"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Trong Một Thế Giới Biến Động,Tìm Hiểu  Về Chủ Nghĩa Dân Tộc (Nationalism)

Bài 4: Chủ nghĩa Dân tộc  ở Châu Á và Châu Phi

 22chvhtm4

Phan Bội Châu (1867-1940), nhà cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ thứ 20.

 

Chủ nghĩa dân tộc bắt đầu xuất hiện ở châu Á và châu Phi sau Thế chiến thứ nhất. Nó đã sản sinh ra những nhà lãnh đạo như Kemal Atatürk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Saʿd Pasha Zaghūl ở Ai Cập, Ibn Saud ở Bán đảo Ả Rập, Mahatma Gandhi ở Ấn Độ, và Tôn Trung Sơn (1) ở Trung Quốc. Atatürk đã thành công trong việc thay thế cấu trúc thời trung cổ của chế độ quân chủ Hồi giáo bằng một nước cộng hòa thế tục được hồi sinh và hiện đại hóa vào năm 1923. Nhu cầu thống nhất của các nước Ả Rập đã bị chủ nghĩa đế quốc Anh đè nén ở Châu Phi và Châu Á  và chủ nghĩa đế quốc Pháp  ở châu Phi. Tuy nhiên, Anh có thể đã thể hiện năng khiếu thích ứng với các lực lượng mới khi họ giúp tạo nên một nước Ai Cập độc lập (1922; hoàn toàn, 1936) và Iraq (1932) và thể hiện một tinh thần tương tự ở Ấn Độ, nơi Đảng Quốc Đại (Quốc dân Đại hội Ấn Độ; Indian National Congress), được thành lập vào năm 1885 thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc tự do (liberal nationalism) lấy cảm hứng từ mô hình của Anh, trở nên cấp tiến (radical) hơn sau năm 1918. Nhật Bản, chịu ảnh hưởng của Đức, đã sử dụng các kỹ thuật công nghiệp hiện đại để phục vụ một chủ nghĩa dân tộc chuyên chế (authoritarian nationalism ) hơn.

 

Các quốc gia mới

Sự tiến bộ của chủ nghĩa dân tộc ở châu Á và châu Phi được phản ánh trong lịch sử của Hội Quốc Liên (League of Nations) sau Thế chiến thứ nhất và của Liên hợp quốc (United Nations) sau Thế chiến thứ hai. Hiệp ước Versailles, từ đó thành hình  hiến pháp của Hội Quốc Liên (2), cũng thu nhỏ các đế chế của các cường quốc Trung tâm bị đánh bại, chủ yếu là Đức và Thổ Nhĩ Kỳ. Liên đoàn đã phân phát các thuộc địa châu Phi của Đức như là những lãnh thổ được ủy quyền cai trị (ủy trị, mandates)(3) cho Vương quốc Anh, Pháp, Bỉ và Nam Phi và các tài sản vùng Thái Bình Dương của Đức được giao cho  Nhật Bản, Úc và New Zealand theo nhiều hạng mục phân loại (classifications) khác nhau tùy theo ước tính khả năng của mỗi nơi có thể đạt được sự độc lập trong tương lai.Trong số các thành viên ban đầu của Hội Quốc Liên, chỉ có năm quốc gia châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan và Iran) và hai quốc gia châu Phi (Liberia và Nam Phi), và sau đó chỉ có thêm ba quốc gia châu Á (Afghanistan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ) và hai quốc gia châu Phi (Ai Cập và Ethiopia) trước khi nó bị giải thể vào năm 1946. Trong số các lãnh thổ được ủy trị dưới sự kiểm soát của Hội Quốc Liên, chỉ có Iraq, Lebanon và Syria giành được độc lập trong suốt thời gian tồn tại của nó.

 

Trong số 51 thành viên ban đầu của Liên hợp quốc vào năm 1945, tám nước thuộc Châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Iraq, Iran, Lebanon, Ả Rập Xê-út, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ) và bốn nước thuộc Châu Phi (giống như trong Hội Quốc Liên). Đến năm 1980, 35 năm sau ngày thành lập, Liên hợp quốc đã có thêm hơn 100 quốc gia thành viên, đa số là châu Á và châu Phi. Trong khi các quốc gia châu Á và châu Phi chưa bao giờ chiếm một phần ba số thành viên của Hội Quốc Liên, họ đã đại diện cho hơn một nửa số thành viên của Liên Hợp Quốc. Trong số các quốc gia Châu Á và Châu Phi mới này, một số quốc gia đã được tạo ra, hoàn toàn hoặc một phần, từ các lãnh thổ được ủy trị (mandated territories).

 

 

Sau Thế chiến thứ hai, Ấn Độ, Pakistan, Ceylon (Tích Lan,Sri Lanka), Miến Điện (Myanmar), và Malaya (Mã Lai, Malaysia (4) ở châu Á và Ghana ở châu Phi đã giành được độc lập một cách hòa bình từ Đế quốc Anh, cũng như Philippines từ Hoa Kỳ. Các vùng lãnh thổ khác đã phải chiến đấu gian khổ để giành độc lập trong các cuộc chiến tranh thuộc địa gay gắt, như ở Đông Dương thuộc Pháp (Việt Nam, Lào, Campuchia) và Bắc Phi thuộc Pháp (Tunisia, Algeria). Chủ nghĩa cộng sản đã chiêu mộ những người ủng hộ từ trong hàng ngũ các phong trào dân tộc chủ nghĩa mới ở châu Á và châu Phi, trước tiên bằng cách giúp đỡ họ trong cuộc đấu tranh chống lại các cường quốc tư bản phương Tây và sau đó, sau khi giành được độc lập, bằng cách cạnh tranh với chủ nghĩa tư bản phương Tây trong việc cung cấp viện trợ tài chính và kỹ thuật. Chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc của Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek) trong Thế chiến thứ hai đã bị suy yếu sau khi những người cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền (5). Nhưng cộng sản Trung Quốc đã sớm bắt đầu tách khỏi chủ nghĩa cộng sản siêu quốc gia (supranational communism), như các nước cộng sản châu Âu đã làm trước đó. Vào cuối những năm 1960, các tố cáo  lẫn nhau giữa Nga và Trung Quốc đã bộc lộ một chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, trong đó Mao Trạch Đông đã vươn lên để chia sẻ vị trí danh dự với Lenin. Khi chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc ngày càng trở nên hướng nội, ảnh hưởng của nó đối với các quốc gia châu Á và châu Phi  suy giảm đi.(6)

 

Các sự khác biệt chính trị và tôn giáo.

Tham vọng của các nước Á Châu và  Phi Châu  mới thành lập đã va chạm với nhau. Nền chính trị phức tạp của Liên hợp quốc đã minh họa cho các vấn đề của chủ nghĩa dân tộc mới. Cuộc đấu tranh với chủ nghĩa thực dân Hà Lan từng dẫn đến việc thành lập Indonesia lại tiếp tục với sự hòa giải của Liên Hợp Quốc về tranh chấp Tây Irian (Irian Jaya). Trong “Cuộc khủng hoảng kênh Suez” năm 1956, các lực lượng của Liên Hợp Quốc đã can thiệp vào giữa các lực lượng Ai Cập và Israel. Liên Hợp Quốc lo ngại về những rắc rối liên tục xảy ra ở Trung Đông, bắt đầu từ cuộc giao tranh theo sau sự thành lập của Israel và bao gồm cả những tranh chấp giữa các quốc gia Ả Rập do việc thành lập Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Các khủng hoảng khác liên hệ đế LHQ bao gồm cuộc tranh chấp  giữa Ấn độ-Pakistan về cac vùng Jammu and Kashmir, sự chia hai nước Triều Tiên và chiến tranh sau đó, bốn năm can thiệp ở Congo, tranh chấp giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ (Greece and Turkey) về đảo Cyprus mới độc lập (7), và việc Indonesia và  Philippine chống đối việc sát nhập  hai vùng Sarawak và Sabah (Bắc Borneo) vào lãnh thổ nước Malaysia mới thành lập (4).

 

 

Nhiều quốc gia mới, tất cả đều có chung niềm tự hào về nền độc lập, đã gặp phải khó khăn. Do không được chuẩn bị đầy đủ để tự trị, năm năm độc lập đầu tiên ở Congo  trôi qua mà không có vẻ gì là có được một chính phủ ổn định. Vấn đề đặt ra do các dân tộc và ngôn ngữ thật khác nhau được  biểu hiện điển hình ở Nigeria, ở đó một dân số thật đông đảo gồm vô số bộ lạc  (tối thiểu là 150, chia làm 3 nhóm lớn) dùng vô số ngôn ngữ (trên 100 chùm ngôn ngữ và phương ngữ) (8). Câu hỏi về việc liệu nhà nước Jammu và Kashmir (9) chủ yếu là người Hồi giáo nên đi cùng với Pakistan theo đạo Hồi hay Ấn Độ theo đạo Hindu vẫn chưa được giải đáp rất lâu sau khi Đạo luật Độc lập của Ấn Độ có hiệu lực vào năm 1949. Cạnh tranh kinh tế một cách tuyệt vọng đã gây ra rắc rối, như ở Israel, nơi các nguồn nước rất cần thiết của Sông Jordan khiến  tranh chấp liên tục xảy ra  giữa nước này  với các nước Ả Rập láng giềng thiếu nước.(10)

 

Chú thích:

1)Sun Yat-sen (1866-1925): Tôn Dật Tiên

“Sun Yat-sen” được nhắc tới với nhiều tên khác nhau trong tiếng Việt: Tôn Trung Sơn (chữ Hán: 孫中山), nguyên danh là Tôn Văn (孫文), tự Tải Chi (載之), hiệu Nhật Tân (日新), Dật Tiên (逸仙); tên khai sinh là Tôn Đức Minh (Sun Te-ming) (孫德明)

Chính khách, triết gia chính trị và bác sĩ người Trung Quốc, giữ vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911 lật đổ triều đại nhà Thanh (Mãn Châu) và khai sinh Trung Hoa Dân Quốc,  Đại Tổng thống Lâm thời Trung Hoa Dân Quốc (1912) được một tháng). Ông nhường chức này cho tướng Thanh là Viên Thế Khải với điều kiện Viên Thế Khải bắt vua nhà Thanh thoái vị để thành lập chế độ cộng hòa, nhưng sau đó Viên Thế Khải bội ước, khiến ông phải lưu vong sang Nhật.

Ông được tôn xưng là Quốc phụ tại Trung Hoa Dân Quốc và được coi là người tiên phong của cách mạng (Cách mạng tiên hành giả) tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Vợ của ông là Tống Khánh Linh, cũng là một nhân vật cách mạng nổi tiếng. Ông cũng nổi tiếng nhờ việc đề xuất và phát triển chủ nghĩa Tam Dân. (Theo Wikipedia)

Chủ nghĩa dân tộc của Phan Bội Châu  ở Việt Nam chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa dân tộc của Tôn Dật Tiên.

 

2) “Covenant of the League of Nations” là hiến chương của Hội quốc liên, được ký vào ngày 28 tháng 6 năm 1919 với tư cách là Phần I của Hiệp ước Versailles, và có hiệu lực cùng với phần còn lại của Hiệp ước vào ngày 10 tháng 1 năm 1920.

 

3) Mandates hay “mandated territories” là những lãnh thổ được Hội Quốc Liên ủy nhiệm quyền cai trị qua một “mandate” (huấn lệnh, mệnh lệnh) cho một nước nào đó. Quỳnh Lâm  (Từ điển Anh Việt, Việt Anh)  dịch là ủy trị.

 

4) Các từ : Malaya, Malay, Malaysia

Malaya thường chỉ vùng bán đảo Mã lai (Malay Peninsula) của những cư dân giống người Mã Lai (Malays) gốc Austronesians (Nam Đảo). Quốc gia  Malaysia hiện nay chỉ chiếm một phần phía nam của Malaya; phía bắc thuộc Thái Lan.

Đế quốc Anh có mặt ở Mã Lai từ thế kỷ thứ 18. Trước thế chiến thứ 2, các bang liên hiệp  của Mã Lai “Federated Malay States” được người Anh bảo hộ.

Trong Thế Chiến thứ hai, Nhật  chiếm đóng Malaya, Bắc Borneo, Sarawak và Singapore trong hơn ba năm. Căng thẳng giữa các sắc tộc gia tăng cùng với chủ nghĩa dân tộc. Nguyện vọng muốn độc lập gia tăng lên sau khi Đồng minh trở lại.  Những kế hoạch sau chiến tranh của người Anh nhằm thống nhất chính quyền Malaya thành một thuộc địa duy nhất  "Liên minh Mã Lai" (Malayan Union) bị người dân tộc Mã Lai phản đối mạnh mẽ, họ phản đối sự suy yếu của các nhà cai trị Mã Lai và việc cấp quyền công dân cho người gốc Hoa. Liên minh Mã Lai, được thành lập vào năm 1946, và bao gồm tất cả lãnh địa (possessions) của người Anh ở Bán đảo Mã Lai, ngoại trừ Singapore, nhanh chóng bị giải thể và được thay thế vào ngày 1 tháng 2 năm 1948 bởi Liên bang Mã Lai (Federation of Malaysia), khôi phục quyền tự trị của những người thống trị các  bang  Mã Lai dưới sự bảo hộ của Anh.

Hiện nay tên chính thức là “Malaysia” là một liên bang gồm 13 tiểu bang (states) và 3 lãnh thổ liên bang (federal territories), có hai phần Tây Malaysia trên bán đảo Mã Lai và Đông Malaysia trên đảo Borneo (Sarawak và Sabah tiếp giáp với Indonesia phía nam Borneo; vùng này trước đây là nơi tranh chấp với Indonesia và Philippines và nơi xảy ra các vụ nổi loạn của cọng sản Borneo). Singapore rời khỏi Federation  of Malaysia năm 1965 do  các dị biệt chủng tộc, chính trị và kinh tế và nay là một nước độc lập phát triển.

 

5) Ngày 1 tháng 10 năm 1949, lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa), kết thúc cuộc nội chiến toàn diện tốn kém giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Quốc dân Đảng (Kuomintang, KMT), nổ ra ngay sau Thế chiến thứ hai và trước đó  từ những năm 1920 những xung đột lúc có lúc không. Việc thành lập CHND Trung Hoa cũng đã hoàn tất quá trình biến động lâu dài của chính quyền ở Trung Quốc bắt đầu từ cuộc Cách mạng Trung Quốc năm 1911. Sự “sụp đổ” của Trung Quốc đại lục vào tay chủ nghĩa cộng sản vào năm 1949 đã khiến Hoa Kỳ đình chỉ quan hệ ngoại giao với CHND Trung Hoa trong nhiều thập kỷ.

https://history.state.gov/milestones/1945-1952/chinese-rev

 

6) Bài này chỉ bàn về Trung Quốc trước năm 1980. Thái độ của Trung Quốc đối với các nước Á Phi khác hẳn sau khi Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế trong các thập kỷ gần đầy.

 

“Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI, Belt and Road Initiative), trước đây được gọi là “Một vành đai, một con đường” (tiếng Trung: 一带 一路/OBOR, One Belt One Road), là một chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng toàn cầu được chính phủ Trung Quốc thông qua vào năm 2013 nhằm đầu tư vào gần 70 quốc gia và tổ chức quốc tế, là trung tâm của chính sách đối ngoại của  Tập Cận Bình.  BRI là thành phần trung tâm của chiến lược "Ngoại giao nước lớn" (tiếng Trung: 大 国外 交; Đại quốc ngoại giao)  kêu gọi Trung Quốc đảm nhận vai trò lãnh đạo lớn hơn đối với các vấn đề toàn cầu phù hợp với quyền lực và vị thế đang lên. Sáng kiến này đã được đưa vào Hiến pháp Trung Quốc năm 2017. Tính đến tháng 3 năm 2022, 146 quốc gia tham gia BRI.

https://en.wikipedia.org/wiki/Belt_and_Road_Initiative

 

7)Cyprus có lãnh thổ là hòn đảo lớn thứ ba trong Địa Trung Hải, rộng hơn 9000km2, dân số hơn 800.000 người, ¾  là gốc Hy Lạp,Kitô giáo;¼ là gốc Thổ Nhĩ Kỳ, Hồi giáo. Hai nhóm này xung đột với nhau từ ngày nước này độc lập năm 1960. Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều ủng hộ những nhóm cùng dân tộc với mình. LHQ có một lực lượng trên 1000 người bảo vệ hòa bình trên đảo quốc này.

 

8) Nigeria ở phía Tây của Châu Phi, là nước đông dân nhất của Châu Phi, dân số hiện nay là 216 triệu, hơn gấp đôi Việt Nam; là nền kinh tế lớn nhất Châu Phi. Hoàn toàn độc lập từ người Anh năm 1960, lúc đó dân số là 45 triệu người, so với lúc đó VN dân số là 32,7 triệu.

https://worldpopulationreview.com/countries/vietnam-population

Theo Wikipedia Nigeria Nominal GDP Per capita $2,356 (137th) so với VN Per capita : $3,498 (115th). Nigeria có 500 nhóm dântộc và 250 ngôn ngữ khác nhau.

 

9) “Jammu và Kashmir” là một khu vực do Ấn Độ quản lý với vị thế là một lãnh thổ liên bang (union territory), gồm phần phía nam của vùng lớn hơn gọi là Kashmir. Kashmir bị tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan từ năm 1947, và giữa Ấn Độ và Trung Quốc từ năm 1962. Người Kashmir, nói tiếng Kashmiri là cư dân vùng thung lũng Kashmir. Vùng do  Ấn độ cai trị có 6,8 triệu người. Một số người Kashmir muốn xứ họ trở thành một quốc gia độc lập và trung lập.

 

10)Sông Jordan chảy theo  hướng bắc-nam, chỉ dài 250 km nhưng là nguồn nước quan trọng cho Israel, Jordan, Lebanon  và Syria. Tranh dành nước sông Jordan là một trong những lý do gây “Chiến tranh sáu ngày” (Six Day War, June 5 and June 10, 1967) giữa Israel và các nước Ả Rập. Hiện nay, Israel phần lớn dùng nước ngọt lấy ra từ nước biển.

 

Hồ Văn Hiền dịch và chú thích

     Nguyên tác:

Encyclopedia Britannica

Tựa bài của HVH

Ngày 21 tháng 7 năm 2022