"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Tầm Quan Trọng Chính Trị
Của Các Cộng Đồng Hải Ngoại
(Diaspora)  Bài 2

 22bhvhtqt21

Người Việt mừng Tết tại Trung tâm thương mại Eden, Falls Church, Virginia (25/1/2020)
(Hình của Hồ Văn Hiền)

Năm 2015, có chừng 78000 người Việt sinh sống ở vùng thủ đô Washington, DC (Pew Research Center)

 

Giới thiệu: Tầm quan trọng của diaspora hay cộng đồng người gốc Việt sống ngoài Việt Nam càng ngày càng gia tăng.

Để có một cái nhìn tổng quát, có tính cách học thuật và khách quan hơn về tình hình chung của diaspora Việt cũng như các diaspora khác trên thế giới, tôi xin giới thiệu và dịch bài viết năm 2005 của Steven Vertovec, một giáo sư đại học Đức chuyên về Xã hội học và Dân tộc học.

Sau đây là phần 2,  bàn về chính trị trong các cộng đồng người nước ngoài, tiếp theo phần 1 (kỳ trước, bàn về các ý niệm và định nghĩa của diaspora).

Các điểm liên quan tới Việt Nam sẽ được chú thích, bàn luận  với rất nhiều ghi chép lượm lặt trong phần chú thích ở cuối bài.

Hồ Văn Hiền

 

 

Chính trị  Diaspora

 

Các lợi ích và hoạt động chính trị trong diaspora chắc chắn không có gì mới. Các nghiên cứu lịch sử về các cộng đồng di cư cho thấy mức độ tham gia chính trị -từ xa đáng kể đã hiển nhiên ít nhất là từ 100 năm trước.

Hiện tại, chúng ta có thể quan sát một cách rộng rãi nhiều cách khác nhau - tương tự như các hình thức lịch sử này - qua đó các nhóm xã hội phân tán trên trường quốc tế huy động và thực hiện một loạt các hoạt động chính trị bầu cử (electoral political activities) và phi bầu cử.

Các hiệp hội khác nhau đặt cơ sở trên diaspora có thể vận động các quốc gia sở tại định hình các chính sách có lợi cho quê nhà hoặc thách thức chính phủ tại quê nhà; ảnh hưởng đến quê hương nhà qua sự ủng hộ hoặc phản đối của các chính phủ; hỗ trợ tài chính và các hỗ trợ khác cho các đảng phái chính trị, các phong trào xã hội và các tổ chức xã hội dân sự; hoặc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố hoặc kéo dài xung đột bạo lực ở quê nhà.

Mạng lưới toàn cầu của các hiệp hội của diaspora đôi khi tham gia vào các cuộc biểu tình lớn và nâng cao nhận thức về các vấn đề liên quan đến quê nhà. Sau khi thủ lĩnh người Kurd Abdullah Ocalan bị bắt năm 1999, các cuộc biểu tình quy mô lớn của người Kurd đã diễn ra ở hàng chục địa phương trên thế giới, khiến các vấn đề về người Kurd được toàn thế giới chú ý.

Bản thân các quốc gia  gốc có thể tiếp cận để thu hút sự chú tâm chính trị của diaspora. Đưa ra các quy định về tư cách công dân ( citizenship)  và / hoặc quốc tịch (nationality) là một cách để các quốc gia tiếp cận người di cư (1). Hiện đang có một xu hướng gia tăng trên toàn cầu về sự phổ biến của hai quyền công dân (dual citizenship) / hai quốc tịch (song tịch, dual nationality), cả về những người sở hữu nó và các quốc gia cho phép nó.

Người ta ước tính rằng hơn nửa triệu trẻ em sinh ra ở Hoa Kỳ mỗi năm, tự động là công dân Hoa Kỳ, có thêm ít nhất một quốc tịch. Tất nhiên, nhiều nhà hoạch định chính sách ở các nước tiếp nhận người di cư không hài lòng về điều này, họ tin rằng mọi người chỉ nên trung thành với một lá cờ và trung thành với một quốc gia.

Ở các quốc gia gởi người di cư đến, đôi khi khó có thể thúc đẩy được hai quốc tịch thông qua các chính phủ vì các chính trị gia trong nước có xu hướng nhìn thấy những bất lợi. Họ thường cảm thấy rằng việc bỏ phiếu "vắng mặt" (absentee voting) có thể giao cho những người sống ngoài nước quá nhiều ảnh hưởng.

Thật vậy, phiếu bầu của người nước ngoài là mối quan tâm của nhiều quốc gia có cộng đồng người hải ngoại khá lớn. Điều này gần đây đã được cảm nhận trong cuộc bầu cử ở Iraq vào tháng 1 năm 2005, khi hơn một triệu người Iraq sống ở nước ngoài (expats) được cho là sẽ có tác động lớn đến kết quả. Trên thực tế, chỉ một phần tư trong số những người đủ điều kiện thực sự đăng ký bỏ phiếu.

Các trường hợp khác cho thấy công dân nước ngoài có thể trở về nước ào ạt  để tham gia các cuộc bầu cử, vốn đã xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Israel, đôi khi các đảng phái chính trị trả tiền cho các chuyến bay. Người di cư cũng có thể bỏ phiếu với số lượng lớn tại các đại sứ quán ở nước ngoài, như trong các cuộc bầu cử ở Indonesia và Algeria gần đây.

Trọng lượng của  các quyền lợi của diaspora  và sự hỗ trợ của diaspora  đôi khi dẫn đến các hình thức đại diện đặc biệt trong các chính phủ hoặc các bộ chuyên trách dành cho diaspora. Một minh họa điển hình về hiệu quả của  chính trị diaspora xảy ra vào năm 1990 khi những người Croatia ở nước ngoài quyên góp 4 triệu đô la cho chiến dịch bầu cử của Fanjo Tudjman và sau đó được tưởng thưởng với quyền đại diện trong quốc hội: 12 trong số 120 ghế được phân bổ cho người Croatia hải ngoại - nhiều hơn số ghế được phân bổ cho các dân tộc thiểu số của Croatia (2) .

Nhiều quốc gia (đang phát triển hay không) tìm kiếm tiền do các diaspora  gửi về nước. Do đó, nhiều chính phủ hiện cung cấp cho công dân của họ ở nước ngoài các tài khoản (trương mục) ngoại tệ đặc biệt, các ưu đãi hoặc trái phiếu cho người đầu tư nước ngoài, các ưu đãi về hải quan hoặc nhập khẩu, các quyền sở hữu đặc biệt, hoặc đặc quyền tiếp cận các khu kinh tế đặc biệt.

Để giữ cho cộng đồng người nước ngoài quan tâm đến chính trị cũng như duy trì dòng tài chính, các chính trị gia ở các quốc gia di cư thường kêu gọi sự đoàn kết giữa những công dân nước ngoài của họ. Điều này đã được minh chứng vào năm 1990 khi Tổng thống Ireland Mary Robinson tuyên bố mình là lãnh đạo của đại gia đình Ireland ở nước ngoài (leader of the extended Irish family abroad). (3)

Trong chiến dịch vận động tranh cử của Vincente Fox với những người Mexico ở California vào năm 2000, tương tự như vậy, ông đã dựa trên  theo ranh giới rộng lớn hơn của một quốc gia tưởng tượng  (imagined community) bằng cách tuyên bố ông sẽ là tổng thống đầu tiên "cai trị 118 triệu người Mexico" - bao gồm 100 triệu ở Mexico và 18 triệu sống bên ngoài nước này.

Và trong bài phát biểu nhậm chức vào năm 2002, tổng thống Kenya Mwai Kibaki đã kêu gọi tất cả người dân Kenya ở nước ngoài "hãy cùng chúng tôi xây dựng đất nước (nation building)."

Xây dựng và Phá vỡ Quốc gia (Nation Building and Wrecking)

Lịch sử cung cấp nhiều ví dụ về các dự án kiến ​​tạo quốc gia được thực hiện trong thời kỳ lưu vong; Garibaldi, Lenin, Gandhi, và Hồ Chí Minh sống một thời gian dài ở nước ngoài(4). Các nhà lãnh đạo của một số "diaspora vô quốc gia " (stateless diaspora)- người Kurd, người Kashmir và người Sri Lankan Tamil (5)  - đang đấu tranh để hướng tới các dự án như vậy ngày nay.

Các diaspora  ngày càng đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kiến tạo quốc gia ở các nước nghèo và những nước đã trải qua quá trình chuyển đổi lớn, chẳng hạn như các nước Đông Âu và Liên Xô cũ. Điều này là do một số yếu tố, bao gồm khả năng tiếp cận các nguồn lực kinh tế, thông tin liên lạc và đi lại dễ dàng hơn, và số lượng lớn các chuyên gia và doanh nhân sống ở nước ngoài (expatriates) có kỹ năng và kinh nghiệm để đóng góp

Phương tiện quan trọng nhất của việc xây dựng quốc gia của diaspora là các vụ chuyển tiền cá nhân, tiếp theo là các hiệp hội đồng  hương của các thành phố và các sáng kiến ​​từ thiện có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và nâng cao năng lực. Chính phủ của các quốc gia đưa và nhận người di cư, các cơ quan quốc tế và giới học thuật hiện đang dành sự quan tâm đáng kể đến mối quan hệ giữa diaspora và phát triển.

Một lĩnh vực  liên hệ khác đang được chú ý liên quan  đến tiềm năng của các diaspora trong việc giảm chảy máu chất xám ở các nước đang phát triển. Các chương trình sáng tạo trong nước và quốc tế về "khai thác diaspora" đã được thực hiện để các nước sở tại có thể tiếp cận chuyên môn, kiến ​​thức và kinh nghiệm của người ở nước ngoài (cũng như các mạng lưới bên ngoài để phát triển thương mại, truyền thông và công nghệ).

Một trong những hoạt động được biết đến nhiều nhất là “Chuyển giao Kiến thức thông qua Người dân ở Nước ngoài “ ( Transfer of Knowledge through Expatriate Nationals hay  TOKTEN) thuộc về Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, bắt đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1970 và hiện đã được thành lập ở khoảng 50 quốc gia. Chương trình hỗ trợ hàng nghìn công dân nhập cư có chuyên môn nghiệp vụ trở về quốc gia xuất xứ của họ và làm việc trong vài tuần hoặc vài tháng, mặc dù một số chọn ở lại lâu hơn.

Một phương thức xây dựng quốc gia khác, hoặc ít nhất là bảo trì quốc gia (maintenance), là thông qua cứu trợ thiên tai. Có nhiều ví dụ về viện trợ đáng kể từ cộng đồng diaspora sau các thảm họa như cơn bão Mitch ở Trung Mỹ năm 1998 và động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 1999 và ở bang Gujarat của Ấn Độ năm 2001. Các nhóm diaspora có liên quan đến các khu vực trên khắp Ấn Độ Dương đã phản ứng một cách hào phóng với trận sóng thần tháng 12 năm 2004, như đã đề cập ở trên.

Tuy nhiên, ngay cả khi những phản ứng nhân đạo như vậy nảy sinh, hoạt động chính trị của diaspora  có tác dụng phá hoại  vẫn có thể xuất hiện. Theo báo cáo, viện trợ của diaspora cho Gujarat (Ấn độ) sau trận động đất năm 2001 đã giúp duy trì các cuộc tàn sát tập thể có tổ chức (pogrom) chống người Hồi giáo. Đã có những tuyên bố rằng các tổ chức Tamil khác nhau đã quyên tiền cho các nạn nhân sóng thần ở Sri Lanka, và tiền này trong thực tế được sử dụng mua vũ khí và vật liệu cho nhóm  “Hổ Giải phóng” (Liberation Tigers of Tamil Eelam (LTTE).

Cộng đồng diaspora cũng có thể tích cực tham gia vào việc tàn phá đất nước khi có bạo lực và chiến tranh ở quê hương. Các nhóm diaspora đã đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy và hỗ trợ xung đột ở nhiều nơi như Ethiopia, Kosovo, Nagorno-Karabakh, Kashmir, Israel và Palestine.

Hỗ trợ tài chính có thể đến từ nhiều bộ phận khác nhau của diaspora đến các nhóm nổi dậy hoặc nỗ lực của một chính phủ nào đó để tiêu diệt chúng. Khi đây là một cuộc xung đột giữa các sắc tộc, hai hoặc nhiều cộng đồng diaspora có thể đối chọi với nhau, như thể hiện rõ ràng trong sự tan rã của Bosnia.

Cộng đồng diaspora có thể tham gia vào các nỗ lực giải quyết xung đột và duy trì tái thiết sau xung đột, chẳng hạn như ở Eritrea và Sri Lanka. Nhưng với số tiền họ gửi về quê nhà, họ có thể làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột mới trong những năm ngay sau biến động, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới.

Kết luận

Mặc dù họ cư trú bên ngoài biên giới nước gốc (home country) của họ hoặc của cha mẹ họ, nhưng nhiều người vẫn coi họ là thành viên hợp pháp của bản sắc tập thể và trật tự chính trị xã hội của nước đó.

Nhưng các bản sắc (identities) và hoạt động khác nhau của diaspora có xu hướng có những tác động khác nhau đối với quê hương và quốc gia sở tại.

Đối với các quốc gia tiếp nhận (host country), sự trung thành chính trị kép do các diaspora đề xuất có thể làm dấy lên nỗi sợ hãi về "kẻ thù bên trong" (enemies within) và những kẻ khủng bố. Những nghi ngờ như vậy có thể dẫn đến phân biệt chủng tộc và các hình thức phân biệt đối xử khác.

Một câu hỏi khác có tầm quan trọng về chính sách và xã hội được đặt ra ở các quốc gia tiếp nhận: liệu sự ràng buộc của các diapora với quê nhà của họ (diasporic attachment)  - thụ động hay chủ động - có cản trở sự hội nhập của người nhập cư không? Một số người cho rằng những người nhập cư sẽ không bao giờ thực sự hòa nhập nếu họ vẫn luôn luôn nhìn về quê hương (looking “back home”). Những người khác nói rằng chỉ bằng cách duy trì mối quan hệ sắc tộc và xuyên quốc gia bền chặt, người di cư mới có thể xây dựng sự tự tin mà họ cần có để kết hợp thành công [với xã hội tiếp nhận].

Đối với các cộng đồng hải ngoại  của nước mình (national diaspora), người dân trong nước chắc chắn muốn được số tiền  gửi về và có thể đánh giá cao việc vận động hành lang, nhưng họ có thể phản đối  sự tham gia chính trị quá nhiều. Đó là lý do tại sao một số đưa ra các hình thức hạn chế về hai quốc tịch (song tịch) mà không cho mở rộng quá nhiều qua quyền bỏ phiếu và đại diện quốc hội.

Đối với tất cả các khía cạnh của tác động chính trị khác nhau, sự đa dạng trong cộng đồng phải được nhấn mạnh. Trong mỗi  trường hợp vận động hành lang, quyên góp từ thiện hoặc hỗ trợ xung đột nào, mỗi cộng đồng diaspora hiếm khi hoạt động như một thực thể đơn thuần. Hầu hết cộng đồng người hải ngoại, dù dựa trên tiêu chí dân tộc hay quốc gia, đều bao gồm các phe phái đối lập và những tiếng nói bất đồng. Tuy nhiên, những khác biệt thường bị  trấn áp bởi các tác nhân có tổ chức, có mạng lưới (networking) và tài chính tốt hơn, những tác nhân thường là những kẻ thúc đẩy các chương trình nghị sự của chủ nghĩa dân tộc hoặc sắc tộc (nationalist or ethnic agenda).

Diasporas hiện thân một cách mạnh mẽ các xu hướng rộng lớn hơn trong bản tính đang thay đổi của các quốc gia-dân tộc (nation-states). Ngày nay, bản sắc về  quốc gia / dân tộc, cộng đồng chính trị và nơi cư trú không còn  tự động ăn khớp với nhau một cách gọn gàng.

Thay vào đó, người di cư có nhiều gắn bó khác nhau mà công nghệ hiện đại đã tạo điều kiện thuận lợi. Bản sắc chính trị và tập quán của họ được định hình giữa và trong bối cảnh của cả quê hương của người di cư và xã hội tiếp nhận họ.

Đây là xu hướng không thể đảo ngược mà các nhà hoạch định chính sách cần lưu ý khi xem xét lại bất kỳ điều chỉnh nào đối với chính sách nhập cư và hội nhập. Chúng ta không thể mong đợi những người di cư ngày nay chỉ đơn giản là cắt bỏ các gốc rễ của họ.(6)

Nguyên tác: The Political Importance of Diasporas

Tác giả Steven Vertovec là Giám đốc tại Viện Max Planck về Nghiên cứu Đa dạng Tôn giáo và Dân tộc, Göttingen và Giáo sư danh dự về Xã hội học và Dân tộc học, Đại học Göttingen (Đức).

 

Hồ Văn Hiền dịch
Ngày 20 tháng 7 năm 2022

Chú thích (HVH):

1)Phân biệt ‘citizen’, ‘citizenship’ và ‘nationality’:

Từ điển Anh Việt-Việt Anh của Quỳnh Lâm (1968) dịch citizen là công dân, citizenship là quyền lợi công dân, citizenhood là tư cách công dân, nationality là quốc tịch, ví dụ “Ship of British nationality” Tàu thuộc quốc tịch Anh.

Trên hộ chiếu (passport) của người Việt đã nhập tịch Mỹ, ‘Nationality’ được ghi là USA, cọng thêm ‘Place of birth’: Vietnam.

Trong đa số trường hợp chúng tôi sẽ dịch “citizenship’ và ‘nationality’ là quốc tịch theo cách nói thông thường (như thi quốc tịch, có “quốc tịch Mỹ” thay vì ‘có quyền công dân Mỹ’) vì đối với Hoa Kỳ, U.S. citizen đồng nghĩa với US national , trừ các trường hợp ngoại lệ cư dân một số lãnh thổ ở ngoại biên tuy họ là người Mỹ (U.S. national) nhưng không có quyền công dân Mỹ (non-U.S. citizen) bàn ở đoạn sau đây:

Theo trang mạng Visanation: Từ ngữ  ‘Nationality’ đề cập đến nơi  bạn sinh ra. Chính phủ của một quốc gia cấp citizenship (quyền công dân) khi đáp ứng các yêu cầu pháp lý cụ thể.

‘Citizenship’ có thể được coi là một trạng thái chính trị vì nó cho biết quốc gia nào công nhận bạn là công dân. ‘Nationality’ liên quan nhiều hơn đến mối quan hệ giữa bạn và nơi sinh của bạn và thường có thể được xem là liên quan đến sắc tộc hoặc chủng tộc. ‘Citizenship’ có thể thay đổi vì bạn có thể là công dân đồng thời ở nhiều nơi và cũng có thể từ bỏ citizenship (quyền công dân) của mình ở một nước nào đó. Mặt khác, bạn không thể thay đổi ‘nationality’ vì đó là quốc tịch bẩm sinh.

Riêng đối với Hoa Kỳ, tất cả ‘ U.S. citizen’ (công dân) Hoa Kỳ là ‘U.S. nationals’ (người quốc tịch  Hoa Kỳ). Tuy nhiên, không phải tất cả ‘U.S. national’ đều là ‘U.S. citizen’.

Ví dụ về ‘U.S. national’ mà không phải ‘U.S. citizen’: người dân  Samoa thuộc Hoa Kỳ và Đảo Swains (một phần của Samoa thuộc Hoa Kỳ, gọi là ‘outlying possessions of the U.S.’) và các cá nhân sinh ra bên ngoài Hoa Kỳ có hai cha mẹ  là ‘U.S. national’ [mà không phải là citizen]. Tương tự như vậy, một người sinh ra bên ngoài Hoa Kỳ với một cha mẹ là national  Hoa Kỳ và một cha mẹ là người nước ngoài. Một công dân Hoa Kỳ có “quyền không thể thay đổi được để cư trú trên lãnh thổ của Hoa Kỳ mà không có giới hạn.” Một ‘national’ Hoa Kỳ có thể trở thành citizen (công dân) thông qua nhập tịch. Điều quan trọng cần lưu ý là ‘U.S. national’  không thể bỏ phiếu trong một cuộc bầu cử hoặc giữ chức vụ ở Hoa Kỳ.

Ở Hoa Kỳ, những người sinh ra trong nước đều là ‘citizen’ (công dân). Tu chính án thứ 14 (14th amendment), được phê chuẩn vào ngày 9 tháng 7 năm 1868, tuyên bố, "Tất cả những người sinh ra hoặc ‘nhập quốc tịch’ (naturalized) Hoa Kỳ và tuân theo quyền tài phán của họ, đều là công dân của Hoa Kỳ và của Tiểu bang nơi họ cư trú."

https://www.immi-usa.com/citizenship-vs-nationality/#:~:text=The%20word%20nationality%20refers%20to,recognizes%20you%20as%20a%20citizen.

2)Croatia  là một quốc gia nằm ở ngã tư của Trung và Đông Nam Âu, giáp biển Adriatic, phía đông nước Italia. Thủ đô: Zagreb. Diện tích 56.594 kilômét vuông (21.851 dặm vuông) và dân số năm 2019 là 4,076,246 người, hầu hết  theo Công giáo La Mã. Trước đây Croatia thuộc Liên bang Nam Tư (Yugoslavia). Sau khi chủ nghĩa cọng sản sụp đổ ở Đông Âu, Liên bang Nam Tư tan rã qua những phong trào dân tộc chủ nghĩa theo sắc tộc (ethnic nationalism) , và trở thành nhiều nước nhỏ độc lập  như Croatia,  Serbia, Montenegro, Slovenia (quê hương của cựu đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ Melania Trump).

3)Chính sách của Việt Nam đối với “5,3 triệu người  Việt Nam định cư ở nước ngoài”:

gồm việc gia tăng nhận thức về mối quan hệ với diaspora,  gia tăng đóng góp  từ diaspora cho sự phát triển của VN,  “giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc” trong diaspora, và ”quan tâm chỉ đạo đổi mới nội dung hoạt động và kiện toàn cơ quan đại diện” của VN đối với diaspora.

 

4) Nhà cách mạng Phan Bội Châu (1867-1940) hoạt động ở Nhật từ năm 1905 đến năm 1908, và sau đó vỡ mộng với người Nhật, bắt buộc rời Nhật và di chuyển qua Trung Hoa cho đến lúc ông bị người Pháp bắt năm 1925, tuyên án và đem về an trí ở Huế cho đến lúc ông qua đời.

-Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm (1901-1963)  cũng ở ngoại quốc ( Nhật, Châu Âu, Mỹ) từ năm 1950 cho đến lúc về nước năm 1954 để làm thủ tướng, dưới quyền quốc trưởng Bảo Đại.

5)Về từ ngữ “stateless”

”Stateless nation” là một dân tộc không có riêng một quốc gia (state) của mình trong đó mình là đa số; từ này ngụ ý là đáng lẽ ra họ xứng đáng được một quốc gia cho riêng mình. Dân tộc Do Thái trước đây “stateless” hay “vô quốc gia” cho đến năm 1948 thì Quốc gia Israel được thành lập.

Dân Kurd là một trường hợp “dân tộc vô quốc gia”. Với dân số ước tính khoảng 30 triệu người, người Kurd là một trong những nhóm người lớn nhất không có quốc gia riêng. Quê hương truyền thống của họ, Kurdistan, đã bị chia cắt trong nhiều thế kỷ hỗn loạn chính trị ở Trung Đông. Vùng đất từng là Kurdistan hiện bị chia cắt dọc theo biên giới của Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Syria.

Mặc dù không có cuộc điều tra dân số chính xác gần đây về cộng đồng  diaspora người Kurd, nhưng các số liệu được chấp nhận rộng rãi ước tính khoảng 1,2 triệu người Kurd sống bên ngoài Kurdistan, với khoảng một nửa số người Kurd sống ở Đức.

https://thekurdishproject.org/kurdistan-map/kurdish-diaspora/

Người Kashmir, nói tiếng Kashmiri là cư dân vùng thung lũng Kashmir, có nhiều tranh chấp giữa Án độ, Pakistan và Trung quốc. 6,8 triệu người ở vùng do Ấn độ cai trị. Một số người Kashmir muốn xứ họ trở thành một quốc gia độc lập và trung lập.

Cộng đồng người Tamil từ Sri Lanka gồm chừng 900 ngàn người di cư sống rải rác và phân tán trên toàn cầu, tập trung ở  Vương quốc Anh (120 ngàn), Canada (157 ngàn), Ấn Độ, Châu Âu, Úc, Hoa Kỳ (25 ngàn), Malaysia, Singapore, Seychelles và Mauritius.

Ở đây stateless xin được dịch là “vô quốc gia” thay vì “vô tổ quốc” như một số nơi dịch từ “apatride” của tiếng Pháp ( patrie = tổ quốc). Tiếng Anh cũng dùng danh từ (noun) tiếng Pháp này, được định nghĩa là a stateless, displaced person. Tiếng Trung dịch stateless là “vô quốc tịch”.

Từ điển Larousse định nghĩa apatride như sau:

Se dit de quelqu'un qui, ayant perdu sa nationalité, n'en a pas légalement acquis une autre.

(Dùng để chỉ một người đã mất quốc tịch của mình mà chưa sở đắc một quốc tịch khác theo pháp lý.)

Sau ngày 30/4/1975 người Việt trốn khỏi nước được gọi là “apatride” hay dịch qua tiếng Việt là “vô  tổ quốc” vì quốc gia Việt Nam Cộng Hoà không còn tồn tại nữa.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Nam, hành nghề luật tại Sài Gòn (Trên trang mạng BBC; 12 tháng 3 2013):

“Tổ quốc, có thể hiểu là đất nước do tổ tiên để lại, chỉ nơi sinh thành tổ tiên dân tộc ta; sinh thành tổ tiên, ông bà, cha mẹ của mỗi con người.

Tổ quốc Việt nam là cội nguồn chung của mọi người Việt nam từ hàng ngàn năm nay. Vì thế, dĩ nhiên Tổ quốc không thể mang một ý thức hệ tư tưởng nào cả.

Tên Tổ quốc chỉ giản dị cho biết đó là Tổ quốc của dân tộc nào, ai có nguồn cội từ đâu. Trong quá trình Toàn cầu hóa, Nhà nước có thể mất đi, nhưng Tổ quốc sẽ vẫn luôn tồn tại.”

Thiết tưởng người tỵ nạn chỉ mất quốc tịch gắn liền với quốc gia VNCH, từng được hàng trăm quốc gia khác công nhận, nhưng tổ quốc  của tiền nhân để lại vẫn còn đó, cho nên người dịch  xin chọn từ “vô quốc gia” có tính cách pháp lý hơn là “vô tổ quốc”.

6) Về vai trò của quê nhà và lịch sử, quá khứ  trong văn chương hải ngoại:

Phạm thị Hoài, một nhà văn và nhà báo sanh tại Hải Dương, miền Bắc VN, và học ở Đức và hiện đang ở Đức nhận xét:  “Ở hải ngoại hiện tại với 4 triệu người sử dụng, nó không thực sự truyền bá văn hóa Việt Nam, có chăng chỉ mong làm phần nước sốt rưới lên một món đồng hóa toàn cầu nào đó cho phảng phất mùi vị Việt. Chỉ số ảnh hưởng của nó không đáng kể, song chỉ số hòa bình có lẽ cao.”

https://vietbao.com/a313150/ngon-ngu-ba-quyen

Một học giả, nhà báo và giáo sư đại học nổi tiếng người gốc miền nam VN , hiện ở  Úc, Nguyễn Hưng Quốc, thì viết như sau trong cuốn sách “Sống Và Viết Ở Hải Ngoại” của mình:

“Phần tôi, mặc dù sống ở ngoại quốc đã gần 40 năm, vẫn chủ yếu viết bằng tiếng Việt. Tiếng Việt là quê hương của tôi. Các thứ tiếng khác chỉ là những cõi lưu đày, ở đó, tôi không có quá khứ, cũng không có họ hàng. Tiếng Việt còn là thân thể của tôi.”

Nhưng Nguyễn Hưng Quốc cũng viết rằng đối với một số người hải ngoại ông biết:

“Theo họ, Việt Nam chỉ là nơi để đi du lịch chứ không phải là nơi có thể sống được lâu dài. Người ta đưa ra hai lý do chính: Một là nhớ con cháu tại Úc; hai là, Việt Nam hoàn toàn không an toàn.” (An toàn về địa chính trị, chính trị và môi trường sống).

https://vietbao.com/p301418a312775/song-va-viet-o-hai-ngoai-hoi-ky-cua-nguyen-hung-quoc

Đối với thế hệ 1.5 (lớn lên ở hải ngoại) và 2 ( sinh ra tại Hải ngoại), có thể tiếng Việt không đóng vai trò là “quê hương, là thân thể “ như Nguyễn  Hưng Quốc nói ở trên. Tuy nhiên trong những nước Tây phương như Mỹ, Anh, Pháp, Úc càng ngày càng trở nên đa văn hoá, đa sắc tộc; với chính trị  bản sắc (identity politics) càng lúc càng nặng nề, trong đó những người cùng một chủng tộc hay sắc tộc, tôn giáo, giới tính phát triển các agenda chính trị riêng dựa trên những bản sắc này, mặc dù ngôn ngữ chuyển tải không phải là tiếng Việt mà tiếng Anh.

-Ocean Vương (Vương Quốc Vinh), Việt kiều (cháu nội của một người lính Mỹ, đến Mỹ lúc mới hai tuổi), văn sĩ và thi sĩ tiếng Anh từng đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, giáo sư tại đại học nổi tiếng , người đồng tính, có sách được dịch và ca tụng ở Việt Nam,  là một người Việt hải ngoại  mang nhiều bản sắc khác nhau cùng một lúc.

https://www.theguardian.com/books/2017/oct/03/ocean-vuong-forward-prize-vietnam-war-saigon-night-sky-with-exit-wounds

https://en.wikipedia.org/wiki/Ocean_Vuong

Tuy đến từ Mỹ lúc còn nhỏ, Ocean Vương có những nhận xét sâu sắc về văn hóa lâu đời của Việt Nam so với văn hóa Mỹ lúc trả lời câu hỏi về một bài thơ “Old Glory”  của anh chứa đầy những từ ngữ đầy bạo lực trong ngôn ngữ hàng ngày ở Mỹ:

…”Văn hóa Trung Quốc và Việt Nam lâu đời hơn Mỹ rất nhiều. Và tôi nghĩ, theo nghĩa này, nước Mỹ vẫn chưa trưởng thành. Tôi cho rằng cách nó hiển thị và xử lý ngôn ngữ vẫn còn khá sơ khai đối với một quốc gia và một nền văn hóa có nhiều sức mạnh và khả năng như vậy về công nghệ. Nó thực sự thật cổ lỗ trong cách nó hình dung khả năng của ngôn ngữ, và theo nghĩa này, văn hóa Trung Quốc và Việt Nam đang đi trước, cả về dòng thời gian, nhưng cũng về mặt văn hóa, về óc khôn ngoan của họ. Vào những ngày đẹp trời, tôi tin rằng cuối cùng nước Mỹ cũng có thể đạt được sự khôn ngoan  đó. Chúng ta thường coi những quốc gia nước ngoài này là “lạc hậu”, nhưng chúng ta chỉ đo lường điều đó ở G.D.P (tổng sản lượng quốc gia thô). Và công nghệ. Nhưng nếu nói đến sự khôn ngoan tinh thần về cách xử lý một thứ như ngôn ngữ, thì Việt Nam đang đi trước, và tôi hy vọng một ngày nào đó Mỹ sẽ bắt kịp.”

https://www.newyorker.com/culture/the-new-yorker-interview/ocean-vuong-is-still-learning

-Những người thế hệ thứ 2 có thể có nguồn gốc chủng tộc hay quốc gia từ nhiều nơi, nhiều nước.

Mattie Do , đạo diễn nữ đầu tiên và duy nhất của nước Lào,  cha là người Việt nhưng sanh tại Los Angeles (Mỹ), sau khi đã làm việc cho các phim Âu-Mỹ,  năm 2010 đã trở về nước ở Vientiane để săn sóc cho cha và làm tư vấn cho hãng phim Lao Art Media. Cô  là tác giả của  « Chanthaly », phim kinh dị ( 2013).

Mattie Do đến Cannes và trình bày về dự án phim “Người chị yêu dấu”(Dearest Sister), nội dung nói về một cô nông dân nghèo ở miền Nam nước Lào, lên thủ đô Viêng Chăng để chăm sóc một người chị họ giàu có. Người chị này không hiểu vì sao đã bị mù, nhưng nay có khả năng giao tiếp với người chết, và nhờ người cõi trên mách bảo, có thể đoán được những số sẽ trúng độc đắc.

Cô nông dân phải chọn lựa thế nào: chăm sóc cho đến khi người chị khỏi bệnh, hay lợi dụng sự tật nguyền của người chị để có thể thoát cảnh nghèo nhờ trúng số?

« Đây là một phim ma, nói về cuộc sống ở Lào, với hai nhân vật chính là hai phụ nữ xuất thân từ hai thành phần xã hội khác nhau, từ những vùng khác nhau. Nội dung bộ phim muốn phản ánh tình trạng cách biệt giàu nghèo ngày càng tăng trong xã hội Lào, do nước tôi hiện nay phát triển quá nhanh. Người ta sợ rằng người dân vùng nông thôn, khi buộc phải lên Viêng Chăng và các thành phố khác để kiếm sống, sẽ bị lây nhiễm những cái xấu của lối sống vật chất của người dân thành thị. »

https://www.rfi.fr/vi/van-hoa/20140524-lien-hoan-cannes-ho-tro-dien-anh-cac-nuoc-ngheo

https://en.wikipedia.org/wiki/Mattie_Do#Personal_life

Do đó, dù biết ít hay nhiều tiếng Việt, thế hệ diaspora trẻ càng lúc càng muốn tìm hiểu về nguồn gốc chủng tộc và văn hoá và  di sản của mình và dùng những vốn liếng này để tạo một chỗ đứng riêng của mình trong môi trường xã hội Tây phương mới không chỉ có một dòng chính mà gồm nhiều dòng chảy song song với nhau.

 

Hồ Văn Hiền dịch và chú thích
     Ngày 27 tháng 8 năm 2022