"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Tầm Quan Trọng Chính Trị 
Của Các Cộng Đồng Hải Ngoại (Diaspora) 

Bài 1

 22chvhtqt1

 

Giới thiệu: Tầm quan trọng của diaspora hay cộng đồng người gốc Việt sống ngoài Việt Nam càng ngày càng gia tăng.

Để có một cái nhìn tổng quát, có tính cách học thuật và khách quan hơn về tình hình chung của diaspora Việt cũng như các diaspora trên thế giới, tôi xin giới thiệu và dịch bài (viết năm 2005) sau đây của Steven Vertovec, một giáo sư đại học Đức chuyên về Xã hội học và Dân tộc học. Các điểm liên quan tới Việt Nam sẽ được người dịch ( HVH) ghi chú thêm trong phần chú thích ở cuối bài.

Trong 25 năm qua, các diaspora (hay cộng đồng hải ngoại các nước) ngày càng đóng vai trò đáng kể trong chính trường quốc tế.(1)

Ví dụ về các diaspora  hoạt động chính trị như vậy là các hiệp hội người Mỹ gốc Do Thái, Hy Lạp, Cuba và Armenia là những nhóm hoạt động hành lang (lobbies) mạnh nhất ở Washington, DC. Các nhóm và cá nhân trong diaspora người Iraq   đã đóng những vai trò quan trọng trong việc khuyến khích sự can thiệp quân sự của Mỹ vào Iraq năm 2003.

Nhiều nước, chẳng hạn như Israel và Armenia, coi cộng đồng người nước ngoài của họ là những lợi thế chính trị có tầm quan trọng sinh tử về mặt chiến lược, trong khi những quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ, Philippines và các nước khác gởi di dân ra ngoài, đã công nhận những đóng góp khổng lồ của cộng đồng người nước ngoài của họ thông qua kiều hối (remittances). (2)

Có nhiều lý do giải thích tại sao trong vài thập kỷ qua, những người ở hải ngoại như vậy đã trở nên nổi bật hơn trên sân khấu thế giới. Các công nghệ truyền thông mới đã cải thiện khả năng huy động và các chính sách đa văn hóa ở các nước tiếp nhận đã làm sống lại lòng tự hào và tính tự khẳng định  sắc tộc (ethnic pride and assertiveness).

Một điều quan trọng nữa là sự tăng trưởng của các nguồn lực kinh tế do số lượng di dân ngày càng tăng và những thay đổi sâu xa  trong bản thân hệ thống chính trị thế giới khi các quốc gia-dân tộc (nation-state) dân chủ hơn xuất hiện sau khi các chế độ cộng sản sụp đổ.

Trong một loạt lĩnh vực chính sách ngày nay - bao gồm đối ngoại, phát triển kinh tế và di cư quốc tế - vị trí của các diaspora (cộng đồng người nước ngoài) ngày càng cần được xem xét.

Các định nghĩa được tranh luận

"Diaspora" là một từ  gốc Hy Lạp có nghĩa là "gieo rắc hoặc rải rác, tản mát". Cho đến gần đây, kinh nghiệm lịch sử của người Do Thái là “stereotype” ( nguyên mẫu):  bị cưỡng bức trục xuất và phân tán ,  bị bức hại , cảm giác mất mát và viễn cảnh của ngày trở về. (3)

Tuy nhiên, trong hơn một thập kỷ qua, "diaspora" đã trở thành một thuật ngữ dùng để tự mô tả  bởi  nhiều nhóm khác nhau gồm những người từng di  cư  hoặc những hậu duệ của những người di cư  từ một nơi này đến một nơi khác hoặc đến nhiều nơi khác.

Có thể quan sát được trong vô số các trang web (một tìm kiếm trên Google cho gần bốn triệu lượt truy cập cho "diaspora"), hầu hết những nhóm tự nhận mình là “diaspora”  không nhấn mạnh đến các khía cạnh buồn thảm (melancholy) đã từ lâu được gắn liền với các diaspora  Do Thái, Châu Phi hoặc Armenia cổ điển. Thay vào đó, họ lại  tán dương một ý nghĩa sáng tạo về mặt văn hóa, năng động về mặt xã hội và lắm khi  lãng mạn.(4)

Ví dụ: một trang web của cộng đồng người Ấn Độ hải ngoại  tuyên bố: " Diaspora rất đặc biệt đối với Ấn Độ. Sống ở những vùng đất xa xôi, các thành viên của tổ chức này đã thành công ngoạn mục trong ngành nghề mà họ đã chọn nhờ sự cống hiến hết mình và làm việc chăm chỉ. Hơn thế nữa, họ  vẫn giữ được mối liên kết tình cảm, văn hóa và tâm linh của họ với đất nước cội nguồn. Điều này tạo nên một  rung động hỗ tương trong trái tim của người dân ở Ấn Độ. "

Ngoài ra, người ta giảm thiểu tầm quan trọng của bất kỳ  mong ước  hồi hương vào lúc này  để thay vào đó đề cao việc xác định ý thức hệ hoặc các thực hành xuyên quốc gia có thể giúp  liên kết cộng đồng đang sống lưu lạc  với quê hương. Ngày nay, những tập thể tự gọi mình là diaspora có xu hướng tìm thấy lòng tự trọng (esteem) - và một loại “hợp quần gây sức mạnh” (strength-in-numbers) - thông qua việc sử dụng thuật ngữ này.

Sự thay đổi này trong việc chấp nhận và ý nghĩa của từ "diaspora" chắc chắn đã gây ra một số nhầm lẫn và kích thích tranh luận. Trong một nền văn học đang phát triển mạnh mẽ, các học giả trong ngành khoa học xã hội và nhân văn thường không đồng ý về các định nghĩa đương đại về "diaspora", các điểm quy chiếu điển hình, các tính năng đặc trưng, ​​giới hạn và động lực xã hội của nó.

Những người chỉ trích thuật ngữ "diaspora" phản đối việc nó có thể gợi ý là  có sự đồng nhất và bản sắc cố định về mặt lịch sử, cũng như các giá trị và thực tiễn trong một nhóm dân cư phân tán. Và ai là người quyết định ai  thuộc về diaspora, và theo tiêu chí nào? Nó có thường dựa trên quốc gia-dân tộc, tôn giáo, khu vực, dân tộc thiểu số hoặc các tiêu chí thành viên khác không? Nguồn gốc phả hệ  có phải là điều kiện xác định duy nhất của tư cách thành viên - và tư cách thành viên kéo dài bao nhiêu thế hệ sau khi di cư?(5)

Để có ý nghĩa thực sự, các đòi hỏi và tiêu chí đưa  ra về các giới hạn và tư cách thành viên nên được đương sự  tự gán lấy cho mình (6). Việc người khác quyết định xem một người nào đó  là một phần của diaspora hay không có vẻ là điều không chánh đáng  nếu bản thân người  ấy không coi mình là một phần của một nhóm đó.

Sự thuộc về một diaspora đòi hỏi ý thức về, hoặc tình cảm gắn bó với   những nguồn gốc thường được giả định và các thuộc tính văn hóa gắn liền với chúng. Những nguồn gốc và thuộc tính như vậy có thể nhấn mạnh các đặc điểm  ngôn ngữ sắc tộc (ethno-linguistic), vùng miền, tôn giáo, quốc gia hoặc các đặc điểm khác. Mối quan tâm đối với những gì xảy ra ở quê nhà và hoàn cảnh những thành viên khác của diaspora ở các nơi khác trên thế giới bắt nguồn từ ý thức và tình cảm gắn bó này.

Định nghĩa như vậy cắt ngang qua các câu hỏi xoay quanh số thế hệ đã qua, mức độ năng lực ngôn ngữ, mức độ quan hệ xã hội đồng tộc, số lễ hội được tổ chức, số  bữa ăn dân tộc được nấu hoặc phong cách ăn mặc. Nghĩa là, chuyện một người nào đó có ít hay nhiều đặc tính sắc tộc (“how ethnic”) không ảnh hưởng đến việc anh hay chị ta có thể cảm thấy mình là một phần của diaspora hay không và ở mức độ nào.

Hiểu được như vậy, chúng ta có thể hiểu rõ hơn  ý thức về diaspora (diasporic identification) có lúc có thể hoàn toàn tan biến, có lúc giảm và có lúc chảy mạnh, có thể nóng hoặc lạnh, bật cháy hoặc tắt, hoạt động hoặc im lìm. Mức độ gắn bó - và các vận động xung quanh nó - thường phụ thuộc vào các sự kiện đang ảnh hưởng đến quê hương giả định.

Thiên tai, xung đột và những thay đổi  chính phủ có xu hướng làm nảy sinh những ràng buộc như vậy. Ví dụ, trận sóng thần châu Á vào tháng 12 năm 2004 đã huy động các nhóm người Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và Indonesia đang ở nước ngoài.(7)

Trao đổi  các nguồn lực hoặc thông tin trong thực tế, hoặc hôn nhân hoặc thăm viếng diễn ra xuyên biên giới - giữa các thành viên của cộng đồng người hải ngoại hoặc với những người ở quê hương - là các hoạt động xuyên quốc gia. Xuyên quốc gia có nghĩa là thuộc về hai hoặc nhiều xã hội cùng một lúc. Vào thời điểm đó, diaspora hoạt động như một cộng đồng xuyên quốc gia (transnational community).

Khi sự giao lưu đó không diễn ra (có khi qua nhiều thế hệ) mà người ta vẫn duy trì sự gắn bó về căn cước (identification) với quê hương và người đồng chủng tộc đang  ở những nơi khác, thì chỉ có một diaspora mà thôi [chứ không có cộng đồng xuyên quốc gia]. Theo cách này, không phải tất cả các diaspora đều là cộng đồng xuyên quốc gia, nhưng cộng đồng xuyên quốc gia phát sinh từ  trong các diaspora.

Ngày nay, công nghệ giúp các nhóm hoạt động như một cộng đồng xuyên quốc gia dễ dàng hơn rất nhiều để duy trì căn cước (identity maintenance) và  vận động chính trị (political mobilization). Đặc biệt, du lịch bằng máy bay giá rẻ và các cuộc gọi điện thoại, Internet và truyền hình vệ tinh đã khiến việc giữ liên lạc trở nên ít tốn kém. Thật vậy, sự gia tăng của các trang web liên quan đến các diaspora minh chứng cho sức mạnh của các  lợi ích và bản sắc chung.

Diaspora có thể có nhiều danh xưng  khác nhau (diasporic identification may be multiple) , tùy thuộc vào tiêu chí được sử dụng. Cùng một cá nhân có thể coi mình là một phần của cộng đồng người theo đạo Hindu toàn cầu hoặc một cộng đồng phân tán của tín đồ Swaminarayanis (giáo phái, sect)(8), người  Ấn Độ (quốc gia-dân tộc, nation state), người Gujaratis (tiểu bang hoặc ngôn ngữ), người Patidars hoặc Patels (9)(đẳng cấp và phụ cấp, cast or subcast), người Suratis (phương ngữ và khu vực), hoặc dân làng. Những điều này không loại trừ nhau. Hơn nữa, bất kỳ danh tính nào của một người có thể không hoạt động hoặc hoạt động xuyên quốc gia.

Cuối cùng, khi quan niệm về cộng đồng, chúng ta nên chống lại những giả định rằng quan điểm và trải nghiệm được chia sẻ trong một nhóm dân cư phân tán mặc dù chúng có danh xưng chung (common identification). Điều này đặc biệt xảy ra đối với cộng đồng những người di cư ở các thời điểm lịch sử khác nhau.

Những cuộc gặp gỡ ngượng ngùng khó xử hoặc xung đột nội bộ nghiêm trọng có khuynh hướng nảy sinh khi làn sóng di cư mới tiếp xúc với những người thuộc làn sóng trước, là những người còn gìn giữ truyền thống đã lỗi thời hoặc những người trước đó đã  rời khỏi nước ra  đi với quan điểm và hoàn cảnh chính trị khác nhau. Phản đối kịch liệt Castro, những người Cuba từng di cư trước năm 1962 có thể đụng độ với những người di cư Cuba là "con cái của Cách mạng" (Children of the Revolution).(10)

Đôi khi, có ít giao tiếp và tương tác khi làn sóng người di cư đến sớm hơn thuộc một tầng lớp xã hội hoặc kinh tế khác với làn sóng đến muộn hơn. Ví dụ, một thế hệ trước của những người di cư có thể có rất ít giao tiếp hoặc hiểu biết về các sự kiện gần đây ở quê nhà mặc dù họ vẫn có niềm tự hào về dân tộc.(11) Họ có thể có rất ít điểm chung với một làn sóng mới những người tị nạn hoặc những người lưu vong bị chính trị hóa cao, những người hoàn toàn bị cuốn hút với những thay đổi văn hóa và chính trị ở quê hương.

Ngược lại, trong sự bối rối hoặc hoảng hốt của những người di cư mới, các diaspora được thiết lập vững vàng  ở quốc gia đến có thể thúc đẩy "chủ nghĩa dân tộc viễn liên" (long distance nationalism) và tin vào một số hình thức độc quyền sắc tộc (ethnic exclusiveness) và chủ nghĩa yêu nước hữu khuynh  và phản động nhất.

Nguyên tác: The Political Importance of Diasporas

Tác giả Steven Vertovec là Giám đốc tại Viện Max Planck về Nghiên cứu Đa dạng Tôn giáo và Dân tộc, Göttingen và Giáo sư danh dự về Xã hội học và Dân tộc học, Đại học Göttingen (Đức).

Hồ Văn Hiền dịch

Ngày 13 tháng 8 năm 2022

Chú thích và một số nhận xét về diaspora người Việt (HVH):

 

1)Các bước thành hình của diaspora người Việt:

-Bài này của Vertovec viết năm 2005, lúc đó cộng đồng người Việt hải ngoại đã được thiết lập được 30 năm. Những yếu tố nâng cao tầm quan trọng của vai trò chính trị của các cộng đồng này theo tác giả xảy ra đúng vào khoảng thời gian (1980-2005) cộng đồng tỵ nạn Viêt Nam đang tăng nhanh:

    1. Từ đợt đầu di tản sau biến cố 3/4/1975 (chừng 125,000, có trình độ học vấn và tiền của mang theo),
    2. Đợt thứ hai là các thuyền nhân (boatpeople) vào cuối thập niên 1970’s (chừng 1-2 triệu; nhiều người gốc Hoa, nói chung trình độ học vấn thấp hơn và nghèo hơn đợt trước) và làn sóng cuối cùng diễn ra vào những thập niên 1980- 1990 (đa số là con lai, làm tăng đáng kể dân số Việt Nam ở Mỹ)
    3. Đợt thứ 3 vào các thập niên 1980-1990

Để đối phó với những khó khăn mà thuyền nhân phải chịu đựng và sau hội nghị Geneva ngày 14 tháng 6 năm 1980 về Người tị nạn Đông Dương, chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép người Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ thông qua chương trình ra đi có trật tự ODP (Orderly Departure Program) của UNHCR (Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc). Các diện sau đây được định cư ở Mỹ  theo các chương trình này: đoàn tụ gia đình, cựu nhân viên Hoa Kỳ, và cựu tù nhân cải tạo. Các cựu tù cải tạo  nhập cư vào Hoa Kỳ thông qua chương trình con (subprogram) của ODP gọi là Chiến dịch Nhân đạo (HO).

Chương trình ra đi có trật tự đã giúp hơn 500.000 người tị nạn Việt Nam nhập cư vào Hoa Kỳ trước khi chương trình này kết thúc vào năm 1994.

Vào tháng 11 năm 2005, Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký một thỏa thuận mở lại ODP và gia hạn Tu chính án McCain (cho phép con cái của các cựu tù nhân cải tạo được nhập cư với cha mẹ của họ). Việc gia hạn ODP kết thúc vào tháng 2 năm 2009, với Tu chính án McCain hết hạn vào tháng 9 năm 2009.

Năm 1987, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Hồi hương Con Lai Mỹ-Á (Amerasian Homecoming Act) , cho phép trẻ em Việt Nam có cha là người Mỹ nhập cư vào Hoa Kỳ, cho phép ước tính khoảng 23-25.000 con lai và 60-70.000 người thân của họ nhập cư vào Hoa Kỳ.

https://www.vietnam.ttu.edu/resources/vietnamese-american.php#:~:text=Former%20reeducation%20camp%20prisons%20immigrated,before%20it%20ended%20in%201994.

-Theo Cơ quan Lao động Quốc tế (ILO): “Tổng cộng có khoảng 80.000 người Việt Nam rời đất nước đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm. Khoảng 400.000 lao động Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Dòng tiền hàng năm của người di cư lao động đạt khoảng 2 tỷ USD trong những năm gần đây, cho thấy ý nghĩa kinh tế của di cư lao động. Thật không may, cũng có những vấn đề đáng kể liên quan đến việc di cư lao động: người sử dụng lao động vi phạm quyền của người lao động, người lao động vi phạm hợp đồng và đào ngũ, mạng lưới tuyển dụng bất hợp pháp, và đáng kể nhất là vi phạm các quy định của chính phủ về thủ tục tuyển dụng.”

https://www.ilo.org/hanoi/Areasofwork/labour-migration/lang--en/index.htm

-Đợt đầu tiên đông người Việt rời khỏi quê hương là khoảng năm 1914-1918 của Thế Chiến thứ nhất lúc 50 ngàn thợ thuyền và 50 ngàn lính Đông Dương ( Việt Miên Lào) được gởi qua tăng cường cho lực lượng lao động và quân sự Pháp.

Tuy nhiên đa số những người nay hồi  hương sau chiến tranh. Trong thập niên 1920 chỉ còn chừng 8000 người Việt ở lại Pháp đa số là quân nhân.-

https://www.persee.fr/doc/homig_1142-852x_1999_num_1219_1_3330

-Hiện nay có chừng 4,5 triệu người sanh tại Việt Nam hay gốc người Việt Nam sinh sống tại hải ngoại (các báo ở VN cho con số cao hơn, chừng 5,3 triệu người Việt định cư tại nước ngoài, ví dụ báo Nhân Dân năm 2020, do Wikipedia trích dẫn).

-Chừng một nửa số này sống ở Mỹ (Người Mỹ gốc Việt), và điều đáng ngạc nhiên là Cambodia là nước thứ nhì về số lượng di dân người gốc Việt. Con số này ước tính chừng 500 ngàn cho đến một triệu người theo Wikipedia (hình sau), nhưng theo website minorityrights.org, thì mặc dù con số chính thức của chính phủ Cambodia là dưới 15,000 người (0,1% dân số), trên thực tế số người Việt chừng 400.000-700.000 với 90% là “vô quốc gia” (stateless) và không có thẻ căn cước hay giấy khai sinh. Sau khi Khmer đỏ chiếm Cambodia năm 1975, đa số người Việt chạy ra khỏi xứ, chỉ còn chừng 20.000 ở lại và đa số bị giết chết. Sau đó thì người Việt lại từ Việt Nam trở lại Cambodia.

(https://minorityrights.org/minorities/ethnic-vietnamese/#:~:text=There%20are%20an%20estimated%20400%2C000,certificates%20and%2For%20identity%20cards.)

-Về Hàn quốc, là điểm đến số một của các cô dâu Việt Nam, “Theo số liệu 2020, trong số 2,036,075 người nước ngoài cư trú tại Hàn, người Trung Quốc chiếm 44%, tương đương 894,906 người. Ở vị trí thứ 2 là người Việt Nam với 211,243 người, chiếm gần 10,4%.”Tuy nhiên nếu chúng ta đếm luôn các con cái con của trên 40 ngàn cô dâu Việt với chồng người Hàn chắc con số diaspora Việt sẽ cao hơn số này.

(https://www.creatrip.com/vi/blog/9031)

-Trong bài này, có những lúc thuật ngữ quốc tế “diaspora” được giữ nguyên, không dịch, để giữ ngắn gọn và giữ nguyên nghĩa dùng trong bản Anh Ngữ. Những từ tiếng Việt có nghĩa tương tự như “cộng đồng người Việt hải ngoại’, “người Việt nước ngoài”, Việt Kiều, vân vân.

Riêng về từ “Việt Kiều”, theo Wikipedia tiếng Việt, Từ điển Thiều Chửu định nghĩa chữ "kiều" (僑) là "ở nhờ, đi ở nhờ làng khác hay nước khác gọi là kiều cư, kiều dân". Như vậy, Việt kiều vốn có nghĩa chỉ những người Việt đang có quốc tịch Việt Nam sống nhờ ở các nước bên ngoài Việt Nam, chứ không chỉ công dân nước khác có gốc Việt. Tuy nhiên, ngày nay "Việt kiều" là thuật ngữ mà những người Việt sống tại Việt Nam dùng để gọi toàn bộ những người Việt sống ở nước ngoài, chứ không phải là thuật ngữ mà những người Việt sống ở nước ngoài gọi chính họ.Tại Việt Nam ngày nay, từ "kiều bào" cũng được dùng với nghĩa tương tự.

(https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_ki%E1%BB%81u)

 22chvhtqt2

Cộng đồng người Việt hải ngoại.

Việt Nam màu đen, các nước có người Việt sinh sống màu  đỏ, màu đỏ càng đậm chỉ nước đó càng nhiều người Việt : Mỹ (>2 Triệu), Cambodia (500,000-1T),   Pháp (350,000), Úc (335,000), Canada (240,000); Nga (100.000-150.000)  (Nguồn Wikipedia Commons)

 

2) Diaspora của người Ấn độ gồm 35 triệu người, gởi 69 tỷ dollars về Ấn độ năm 2017, gần 2000 dollars/người, so với Việt kiều gởi về VN chừng 3300 dollars/người/năm.

Theo South China Morning Post: “Lượng kiều hối quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 15-17 tỷ đô la Mỹ hàng năm, trở thành một trong 10 điểm đến hàng đầu trên thế giới về lượng tiền gửi về của cộng đồng người nước ngoài. Khoảng 7 đến 8% hộ gia đình ở Việt Nam nhận được tiền gửi từ nước ngoài. Trên thực tế, dòng kiều hối quốc tế cao hơn nguồn vốn hỗ trợ phát triển từ nước ngoài, trong đó Việt Nam cũng là nước nhận nhiều nhất trong 10 nước.” GDP của Việt nam là 365 tỷ cho năm 2021.

https://www.scmp.com/week-asia/opinion/article/3020310/how-vietnamese-americans-and-other-viet-kieu-fuel-capitalist

3) Nguồn gốc từ ngữ  diaspora từ lịch sử của người Do Thái.

Tiếng Hy Lạp, từ ‘diaspeirein’= ‘phân tán’, từ ‘dia’= ‘ngang qua’ + Speirein ‘phân tán’. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ Thánh kinh đoạn Septuagint (Deuteronomy 28:25) trong cụm từ “esē diaspora en pasais basileias tēs gēs”= ‘ngươi sẽ bị phân tán trong tất cả các vương quốc trên trái đất’.

Lời Chúa cảnh cáo người Do Thái nếu họ không không vâng lời Chúa và đi theo các thần linh khác: Phục truyền luật lệ ký 28:25

“Ðức Giê-hô-va sẽ khiến ngươi bị những kẻ thù nghịch mình đánh bại. Ngươi sẽ do một đường ra đánh chúng nó, rồi do bảy đường chạy trốn trước mặt chúng nó; ngươi sẽ bị xô đùa đây đó trong khắp các nước của thế gian.

(The Lord give thee up for slaughter before thine enemies: thou shalt go out against them one way, and flee from their face seven ways; and thou shalt be a dispersion in all the kingdoms of the earth.)

Người Việt hải ngoại (ít nhất là lúc ban đầu) cũng qua những giai đoạn của diaspora Do Thái:

-bị cưỡng bức trục xuất và phân tán (forced expulsion and dispersal): đi kinh tế mới , đi cải tạo, người Hoa bị trục xuất

-bị bức hại (persecution) : hải tặc, Khmer đỏ tàn sát

-cảm giác mất mát (sense of loss):

“Sài Gòn ơi tôi đã mất người trong cuộc đời,

Sài gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời

Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi

Những nụ cười nát trên môi

Những giọt lệ ôi sầu đắng.” (Nam Lộc)

-và viễn cảnh của ngày trở về (vision of a return): “Sài Gòn ơi tôi xin hứa rằng tôi trở về…”

 

4) Yếu tố u sầu (melancholy) trong diaspora người Việt cũng đã giảm sau 47 năm, tuy nhiên sự gia tăng về năng động văn hóa có thể khó nhận thấy hơn do hiện tượng lão hóa của các nhà văn nghệ sĩ ( tuy càng ngày càng có nhiều hơn những người Việt trẻ viết bằng tiếng Anh, tham gia vào đời sống văn hóa xã hội  luồng chính) :

“Từ những năm đầu thế kỷ XXI, sinh hoạt văn-chương hải-ngoại như đã theo dòng sinh hoại mà trở nên trầm lắng, rất ít biến cố và tác-phẩm đáng kể. Các nhà văn thơ đã nổi tiếng từ trước 1975 lần lượt ngưng viết, bệnh tật và qua đời. Những nhà văn lớp tiếp theo cũng thay nhau buông bút nhưng cũng có nhiều người tiếp tục sáng-tác dù không gây tiếng vang quan-trọng. Điểm đặc-biệt đáng ghi nhận là từ vài năm ngay trước và nhất là từ giai đoạn này, nội-dung của từ “lưu vong” có thể bớt được dùng, làm như bớt bi thảm – nghĩa là có hy vọng theo 2 nghĩa: trong nước nới lỏng kiểm soát di chuyển, thăm viếng và du lịch đối với người Việt hải-ngoại về, và nhà văn thơ hải-ngoại có thể nói đến quê-nhà nhiều hơn theo nghĩa gặp lại cụ thể hơn chỉ là nhớ lại!” (Nguyễn Vy Khanh)

https://petruskyaus.net/van-hoc-hai-ngoai-20-nam-dau-the-ky-xxi-nguyen-vy-khanh/

Tuy nhiên, sau hơn 45 năm thành lập diaspora tại Mỹ và các nước phương tây khác, một số nhà văn gốc Việt vẫn dùng từ ngữ  “tạm dung”  và không coi nơi mình định cư là quê hương.

5) Người Lào tại Thái Lan

Qua bao nhiêu năm, bao nhiêu đời thì người dân gốc ở một nước khác không còn thuộc vào diaspora hay cộng đồng hải ngoại nước đó nữa? Một trường hợp điển hình gần Việt Nam là dân gốc Lào tại Thái Lan.

Người Lào đã có mặt ở vùng Isan (ở miền đông bắc Thái Lan hiện nay, sát phía Tây của Lào, cách nhau con sông Mekong) từ thế kỷ 13, khi vương quốc Lan Xang của Lào sáp nhập vùng này sau sự sụp đổ của Đế chế Khmer. Vương quốc Xiêm (Thái lan hiện nay) sau đó sát nhập khu vực này vào đầu những năm 1700 sau khi Lan Xang suy tàn và ranh giới hiện tại giữa Lào và Thái Lan được thiết lập vào năm 1907, với khu vực chính thức nằm dưới sự kiểm soát của Thái Lan. Trong khi nhóm người Thái gốc  Lào này chia sẻ một nền văn hóa tương tự và nói một ngôn ngữ dễ hiểu  đối với người trong nước Lào, họ thường được xác định là một nhóm dân tộc riêng biệt của Thái do các chính sách Thái hóa của chính phủ Thái Lan vì họ coi ảnh hưởng mạnh mẽ của người Lào trong nước Thái là một mối đe dọa.

Phần lớn dân số 22 triệu người của khu vực Isan là người dân tộc Lào  tự gọi mình là “khon Isan”  (Thái Isan). Tuy nhiên, một số người tự gọi mình đơn giản là người Lào, và các học giả gần đây đã gọi họ là “Lao Isan”  hoặc là “Thái Lào”, với vấn đề chính  của việc tự nhận mình là người Lào là sự kỳ thị  đối với bản sắc Lào trong xã hội Thái Lan.

Hiện nay, theo số chính thức, chỉ có 288.000 người Lào tại Thái Lan, nghĩa là không kể đến những người Kao Isan (13 triệu, gần gấp đôi dân số trong nước Lào là 7,276 triệu).

https://en.wikipedia.org/wiki/Isan

6)Nguyên văn: ”claims and criteria surrounding diasporic boundaries and membership should be self-ascribed”, có thể  hiểu như thế này: mỗi người sẽ tự quyết định là mình có đủ tiêu chuẩn thuộc về một diaspora hay không (self- ascribed claim), người khác không thể từ chối và cũng không thể áp đặt tiêu chuẩn cho ai đó vào diaspora hay giới hạn (boundaries)  để loại trừ khỏi diaspora.

Các ‘claims and criteria” (đòi hỏi và tiêu chuẩn) có thể trở nên rắc rối. Một thành viên của một diaspora  có thể không đồng ý với tên người trong nước gốc gọi diaspora của mình hoặc các thành viên trọng cộng đồng mình, dù tên gọi đó có chính xác hay không xét về phương diện lịch sử (và lịch sử cùng tùy thuộc vào cách diễn giải và người diễn giải) .  Một ví dụ mới đây, một cô gái ở đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam gốc người dân tộc “Việt-Khmer Kampuchea Krom”, thi hoa hậu Miss Grand Cambodia 2022 tại Cambodia, đã phản đối lúc được ban tổ chức giới thiệu là người “Việt lai Khmer Kampuchea Krom”, với lý luận rằng người Khmer Krom không phải là người gốc Việt. Cô cho rằng cụm từ “Việt lai Khmer Krom” sẽ gây đau đớn cho cộng đồng Khmer Krom vì họ là người Campuchia—không phải người Việt hay lai Việt.

“Bản thân cô là người Khmer Krom. Người Khmer Krom, cô Chhorn nói thêm, là người Khmer thuần túy, yêu dân tộc Khmer, và cố gắng duy trì bản sắc cho dân tộc Khmer” (BBC tiếng Việt 30 tháng 7, 2022))

 Cộng đồng Khmer Krom cho rằng Kampuchia Krom “nguyên là một phần của Vương quốc Kampuchea ở phía đông”, trước đây “được gọi là Kampuchea Ngập Nước hay Kampuchea Krom (Kampuchea Hạ), và còn được gọi là Đồng bằng Châu thổ sông Mekong (Mekong Delta).” Tuy nhiên theo TS Nguyễn Văn Huy (Paris), “"Có một sự thật các triều vương Khmer không hề quan tâm đến vùng đất sình lầy đồng bằng châu thổ sông Cửu Long, khi có cơ hội là sẵn sàng trao tặng cho những người đã giúp họ giữ được ngôi báu. Dựa vào yếu tố này, có thể nói người Khmer chưa bao giờ làm chủ đồng bằng châu thổ sông Cửu Long mặc dù đã hiện diện trước đó…"(trích BBC tiếng Việt 30 tháng 7, 2022))

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjl58ne0596o

7) Các thiên tai như bão lụt lớn, dịch Covid từng làm cho người Việt hải ngoại quan tâm đến Việt nam nhiều hơn và quyên góp giúp đở.

8)Swaminarayan (1781 - 1830), còn được gọi là Sahajanand Swami, là một yogi và nhà tu khổ hạnh; ông là nguồn gốc của giáo phái của Ấn độ giáo “Swaminarayan Sampradaya” , và cuộc đời và giáo lý của ông đã mang lại sự hồi sinh cho các thực hành giáo pháp trung tâm của Ấn Độ giáo.

(https://en.wikipedia.org/wiki/Swaminarayan_Sampradaya)

 

9)Diaspora Ấn độ và người Patidar.

Patidar là những người chủ đất , thuộc giai cấp cao ở Ấn độ , đa số từ bang Gujarat, còn gọi là Kanbis và mang họ (surname) là Patel. Họ bắt đầu di cư đến Đông Phi do Anh kiểm soát hơn một thế kỷ trước. Ở Nam Phi trong nạn đói năm 1890, nhiều người Kanbis trở nên thịnh vượng với tư cách là người lao động và thương nhân. Trong những năm 1920 và 1930, người Anh đã ưu ái những người Patidar ở Đông Phi làm công chức xây dựng đường sắt.

Trong những thập kỷ gần đây, nhiều người từ các nước Đông Phi cũng như từ Ấn Độ đã chuyển đến các nước như Mỹ, Anh và Canada.

Nhập cư đáng kể từ Ấn Độ đến Hoa Kỳ bắt đầu sau Đạo luật Nhập cư và Quốc tịch mang tính bước ngoặt năm 1965 cho phép người da màu di dân vào Hoa Kỳ. Những người nhập cư đầu tiên sau năm 1965 là những người có trình độ chuyên môn cao. Kể từ khi luật nhập cư của Hoa Kỳ cho phép bảo lãnh nhập cư của cha mẹ, con cái và đặc biệt là anh chị em trên cơ sở đoàn tụ gia đình, con số nhanh chóng tăng lên trong một hiện tượng được gọi là "di cư dây chuyền". (chain migration). Họ làm ăn giỏi, mở cửa tiệm, kinh doanh khách sạn. Hiện nay trong thế kỷ 21, hơn 40% ngành khách sạn ở Hoa Kỳ được kiểm soát bởi Patidars và các người Gujaratis khác. Nhóm Patidar samaj thống trị, qua các đơn vị nhượng quyền mà họ làm chủ,  các chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh như Subway và Dunkin 'Donuts, và các nhượng quyền bán lẻ như 7-Eleven.

(https://en.wikipedia.org/wiki/Patidar)

10) Cách mạng Cuba  được lãnh đạo bởi Fidel Castro  bắt đầu vào tháng 7 năm 1953, và tiếp tục cho đến khi cuối cùng lật đổ Batista vào ngày 1 tháng 1 năm 1959, thay thế chính phủ của ông với một nhà nước cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đảng của Fidel Castro sau đó đã cải tổ theo đường lối cộng sản, trở thành Đảng Cộng sản Cuba vào tháng 10 năm 1965.

Ngay sau cuộc Cách mạng Cuba 1959, khoảng 200.000 người Cuba đã đến Nam Florida, chủ yếu là những người cộng tác trong chế độ Batista vừa mới bị lật đổ, thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu, và người gốc  châu Âu. Những làn sóng tiếp theo gồm những người Cuba thuộc nhiều chính kiến ​​và nền tảng chính trị khác nhau, những người phản đối bản chất ngày càng độc đoán của sự cai trị của Castro. Việc đi lại giữa Hoa Kỳ và Cuba không bị hạn chế nhiều ngay cả sau cuộc cách mạng.

Một số người Cuba lưu vong ban đầu này đã tham gia vào vụ đổ bộ Vịnh Con Heo (Bay of Pigs Invasion) năm 1961 ở nam Cuba mà không lật đổ được Fidel Castro. Sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, chính phủ Cuba hạn chế giao thông hàng không đến hòn đảo, chấm dứt làn sóng di cư lớn đầu tiên.

Các làn sóng di dân /tỵ nạn kế tiếp bị thu hút bởi  tự do về kinh tế và chính trị ở Mỹ hơn là chạy trốn khỏi Cuba để tìm tự do dù phải đi bất cứ đâu ( freedom flights) như làn sóng trước. Tùy theo thời gian ở trong Cuba cọng sản dài hay ngắn, họ có thể có thái độ khác nhau về Fidel Castro hay về cách mạng Cuba.

11) Những người Việt tỵ nạn qua Mỹ sớm và những người đến Mỹ sau có thể có những cuộc sống và cái nhìn khác nhau. Minh Tường, một bác sĩ  rời Việt Nam khoảng 1980, trong  bài “Một thủa Sàigòn” (viết năm 1988) được đăng trên bản tin Mùa Hè 2022  của Hội Y Tế Hoa Kỳ Florida, đã viết về cảm giác của mình lúc viếng Little Saigon ở California như sau:

“...những người bạn, nhờ qua sớm, nên bây giờ thành công và là những công dân Mỹ mới, vênh váo, hợm hĩnh, dương dương tự đắc, quên hẳn (hay muốn quên?) bạn bè cũ “quê mùa”,

nhiều chất Việt Nam quá. Số nhỏ này làm tôi buồn, một nỗi buồn man mác, không thể nói hết được. Tôi biết những người bạn cao ngạo của tôi bây giờ, đã ra đi vào những ngày cuối tháng tư 75. Họ hoàn toàn không hiểu, không nếm mùi những gì đã xảy ra từ sau tháng tư năm đó ở quê nhà. ”

Sự khác biệt giữa những người đến Mỹ qua những đợt cách nhau mấy chục năm lại càng lớn hơn nữa. Những người trẻ ở Mỹ qua ngã hôn nhân hay du học không từng sống qua trải nghiệm của người tỵ nạn hay thuyền nhân trước đây và có thể không hiểu những gian khổ của lúc ban đầu xây dựng của diaspora trước khi có chỗ đứng trong cộng đồng các dân tộc Hiệp chủng quốc như hiện nay.

(Còn tiếp)

Hồ Văn Hiền dịch và chú thích

Ngày 13 tháng 8 năm 2022