"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

Trong Một Thế Giới Biến Động,

Tìm Hiểu  Về Chủ Nghĩa Dân Tộc

Bài 2: Châu Âu và Hoa Kỳ

 

 22bhvhah1

 

Chủ nghĩa dân tộc châu Âu

Phong trào Thanh giáo ở Anh (English Puritanism) và chủ nghĩa dân tộc

Sự biểu hiện đầy đủ đầu tiên của chủ nghĩa dân tộc hiện đại xảy ra ở Anh vào thế kỷ 17, trong cuộc cách mạng Thanh giáo (the Puritan revolution). Nước Anh đã trở thành quốc gia hàng đầu về tinh thần khoa học, về doanh nghiệp thương mại, về tư tưởng và hoạt động chính trị. Khơi dậy bởi một niềm tin to lớn vào thời đại mới, người Anh cảm thấy họ mang trên vai sứ mệnh lịch sử, có cảm giác rằng họ đang ở một bước ngoặt vĩ đại mà từ đó một cuộc cải cách thực sự mới và một sự tự do mới sẽ bắt đầu. Trong cuộc cách mạng Anh, một chủ nghĩa nhân văn lạc quan đã hợp nhất với đạo đức theo giáo phái Calvin (Calvinist ethic)(1), và ảnh hưởng của Kinh thánh đã hình thành nên chủ nghĩa dân tộc mới bằng cách đồng nhất dân tộc Anh với nước  Israel (Do thái) cổ đại.

Thông điệp mới, được thực hiện bởi những người mới không chỉ cho nước Anh mà cho tất cả nhân loại, đã được thể hiện trong các tác phẩm của nhà thơ John Milton (1608–74), người có tầm nhìn nổi tiếng coi  ý tưởng tự do  được lan truyền từ nước Anh, " đến muôn đời là  mảnh đất thuận tiện nhất  cho tự do  phát triển”, đến mọi chân trời góc biển.

 “Với những đám đông tụ họp vây quanh, bây giờ tôi tưởng tượng rằng… Tôi thấy các nước trên trái đất đang khôi phục lại quyền tự do mà họ đã đánh mất từ ​​lâu; và rằng người dân trên hòn đảo này đang… phân tán  những phước lành của văn minh và tự do  cho các các thành phố, vương quốc và dân tộc.”

Do đó, chủ nghĩa dân tộc của Anh gần hơn nhiều với cái nôi  tôn giáo (religious matrix) của nó so với các chủ nghĩa dân tộc sau này đã  trỗi dậy sau khi  quá trình thế tục hóa (secularization) đã đạt được nhiều tiến bộ hơn. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân tộc của thế kỷ 18 đã chia sẻ với nó (chủ nghĩa dân tộc Anh thế kỷ thứ 17) nhiệt tình của nó đối với tự do, tính nhân đạo của nó, sự nhấn mạnh đến quyền cá nhân và cộng đồng con người vượt  lên trên tất cả các sự chia rẽ quốc gia. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Anh xảy ra đồng thời với sự tăng trưởng của các tầng lớp trung lưu buôn bán người Anh. Nó sẽ được biểu hiện cuối cùng trong triết lý chính trị của John Locke (2), và chính trong hình thức đó, nó đã ảnh hưởng đến chủ nghĩa dân tộc của Mỹ và Pháp trong thế kỷ sau.

Chủ nghĩa dân tộc của Mỹ là sản phẩm tiêu biểu của thế kỷ 18. Những người Anh định cư ở Bắc Mỹ đã bị ảnh hưởng một phần bởi truyền thống của cách mạng Thanh giáo (Puritan Revolution) và những ý tưởng của Locke và một phần bởi những cách giải thích thuần lý (rational explanations) mới được các nhà triết học Pháp đương thời đưa ra cho ý niệm  tự do của người Anh. Những người định cư Mỹ đã trở thành một dân tộc tham gia đấu tranh cho tự do và quyền cá nhân. Họ dựa  cuộc chiến đó  trên tư tưởng chính trị đồng thời, đặc biệt là do Thomas Jefferson (3) và Thomas Paine (4) thể hiện. Đó là một chủ nghĩa dân tộc tự do (phóng khoáng, liberal) và nhân đạo coi nước Mỹ là đội tiên phong của nhân loại trên hành trình hướng tới tự do, bình đẳng và hạnh phúc hơn cho tất cả mọi người. Những ý tưởng của thế kỷ 18 đã trở  thành hiện thực chính trị đầu tiên trong Tuyên ngôn Độc lập và trong sự ra đời của quốc gia Hoa Kỳ. Ảnh hưởng sâu sắc của họ đã được cảm nhận trong Cách mạng Pháp.

Chủ nghĩa dân tộc Pháp

Jean-Jacques Rousseau (5)  đã chuẩn bị đất đai cho chủ nghĩa dân tộc Pháp nẩy mầm phát triển bằng cách nhấn mạnh chủ quyền của người dân và sự hợp tác chung của tất cả mọi người trong việc hình thành ý chí quốc gia dân tộc  (“ý chí chung”/general will), và cũng như qua việc  tôn trọng người dân thường như kẻ lưu giữ chân chính của nền văn minh.

Chủ nghĩa dân tộc của Cách mạng Pháp còn hơn thế nữa: đó là biểu hiện đắc thắng của một niềm tin có  lý  trí (rational faith) vào nhân tính chung và vào tiến bộ tự do. Khẩu hiệu nổi tiếng “Tự do, bình đẳng, tình huynh đệ” (Liberté, égalité, fraternité) và Tuyên ngôn về Quyền của Con người và Công dân được cho là có giá trị không chỉ đối với người dân Pháp mà còn đối với tất cả các dân tộc. Tự do cá nhân, bình đẳng giữa người với người, tình huynh đệ của tất cả các dân tộc — đây là những nền tảng chung của tất cả chủ nghĩa dân tộc tự do và dân chủ (liberal and democratic nationalisms). Lấy cảm hứng từ các điều này, các nghi lễ mới đã được phát triển một phần thay thế cho các ngày lễ, nghi thức tôn giáo cũ: lễ hội và cờ, nhạc và thơ, các ngày lễ quốc gia và các bài thuyết giảng về lòng yêu nước. Bằng những hình thức đa dạng nhất, chủ nghĩa dân tộc đã tràn ngập mọi biểu hiện của cuộc sống. Cũng như ở Mỹ, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc Pháp đã tạo ra một hiện tượng mới trong nghệ thuật chiến tranh: toàn dân chiến đấu (the nation in arms). Ở Mỹ và ở Pháp, quân đội công dân (citizen army), chưa qua đào tạo nhưng tràn đầy nhiệt huyết mới, đã tỏ ra hơn hẳn các đội quân chuyên nghiệp được đào tạo chuyên sâu chiến đấu mà không có động cơ của chủ nghĩa dân tộc. Chủ nghĩa dân tộc cách mạng của Pháp nhấn mạnh quyền quyết định tự do của cá nhân trong việc hình thành các quốc gia. Các quốc gia được cấu thành bởi hành động tự quyết của các thành viên. Trưng cầu dân ý (plebiscite) đã trở thành công cụ để thể hiện ý chí của dân tộc. Ở Mỹ cũng như ở nước Pháp cách mạng, chủ nghĩa dân tộc có nghĩa là tuân theo một ý tưởng tiến bộ phổ quát, hướng tới một tương lai chung của tự do và bình đẳng, chứ không phải hướng tới một quá khứ mà  đặc trưng là chủ nghĩa độc đoán (authoritarianism) và bất bình đẳng.

Các đội quân của Napoléon  đã truyền bá tinh thần dân tộc khắp Châu Âu và thậm chí cả Trung Đông, đồng thời, xuyên Đại Tây Dương, nó đã khơi dậy tinh thần dân tộc ở Châu Mỹ Latinh. Nhưng ách chinh phục của Napoléon đã làm tinh thần dân tộc của người châu Âu quay sang chống lại nước Pháp. (6) Ở Đức, cuộc đấu tranh được lãnh đạo bởi các nhà văn và giới trí thức, những người này bác bỏ tất cả các nguyên tắc  nền tản của các cuộc cách mạng Mỹ và Pháp  cũng như các khía cạnh tự do và nhân đạo của chủ nghĩa dân tộc.

Chú thích:

1)Protestant ethic and Calvinist ethic:

Jean Calvin (1509 –  1564) là nhà thần học có nhiều ảnh hưởng trong thời kỳ Cải cách Kháng Cách (protestant Reformation). Ông là nhân vật chính trong sự phát triển của hệ thống thần học Cơ đốc sau này được gọi là thuyết Calvin, bao gồm các học thuyết về tiền định (predestination) và về quyền tể trị tuyệt đối (absolute sovereignty) của Đức Chúa Trời trong việc cứu rỗi linh hồn con người khỏi cái chết và sự nguyền rủa đời đời.

“Đạo đức Tin lành”  (hay “đức lý Tin lành”, protestant ethic), trong lý thuyết xã hội học, chỉ giá trị gắn liền với sự chăm chỉ, tiết kiệm và tính  hiệu quả trong ơn gọi  thế gian (worldly calling) của một người, đặc biệt là theo quan điểm của người theo chủ nghĩa Calvin, được coi là dấu hiệu của một cá nhân  được [Chúa] chọn hoặc cứu rỗi đời đời (election for eternal salvation).

Nhà xã hội học, sử gia và kinh tế gia Đức nổi tiếng Max Weber (1864-1920) cho rằng xã hội tư bản hiện đại thành công ở Tây phương, và nhất là Mỹ và một số nước châu Âu theo tin lành như Anh, Hòa Lan, Đức,  là nhờ đạo đức lao động (niềm tin vào giá trị đạo đức của lao động) của  tin lành (protestant work ethic).

Theo Francis Fukuyama: “Lập luận của Weber tập trung vào đạo Tin lành khổ hạnh (ascetic protestantism). Ông nói rằng  chủ thuyết  của Calvin về tiền định  (Calvinist doctrine of predestination) đã khiến các tín đồ tìm cách chứng minh [ là họ xứng đáng với] địa vị được [Chúa] lựa chọn của mình (elect status), điều mà họ đã làm bằng cách tham gia vào thương mại và tích lũy của cải thế gian (worldly accumulation). Do đó, đạo Tin lành đã tạo ra một đạo đức lao động (work ethic) - nghĩa là đánh giá lao động vì lợi ích của chính nó hơn là vì kết quả của nó - và phá bỏ học thuyết Công giáo Aristotle-La Mã cũ cho rằng người ta chỉ nên kiếm của cải vừa đủ  để sống thoải mái. Ngoài ra, đạo Tin lành khuyến cáo các tín đồ của mình cư xử có đạo đức bên ngoài ranh giới của gia đình, điều này then chốt  trong việc tạo ra một hệ thống niềm tin trong xã hội.

https://www.nytimes.com/2005/03/13/books/review/the-calvinist-manifesto.html

2) John Locke (1632–1704) bác sĩ,  triết gia, nhà chính trị người Anh, theo trường phái chủ nghĩa kinh nghiệm Anh (empiricism) trong lĩnh vực nhận thức luận; phát triển lý thuyết về khế ước xã hội (social contract);  chống lại chủ nghĩa chuyên chế và đóng góp lớn đối với chủ nghĩa tự do cả về mặt cá nhân và thể chế; muốn con người dùng lý trí, trải nghiệm để đi tìm chân lý thay vì chấp nhận ý kiến áp đặt hoặc do niềm tin mù quáng.

Tác phẩm của Locke ảnh hưởng đến Voltaire và Jean-Jacques Rousseau, cũng như các nhà Cách mạng Mỹ. Những đóng góp của Locke cho chủ nghĩa cộng hòa cổ điển và lý thuyết tự do (classical republicanism and liberal theory) được phản ánh trong Tuyên ngôn Độc lập của Hoa Kỳ. Trên bình diện quốc tế, các nguyên tắc chính trị-pháp lý của Locke tiếp tục có ảnh hưởng sâu sắc đến lý thuyết và thực tiễn về chính phủ đại diện hạn chế (limited representative government) và việc bảo vệ các quyền và tự do cơ bản theo nhà nước pháp quyền. (Theo Wikipedia tiếng Anh)

3)Thomas Jefferson (1743 – 1826) là chính khách, nhà ngoại giao, luật sư, kiến trúc sư, nhà triết học người Mỹ; một trong các nhà lập quốc của Hoa Kỳ; tổng thống thứ 3 của Hoa Kỳ (1801 – 1809). Theo triết lý của Jefferson, người công dân có "một số quyền bất khả xâm phạm" và "tự do đúng đắn là hành động theo ý muốn của chúng ta  mà không bị cản trở, trong giới hạn vẽ ra xung quanh chúng ta bởi những quyền của người khác cũng ngang bằng [những quyền của chúng ta] ."

(Thomas Jefferson  gặp Giám mục Pigneau de Behaine và Hoàng tử Cảnh (1780-1801), con trai trưởng của chúa Nguyễn Ánh, đến Pháp vào tháng 2 năm 1787 để nhờ Pháp viện trợ chống Tây Sơn. Jefferson muốn xin lúa giống từ Nam Việt nam (hồi đó Pháp  gọi là Cochinchine)  và được đại diện của Hoàng tử Cảnh hứa sẽ gửi lúa giống sang Pháp. Kế hoạch không thành, Hoàng tử Cảnh rời Pháp tháng 12 năm 1787, về đến Việt Nam năm 1789 và năm 1801 chết sớm vì bệnh đậu mùa trước khi vua cha (vua Gia Long) lên ngôi năm 1802.)

4) Thomas Paine:

Thomas Paine (sinh 1737 tại  Anh – chết 1809 tại New York) nhà triết học, nhà cách mạng, người theo trường phái chủ nghĩa tự do cổ điển, nổi bật trong phong trào khai sáng, tác giả của Common Sense (Lẽ Thông Thường) (1776). Paine ủng hộ Cách mạng Hoa kỳ và  ảnh hưởng lớn đến Cách mạng Pháp.

Tác phẩm: -Quyền con người (Rights of Man, 1791) phê phán chế độ quân chủ và bênh vực Cách mạng Pháp.

-Thời đại của lý trí (The Age of Reason, 1793-94) bênh vực “tự nhiên thần giáo” (deism) và phê phán các tôn giáo được tổ chức, thể chế hóa, từ chối sự mặc khải tôn giáo (revelation, ví dụ trong Kitô giáo) và từ chối Kinh Thánh như là lời Chúa.“Deism” là một  phong trào trí thức của thế kỷ 17- 18 chấp nhận sự tồn tại của một đấng sáng tạo trên cơ sở lý trí nhưng bác bỏ niềm tin vào một vị thần siêu nhiên tương tác với loài người (chúng ta có thể liên tưởng đến quan niệm phổ biến Đông phương về tạo hóa (“con tạo xoay vần”) vô tư, vô tình coi con người như chó rơm).

- Công lý nông nghiệp :Agrarian Justice (1795) bàn luận về nguồn gốc của cải và đưa ra một khái niệm tương tự như lợi tức thối thiểu bảo đảm (guaranteed minimum income).

5)Jean-Jacques Rousseau, người Pháp ( sanh năm 1712 thành phố Geneve, Thụy sĩ, giáo phái Calvinist, chết ở Pháp 1778 theo đạo Công giáo), hiện nay vẫn còn là một nhân vật quan trọng trong lịch sử triết học,  vì những đóng góp của ông cho triết học chính trị và tâm lý học đạo đức và vì ảnh hưởng của ông đối với các nhà tư tưởng sau này.

Rousseau muốn bảo tồn tự do của mỗi con người trong một thế giới mà con người ngày càng phụ thuộc vào nhau để đáp ứng  nhu cầu của mình. Mối quan tâm này có hai chiều: vật chất và tâm lý, trong đó chiều sau quan trọng  hơn. Trong thế giới hiện đại, mỗi người xây dựng  ý thức về bản thân (sense of self)  từ ý kiến ​​của người khác, một thực tế mà Rousseau coi là xoi mòn sự tự do và phá hủy tính chân thực (authenticity) của cá nhân.

Rousseau chủ yếu khám phá hai con đường để đạt được và bảo vệ tự do: thứ nhất là một con đường chính trị nhằm xây dựng các thể chế chính trị cho phép các công dân tự do và bình đẳng cùng tồn tại trong một cộng đồng mà bản thân họ có chủ quyền; thứ hai là một dự án phát triển và giáo dục trẻ em nhằm nâng cao tính tự chủ và tránh sự phát triển của các hình thức tìm tư lợi  sẽ có hại nhất cho xã hội.Tuy nhiên, mặc dù Rousseau tin rằng sự tồn tại chung của con người trong các mối quan hệ bình đẳng và tự do là có thể xảy ra, ông vẫn rất bi quan cho rằng nhân loại sẽ khó thoát khỏi tình trạng tha hóa (aleniation), áp bức và thiếu tự do.

(https://plato.stanford.edu/entries/rousseau/)

6)Napoléon Bonaparte (Napoleon Đệ nhất; 1769-1822), Tổng tài thứ nhất (Premier consul; 1799-1804) và Hoàng đế Pháp (Empereur des Francais; 1804-1814), muốn quảng bá  chủ nghĩa dân tộc Pháp dựa trên những lý tưởng của Cách mạng Pháp như ý tưởng về "tự do, bình đẳng, tình huynh đệ" và  biện minh cho chủ nghĩa bành trướng  và các chiến dịch quân sự của Pháp bằng cách  tuyên bố rằng Pháp có quyền truyền bá những lý tưởng khai sáng của Cách mạng Pháp trên khắp châu Âu, và cũng để mở rộng nước Pháp đến cái gọi là "các biên giới tự nhiên". Các cuộc xâm lược của Napoléon đối với các quốc gia khác đã có tác dụng truyền bá khái niệm chủ nghĩa dân tộc ra bên ngoài nước Pháp. Sau khi Napoléon bại trận và thất bại, chủ nghĩa dân tộc của Pháp từ thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 đi đôi với một lòng yêu nước quyết đoán cùng cực và  hỗ trợ lực lượng quân sự để đạt được các mục tiêu chính trị của mình.

Một gia thoại thú vị về Napoleon và nhà soạn nhạc Beethoven: 

Beethoven, người Đức, ngưỡng mộ những lý tưởng của Cách mạng Pháp và đề tặng bản giao hưởng thứ ba  (Symphony No. 3 hay Eroica, Anh hùng ca) của  mình cho Napoléon Bonaparte, đặt tựa đề là “Bonaparte”. Khi Napoléon tự xưng mình là hoàng đế, Beethoven nổi cơn thịnh nộ, cho rằng Napoleon chỉ là một kẻ tham vọng tầm thường,” chà đạp lên quyền con người “,và  xé trang đầu bản thảo, xóa tên Napoléon.

(theo Wikipedia tiếng Anh).

Hồ Văn Hiền dịch và chú thích

Nguyên tác:

Encyclopedia Britannica

Ngày 11 tháng 6 năm 2022