"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

Chủ Nghĩa Dân Tộc và Chủ Nghĩa Dân Tộc Văn Hóa

(Nationalism and Cultural Nationalism)

 22bhvhcnd1

Các nghiên cứu về chủ nghĩa dân tộc (1) , theo truyền thống,  định nghĩa dân tộc (nation)  là một nhóm người cư trú lâu dài trên lãnh thổ của riêng mình và khác biệt với  láng giềng của họ qua kinh nghiệm lịch sử và các đặc điểm văn hóa riêng biệt. Cách tiếp cận căn cứ trên bản  chất (essentialist approach)  này đã bị thách thức bởi khái niệm dân tộc như một “cộng đồng tưởng tượng” (imagined community)(2) được xây dựng bởi một  nhóm dân  (people) để đáp ứng với các hoàn cảnh cụ thể về địa điểm và thời gian. Người ta lập luận rằng mỗi nhóm, như là họ tự xác định, xây dựng “chuyện kể” (narrative)(3) dễ uốn nắn của riêng mình,  nhấn mạnh tính riêng biệt về văn hóa trong chiều dài lịch sử và sự chiếm hữu lãnh thổ, và cài đặt điều này vào quyền lãnh đạo  văn hóa (cultural hegemony) được truyền tải thông qua sự kiểm soát của bộ máy quốc gia (state apparatus), bao gồm nền giáo dục quốc gia,  tạo dựng nhiều dạng hình tượng (iconography) rất dễ nhìn thấy, và  trình diễn nghi lễ (ritual performance) và lắp đặt các tượng đài kỷ niệm trong không gian công cộng. Để chống lại điều này, các nhóm lệ thuộc (subaltern groups) trong khi phản đối diễn ngôn quốc gia (national discourse)  tìm cách lật đổ nó bằng cách đưa các hành động phản kháng vào những không gian họ còn trưng dụng được. Sự tương tác như vậy được nhìn thấy một cách sinh động nhất trong các tình huống thuộc địa và hậu thuộc địa, nơi mà chuyện kể  thuộc địa (colonial narrative) ngày càng bị thách thức, cuối cùng bị lật đổ, và được thay thế bằng các kiến tạo mới theo  chủ nghĩa quốc gia (nationalist constructions) (4). Đến lượt nó, những kiến tạo  này có thể bị thách thức bởi các nhóm có phiên bản khác về quốc gia hoặc muốn trình bày một quan điểm có thể thay thế chúng và được xây dựng xung quanh các vấn đề giai cấp, giới tính, tình dục, tôn giáo hoặc môi trường, hoặc những người có thể là  các nhóm dân tộc (national groups)  hoặc dân bản địa (indigenous people) bị đàn áp từ lâu. Xung đột tương tự cũng có thể thấy ở các quốc gia-dân tộc (nation-state)  lâu đời đang đối mặt với sự mất mát của đế chế của họ và tình trạng toàn cầu hóa. Sự tác động lẫn nhau liên tục giữa nhóm giữ quyền lãnh đạo (hegemony) và nhóm phụ  thuộc (subaltern)  kích hoạt  những thay đổi ở cả hai bên, nhấn mạnh tính linh hoạt và tính lai tạp (hibridity) vốn có của cả hai bên.

Thách thức và Củng cố Quyền Lãnh đạo

Có lẽ khi phân tích các tình hình thuộc địa và hậu thuộc địa, việc giải cấu trúc (deconstruction) các dự án dân tộc chủ nghĩa đã tỏ ra hiệu quả nhất, đặc biệt là trong việc phân tích vai trò của sự hoảng loạn văn hóa (cultural panic) và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc văn hóa (cultural nationalism)(5) như là phản ứng ngược lại. Tác động của quá trình hiện đại hóa sau khi áp đặt chế độ thực dân không chỉ phá vỡ nghiêm trọng các mô hình địa lý kinh tế, xã hội và văn hóa bản địa, mà còn kích thích sự phát triển của tầng lớp trí thức trung lưu bản địa (middle class intelligentsia) . Nhận thấy khả năng thăng tiến (upward mobility) của họ bị cản trở bởi những định kiến ​​và cấu trúc quyền lực của thế lực chiếm đóng, họ thường quyết tâm  tạo ra các cấu trúc thay thế dựa trên các đặc điểm và giá trị bản địa. Đặc biệt, họ tập trung vào những nét văn hóa mà họ coi là ít bị ô nhiễm nhất bởi chế độ thực dân và xung quanh những nét đó, họ xây dựng một thế giới quan thay thế. Các nét  được đề cập ở đây  thường là các đặc điểm của văn hóa truyền miệng phổ biến ở các vùng nông thôn hẻo lánh, tương đối chưa bị ảnh hưởng bởi sự phát triển thương mại đô thị nhưng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Những nét này được giải cứu, ghi lại dưới dạng văn bản, thường là lần đầu tiên, phổ biến thông qua các tổ chức cơ sở tự nguyện (grassroots organization), và được trình bày như những truyền thống văn hóa đích  thực của người dân. Người ta đã nêu rằng trên thực tế, chúng thường là những đặc trưng cổ xưa đến mức chúng từng  bị bỏ rơi và trong nhiều trường hợp, các ngôn ngữ nói riêng như tiếng Hy Lạp dưới thời Đế chế Ottoman (6) và tiếng Irish (Ái Nhĩ Lan)(7)  dưới sự cai trị của Anh ở Ireland đã phải được hiện đại hóa và chuẩn hóa về ngữ pháp , từ vựng và cách phát âm để có thể sử dụng được. Nhiều người trong các phong trào như vậy nhận thấy chủ nghĩa quốc gia về văn hóa thôi là chưa đủ và đã chuyển sang lĩnh vực chính trị, nơi họ thường cung cấp đội tiên phong cho các phong trào quốc gia trong chính trị và thế hệ lãnh đạo đầu tiên của quốc gia-dân tộc (nation-state) mới độc lập. Họ đã biến dự án phục hưng văn hóa quốc gia (nationalistic cultural revival)   thành một đặc điểm nổi bật của nhà nước mới, các chính sách của các chính phủ Ireland sau khi độc lập vào năm 1922 trong việc coi việc phục hưng ngôn ngữ và bảo tồn các quận nói tiếng Irish còn sót lại là những ví dụ đáng chú ý.

Việc thiết lập và bảo vệ quyền bá chủ văn hóa được trình bày như một dự án trọng tâm của tất cả các quốc gia-dân tộc (nation-state), cũ và mới. Một yếu tố quan trọng là việc tạo ra  huyền thoại về sự đồng nhất văn hóa và giữ cho nó tồn tại. Trên thực tế, một đặc tính chung  cho tất cả các xã hội  là  những phân chia nội tại không chỉ dựa trên sự khác biệt về văn hóa như ngôn ngữ và tôn giáo, mà còn dựa trên tuổi tác, giới tính (gender), tính dục (sexuality), khu vực và giai cấp. Sự lo lắng về khả năng tan rã của nhà nước, được củng cố bởi sự thuận tiện trong hành chính, đã khiến các chính phủ quốc gia không chỉ xác định và bảo vệ mạnh mẽ các đặc điểm ‘quốc gia’, mà còn nỗ lực không ngừng để ghi dấu ấn chúng trong toàn bộ dân chúng, đôi khi bằng cách cấm rõ ràng các mô-típ văn hóa (cultural motif) thay thế. Ngoài hệ thống giáo dục quốc gia, các chính phủ cũng đã sử dụng các cuộc thiết lập bản đồ quốc gia để thay đổi địa danh địa phương, cố tình cắt bỏ các từ ngữ thiểu số hoặc đôi khi vô tình bỏ qua các từ ngữ đó vì những người khảo sát có ít hoặc không hiểu biết về ngôn ngữ địa phương đã phát âm sai danh pháp địa phương. Một quá trình như vậy đã xảy ra vào thế kỷ 19 với công việc của cơ quan khảo sát bản đồ quốc gia  Anh (Ordnance Survey) ở Cao nguyên Scotland và các quận nói tiếng Gaelic ở Tây Ireland (8). Nghiên cứu cũng cho thấy cách các chính phủ  đã cố công kiến tạo và trưng bày  một loạt  biểu tượng quốc gia, như quốc kỳ, quốc ca, châm ngôn (mottoes), khẩu hiệu và màu sắc, cũng như tiền xu, tiền giấy, tem bưu chính, và tài liệu chính thức mang hình ảnh của những người cai trị, anh hùng và những cảnh quan quan trọng. (9)Những cuộc gặp gỡ liên tục hàng ngày với việc trưng bày và lưu hành các yếu tố được mô tả là “chủ nghĩa dân tộc tầm thường” (banal nationalism) tuy vậy lại khiến cho thông điệp của họ trở thành ‘bình thường’ (normal), một chiến thắng của việc dùng biểu tượng âm thầm nhưng mạnh mẽ.

Trích dịch từ: Địa lý sử học của chủ nghĩa dân tộc

Tác giả:  M.A, Busteed

trong Tự điển Bách khoa Quốc tế về Địa lý Nhân văn.

(Nationalism, Historical Geography of

M.A. Busteed, in International Encyclopedia of Human Geography, 2009)

Chú thích:

1)Bàn về các từ ngữ ”nation, nationalism, state, nation state” và  “dân tộc, chủ nghĩa dân tộc, quốc gia, quốc gia dân tộc”:

Nation: a) dân tộc : ví dụ: The nations of Europe= Các dân tộc Châu Âu

b) Nước, quốc gia

Ví dụ: The League of Nations: Hội Quốc Liên (theo Quỳnh Lâm, Tự điển Anh Việt-Việt Anh, Saigon 1968)

The United Nations: Liên Hiệp (hay Hợp) Quốc

State: thường được dịch là “quốc gia”; trong trường hợp “United States of America” state được dịch trước 1975 là “tiểu bang”, mặc dù nền kinh tế  tiểu  bang California chỉ nhỏ hơn 5-6 quốc gia hay Texas có nền kinh tế tương đương với kinh tế nước Nga (1600 tỷ đô la).

Một số nơi dùng nation-state để phân biệt các quốc gia và các tiểu bang của các nước liên bang.

Theo định nghĩa  của “nation-state” của từ điển Merriam-Webster:

Definition of nation-state

: a form of political organization under which a relatively homogeneous people inhabits a sovereign state, especially : a state containing one as opposed to several nationalities

Quốc gia-dân tộc: một hình thức tổ chức chính trị theo đó một dân tộc tương đối thuần nhất sinh sống tại một quốc gia có chủ quyền, đặc biệt là: một quốc gia bao gồm một dân tộc, trái với trường hợp có nhiều dân tộc

Cũng theo Merriam-Webster: nghĩa đầu tiên của “nation” là đồng nghĩa với “nationality”; một trong những nghĩa củ “nationality” là:

“Nationality: a people having a common origin, tradition, and language and capable of forming or actually constituting a nation-state

The diverse nationalities of the Austro-Hungarian Empire desired independence.

b: an ethnic group constituting one element of a larger unit (such as a nation)

The country is home to five nationalities.

Tạm dịch là:

Nationality: một dân tộc có nguồn gốc, truyền thống và ngôn ngữ chung và có khả năng hình thành hoặc thực sự cấu thành một quốc gia-dân tộc

Ví dụ: Các dân tộc đa dạng của Đế quốc Áo-Hung mong muốn độc lập.

b: một nhóm dân tộc cấu thành một phần tử của một đơn vị lớn hơn (chẳng hạn như một quốc gia)

Ví dụ: Nước này là nơi cư trú của 5 dân tộc.

Google translate dịch “nation state”  là “nhà nước quốc gia”, nhưng  tiếng Trung Hoa là  民族国家/Mínzú guójiā hay theo Hán Việt: “dân tộc quốc gia” .(30/4/2022)

2)Imagined community: ”Cộng đồng tưởng tượng”:

Cộng đồng  tưởng tượng là một khái niệm của  Benedict Anderson đề ra trong cuốn “ Các cộng đồng [được] tưởng tượng” (Imagined Communities) năm 1983  để phân tích chủ nghĩa dân tộc. Anderson mô tả một dân tộc như một cộng đồng được xã hội dựng nên (socially-constructed), được tưởng tượng bởi những người tự coi mình là thành phần của một nhóm.

Anderson tập trung vào cách mà các phương tiện truyền thông tạo ra các “cộng đồng tưởng tượng”, đặc biệt là sức mạnh của các tuyền thông  in ấn trong việc định hình tâm lý xã hội (social psyche) của một cá nhân. Anderson phân tích chữ viết, một công cụ được sử dụng bởi các giáo hội, các tác giả và các công ty truyền thông (đặc biệt là sách, báo và tạp chí), cũng như các công cụ của chính phủ như bản đồ, điều tra dân số và viện bảo tàng. Tất cả các công cụ này đều được xây dựng để nhắm mục tiêu vào và xác định đối tượng đại chúng trong phạm vi công chúng thông qua hình ảnh, hệ tư tưởng và ngôn ngữ ở địa vị thống trị. Anderson khám phá nguồn gốc trong thời  thuộc địa và tính cách phân biệt chủng tộc của những thực hành này trước khi giải thích một lý thuyết chung giải thích cách các chính phủ và tập đoàn đương thời có thể (và thường xuyên làm) sử dụng những thực hành tương tự. Những lý thuyết này lúc đầu không áp dụng cho internet hoặc truyền hình. (theo Wikipedia tiếng Anh)

3) Narrative: “Chuyện kể” hay “tự sự” trong khoa học xã hội:

Người ta thường cho rằng họ hiểu các sự kiện khi họ cố gắng xây dựng được một câu chuyện mạch lạc (coherent story) hoặc chuyện kể (narrative) giải thích cách mà họ tin rằng sự kiện được tạo ra. Do đó, “chuyện kể” là  nền tảng của các thể thức nhận thức của chúng ta và cũng cung cấp một khuôn sườn (framework) giải thích trong khoa học xã hội, đặc biệt là khi khó tập hợp đủ các trường hợp để cho phép phân tích thống kê.(Theo wikipedia tiếng Anh)

4) Điểm này đặc biệt thú vị với người Việt chúng ta vì chúng ta cũng qua một thời kỳ bị Pháp đô hộ với chính phủ thuộc địa đề cao mục đích và công trình ‘khai hóa” của họ và sự trỗi dậy của tình tự và ý thức dân tộc, những nghiên cứu, tranh luận về văn hóa, lịch sử  Việt Nam, Việt tính, tiếng Việt , quốc ngữ, văn phạm tiếng Việt ,vv…

5) Cultural nationalism: “chủ nghĩa dân tộc văn hóa” đề cập đến các phong trào trong đó sự qui thuận vào một nhóm (group allegiance) dựa trên di sản chung như ngôn ngữ, lịch sử, văn học, bài hát, tôn giáo, hệ tư tưởng, biểu tượng, đất đai hoặc di tích. Những người theo chủ nghĩa dân tộc văn hóa nhấn mạnh đến di sản hoặc văn hóa, hơn là chủng tộc hoặc sắc tộc hoặc các thể chế của một quốc gia.

https://www.encyclopedia.com/social-sciences/encyclopedias-almanacs-transcripts-and-maps/nationalism-and-ethnicity-cultural-nationalism

6)Sau gần 400 năm thuộc về Đế quốc Ottoman, Hy lạp (Greece) dành được độc lập năm 1829 sau cuộc chiến dành độc lập kéo dài 8 năm. Lúc đầu trong việc quyết định dùng ngôn ngữ chính thức nào cho nước Hy Lạp mới có sự dằng co giữa khuynh hướng phục hồi tiếng Hy lạp thời cỗ đại được coi là  “cao quý” và khuynh hướng dùng tiếng Hy lạp bình dân đương đại, bị coi là “thô thiển”, bị pha tạp với nhiều từ ngữ nước ngoài. Trong một thời gian, có hai thứ tiếng được dùng song song (diglossia): tiếng Hy Lạp theo chữ viết Hy Lạp kinh điển xưa  (archaizing written forms)  dành cho giáo dục và chính phủ và tiếng Hy Lạp nói trong dân chúng (vernacular language; dimotiki). Năm 1976, tiếng dimotiki (cọng thêm với một số đặc tính ngôn ngữ cổ điển được cải tiến từ thế kỷ thứ 19) được chính thức công nhận là ngôn ngữ chuẩn và chính thức của Hy Lạp. Ở  đây chúng ta thấy  tiếng Việt không phải là ngôn ngữ duy nhất phải qua nhiều giai đoạn “thai nghén” lúc một nước  bị  biến thành thuộc địa của một nền văn hóa khác và sau đó lại trở thành một quốc gia độc lập và phải xây dựng cho mình một ngôn ngữ mới.

7) Nhà nước Tự do Ireland (Irish Free State) được hình thành vào năm 1922 do kết quả từ Hiệp định Anh-Ireland, khiến khoảng 5/6 diện tích đảo Ireland về phía nam tách ra và độc lập khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Ireland. Ireland có vị thế quốc gia tự trị cho đến khi thông qua hiến pháp mới vào năm 1937, theo đó quốc hiệu là "Ireland" và thực tế trở thành một nước cộng hòa. (Wikipedia)

8)Các ngôn ngữ Goidelic hay Gaelic trong lịch sử đã hình thành một chuỗi phương ngữ trải dài từ Ireland (Irish Gaelic) qua Isle of Man đến Scotland (Scottish Gaelic). Hiện nay, Irish cùng với tiếng Anh là hai ngôn ngữ chính thức của Ireland.

9) Miền Nam VN chúng ta cũng có những cố gắng tương tự trong hai thời đệ nhất và đệ nhị Cọng hòa trước 1975. Kết quả của những thành tựu văn hóa này đang tiếp tục được người Việt hải ngoại kế thừa và phát triển (ngôn ngữ, âm nhạc, tượng đài, cờ, "chuyện kể" về lịch sử) để xây dựng một  cộng đồng toàn cầu (diaspora network) có vẻ có những đặc điểm của một “dân tộc văn hóa”.

Hồ Văn Hiền dịch và chú thích
(Tựa bàì viết của người dịch đặt ra.)

Ngày 15 tháng 5 năm 2022