết ngay mà, chờ không nổi nên ông ta tự động tiếp tục:

- Mục mà tôi đọc đầu tiên khi mở tờ báo ra là mục “Cáo phó“…

Miên nghĩ thầm “Điên, mát dây, khùng” nhưng vẫn làm thinh. Chờ vài giây, ông ta… đành độc diễn tiếp:

- Tôi đọc cáo phó trước để kịp phân ưu và báo tin cho bạn bè biết mà thăm viếng, nghĩa tử là nghĩa tận…

Miên bực mình, cầm tờ báo đứng dậy nhưng ông ta vẫn tiếp tục lải nhải:

- Chị nghĩ đúng không?

Trời đất, sao lại có người khùng tới mức này!

- Xin lỗi...

Miên tính chỉ rời đi nhưng lại buột miệng:

- Chắc ông làm báo hay bán hoa, cần săn tin để đăng phân ưu hay bán vòng hoa…

- Khiếp thật! sao ngày xưa chị hiền lành mà bây giờ...

Hả, ngày xưa? Tố Miên ngừng lại, mở to mắt nhìn, nhìn từ đầu đến chân, rồi chăm chăm nhìn mặt “người nhiều chuyện”… Ai vậy nhỉ? Trông thì nhang nhác quen quen nhưng… Chịu! không nhớ nổi!

- Sao ? Không nhận ra ai à?

- Xin lỗi, tôi không nhớ ra.

- Thế cái người thường ngồi sau lưng chị khi đi cours…

Miên lại chiếu tướng ông ta nhưng vẫn:

- Chịu! nhưng mà ông ngồi sau lưng tôi, tôi lại không có con mắt sau gáy nên không nhìn thấy ông…

- Ha ha… vẫn không hết làm tàng, làm phách, làm cao.

- Làm tàng, làm phách, làm cao ? Tôi? Tôi làm tàng, làm phách, làm cao?

- Chứ còn ai vào đây. Thế chị không biết là ngày xưa chị bị tụi tôi gọi là “con nhỏ làm cao“ à. Lầm lầm lỳ lỳ, chăm chỉ đi cours nhưng không bao giờ bắt chuyện với ai, bây giờ vẫn vậy, mặc cho người ta nói vẫn lặng thinh, không thèm tò mò hỏi lại.

Miên phì cười:

- Bây giờ thì nhớ ra rồi, ông Tiếu, chuyên viên kể chuyện tiếu lâm và phá phách. Hôm nay ông tiếu ngạo giang hồ đâu mà lạc đến đây?

- À tôi đến để xin thực tập, tình cờ vừa vào đến đây thì gặp người quen, tình cờ có dịp làm quen, chọc chơi cho bõ, bõ…

- Bõ ghét? Tôi làm gì mà ông ghét tôi?

- Ai nói tôi ghét chị hồi nào?

- Ông vừa nói “Chọc chơi cho bõ…”

- Bõ nhớ, bà chị ơi! Mà bà làm ơn bỏ cái chữ ông xa lạ đó đi. Tha hương ngộ cố tri mà ông, ông cái gì?

- Tui ít khi gọi mấy ông là anh lắm, trừ khi thật lớn tuổi để tôi coi là anh, còn ai cũng kêu “ông”, ông ráng mà chịu, mà kêu vậy chứng tỏ ông cũng chưa già lắm, chưa đủ tuổi làm anh tôi...

- Lúc này… có nhiều thay đổi, không im như thóc mà hay… móc họng.

... Đấy, đấy, buổi đầu họ gặp lại nhau, buồn cười như thế đấy... Và tình cờ ông Tiếu, mà sau này Miên cứ réo tên là ”Ông Tiếu lâm ơi”, nhưng cũng chẳng tình cờ vì xếp lớn thấy cùng là người Việt nên cho ông ta thực tập với Miên, với lại chẳng ai muốn nhận người thực tập, phải chỉ dẫn, mất thì giờ…

Miên vẫn tiếp tục gọi Tiếu là ông và để đáp lễ Tiếu cũng không ngần ngại gọi Miên là bà:

- Chẳng lẽ bà gọi tôi là ông mà tôi kêu lại là chị thì có vẻ tôi… tôi là ông chủ...

- Và tôi là người làm? Quá quắt!

- Đó là bà nói, trong khi thực sự bà đang là thầy tôi, thưa bà thầy.

- Đàn ông đàn ang mà mồm năm miệng mười. Tội nghiệp cho ai bị làm vợ ông.

Tiếu làm ra vẻ buồn rầu:

- Bà xã tôi hiền lắm, hiền cùng cực, mà các cụ nói hiền quá hóa, hóa…

- Hóa đần. Hứ, ông cậy tài giỏi, chữ nghĩa đầy bồ nên chê vợ ngu đần.

- Lại cũng bà nói, tôi chỉ định nói là hiền quá hóa không khôn.Từ nay nhớ bớt lanh chanh, nhẩy xổ vào miệng người khác khi người ta chưa dứt câu. Nhưng thú thật, tôi gặp bà như cá gặp nước, như rồng gặp mây, vui ơi là vui. Những cái pha trò hay kể chuyện dí dỏm của tôi không làm cho bà xã tôi cười được, lý do ra là bà ấy chẳng hiểu gì cả, mặt cứ nghệt ra, chán ơi là chán!

- Chứ không phải là ông pha trò dở quá hay sao?

- Vẫn chưa chừa móc họng. Tội nghiệp cho ông bạn tôi, chịu gì nổi, được cho ăn ngon nhưng lại bị móc ra.

Đó, ông ta khen Miên một cách… cà chớn như thế đó. Nhưng thật tình mà nói Tố Miên thấy vui hẳn lên vì lúc nào cũng có chuyện để mà bốp chát nhau, khiến đầu óc trở nên linh hoạt. Miên luôn luôn phải nghĩ những câu không phải là đối thoại mà là đối thọi nhau, hà hà... có tức nhưng mà vui, thua thì tức mà chọc được đối phương tức thì vui vui. Nhưng tức thì có tức mà tức cười.

Các cụ có câu “lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”. Gần nhau thì vui vui mà khi về nhà thì lại nhớ nhớ thành ra không biết là rơm đã bén lửa chưa.

Họ cùng làm, cùng về chung chuyến xe nên có những lần chung bước trên công viên ngay gần đó, ngắm sông, ngắm nước, ngắm cây và đến mùa đông tuyết phủ âm thầm cùng lội tuyết ra về. Có lần Miên vội vàng đi trước, quay lại thì thấy Tiếu nhởn nhơ đi sau, lại còn tinh nghịch dẫm chân lên những dấu giầy để lại trên tuyết của Miên.

- Trên con đường một chiều em đi trước anh theo sau nên chẳng bao giờ gặp nhau.

Tuy trêu Tiếu vậy nhưng… nhưng Miên nghe âm ấm trong lòng và như được trẻ lại, sống lại cái thuở ban đầu thiếu sót những thơ và mộng như người ta thường kể trong truyện tình lãng mạng.

- Này, tại sao bây giờ bà dễ thương mà ngày xưa bà hắc ám quá vậy. Biết có kẻ đổi tính dễ thương như bây giờ dám ngày xưa cũng có “anh theo Ngọ về”.

- Chứ không phải tôi với ông khắc khẩu gặp nhau là cãi nhau nên tôi dễ ghét hay sao?

- Nếu ghét được thì sung sướng biết mấy… Tôi thích những người thông minh, dí dỏm, nghịch ngợm.

...Và khi chiếc lá đầu tiên đổi màu bay ngang của sổ, Tiếu thẫn thờ than thở:

- Ngô đồng nhất diệp lạc, thiên hạ cộng trị thu (1)

- Ừ! Ngô đồng một chiếc lá rơi
Mọi người đều biết thu thời đã sang. (2)

- Ai dịch vậy?

- Tây đui! (*)

Thế là những bài thơ tuyệt tác của mùa thu được đem ra đọc cho nhau nghe.

- Tại sao mùa thu lại khiến người ta nhớ quê, nhớ nhà. Nhiều hôm buồn tê tái nhớ: nhớ hồ con Rùa, nhớ đường Tự Do, nhớ vườn Tao Đàn và trời ơi nhớ cả tiếng rao bán hàng rong…

- Nhà tôi trong hẻm, trong khu vườn rộng, hôm nào sáng trăng, tôi theo trăng lên lỏi giữa các cành lá, tuyệt vời! Nhớ quá!

- Sáng trăng sáng cả vườn chè, Một gian nhà nhỏ đi về có nhau...(1)

- Hồi đó nghe radio “Một đêm ánh trăng thanh rọi xuống khắp đồng quê bao la, bao la”… tôi lại nhớ ngày còn sống ngoài Bắc, đêm trăng sáng trải chiếu ngoài sân, nằm trong lòng bà nghe bà kể chuyện cổ tích rồi ngủ quên.

TrangLyBiet SaoKhue 1

- Lý Bạch có bài thơ nổi tiếng “Tĩnh dạ từ”

Sàng tiền minh nguyệt quang,
Nghi thị địa thượng sương.
Cử đầu vọng minh nguyệt,
Đê đầu tư cố hương (1)

Nghĩa là

Trăng chiếu sáng đầu giường
Phủ mặt đất như sương
Ngửng đầu nhìn trăng sáng
Cúi đầu nhớ cố hương (2)

TrangLyBiet SaoKhue 2

- Nhiều người cũng thích bài “Nguyệt hạ độc chước” của nhà thơ:

Hoa gian nhất hồ tửu,
Độc chước vô tương thân.
Cử bôi yêu minh nguyệt,
Đối ảnh thành tam nhân.
Nguyệt ký bất giải ẩm,
Ảnh đồ tùy ngã thân.
Tạm bạn nguyệt tương ảnh,
Hành lạc tu cập xuân.
Ngã ca nguyệt bồi hồi,
Ngã vũ ảnh linh loạn.
Tỉnh thì đồng giao hoan,
Tuý hậu các phân tán.
Vĩnh kết vô tình du,
Tương kỳ mạc Vân Hán.

- Ừ,

Rượu một bầu bên khóm hoa
Không ai, riêng mình ta
Nâng ly mời trăng già
Mời bóng nữa là ba
Trăng chẳng biết rượu trà
Bóng quanh quẩn bên ta
Chúng mình bạn gồm ba
Thưởng thức mùa xuân ca
Ta ca trăng bồi hồi
Ta múa trăng vàng rơi
Tỉnh rồi cùng vui chơi
Say thì đành chia phôi
Mãi mãi vẫn bên nhau
Ngân Hà hẹn mai sau (2)

Tàu có nhiều thơ hay nhưng súc tích quá, ít lãng mạng, trầm bổng như thơ Việt. Có những bài, những câu mà hầu như ai cũng biết:

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức (1)

Hay

Sáng trăng trải chiếu hai hàng
Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ (1)

- Tôi thích xem hoạt cảnh Trăng sáng vườn chè “sáng trăng sáng cả vườn chè, một gian nhà nhỏ đi về có nhau...”(1) thấy thanh bình gì đâu...

- Hầu như các thi sĩ Việt Nam đều làm thơ có trăng, nhưng yêu trăng nhất phải kể Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử. Trong khi thơ trăng của Xuân Diệu tình tứ lãng mạng thì Hàn Mặc Tử quằn quại vì trăng.

- Nhớ có bài hát “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”… ca ong ỏng suốt ngày trên radio nhưng học trò ai cũng thích “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó, Có chở trăng về kịp tối nay

- Những bài thơ về trăng của Xuân Diệu mới thấm làm sao.

Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh,
Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần.
Đàn buồn, đàn lặng, ôi đàn chậm!
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.(1)

- Nghe mệt! nghe mấy bài hát trung thu hay hơn. "Bóng trăng trắng ngà có cây đa to có thằng Cuội già ôm một mối mơ..." (3)

Tố Miên làm điệu bộ theo bài hát

- Con nít!

Nghe nè “Trăng soi sáng ngời treo trên biển trời. Tình ơi! Một nàng Miên Tố rủ chàng Tiếu tếu ra ngồi nhìn trăng....(1)

...Tình cờ ngày làm việc cuối cùng của Tiếu lại rơi vào một tối thu. Tan sở Tiếu rủ Miên đi dạo công viên cạnh bờ sông ngắm trăng vì đêm đó rằm trung thu, trăng sáng vằng vặc trên trời.

Hai người đi bên nhau chầm chậm, không ai nói câu gì. Một lúc rất lâu sau Miên lên tiếng:

- Tôi đố ông

Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa tìm cõi Thiên San (1)

Là thơ ai?

Tiếu không trả lời mà ngâm nga:

- Chàng từ đi vào nơi gió cát
Đêm trăng này nghỉ mát phương nao (1)

Tuy Chính phụ ngâm không nổi tiếng bằng truyện Kiều nhưng những câu thơ nghe thật thanh tao, tôi thích nhất mấy câu

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy hàng dâu
Hàng dâu xanh ngát một mầu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai (1)

- Phút chia tay bao giờ cũng buồn vì mỗi người một ngả, không biết có dịp gặp lại không và không biết ai sầu hơn ai, giống bài thơ “Hoài thượng biệt hữu nhân” của Trịnh Cốc:

Dương Tử giang đầu dương liễu xuân,
Dương hoa sầu sát độ giang nhân.
Sổ thanh phong địch ly đình vãn,
Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần (1)

- Ừ,

....Liễu xuân rủ bến sông Dương
Hoa đơm cành rũ sầu vương lòng này
Ly đình tiếng sáo chia tay
Tiêu Tương người đến, Tần này thiếp đi…(2)

- Ai dịch vậy?

- Không biết, có lẽ tây đui (*) …

Trời về khuya, trăng lên cao dần, thả ánh vàng trong vắt xuống dòng sông. Đáy sông được soi sáng lấp lánh những ánh đèn sáng phản chiếu từ những toà nhà cao bên dòng sông. Nước chao nhẹ, cảnh vật dưới sông trở nên huyền ảo, như thật như mơ từ một cõi thần tiên nào đó. Trong khóm lau tiếng dế thỉnh thoảng kêu vang như đệm nhạc cho cành liễu đong đưa bên bờ sông vắng...

Ánh trăng lát vàng con đường mòn công viên, soi sáng những bông hoa vàng nho nhỏ mọc rải rác chen với cỏ xanh. Trăng vàng, hoa vàng, không gian ngập ánh vàng và áo mặc cũng mầu vàng. Chưa bao giờ Miên thấy nhiều mầu vàng đến thế, nhiều ánh trăng đến thế.

- Sao đêm nay nhiều trăng quá!...

- Hương bưởi thơm rồi, đêm đã khuya (1), về thôi…

- Ừ, nhưng Miên lại cười cười

Khách ngồi lại cùng em trong chốc nữa,
Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi.
Đêm nay rằm: yến tiệc sáng trên trời,
Khách không ở, lòng em cô độc quá. (1)

- Biết Huyền Kiêu không? Bài “Tương biệt dạ “

Hiu hắt giăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vụt tới sao Khuê
Quý thay giây phút gần tương biệt
Vương vấn người đi với kẻ về...

...Ngồi suốt đêm trường không nói năng
Ngậm ngùi chén rượu ánh vàng trăng
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ?
Có giống như mình lưu luyến chăng? (1)

- Chắc giống, thôi về, “quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần” (1)
Đường dài hạnh phúc, cầu chúc cho người… (1)

…Một đêm trăng, tình cờ có việc đi ngang sở cũ Miên chợt nhớ “trăng vàng” đêm xưa

Về ngang bến cũ
Nhớ chuyện ngày xưa
Bên dòng sông nhỏ
Thảm cỏ trăng vàng
Bên khung cửa nhỏ
Bướm trắng hoa vàng
Chia tay vội vàng
Dư âm còn lại
Trăng vàng còn đó
Hoa vàng nay đâu? (2)

TrangLyBiet SaoKhue 3

Ừ, “Trăng ly biệt” đêm nào...

Ngày rằm đêm ấy nhiều trăng quá
Trăng trải vàng ra khắp lối đi
Hai người bên nhau đi chầm chậm
Biệt ly còn biết nói năng gì

Ven sông vẳng tiếng dế kêu vang
Liễu rũ đong đưa ánh trăng vàng
Hai người bên nhau đi chầm chậm
Sợ làm tan vỡ ánh trăng loang

Thi sĩ Huyền Kiêu có bài thơ
Tả cảnh chia ly cách đôi bờ
Nỗi sầu cao quá, lên cao quá
Lên tới Khuê rồi vẫn vương tơ... (2)

Sao Khuê
11-2021

Chú thích:

(1) Thơ hay lời ca trên mạng
(2) Thơ hay lời dịch thơ Sao Khuê
(*) Tây đui là tui đây, nói lái