Trong Một Thế Giới Biến Động,

Tìm Hiểu  Về Chủ Nghĩa Dân Tộc (Nationalism)

Bài 3: Châu Âu Hậu Bán TK 19-TK 20

 

22bhvhah01 

Cuộc “khởi nghĩa Hung Gia Lợi”(1956)“

Chủ nghĩa "cộng sản dân tộc” (national communism)  đã trở thành một lực lượng gây chia rẽ trong khối Xô Viết. Chủ nghĩa dân tộc là nhân tố mạnh mẽ trong các phong trào nổi dậy ở Ba Lan (Poland)  và Hungary vào mùa thu năm 1956” (xem chú thích #6)

 

 

Làn sóng cách mạng năm 1848

Chủ nghĩa dân tộc Đức bắt đầu nhấn mạnh vào bản năng đối nghịch với lý trí, sức mạnh của truyền thống lịch sử đối nghịch với những nỗ lực duy  lý nhắm đến tiến bộ và một trật tự công bằng hơn, và sự khác biệt lịch sử giữa các quốc gia hơn là nguyện vọng chung của họ. Cách mạng Pháp, chủ nghĩa tự do và bình đẳng được coi là một sai lầm ngắn ngủi mà nền tảng vĩnh cửu của trật tự xã hội sẽ chiếm ưu thế.

Sự suy diễn đó của người Đức đã được chứng minh là sai bởi những phát triển của thế kỷ 19. Chủ nghĩa dân tộc tự do đã tự củng cố vai trò của mình và ngày càng ảnh hưởng đến nhiều người hơn: tầng lớp trung lưu đang lên và giai cấp vô sản mới. Làn sóng cách mạng năm 1848, năm “mùa xuân của các dân tộc”, dường như hiện thực hóa hy vọng của những người theo chủ nghĩa dân tộc như Giuseppe Mazzini (1),  người đã cống hiến đời mình  cho sự thống nhất của dân tộc  Ý bằng các phương thức dân chủ và cho tình huynh đệ của tất cả các dân tộc tự do. Mặc dù những hy vọng trước mắt của ông đã không thành tựu, 12 năm từ 1859 đến 1871 đã mang lại sự thống nhất của Ý và Romania, cả với sự giúp đỡ của Napoléon III và của Đức, đồng thời những năm của  thập kỷ  1860 chứng kiến sự ​ tiến bộ lớn của chủ nghĩa tự do, ngay cả ở Nga và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, khuynh hướng chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc tự do đã bị Otto von Bismarck (2) đảo ngược ở Đức. Ông đã thống nhất nước Đức trên cơ sở bảo thủ và độc tài (authoritarian) và đánh bại chủ nghĩa tự do của Đức. Việc Đức sáp nhập Alsace-Lorraine chống lại ý chí của các cư dân là trái với ý tưởng về chủ nghĩa dân tộc dựa trên ý chí tự do của nhân loại. Người dân Alsace-Lorraine (3) được xem như là người Đức bởi các yếu tố được cho là khách quan, quan trọng hơn hết là chủng tộc, mà không đếm xỉa  đến  ý muốn  hoặc sự trung thành của họ với bất kỳ nhóm dân tộc mà nào họ chọn.

Trong nửa sau của thế kỷ 19, chủ nghĩa dân tộc đã làm tan rã các  nhà nước siêu dân tộc (supranational states) của dòng họ Habsburgs (4) và các quốc vương hồi giáo (sultan) trong đế quốc Ottoman, cả hai đều dựa trên những sự  thuần phục trước thời kỳ dân tộc chủ nghĩa (prenationalist loyalties). Ở Nga, sự xâm nhập của chủ nghĩa dân tộc đã sản sinh ra hai trường phái tư tưởng đối lập nhau. Một số người theo chủ nghĩa dân tộc đã đề xuất một nước Nga được Tây phương  hóa (Westernized Russia), liên kết với các lực lượng tiến bộ, tự do của phần còn lại của châu  Âu. Những người kia nhấn mạnh tính cách đặc biệt của Nga và Chủ nghĩa Nga (Russianism), định mệnh  độc lập và khác biệt của nó dựa trên quá khứ chuyên quyền và [Kitô giáo] chính thống của nó. Những người Slavophile (5) này, tương tự như và chịu ảnh hưởng của các nhà tư tưởng Lãng mạn Đức (German Romantic), đã coi nước Nga như một vị cứu tinh  tương lai của phương Tây bị chủ nghĩa tự do và di sản của các cuộc cách mạng Mỹ và Pháp làm suy yếu.

Sự phát triển của thế kỷ 20

 

Một trong những hậu quả của Thế Chiến thứ nhất là sự thành công của chủ nghĩa dân tộc ở Trung và Đông  Âu. Từ đống đổ nát của các đế chế Habsburg và Romanov đã xuất hiện các quốc gia-dân tộc mới gồm Áo (Austria), Hungary, Tiệp Khắc (Czechoslovakia), Ba Lan, Nam Tư (Yugoslavia) và Romania. Tuy nhiên, đến lượt các quốc gia đó lại trở nên căng thẳng và tàn phá do xung đột giữa các nhóm dân tộc  nội bộ của họ và bởi các tranh chấp dân tộc chủ nghĩa về lãnh thổ với các nước láng giềng của họ.

Chủ nghĩa dân tộc Nga một phần đã bị đàn áp sau chiến thắng của Vladimir Lenin vào năm 1917, khi những người Bolshevik tiếp quản đế chế cũ của sa hoàng. Nhưng những người Bolshevik cũng tuyên bố họ nắm lãnh đạo của phong trào cộng sản thế giới, phong trào này đã trở thành một công cụ trong các chính sách quốc gia của người Nga. Trong Thế  Chiến thứ hai, Joseph Stalin đã kêu gọi chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước trong việc tập hợp người Nga chống lại những kẻ xâm lược nước ngoài. Sau chiến tranh, Stalin nhận thấy chủ nghĩa dân tộc là một trong những trở ngại mạnh nhất đối với sự bành trướng quyền lực của Liên Xô ở Đông  Âu. Chủ nghĩa cộng sản dân tộc (national communism), theo cách gọi hồi đó, đã trở thành một lực lượng gây chia rẽ trong khối Xô Viết. Năm 1948 Josip Broz Tito (6), nhà lãnh đạo cộng sản của Nam Tư, bị Moscow tố cáo là người theo chủ nghĩa dân tộc và phản bội, chủ nghĩa dân tộc là nhân tố mạnh mẽ trong các phong trào nổi dậy ở Ba Lan (Poland)  và Hungary (7) vào mùa thu năm 1956, và sau đó còn có thể thấy ảnh hưởng của nó ở Romania và Tiệp Khắc và một lần nữa ở Ba Lan vào năm 1980.

Tinh thần chủ nghĩa dân tộc dường như suy yếu ở châu  Âu sau Thế chiến thứ hai với việc thành lập các tổ chức kinh tế, quân sự và chính trị quốc tế như NATO (Liên Minh Bắc Đại tây Dương), Cộng đồng Than và Thép châu  Âu (1952–2002), Euratom (Cộng đồng Nguyên tử Năng Châu Âu), và Thị trường Chung (Common Market), sau này được gọi là  Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (European Economic Community) và sau đó trở thành  Cộng đồng Châu  Âu (European Community). Nhưng các chính sách mà Pháp theo đuổi dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle (8) và các vấn đề đặt ra bởi sự chia cắt nước Đức cho đến năm 1990 cho thấy sức hấp dẫn của [mô hình] quốc gia-dân tộc (nation-state) vẫn còn rất sinh động .

Hồ Văn Hiền dịch

Nguyên tác: https://www.britannica.com/topic/nationalism/Asian-and-African-nationalism

Chú thích:

1)Về vai trò của Mazzini trong việc thành lập nước Ý thống nhất và ảnh hưởng của cuốn “Tâm hồn cao thượng” của De Amicis trên giáo dục ở Việt nam:

 Giuseppe Mazzini  (1805 - 1872) chính trị gia người Ý, nhà báo, hoạt động cho sự thống nhất của Ý và lãnh đạo phong trào cách mạng Ý. Những nỗ lực của ông đã góp phần mang lại một nước Ý độc lập và thống nhất  thay thế một số quốc gia riêng rẽ, một bị thống trị bởi các thế lực nước ngoài và  tồn tại cho đến thế kỷ 19. Mazzini đã giúp xác định phong trào  các chế độ dân chủ bình dân trong nhà nước cộng hòa (popular democracy in a republican state) ở Châu Âu hiện đại.

Tư tưởng của Mazzini có ảnh hưởng lớn đến các phong trào cộng hòa ở Ý và châu  Âu,  Hiến pháp  Ý, chủ nghĩa  Âu châu và ảnh hưởng ở mức độ khác nhau đối với nhiều chính trị gia của thời kỳ sau đó, trong số đó có Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson và Thủ tướng Anh David Lloyd George cũng như các nhà lãnh đạo thời hậu thuộc địa như Mahatma Gandhi, Veer Savarkar, Golda Meir, David Ben-Gurion, Kwame Nkrumah, Jawaharlal Nehru và Sun Yat-sen (Tôn Dật Tiên). (Theo Wikipedia tiếng Anh)

Một điều thú vị là chủ nghĩa dân tộc Ý, một cách gián tiếp, đã ảnh hưởng đáng kể đến tinh thần dân tộc ở Viêt Nam, qua tác phẩm “Cuore” (Trái tim) (1886), của Edmondo De Amicis, được Hà Mai Anh dịch ra tiếng Việt với tựa đề “Tâm hồn cao thượng” (từ bản tiếng Pháp Grands Coeurs). Sách được viết như cuốn nhật của một cậu bé Ý học lớp tư vào năm học 1881-1882, lúc quốc gia Ý thống nhất vừa mới được thành lập (1871).

Cuốn sách gặt hái thành công rất lớn,  chỉ trong vài tháng, được in thành 40 ấn bản tiếng Ý và được dịch ra hàng chục thứ tiếng. Việc sách ca ngợi sự thành lập nhà nước Ý thống nhất trong thập kỷ trước giúp nó được  tiếp nhận nồng nhiệt.

Một số nhà phê bình văn học cho rằng cuốn sách đã thay thế vai trò Giáo hội, văn hóa và đạo đức công giáo bằng  Quốc gia Ý, hình ảnh của người công dân và  các bộ luật của Ý.

Bàn cãi nhiều về  các vấn đề xã hội như sự nghèo đói, cuốn sách cho thấy ảnh hưởng của các hệ tư tưởng cánh tả đối với  De Amicis (sau này ông gia nhập Đảng Xã hội Ý). Do đó, cuốn sách vẫn có ảnh hưởng và được dùng trong nhiều sách giáo khoa ở các nước thuộc thối Xô Viết. Mặt khác, cuốn sách khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa dân tộc và lòng yêu nước của người Ý cũng khiến nó rất được hoan nghênh ở Ý trong thời  chủ nghĩa phát xít (Mussolini).

“Tâm hồn cao thượng” rất phổ biến ở  miền Nam Việt Nam trong các thập niên 1950, 1960 và có lúc được trích đoạn dùng trong sách giáo khoa trước năm 1975, đến nay vẫn còn được tái bản nhiều lần. Trước năm 1975, bản dịch này đã gây những ấn tượng sâu xa trong thế hệ niên thiếu của thời đó, được xem như một cuốn "luân lý giáo khoa thư" của thế kỷ 20, và cũng là một bài về “công dân giáo dục” cho người dân một nước mới thành hình như nước Ý hoặc một quốc gia mới độc lập như VNCH .

Ví dụ sự đề cao tình tự dân tộc trong bài “Cậu bé miền  Nam”, lúc thầy giáo khuyến khích học trò mình niềm nở đón tiếp đứa bạn mới tóc quăn đa nâu từ miền Calabra ở cực nam nước Ý:

“Cho được cái kết quả nói trên, nghĩa là làm cho một đứa trẻ xứ Nam ở xứ Bắc cũng như ở nhà mình và đứa trẻ xứ Bắc vào xứ Nam cũng tựa như về quê mình, nước ta đã phải chiến đấu trong 50 năm trời và đã được quyền tự do ấy. Vậy các con phải coi nhau như con một nhà, yêu nhau như anh em ruột thịt. Kẻ nào thấy người bạn mới không phải người xứ mình mà đem lòng khinh rẻ, kẻ ấy sẽ không đáng ngẩng mặt nhìn ngọn cờ ba sắc (của Ý ) đi qua.”

Đoạn trên có thể có ý nghĩa đặc biệt với các học sinh miền Nam Việt  Nam đang được học chung lớp với các học sinh di cư từ miền Bắc  xa xôi sau khi đất nước bị chia cắt năm 1954.

Hay bài về lòng ái quốc lúc “ nước nhà nguy biến “ và người cha thà chết chứ không chấp nhận đứa con hèn nhát nơi trận mạc:

“Enricô con ơi! Bây giờ con đã hiểu thế nào là lòng ái quốc. Đó là một điều rất to tát, rất thiêng liêng. Vì một ngày kia, ta trông thấy con về trận được an toàn, nhưng được tin con lẩn lút để tránh cái chết, thì cha đây, cha không còn đón con bằng những tiếng cười vui vẻ như ngày xưa mỗi lúc đón con đi học về nữa, bấy giờ cha sẽ đón con bằng những tiếng khóc xót xa. Cha sẽ không thể thương con được nữa và sẽ đâm vào tim mà thác cho rồi…”

Cũng như ở Ý, sách “Cuore” được coi là thay thế đạo đức công giáo bằng đạo đức “thế tục” (secular morality) và dân sự, ở Việt Nam sách “Tâm hồn cao thượng” cũng góp phần xây dựng một nền đức dục mới không đặt cơ sở trên nền đức dục Khổng Mạnh hay Phật giáo, tương tự như sách giáo khoa Quốc Văn và Luân Lý Giáo Khoa Thư dùng ở các trường Tiểu học Việt Nam trong nửa đầu thế kỷ XX  (thời thuộc địa) do Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn, nhưng có nhiều yếu tố giáo dục công dân trong một nước Việt Nam vừa thoát khỏi đô hộ của người Pháp.

Nhà khoa học Nguyễn Xuân Vinh đã coi cuốn sách “Tâm hồn cao thượng” với bản dịch tiếng Việt của nhà giáo Hà Mai Anh là "cuốn sách đã ảnh hưởng nhiều nhất từ trước tới nay" đến ông. (Theo Wikipedia)

2)Otto Eduard Leopold von Bismarck (1815 – 1898) chính trị gia người Đức,  lãnh đạo nước Đức và châu  Âu từ năm 1862 đến năm 1890. Năm 1871, sau chiến thắng  Đan Mạch (1864), Áo (1866) và Pháp (1870 – 1871), Bismark thống nhất các bang Đức (ngoại trừ Đế quốc Áo) thành một Đế quốc Đức hùng mạnh. Sau đó, ông xây dựng cục diện cân bằng quyền lực, Trong hai mươi năm tiếp theo, Otto von Bismarck đã cố gắng duy trì sự cân bằng quyền lực, bằng cách đề xuất các hiệp ước và tạo ra nhiều liên minh phức tạp giữa các quốc gia châu Âu như "Liên minh ba nước" (Triple Alliance, giữa Đức, Áo-Hung và Ý), duy trì thành công nền hòa bình ở châu  Âu từ năm 1871 đến 1914 (Thế chiến thứ nhất).

3) Alsace – Lorraine là một vùng lịch sử giữa phía đông nước Pháp và phía tây nước Đức, được Pháp nhượng cho  Đế quốc Đức (German Empire) năm 1871 qua Hiệp ước Frankfurt sau khi Pháp thua trận chiến tranh Pháp-Phổ (Franco-Prussian War). Alsace – Lorraine được hoàn lại thuộc quyền sở hữu của Pháp vào năm 1918 như một phần của Hiệp ước Versailles và sau khi  Đức bại trận  Thế chiến thứ nhất, ngày nay được gọi là Alsace – Moselle.

Vào thế kỷ thứ 16, 17 và 18, Pháp từng sát nhập các  vùng này của Đức  (Holy [German] Roman Empire) và gồm những cư dân nói tiếng Đức.

Lịch sử hiện đại của Alsace – Lorraine phần lớn bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh giữa chủ nghĩa dân tộc của Pháp và Đức.

4)Vương tộc Habsburg: The House of Habsburg, vương triều Đức  từng là một trong những gia tộc nổi bật nhất của châu  Âu trong 1000 năm qua.

Vương tộc này được đặt theo tên của Lâu đài Habsburg, một pháo đài xây dựng bởi Radbot, Bá tước của Klettgau vào những năm 1020 ở Thụy Sĩ ngày nay.

5)Slavophilia là một phong trào trí thức bắt nguồn từ thế kỷ 19 muốn Đế chế Nga được phát triển dựa trên các giá trị và thể chế bắt nguồn từ lịch sử ban đầu của nó. Những người Slavophile phản đối ảnh hưởng của Tây  Âu ở Nga. Cũng có những phong trào tương tự ở Ba Lan, Serbia và Croatia, Bulgaria, và Tiệp Khắc. Tùy thuộc vào bối cảnh lịch sử, phản nghĩa  của nó có thể được gọi là Slavophobia, “nỗi sợ hãi văn hóa Slav”, hoặc cái mà một số trí thức Nga gọi là “chủ nghĩa phương Tây” (Westernism) (Theo wikipedia tiếng Anh).

Thuật ngữ "Slav" chỉ một nhóm dân tộc có chung một nền văn hóa lâu dài và dùng  một tập hợp ngôn ngữ liên quan với nhau  gọi là các ngôn ngữ Slav (tất cả đều thuộc ngữ hệ Ấn- u).

Người Slav nguyên thủy gọi  là người “ Proto-Slavic’  sinh sống trong một khu vực trải dài từ phía tây Ba Lan đến sông Dnepr ở Belarus vào khoảng 1500 trước công nguyên.

Ngày nay, một số lượng lớn  ngôn ngữ Slav vẫn được sử dụng, bao gồm tiếng Bungari, tiếng Séc, tiếng Croatia, tiếng Ba Lan, tiếng Serbia, tiếng Slovak, tiếng Nga và nhiều ngôn ngữ khác, trải dài từ Trung  Âu và Đông  Âu đến Nga.

https://www.worldhistory.org/Slavs/#:~:text=The%20term%20%22Slavs%22%20designates%20an,Indo%2DEuropean%20language%20family).

6)Josip Broz Tito (1892 – 1980) là nhà cách mạng và chính khách  Nam Tư, tổng thư ký và sau đó là chủ tịch của Liên đoàn Những người Cộng sản Nam Tư (từ năm 1939 đến năm 1980), lãnh đạo kháng chiến Nam Tư trong Thế Chiến  thứ hai, Thủ tướng (1945–63) và Tổng thống (1953–80) của Cộng hòa Liên bang Xã hội chủ nghĩa Nam Tư.

Tito là người đầu tiên và duy nhất của châu  Âu có khả năng chống lại sự điều khiển của Liên Xô (1948) với tư cách là một quốc gia nhỏ, còn trên thế giới thì có hai chính phủ cộng sản không thuộc Liên Xô là Nam Tư và  Trung Hoa của Mao Trạch Đông ly khai Liên Xô vào năm 1959 nhưng lại là một quốc gia lớn, ngoài ra chính phủ Khmer Đỏ của Pol Pot tuy không thuộc Liên Xô nhưng lại thân Trung Quốc. Do không thuộc Liên Xô nên Nam Tư thuộc Phong trào Không Liên kết (Non-Aligned Movement), không chống nhưng cũng không ngả theo phe nào trong hai phe đối đầu của Chiến tranh lạnh, bỏ chế độ kinh tế tập trung để áp dụng kinh tế thị trường. Nền kinh tế của Nam Tư suy sụp sau khi Tito qua đời và, sau khi chủ nghĩa cọng sản sụp đổ ở Đông Âu, Liên bang Nam Tư tan rã qua những phong trào dân tộc chủ nghĩa theo sắc tộc (ethnic nationalism) , và trở thành nhiều nước nhỏ độc lập  như Croatia,  Serbia, Montenegro, Slovenia (quê hương của đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump).

7) Cuộc khởi nghĩa ở Budapest, Hungary (Hung Gia Lợi) được chính quyền VNCH nhắc đến nhiều như một dụng cụ tuyên truyền chống cọng vào những năm cuối của thập niên 1950.

Vào ngày 23 tháng 10 năm 1956, một cuộc biểu tình ôn hòa của sinh viên chống lại chế độ Cộng sản ở Budapest đã leo thang thành một cuộc cách mạng toàn diện, lật đổ chính phủ do Liên Xô hậu thuẫn, Thủ tướng  Imre Nagy, người chủ trương cải tổ chế độ cọng sản chuyên chế thân Xô Viết, được phục chức và tuyên bố Hung Gia Lợi trung lập. Xe tăng Xô Viết tiến vào cùng với 17 sư đoàn chiếm đóng nước này. Ngày 8 tháng 11, Hồng Quân kiểm soát hoàn toàn Budapest và cuộc Cách mạng Hungary đã bị dập tắt. Các cuộc cố thủ lâu nhất chống lại cuộc tấn công của Liên Xô kéo dài cho đến ngày 11 tháng 11 khi những người nổi dậy cuối cùng  phải chống chọi với cuộc tấn công dữ dội của Liên Xô. Tổng số thương vong của Hungary lên đến khoảng 2.500 người chết và 20.000 người bị thương, trong đó Budapest chịu gánh nặng của cuộc đổ máu, với 1.569 thường dân thiệt mạng.

https://kafkadesk.org/2021/10/23/on-this-day-in-1956-the-hungarian-revolution-toppled-the-communist-regime-in-budapest/

8) Charles de Gaulle (1890-1970), cựu tổng thống Pháp (1958-1969), từng nói:

“Chủ nghĩa ái quốc là yêu nước của mình. Chủ nghĩa dân tộc là ghét nước của người khác.”

( Le patriotisme, c'est aimer son pays. Le nationalisme, c'est détester celui des autres)

Trong Thế Chiến thứ 2, Charles de Gaulle lãnh đạo phong trào “Nước Pháp Tự do “ (France libre) cọng tác với các đồng minh để giải phóng nước Pháp khỏi Đức Quốc Xã (Nazi) năm 1944.  Tuy vậy, vào cuối Thế chiến II, ông kiên quyết duy trì đế chế thuộc địa của Pháp. Do đó, vào tháng 5 năm 1945, de Gaulle đã ra lệnh đàn áp những kẻ bạo loạn chống Pháp ở Bắc Phi và gửi quân để giành lại quyền kiểm soát của Pháp ở Đông Dương cùng năm đó. (Tuy nhiên, khi trở lại nắm quyền tổng thống vào năm 1958, de Gaulle đã đẩy nhanh quá trình phi thực dân hóa và cuối cùng trao cho Algeria độc lập vào năm 1962 vì lúc này tình hình đã đổi khác).

Trong suốt cuộc đời dài của mình, de Gaulle đã không ngừng nhắc đến tính cách đặc biệt và các  thành tựu to lớn về văn minh của nước ông. Tuy nhiên, de Gaulle coi Pháp là một quốc gia bị tổn thương qua nhiều biến cố lịch sử từ thời cách mạng Pháp và đang mất chỗ đứng của mình. Ông lo ngại về vai trò nước Đức sẽ luôn luôn ở bên hông Pháp và ông không muốn Hoa Kỳ nắm trong tay quá nhiều quyền lực trên các quốc gia khác (Pháp rút ra khỏi NATO, tự vũ trang bằng võ khí nguyên tử, chống vai trò của Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam, cho  nên hồi giữa thập niên 1960 Thủ tướng Nguyễn Cao Kỳ cắt đứt ngoại giao với Pháp (24/6/1965), du học sinh không được đi Pháp.)

(Joseph W. Annunziata, 1967: French Reactions to American Involvement in Vietnam - Page 50)

De Gaulle không tin vào các định chế châu Âu siêu quốc gia (supranational Europe) như Cộng đồng chung châu Âu hiện nay vì chúng thiếu chiều sâu lịch sử và văn hóa, và do đó thiếu tính cách pháp lý (legitimacy). Ông muốn che dấu sự yếu kém của nước Pháp bằng cách tâng bốc và thổ phồng  vai trò của nó và cố gắng phục hồi sự tin tưởng của người Pháp vào sự vĩ đại của dân tộc mình.

(Charles de Gaulle and the return of the nation:

https://www.thepublicdiscourse.com/2018/11/43935/  )

Hiện nay, đương kim tổng thống Pháp Macron chủ trương nghiêng về một vai trò mạnh cho EU (Cộng đồng Châu Âu) và chỉ trích chủ nghĩa dân tộc (được gán cho Tổng thống Trump của Mỹ), vì dụ câu sau đây:

“Patriotism is the exact opposite of nationalism. Nationalism is a betrayal of patriotism. By putting our own interests first, with no regard for others, we erase the very thing that a nation holds dearest, and the thing that keeps it alive: its moral values.”

(Tạm dịch : Lòng yêu nước hoàn toàn đối lập với chủ nghĩa dân tộc. Theo chủ nghĩa dân tộc là phản bội lòng yêu nước. Bằng cách đặt lợi ích của mình lên hàng đầu, không quan tâm đến người khác, chúng ta xóa bỏ chính điều mà một quốc gia yêu quý nhất, và điều giữ cho quốc gia đó tồn tại: các giá trị đạo đức của quốc gia đó.)

https://twitter.com/emmanuelmacron/status/1061657617683111942?lang=en

Hồ Văn Hiền dịch và chú thích

     HT

Ngày 17 tháng 6 năm 2022