"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

                      

Tản-Mạn Về Trăng

   Hình ảnh những đêm trăng sáng vằng vặc giữa bầu trời là nguồn cảm hứng, làm bao con tim thổn thức. Mùa trăng ở quê là  niềm thích thú của tuổi thơ với những trò chơi dân dã như trốn tìm, đánh giặc giả, đá lon v. v. Trên những cánh đồng lúa chín, người nông dân hăng say gặt lúa còn lỡ dỡ. Những đêm trăng thanh, gió mát là dịp đôi tình nhân ra bờ sông tâm sự, mơ ước về cuộc sống tốt đẹp mai sau.

“ Gió rủ canh đi ngàn liễu khóc

Sông đưa lạnh tới bóng trăng run…

Thuyền ai tiếng hát bên kia vắng ?

Ghé lại cho nhau gửi chút buồn “ 

  ( Bên sông, Quách Tấn )

 Còn các cụ bên ly trà hay chén rượu nhâm nhi luận bàn thế sự, giao lưu văn thơ. Đôi khi hoa quỳnh nở đúng dịp trăng thì cả nhà cùng nhau quây quần bên tách cà phê ngắm nhìn từng phút giây hoa bung cánh.

“ Thu lạnh càng thêm nguyệt tỏ ngời

Đàn ghê như nước lạnh trời ơi

Long lanh tiếng hạt vang vang hận

Trăng nhớ Tầm Dương nhạc nhớ người 

   ( Nguyệt cầm, Xuân Diệu )

   Trăng là đề tài muôn thuở, không bao giờ cũ, là nguồn cảm xúc của biết bao văn nhân, thi sĩ  bằng khả năng sáng tạo của mình đã để lại những tác phẩm đi vào lòng người. Trăng có mặt khắp mọi nơi, mọi chốn. Trăng đẹp trữ tình, lãng mạn ngay cả lúc trăng đầy hay khuyết, trăng sáng long lanh hoặc trăng mờ huyền ảo. Do đó, trăng được thể hiện qua mọi lãnh vực như thơ, ca, nhạc, họa. . . 

“ Trăng nằm sóng soải trên cành liễu

Đợi gió đông về để lả lơi

Hoa lá ngây tình không muốn động

Lòng em hồi hộp chị Hằng ơi “ 

Hay

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay

Mơ khách đường xa, khách đường xa

Áo em trắng quá nhìn không ra “ 

     ( Hàn Mặc Tử )

 Về đề tài trăng, thơ Hàn Mặc Tử rất phong phú và đa dạng. Trăng là tư tưởng, hình ảnh xuyên suốt, “ không gian dày đặc toàn trăng cả / tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng “

   Năm 1936, phát hiện mình bị bệnh phong, thi sĩ được đưa vào khu điều trị Qui Hòa, nơi cách ly với xã hội bên ngoài và mất năm 1940. Suốt 4 năm bệnh phong thường làm cho thi sĩ họ Hàn đau đớn, vật vã. Nhất là những đêm có trăng. Lúc đầu Hàn Mặc Tử thấy đau ít nên thấy:

“ Hôm nay có một nửa trăng thôi /  một nửa trăng ai cắn vỡ rồi

 Về sau, bênh tình càng ngày càng trầm trọng , mỗi khi thấy trăng sáng là nỗi đau thêm nhức nhói. Do đó ông muốn ôm trăng vào lòng, bầu bạn cùng trăng để vơi đi cơn hành hạ. Đi đâu, ở đâu ông cũng thấy trăng. Đỉnh điểm bài thơ Trăng vàng, trăng ngọc, thi sĩ nhắc lại 3 lần câu Trăng ! Trăng ! Trăng ! Là Trăng !Trăng! Trăng !

  Thế là Hàn Mặc Tử  đã sỡ hữu vầng trăng và đem rao bán.

  “ Ai mua trăng tôi bán trăng cho

Không bán đoàn viên, ước hẹn hò “ 

 Ngay cả các nước có nền khoa học không gian tiên tiến như Mỹ , Nga, đã từng có các phi hành gia đáp lên mặt trăng mà chưa nước nào tuyên bố chủ quyền mặt trăng cả. Hay các bậc tiền bối Nguyễn Du, sau này nhạc sĩ An Thuyên cũng chỉ làm chủ một nửa 

“ Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

      ( truyện Kiều )

:”Cắt nửa vầng trắng / cắt nửa vầng trăng tôi làm con đò nhỏ

Bẻ đôi câu thơ tôi làm mái chèo lướt sóng / đưa tôi về, đưa tôi về với người tôi yêu. “

( Ca dao em & tôi )

  Hàn Mặc Tử với tài năng xuất chúng của mình đã để lại những bài thơ đặc sắc. Nhất là đề tài về trăng những bài thơ dạt dào cảm xúc , những tác phẩm sống mãi với thời gian, một di sản văn chương quý giá.

 Thương tiếc Hàn Mặc Tử, thi sĩ tài hoa nhưng bạc phận.

 

Minh Triết